Những lợi ích sức khỏe của acid béo omega-3

Ngày: 06/11/2020 lúc 15:37PM

Omega-3 là một họ các acid béo đóng vai trò thiết yếu và có lợi cho sức khỏe. Cơ thể không tự sản xuất được omega-3 mà phải cung cấp từ chế độ ăn hàng ngày. Vậy các acid béo omega-3 đem lại những lợi ích gì? Hãy tìm hiểu về omega-3 trong bài viết dưới đây.

Acid béo Omega-3, còn được biết đến là acid béo không bão hòa đa nối đôi, đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người. Từ các nghiên cứu cho thấy chúng có rất nhiều lợi ích đối với tim, não, ruột và các khớp xương nhờ vào các chất phân giải và các chất chuyển hóa có hoạt tính giúp giảm viêm.

Acid béo Omega-3 bao gồm:

  • Acid Alpha-Linoleic (ALA, một acid béo Omega-3) có thể được tìm thấy trong hạt lanh, quả óc chó, đậu nành, hạt chia và hạt cây gai dầu.
  • Acid Eicosapentaenoic (EPA hay Acid Icosapentaenoic) thường được tìm thấy trong dầu cá, dầu nhuyễn thể và trứng gà (nếu gà được cho ăn EPA).
  • Acid Docosahexaenoic (DHA, một acid béo Omega-3) chiếm một lượng lớn thành phần trong não, da và mắt. Mặc dù quan trọng nhưng acid này không được coi là thiết yếu vì nó có thể được sản xuất khi cơ thể có đủ lượng Acid Alpha-Linoleic (ALA).
Một nghiên cứu năm 2014 chỉ ra rằng phần lớn người trưởng thành ở Hoa Kỳ không thực hiện đầy đủ theo khuyến cáo dinh dưỡng về việc sử dụng acid béo Omega-3. 90% người Mỹ không ăn đủ lượng khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, về 2 khẩu phần ăn tương đương 100g cá ít thủy ngân mỗi tuần. Tình trạng này không chỉ gặp ở riêng Bắc Mỹ mà còn ở khắp châu Âu, Trung Đông và một số khu vực của châu Á. Điều này thật đáng buồn khi mà việc cung cấp đủ lượng acid béo Omega-3 giúp ích rất nhiều cho tình trạng bệnh lý chung của cơ thể.

1. Tác dụng của Omega-3 trên chứng rối loạn tăng động giảm chú ý

Rối loạn tăng động giảm chú ý hay ADHD là tình trạng phổ biến mà mọi lứa tuổi phải đối mặt. Với những trẻ em trong môi trường trường học truyền thống, ADHD có thể gây suy nhược và ảnh hưởng tiêu cực đến sự tự tin của trẻ. Hàng triệu người trưởng thành cũng mắc phải tình trạng này. Nó có thể gây ra nhiều vấn đề trong công việc và trong các mối quan hệ cá nhân. Thuốc kê đơn có thể khá hữu ích nhưng không tránh khỏi các tác dụng phụ. Một nghiên cứu năm 2016 đã chứng minh rằng acid béo Omega-3 có thể có lợi trong việc điều trị cho những người có triệu chứng của ADHD. Các nghiên cứu khác cũng cho thấy lợi ích tương tự. 

2. Omega-3 làm giảm sự lo âu

Chứng rối loạn lo âu ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới. Thuốc kê đơn thường xuyên được sử dụng và dần trở thành thói quen. Nhiều người đã tìm kiếm những lựa chọn thay thế khác. Một phân tích tổng hợp năm 2018 trong tạp chí JAMA, gồm 2240 người tham gia đến từ 11 quốc gia khác nhau, đã kết luận rằng acid béo Omega-3 có thể giúp làm giảm các triệu chứng lo âu. Các nghiên cứu khác cũng cho thấy những phát hiện tương tự.

3. Omega-3 giúp giảm đau trong bệnh viêm khớp

Đến một độ tuổi, viêm xương khớp có thể ảnh hưởng đến các khớp xương, thường gây ra cứng khớp vào buổi sáng và khó cử động. Đối với nhiều người, cơn đau có thể được cải thiện khi vận động, nhưng việc giảm tình trạng viêm trong cơ thể mới mang tính quyết định. Dầu cá Omega-3 (EPA/DHA) có thể giúp ích cho việc đó. Tôi thường xuyên giới thiệu Omega-3 cho những bệnh nhân có triệu chứng viêm khớp và đã có những kết quả tốt trông thấy. Việc sử dụng Omega-3 thường xuyên giúp bệnh nhân giảm sự phụ thuộc vào các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID: Ibuprofen, Naproxen, Diclofenac), những thuốc có khả năng làm tăng nguy cơ biến chứng trên tim và thận.

