Triệu chứng nào cho biết bạn đang bị thiếu hụt vitamin?

Ngày: 06/11/2020 lúc 09:58AM

Bất kỳ độ tuổi nào cũng đều có nguy cơ bị thiếu vitamin. Tuy nhiên, trẻ em, phụ nữ mang thai và người cao tuổi có nguy cơ thiếu hụt cao hơn. Đặc biệt, những người có chế độ ăn không lành mạnh hoặc không đủ chất dinh dưỡng.

 

vitamin

 

Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến bạn 5 dấu hiệu chứng tỏ bạn có thể đang bị thiếu các Vitamin thiết yếu, đó là:

  • Lo âu, căng thẳng 
  • Tầm nhìn kém vào buổi tối 
  • Chảy máu chân răng 
  • Mệt mỏi 
  • Móng giòn và tóc dễ gãy rụng

Hiện nay, thiếu vitamin là tình trạng phổ biến trên toàn cầu. Nguyên nhân chính gây thiếu vitamin là do chế độ ăn uống không cung cấp đủ lượng vitamin cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra còn rất nhiều nguyên nhân thứ cấp khác như sự kém hấp thu của dạ dày. Bất kỳ độ tuổi nào cũng đều có nguy cơ bị thiếu vitamin. Tuy nhiên, trẻ em, phụ nữ mang thai và người cao tuổi có nguy cơ thiếu hụt cao hơn. Đặc biệt, những người có chế độ ăn không lành mạnh hoặc cung cấp không đầy đủ các loại thức ăn cũng có thể bị thiếu vitamin. Các triệu chứng xuất hiện khi thiếu hụt vitamin có thể nhẹ với người này hoặc xuất hiện rõ ràng hơn với người khác. Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến báo hiệu rằng bạn đang bị thiếu vitamin và các cách để khắc phục tình trạng này. 

1. Lo âu, căng thẳng

Tổ chức Y Tế thế giới ước tính rằng có khoảng 300 triệu người trên thế giới bị ảnh hưởng bởi chứng rối loạn lo âu. Các triệu chứng lo âu phổ biến có thể gặp bao gồm: lo lắng quá mức, sợ hãi, tim đập nhanh, đổ mồ hôi, mất ngủ và tăng thông khí. Một số nghiên cứu cho thấy, sự thiếu hụt vitamin có thể liên quan đến sự gia tăng tình trạng lo âu ở nhiều người.

Vitamin D là một loại vitamin tan trong chất béo, có một lượng nhỏ trong thực phẩm nạp vào hàng ngày và ánh sáng mặt trời. Vitamin D từ thức ăn và ánh sáng mặt trời đều phải trải qua quá trình chuyển đổi hóa học trong cơ thể. Dạng tích trữ có hoạt tính mạnh nhất của vitamin D là vitamin D3, còn được gọi là calcitriol. Nó có liên quan đến sự phát triển và hình thành xương, chức năng miễn dịch và giảm viêm. Một số nghiên cứu cho thấy thiếu Vitamin D-một tiền hormone, có thể liên quan đến cảm giác lo âu. Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy, bổ sung vitamin D có thể cải thiện chứng lo âu và trầm cảm.

Một số nghiên cứu khác cho thấy, thiếu Vitamin B cũng liên quan đến việc gia tăng các triệu chứng lo lắng. Vitamin B6 (pyridoxine) là một cofactor tham gia vào quá trình tổng hợp acid gamma-aminobutyric (còn được gọi là GABA), serotonin và dopamine. Đây đều là các chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng giảm căng thẳng cho thần kinh và cơ thể. Ngoài ra, việc bổ sung vitamin B6 có thể làm giảm lo lắng và trầm cảm ở phụ nữ. Thiếu vitamin B6 cũng có thể là nguyên nhân gây ra các cơn hoảng sợ và các cơn tăng thông khí.

Vitamin B3, hay niacin, là một loại vitamin thiết yếu, tan được trong nước. Theo một số nghiên cứu, vitamin B3 có thể xúc tác chuyển hóa tryptophan thành serotonin, từ đó có thể điều chỉnh tình trạng lo âu và trầm cảm.

2. Tầm nhìn kém vào buổi tối 

quáng gà

 

Nếu bạn đang gặp phải tình trạng giảm thị lực, thu hẹp tầm nhìn vào ban đêm hay trong bóng tối, những nơi ánh sáng không đầy đủ, có thể đó chính là triệu chứng của bệnh quáng gà. Thiếu vitamin A có thể là nguyên nhân gây ra bệnh quáng gà. Đây là một loại vitamin tan trong chất béo, rất cần thiết cho chức năng thị giác, chức năng miễn dịch và mô da. Vitamin A có nhiệm vụ giúp dẫn các xung điện đến võng mạc - vùng nhận ánh sáng ở phía sau của mắt.

