7 lợi ích nổi bật từ rau đắng biển Bacopa monnieri
Ngày: 17/05/2021 lúc 08:54AM
Rau đắng biển Bacopa monnieri là một loại thảo dược được các nhà y học Ayurvedic sử dụng trong nhiều trường hợp bao gồm cải thiện trí nhớ, giảm lo lắng và điều trị chứng động kinh.
Rau đắng biển là một loại thảo dược quan trọng trong y học Ayurvedic truyền thống. Nó thường sống trong môi trường nhiệt đới ẩm và có khả năng phát triển mạnh dưới nước nên bạn cũng có thể trồng nó trong bể cá.
Rau đắng biển đã được các nhà y học Ayurvedic sử dụng trong nhiều thế kỷ cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm cải thiện trí nhớ, giảm lo lắng và điều trị chứng động kinh. Trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy rằng, nhóm các hợp chất mạnh được gọi là bacoside trong Rau đắng biển có thể tăng cường chức năng não, giảm bớt lo lắng và căng thẳng.
Dưới đây là 7 lợi ích nổi bật của rau đắng biển Bacopa monnieri.
1. Chứa chất chống oxy hoá mạnh
Chất chống oxy hoá là những chất giúp bảo vệ tế bào, chống lại những tổn thương gây ra bởi các gốc tự do. Nghiên cứu cho thấy rằng, tổn thương do các gốc tự do gây ra, có liên quan đến nhiều bệnh mạn tính, như bệnh tim, đái tháo đường và một số bệnh ung thư.
Rau đắng biển chứa các hợp chất mạnh, có tác dụng chống oxy hóa như bacoside. Đây là hợp chất hoạt động chính trong rau đắng biển, đã được chứng minh là có khả năng trung hòa các gốc tự do và ngăn các phân tử chất béo phản ứng với các gốc tự do.
Khi các phân tử chất béo phản ứng với các gốc tự do, chúng sẽ tạo ra một quá trình gọi là quá trình peroxy hóa lipid. Quá trình peroxy hóa lipid sẽ gây nên một số tình trạng, như bệnh Alzheimer, Parkinson và các rối loạn thoái hóa thần kinh khác. Khi đó, Rau đắng biển có thể giúp ngăn ngừa tổn thương do quá trình này gây ra. Điều này đã được chứng minh ở một số nghiên cứu và thấy rằng, việc điều trị chuột mắc chứng sa sút trí tuệ bằng Rau đắng biển làm giảm tác hại của các gốc tự do và đảo ngược các dấu hiệu suy giảm trí nhớ.
Tóm lại: Rau đắng biển chứa các hợp chất có hoạt tính là bacoside với tác dụng chống oxy hóa, đặc biệt là tác dụng trên não bộ.
2. Tác dụng chống viêm
Viêm là phản ứng tự nhiên của cơ thể để giúp chữa lành vết thương và chống lại bệnh tật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, viêm có liên quan đến nhiều bệnh mạn tính, trong đó có ung thư, đái tháo đường, bệnh tim và bệnh thận.
Từ các nghiên cứu trong ống nghiệm, người ta đã phát hiện ra rằng, Rau đắng biển giúp ngăn chặn giải phóng các cytokine gây viêm, đây là các phân tử kích thích phản ứng viêm. Ngoài ra, Rau đắng biển cũng giúp ức chế các enzym, như cyclooxygenases, caspases và lipoxygenases - tất cả những enzym này đều đóng vai trò quan trọng trong chứng viêm và đau.
Theo các bằng chứng trên động vật, Rau đắng biển có tác dụng chống viêm tương đương với diclofenac và indomethacin. Đây hai loại thuốc chống viêm không steroid thường được sử dụng trong điều trị viêm.
Tóm lại: Các nghiên cứu trên ống nghiệm và động vật cho thấy, Rau đắng biển có đặc tính chống viêm mạnh và ngăn chặn các enzym và cytokine gây viêm.
3. Giúp tăng cường chức năng não
Một nghiên cứu trên chuột cho thấy rằng, việc bổ sung Rau đắng biển giúp cải thiện khả năng học tập trong không gian và khả năng ghi nhớ thông tin của não. Ngoài ra, nó làm tăng chiều dài và sự phân nhánh của đuôi gai. Đuôi gai là một phần của các tế bào thần kinh trong não, có liên quan chặt chẽ với khả năng học tập và ghi nhớ.