Các nghiên cứu cho thấy acid béo thiết yếu giúp giảm đau và hạn chế việc sử dụng thuốc NSAID, việc sử dụng dầu cá hàng ngày cũng giúp giảm độ cứng cho khớp.

4. Omega-3 làm giảm triệu chứng của bệnh hen suyễn

Hen suyễn là một bệnh viêm phổi có thể chữa khỏi, xảy ra khi các cơ xung quanh mô phổi co lại. Trên toàn thế giới, có khoảng 300 triệu người bị mắc hen suyễn trong đó có gần 250 000 người chết vì các biến chứng của bệnh hàng năm. Hen suyễn có thể gây ra các triệu chứng như thở khò khè, ho và khó thở.

Các nhà khoa học đã đo lường sự gia tăng các protein gây viêm (IL-17A và TNF- α) trong máu của những người mắc hen suyễn. Khi cho trẻ em bị hen suyễn từ nhẹ đến trung bình dùng 180mg EPA/120mg DHA mỗi ngày trong ba tháng. Kết quả cho thấy lượng protein gây viêm này đã giảm đi. Ngoài ra, khi kiểm tra phổi, chức năng phổi được cải thiện ở 72% bệnh nhân.

Một nghiên cứu năm 2017 gợi ý rằng việc bổ sung dầu cá cho phụ nữ mang thai có thể giúp giảm các triệu chứng của bệnh hen suyễn ở trẻ sau khi sinh (tham khảo ý kiến ​​bác sĩ khi mang thai). Một nghiên cứu năm 2018 trên tạp chí Dị ứng và Miễn dịch học Nhi khoa kết luận rằng: “Việc cho trẻ ăn cá sớm (6-9 tháng) và ăn tất cả các loại cá thường xuyên (ít nhất một lần một tuần) làm giảm bệnh hen suyễn và thở khò khè ở trẻ em từ khi còn bé đến hơn 4 tuổi rưỡi, ăn cá béo cũng có lợi đối với trẻ lớn hơn.

Cuối cùng, một nghiên cứu năm 2016 trên tạp chí Đánh giá nghiên cứu dinh dưỡng kết luận rằng việc bổ sung dầu cá Omega-3 có thể mang lại lợi ích cho người bị hen suyễn, trong khi một nghiên cứu khác năm 2016 trên Cytokine kết luận rằng Omega-3 là một phương pháp bổ sung đầy hứa hẹn để kiểm soát bệnh hen suyễn. 

5. Omega-3 giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh trầm cảm

Trầm cảm là một căn bệnh phổ biến mà hàng triệu người đang gặp phải. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này. Thuốc kê đơn có thể hữu ích, nhưng thường phải thử nghiệm qua các công thức khác nhau cho đến khi tìm ra loại có hiệu quả nhất. Nhiều người tìm kiếm các cách tiếp cận thay thế và việc tối ưu hóa các acid béo thiết yếu là một trong những cách tiếp cận được thực hiện.

Một nghiên cứu năm 2001 cho thấy EPA (acid béo thiết yếu) có thể giúp điều trị chứng trầm cảm nặng. Một nghiên cứu khác năm 2015 trong tạp chí Nghiên cứu Y học Tổng hợp ủng hộ việc sử dụng dầu cá Omega-3 trong điều trị trầm cảm. Nghiên cứu năm 2017 trên 38 trẻ em bị trầm cảm và lo lắng đã chứng minh rằng khi được cung cấp acid béo Omega-3, các triệu chứng trầm cảm được cải thiện song các triệu chứng lo lắng không được cải thiện đáng kể trong nghiên cứu này. 

Một nghiên cứu năm 2017 về người trưởng thành cho thấy không có đủ bằng chứng để chứng minh acid béo Omega-3 đều giúp ích đối với những người bị trầm cảm. Vì thế, cần có thêm nhiều nghiên cứu để đánh giá. 

6. Omega-3 giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột 

Một đường ruột khỏe mạnh rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể. Trục ruột – não đóng một vai trò quan trọng trong nhận thức và toàn bộ sức khỏe thể chất. Theo một nghiên cứu năm 2017 trên tạp chí Khoa học Phân tử Quốc tế, acid béo Omega-3 đóng một vai trò quan trọng trong việc cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột và còn có tác dụng hỗ trợ hệ vi khuẩn đường ruột. Một nghiên cứu trên động vật năm 2016 cũng chỉ ra rằng acid béo Omega-3 có thể bảo vệ ruột chống lại những thay đổi do kháng sinh gây ra như làm sự mất cân bằng của vi khuẩn khỏe mạnh ở đường ruột. 