Vitamin A tự nhiên được tìm thấy trong một số loại thực phẩm ở nhiều dạng khác nhau. Động vật và cá là nguồn thức ăn có chứa hàm lượng vitamin A dạng hoạt động cao nhất, đây là dạng dễ sử dụng nhất và được cơ thể dùng ngay lập tức. Gan bò là nguồn thực phẩm từ động vật có chứa hàm lượng vitamin A dạng hoạt động cao nhất. Ngoài ra, dầu gan cá cũng là nguồn thực phẩm chứa hàm lượng vitamin A khá cao. Các loại thực phẩm nguồn gốc từ thực vật có chứa carotenoid cũng có thể chuyển hoá thành vitamin A trong cơ thể. Carotenoid là sắc tố tạo nên các màu vàng, đỏ, mà da cam cho một số loại rau củ quả như cà rốt, ớt đỏ, khoai mỡ và khoai lang. Một nghiên cứu cho rằng, bổ sung carotenoid iutein hoặc zeaxanthin có thể giúp cải thiện được thị lực vào buổi tối.

3. Chảy máu chân răng

Bệnh Scorbit khiến người bệnh bị chảy máu chân răng do thiếu lượng vitamin C cần thiết để duy trì liên kết giữa các mô. Các triệu chứng khác nhau có thể bao gồm sâu răng, tóc thưa và mệt mỏi. Từng là vấn đề được rất nhiều người quan tâm vào thế kỷ thứ 15, Scorbit ngày nay đã hiếm gặp hơn, tuy nhiên các chuyên gia y tế cho rằng nó có thể quay trở lại do chế độ ăn thiếu hụt vitamin và không đủ chất dinh dưỡng.

Vitamin C hoặc là acid ascorbic là một loại vitamin tan trong nước. Nó là một chất chống oxy hóa, chống lại các gốc tự do, có vai trò quan trọng trong chức năng miễn dịch và hỗ trợ sự hấp thu sắt. Vitamin C còn tham gia vào quá trình sản xuất collagen. Con người không thể tự tạo ra vitamin C trực tiếp. Sự thiếu hụt vitamin C chủ yếu là do thiếu các thực phẩm chứa vitamin C trong khẩu phần ăn hàng ngày. Những triệu chứng liên quan đến thiếu vitamin C mạn tính bao gồm mệt mỏi, dễ bị bầm tím, đau khớp và cơ.

Vitamin C có nhiều nhất ở các loại quả họ cam quýt, bông cải xanh và cà chua.

Những người hút thuốc lá có thể cần nhiều vitamin C hơn người không hút thuốc. Các bác sĩ khuyên rằng nên bổ sung tới 1g vitamin C mỗi ngày sẽ giúp tỉ lệ hấp thu lên đến 70-90%.

4. Mệt mỏi

mệt mỏi

Mệt mỏi là nỗi lo của rất nhiều người. Nó có thể do nhiều yếu tố như mất ngủ, bệnh tật hoặc chế độ ăn thiếu các chất dinh dưỡng và cũng có thể là triệu chứng do thiếu hụt một hoặc nhiều vitamin.

Vitamin E là một loại vitamin tan trong dầu. Dạng vitamin E được nghiên cứu nhiều nhất là alpha-tocopherol. Vitamin E là một chất chống oxy hóa có tác dụng chống viêm. Nó có liên quan đến chức năng miễn dịch. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, lượng vitamin E thấp có thể làm tăng mức độ mệt mỏi. Đặc biệt, một nghiên cứu cho thấy thiếu vitamin E có thể gây ra đau nhức cơ bắp. Vitamin E có thể được tìm thấy trong các loại thực phẩm như hạt, quả hạch (như hạt hạnh nhân, hạt macca) và các loại rau lá xanh.

Các Vitamin nhóm B tham gia chung vào việc chuyển đổi thức ăn thành năng lượng. Chúng là các cofactor tham gia vào chu trình Krebs để tạo ra adenosin triphosphat, đây là năng lượng cho tế bào hoạt động. Một nghiên cứu cho rằng, người bị mắc CFS có thể do thiếu các vitamin nhóm B. Bổ sung thêm Vitamin B rất tốt cho người bị mắc hội chứng mệt mỏi mạn tính. 