Một nghiên cứu kéo dài 12 tuần ở 46 người lớn khỏe mạnh đã quan sát thấy rằng, uống 300 mg chiết xuất Rau đắng biển mỗi ngày giúp cải thiện đáng kể tốc độ xử lý thông tin thị giác, tốc độ học tập và ghi nhớ, so với điều trị giả dược.
Một nghiên cứu khác kéo dài 12 tuần ở 60 người lớn tuổi cũng cho thấy rằng, dùng 300 mg hoặc 600 mg chiết xuất Rau đắng biển hàng ngày giúp cải thiện trí nhớ, sự chú ý và khả năng xử lý thông tin, so với điều trị giả dược.
Tóm lại: Các nghiên cứu trên động vật và con người cho thấy, Rau đắng biển có thể giúp cải thiện trí nhớ, sự chú ý và khả năng xử lý thông tin từ thị giác.
4. Cải thiện các triệu chứng ADHD
Rối loạn tăng động, giảm chú ý (ADHD) là một rối loạn phát triển thần kinh được đặc trưng bởi các triệu chứng như hiếu động thái quá, bốc đồng và không chú ý. Tuy nhiên, một điều rất thú vị là Rau đắng biển có thể giúp giảm các triệu chứng ADHD
Một nghiên cứu ở 31 trẻ em từ 6-12 tuổi cho thấy uống 225 mg chiết xuất Rau đắng biển hàng ngày, trong vòng 6 tháng, làm giảm đáng kể các triệu chứng ADHD ở 85% trẻ em, với các triệu chứng như bồn chồn, kém tự chủ, không chú ý và bốc đồng.
Một nghiên cứu khác ở 120 trẻ bị ADHD quan sát thấy rằng, dùng hỗn hợp thảo dược có chứa 125 mg Rau đắng biển đã cải thiện sự chú ý, nhận thức và kiểm soát hành động, so với nhóm dùng giả dược.
Tóm lại: Rau đắng biển có thể giúp giảm các triệu chứng ADHD, chẳng hạn như bồn chồn và tự chủ, nhưng cần có nhiều nghiên cứu trên người trên quy mô lớn hơn.
5. Ngăn ngừa lo lắng và căng thẳng
Rau đắng biển có thể giúp ngăn ngừa lo lắng và căng thẳng. Nó được coi là một loại thảo mộc giúp cơ thể bạn thích nghi với những thay đổi, làm tăng khả năng chống lại những căng thẳng.
Nghiên cứu cho thấy rằng, Rau đắng biển giúp giảm căng thẳng và lo lắng bằng cách cải thiện giúp tâm trạng tốt hơn và làm giảm mức cortisol, một loại hormone có liên quan chặt chẽ đến mức độ căng thẳng. Một nghiên cứu khác trên loài gặm nhấm cho thấy, Rau đắng biển có tác dụng giảm lo âu tương đương với lorazepam (benzodiazepine), một loại thuốc kê đơn dùng để điều trị lo âu.
Tuy nhiên, các nghiên cứu trên người về Rau đắng biển và sự lo lắng cho các kết quả khác nhau. Ví dụ, hai nghiên cứu trên người kéo dài 12 tuần cho thấy, uống 300 mg chiết xuất Rau đắng biển mỗi ngày làm giảm đáng kể điểm số lo lắng và trầm cảm ở người lớn, so với điều trị giả dược. Một nghiên cứu khác trên người lại cho thấy rằng, điều trị bằng Rau đắng biển không có tác dụng đối với sự lo lắng. Vì vậy, cần có nhiều nghiên cứu trên người trên quy mô lớn hơn để xác nhận tác động của nó đối với căng thẳng và lo lắng.
Tóm lại: Rau đắng biển có thể giúp giảm căng thẳng và lo lắng bằng cách cải thiện tinh thần và giảm mức cortisol.
6. Giúp giảm huyết áp
Huyết áp cao gây tăng áp lực lên tim và mạch máu, vì thế đây là một vấn đề nghiêm trọng liên quan đến sức khỏe.
Nghiên cứu cho thấy rằng, Rau đắng biển có thể giúp giữ huyết áp trong phạm vi bình thường, nó làm giảm cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Rau đắng biển hoạt động bằng cách giải phóng oxid nitric, giúp giãn nở các mạch máu, từ đó giúp cải thiện lưu lượng máu và giảm huyết áp.
Một nghiên cứu khác cho thấy, Rau đắng biển làm giảm đáng kể mức huyết áp ở những con chuột có mức huyết áp cao, nhưng nó không có tác dụng ở những con chuột có mức huyết áp bình thường. Ngoài ra, một nghiên cứu kéo dài 12 tuần ở 54 người lớn tuổi khỏe mạnh cho thấy, uống 300 mg Rau đắng biển mỗi ngày không ảnh hưởng đến mức huyết áp.