7. Omega-3 làm giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim

Bệnh tim giết chết hàng triệu người trên toàn thế giới. Y học hiện đại tập trung vào việc giảm các yếu tố nguy cơ như huyết áp cao, cholesterol và tiểu đường với hy vọng giảm các biến chứng do bệnh tim. Acid béo Omega-3 cũng có thể đóng một vai trò nào đó.

Một nghiên cứu năm 2013 trên tạp chí Lịch sử của Y học nội khoa đã nghiên cứu  2692 nam giới trưởng thành ở Hoa Kỳ ở độ tuổi từ 69 đến 79, không có tiền sử bệnh tim, đột quỵ hoặc suy tim sung huyết. Những người đàn ông này được đo nồng độ acid béo trong máu vào năm 1992. Họ được theo dõi đến năm 2008. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có mức EPA và DHA cao thường có nguy cơ tử vong thấp hơn 17% và 23%. Họ kết luận rằng tổng 3 loại acid béo không bão hòa đa nối đôi cao có liên quan đến việc giảm nguy cơ tử vong do bệnh mạch máu.

Trong một nghiên cứu năm 2012 ở những người từng bị đau tim, các nhà nghiên cứu kết luận rằng những người sử dụng acid béo Omega-3 (EPA và DHA) làm giảm hơn 45% nguy cơ tử vong vì đột tử do tim, giảm 20% bệnh tim mạch và khả năng tử vong vì bất kỳ nguyên nhân nào ít hơn 15%

8. Omega-3 làm giảm hàm lượng triglyceride trong máu

Trong cơ thể, lượng chất béo trung tính cao được biết đến là một yếu tố nguy cơ của bệnh tim. Do đó, việc hạ thấp lượng chất béo trung tính là rất quan trọng. Ngoài việc sử dụng các acid béo thiết yếu, chế độ ăn uống cũng cần được chú trọng. Các công ty dược phẩm đã nhận ra lợi ích của việc giảm chất béo trung tính và phát triển một loại dầu cá dược phẩm, được FDA chấp thuận. Tuy nhiên, do giá thành cao, nhiều người không đủ khả năng chi trả. Một sự thay thế tuyệt vời là viên nang dầu cá không kê đơn. 

Một nghiên cứu năm 2016 trên tạp chí Chất béo trong sức khỏe và bệnh tật kết luận rằng acid béo Omega-3 rất hữu ích trong việc giảm chất béo trung tính. Hơn nữa, một nghiên cứu phân tích tổng hợp năm 2017 về xơ vữa động mạch trên 1378 người cho thấy ăn cá nhiều dầu giúp giảm chất béo trung tính và tăng mức HDL (cholesterol tốt cho cơ thể). Đây là hai dấu hiệu sinh học quan trọng đối với bệnh tim mạch.

9. Tác dụng giảm viêm của Omega-3 trên chứng đau nửa đầu 

Chứng đau nửa đầu là chứng đau đầu do suy nhược có thể làm thay đổi cuộc sống. Chúng cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng mất khả năng làm việc. Vì vậy, việc phòng ngừa bệnh đóng vai trò then chốt. Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy acid béo Omega-3 giúp ích trong việc điều trị bằng cách giảm tình trạng viêm trong não. 

10. Omega-3 giúp điều trị bệnh vẩy nến 

Bệnh vẩy nến là một tình trạng viêm da mạn tính thường biểu hiện với các mảng da khô nổi lên khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn. Thuốc kê đơn có thể hữu ích, nhưng đôi khi lại kèm theo các tác dụng phụ nghiêm trọng. Do đó, người ta thường tìm kiếm các phương pháp điều trị tự nhiên. Ngoài việc tránh các loại thực phẩm có thể gây bùng phát bệnh, chẳng hạn như sữa hoặc lúa mì, acid béo Omega-3 đã trở thành một lựa chọn phổ biến đối với nhiều người.

Một nghiên cứu năm 2018 trên tạp chí Những báo cáo khoa học chỉ ra rằng Resolvin E1, một chất chuyển hóa Omega-3, đã giải thích cơ chế mà acid béo Omega-3 có thể giúp điều trị bệnh vẩy nến. 

Một nghiên cứu năm 2015 trên tạp chí Học viện Da liễu Hoa Kỳ đã xem xét 15 nghiên cứu và phát hiện 12 nghiên cứu cho thấy acid béo Omega-3 có lợi, trong khi ba thử nghiệm không cho thấy lợi ích.

Dựa trên nghiên cứu, những người bị bệnh vẩy nến nên thử điều trị bằng Omega-3. Một số đã ghi nhận sự cải thiện khi cơ thể được bổ sung vitamin D. Liều lượng acid béo Omega-3 được khuyên dùng nằm trong khoảng từ 2000 mg đến 10 000 mg mỗi ngày khi kết hợp dùng EPA/DHA. 