Thiếu Vitamin D cũng có thể gặp phải ở người mắc hội chứng mệt mỏi mạn tính. Một nghiên cứu cho rằng, bổ sung vitamin D có thể giúp cải thiện được mức độ mệt mỏi .

5. Móng giòn và tóc dễ gãy rụng

Móng tay giòn có thể do thường xuyên rửa tay, rửa bát hoặc thiếu một vài vitamin.

Vitamin B7 hay còn được biết đến nhiều hơn với cái tên biotin, là một vitamin nhóm B tham gia vào việc tạo ra năng lượng. Biotin tham gia cấu tạo các acid amin tạo nên protein cần thiết cho sự phát triển của tóc và móng. Những triệu chứng của thiếu biotin bao gồm phát ban trên mặt, rụng tóc, tê và ngứa râm ran, chán ăn hoặc trầm cảm.

Biotin có trong một số thực phẩm như trứng, rau cải bó xôi, gan và cá hồi. Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy bổ sung thêm biotin có thể hỗ trợ cải thiện sự phát triển của móng tay và tóc.

Một khoáng chất quan trọng khác liên quan đến độ bền của tóc và móng là sắt, nó còn tham gia vào quá trình sản xuất hemoglobin. Hemoglobin là một loại protein giúp vận chuyển oxy trong máu. Móng rất cần oxy để duy trì độ khỏe của nó. Tình trạng Koilonykia gây nên sự bất thường về hình dạng móng tay khiến nó bị lõm lại. Tình trạng này cũng được gọi là móng tay thìa.

thiếu sắt

 

Thiếu sắt cũng có thể gây giòn móng tay. Ngoài ra, bạn cũng cũng có thể cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, hoa mắt chóng mặt và khó thở.

Thiếu sắt cũng cũng có thể gây ra rụng tóc. Thông thường, tóc có thể rụng đến 100 sợi mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu bạn thấy mình đang bị rụng từng mảng tóc thì có thể còn có điều gì đó đang xảy ra trong cơ thể bạn.

Sắt có thể tồn tại ở hai dạng: heme và non-heme. Sắt dạng heme có nguồn gốc từ động vật, được hấp thu tốt hơn dạng non-heme, có nguồn gốc từ thực vật. Những thực phẩm chứa hàm lượng sắt cao bao gồm hàu, gan bò, mật mía và các loại đậu. Những người ăn chay và thuần chay có thể có nguy cơ cao bị thiếu sắt hoặc bị thiếu máu do thiếu sắt.

Tuy nhiên, hãy chú ý rằng chỉ nên bổ sung thêm sắt dưới sự chỉ định của bác sĩ vì dùng quá nhiều có thể gây hại.

Kẽm là một nguyên tố vi lượng có vai trò quan trọng trong nhiều hoạt động của cơ thể. Nó tham gia vào chức năng miễn dịch, tổng hợp protein và sản xuất hormone. Thiếu kẽm có thể gây mất vị giác, tiêu chảy, chậm lành vết thương và suy nhược cơ. Kẽm tham gia vào nhiều hoạt động của tế bào, nhiều nghiên cứu cho rằng thiếu kẽm có thể gây rụng tóc và thưa tóc. Ở những người rụng tóc không để lại sẹo, hàm lượng kẽm có thể thấp hơn bình thường. Những người bị bệnh viêm ruột bị thiếu kẽm dẫn đến tình trạng kém hấp thu. Những người ăn chay có thể làm tăng nguy cơ thiếu kẽm.

Nhiều nghiên cứu cho rằng bổ sung thêm kẽm sẽ có hiệu quả với những người bị rụng tóc. Chúng ta có thể bổ sung thêm nhiều dạng kẽm khác nhau như kẽm picolinate, gluconate, kẽm sulfat và kẽm acetat. Phần trăm kẽm nguyên tố có thể khác nhau  vì nó phụ thuộc vào dạng kẽm mà bạn sử dụng.

Nguồn: Iherb

Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới
https://ods.od.nih.gov/factsheets/VitaminD-HealthProfessional/

https://www.hindawi.com/journals/jdr/2017/8232863/

https://ods.od.nih.gov/factsheets/VitaminA-HealthProfessional/

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/31188081/

https://www.healthline.com/nutrition/how-much-vitamin-c-should-i-take-daily

https://www.medicinenet.com/koilonychia/symptoms.htm

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6380979/

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/16792735/

https://se.iherb.com/blog/vitamin-deficiency/992

BÌNH LUẬN
Tin cùng chuyên mục

        Dược sĩ tư vấn