Dựa trên những phát hiện hiện tại, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, Rau đắng biển có thể làm giảm huyết áp ở những động vật có mức huyết áp cao. Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu trên người để xác nhận những tác động này.
Tóm lại: Rau đắng biển có thể giúp giảm huyết áp ở động vật có mức huyết áp cao.
7. Đặc tính chống ung thư
Các nghiên cứu trên ống nghiệm và động vật đã phát hiện ra rằng, Rau đắng biển có thể có đặc tính chống ung thư.
Bacosides là một loại hợp chất hoạt động trong Rau đắng biển, trên các nghiên cứu trong ống nghiệm, nó đã được chứng minh là có khả năng tiêu diệt các tế bào khối u não, ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư vú và ung thư đại tràng. Ngoài ra, trong các nghiên cứu trên động vật, Rau đắng biển cũng có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư vú và ung thư da.
Nghiên cứu cho thấy rằng, hàm lượng cao chất chống oxy hóa và các hợp chất như bacoside trong Rau đắng biển là tác nhân chính tạo nên đặc tính chống ung thư.
Tóm lại: Chiết xuất Rau đắng biển đã được chứng minh là có thể ngăn chặn sự phát triển và lây lan của tế bào ung thư trong các nghiên cứu trên động vật và ống nghiệm, tuỳ nhiên cần có thêm những nghiên cứu trên người để chứng minh tác dụng này.
Tác dụng phụ của Rau đắng biển Bacopa monnieri
Mặc dù Rau đắng biển được coi là an toàn, nhưng nó có thể gây ra tác dụng phụ ở một số người. Ví dụ, nó có thể gây ra các triệu chứng trên đường tiêu hóa, bao gồm buồn nôn, co thắt dạ dày và tiêu chảy.
Ngoài ra, chưa có nghiên cứu nào đánh giá mức độ an toàn của việc sử dụng nó trong thai kỳ nên không được khuyến cáo dùng cho phụ nữ đang mang thai. Nó cũng có khả năng tương tác với một số loại thuốc, bao gồm amitriptyline và một loại thuốc giảm đau. Nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng Rau đắng biển.
Tóm lại: Rau đắng biển được xem là an toàn, nhưng một số người có thể bị buồn nôn, co thắt dạ dày và tiêu chảy. Phụ nữ mang thai nên tránh sử dụng loại thảo mộc này. Ngoài ra, những người đang dùng thuốc khác nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng nó.
Cách dùng Rau đắng biển Bacopa monnieri
Rau đắng biển có sẵn ở nhiều dạng, bao gồm cả viên nang và bột. Liều lượng phổ biến cho chiết xuất Rau đắng biển Bacopa monnieri trong các nghiên cứu trên người nằm trong khoảng 300 - 450 mg mỗi ngày. Tuy nhiên, các khuyến nghị về liều lượng có thể rất khác nhau tùy thuộc vào sản phẩm bạn sử dụng. Nếu bạn có thắc mắc về liều lượng, hãy nói chuyện với chuyên gia y tế có chuyên môn để đảm bảo an toàn cho bạn.
Với dạng bột, bạn nên hoà tan vào nước nóng để có thể thưởng thức như một loại trà nhẹ nhàng. Nó cũng có thể được trộn với bơ sữa bò - một dạng bơ đã được làm sạch - và hoà vào nước ấm để làm thức uống thảo dược.
Tóm lại: Rau đắng biển có nhiều dạng nhưng phổ biến nhất là ở dạng viên nang. Liều điển hình bạn nên sử dụng từ 300 – 450 mg mỗi ngày.
Kết luận
Rau đắng biển Bacopa monnieri là một loại thảo dược Ayurvedic cổ đại chữa nhiều bệnh. Các nghiên cứu trên người cho thấy nó có thể giúp tăng cường chức năng não, điều trị các triệu chứng ADHD, giảm căng thẳng và lo lắng. Hơn nữa, các nghiên cứu trên động vật và ống nghiệm đã phát hiện ra rằng, nó có thể có đặc tính chống ung thư, giảm viêm và hạ huyết áp.
Nguồn: Healthline
Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới
https://www.healthline.com/nutrition/bacopa-monnieri-benefits#TOC_TITLE_HDR_6
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/18611150
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/19149749
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/23044265
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/22700087/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/23044824
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/27473605