11. Omega-3 làm giảm đau và sưng khớp đối với bệnh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một tình trạng tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch tấn công các khớp, đặc biệt là sụn và thậm chí là xương dẫn đến các cơn đau viêm khớp nghiêm trọng và thường xuyên gây suy nhược, mệt mỏi. Mặc dù có tới 1/3 người dùng thuốc theo đơn của bác sĩ nhận thấy sự cải thiện nhưng nhiều người lo ngại về tác dụng phụ về lâu dài và tìm kiếm cách tiếp cận tự nhiên hơn để giảm các triệu chứng. Acid béo Omega-3 có thể là một trong những liệu pháp như thế. 

Một nghiên chứng cứu năm 2010 đã minh hiệu quả của dầu cá Omega-3 trong việc giảm đau và sưng khớp ở những người bị viêm khớp dạng thấp. Một nghiên cứu năm 2016 trong tạp chí Khoa học Y tế toàn cầu đã đánh giá 60 bệnh nhân dùng DMARD (thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm) đối với tình trạng bệnh của họ. Khi so sánh với viên giả dược, những người dùng acid béo Omega-3 ghi nhận sự cải thiện đáng kể các triệu chứng, tăng khả năng vận động và ít đau hơn. Một nghiên cứu năm 2015 trên tạp chí  Lịch sử của bệnh thấp khớp cũng chỉ ra rằng những người đang điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp thấy tốt hơn khi thêm dầu cá vào chế độ điều trị của họ.

Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy không có bất kỳ bằng chứng nào về việc ăn nhiều cá hoặc dầu cá ngăn ngừa sự khởi phát của bệnh viêm khớp dạng thấp. Tại thời điểm này, có vẻ như tác dụng của nó chỉ thể hiện trong việc điều trị khi bệnh nhân đã được chẩn đoán bệnh. 

12. Omega-3 làm giảm viêm trong chấn thương sọ não

Chấn thương sọ não (TBI) đã được hiểu một cách rõ ràng hơn trong vòng một thập kỷ qua. Điều này đã được đưa ra ánh sáng bởi các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp và những biến chứng mà họ gặp phải do chấn thương nhiều lần. Các binh sĩ cũng bị ảnh hưởng bởi TBI vì phơi nhiễm vết thương do vụ nổ. 

Các nhà khoa học đã nhận ra rằng tình trạng viêm xảy ra khi não bị chấn thương. Điều này dẫn đến tổn thương oxy hóa và tăng các acid amin kích thích. Một nghiên cứu năm 2012 trên tạp chí Y học Cấp cứu Hoa Kỳ cho thấy rằng việc sử dụng sớm acid béo Omega-3 có thể giúp giảm một số triệu chứng viêm xảy ra, dẫn đến kết quả tốt hơn.

Một nghiên cứu năm 2016 trên tạp chí Trường cao đẳng Y tế Hoa Kỳ đã thảo luận về tính an toàn tổng quát của acid béo Omega-3 và đề xuất có thể coi đây là phương pháp điều trị đầu tiên cho chấn thương sọ não. Phương pháp điều trị này có thể được xem xét cho các vận động viên, quân nhân hoặc những người bị tai nạn. 

13. Omega-3 có nguy cơ gây chảy máu?

Các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân ngừng sử dụng dầu cá trước khi phẫu thuật. Theo một nghiên cứu năm 2017 đã tìm hiểu về 52 nghiên cứu khác, ngừng sử dụng dầu cá là không cần thiết vì khi việc bổ sung dầu cá không làm tăng nguy cơ chảy máu trong hoặc sau khi phẫu thuật. Mặc dù vậy, việc tuân thủ khuyến cáo của bác sĩ vẫn được khuyến khích. 

Một số cũng có thể nhận thấy chứng khó tiêu khi bổ sung dầu cá. Nếu bạn gặp tình trạng này, có thể xem xét một sản phẩm thay thế.

14. Dùng Omega-3 với liều lượng bao nhiêu?

Hầu hết liều dùng là từ 500 mg đến 4000 mg dầu cá mỗi ngày. Nếu dùng liều cao hơn, nên cân nhắc sử dụng một nửa vào buổi sáng và một nửa vào buổi tối. Ngoài ra còn có thể lựa chọn các EPA/DHA có sẵn. Dầu cá có sẵn ở dạng lỏng, viên nang và thậm chí có cả các công thức ở dạng kẹo dẻo.

Nguồn tham khảo: iherb.com

Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới:

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/27458590

https://www.iherb.com/blog/health-benefits-of-omega-3-fatty-acids/661

https://www.heart.org/en/healthy-living/healthy-eating/eat-smart/fats/fish-and-omega-3-fatty-acids


 

Dương Như Quỳnh
BÌNH LUẬN
Tin cùng chuyên mục

        Dược sĩ tư vấn