Đường có phải là tác nhân làm tăng nguy cơ bị viêm?

Ngày: 28/11/2020 lúc 15:29PM

Đường là gia vị phổ biến trong căn bếp của mỗi gia đình. Đường còn có mặt trong hầu hết các thực phẩm, đặc biệt là các thực phẩm đã chế biến. Tuy nhiên, việc dung nạp quá nhiều đường có liên quan đến sức khỏe - đặc biệt là tình trạng viêm hay không?

Viêm là một phần của quá trình chữa bệnh tự nhiên của cơ thể. Khi bị thương hoặc nhiễm trùng, cơ thể tiết ra các hóa chất giúp bảo vệ và chống lại sinh vật có hại. Bên cạnh đó, một số thực phẩm như đường có thể gây viêm - đây không phải là điều đáng lo ngại. Tuy nhiên, ăn quá nhiều thực phẩm này có thể dẫn đến viêm mạn tính và gây ra những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Bài viết này sẽ cung cấp tất cả những gì bạn cần biết về vai trò của đường trong chứng viêm của cơ thể.

Dung nạp quá nhiều đường có thể liên quan đến tình trạng viêm

Các thử nghiệm trên động vật chỉ ra rằng chế độ ăn nhiều đường dẫn đến béo phì, kháng insulin, tăng tính thấm của ruột và viêm cấp độ thấp. Ngoài ra các nghiên cứu trên người cũng xác nhận mối liên hệ giữa việc bổ sung nhiều đường và dấu hiệu viêm. Một nghiên cứu trên 29 người khỏe mạnh cho kết quả: Khi tiêu thụ 40 gam đường từ một lon nước ngọt mỗi ngày dẫn đến gia tăng các dấu hiệu viêm, kháng insulin và LDL cholesterol. Những người này có xu hướng tăng cân nhiều hơn. Một nghiên cứu khác trên người thừa cân và béo phì cho thấy: Việc tiêu thụ một lon nước ngọt mỗi ngày trong 6 tháng dẫn đến tăng nồng độ acid uric, là nguyên nhân gây viêm và kháng insulin. Trong khi những người uống soda không đường, sữa hoặc nước không bị tăng nồng độ acid uric. Đồ uống có đường có thể làm tăng mức độ và kéo dài tình trạng viêm. Tiêu thụ 50 gam fructose gây tăng đột biến dấu hiệu viêm như protein phản ứng C (CRP) chỉ 30 phút sau nạp, nồng độ CRP vẫn cao hơn 2 giờ sau đó. Ngoài đường, việc ăn quá nhiều tinh bột tinh chế cũng có liên quan đến gia tăng tình trạng viêm. Chỉ cần ăn 50 gam tinh bột tinh chế dưới dạng bánh mì trắng làm tăng lượng đường huyết và chỉ số viêm Nf-kB.

Tóm lại: Chế độ ăn uống bổ sung quá nhiều đường và tinh bột tinh chế có liên quan đến gia tăng tình trạng viêm của cơ thể, kháng insulin và tăng cân.

Bổ sung quá nhiều đường ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

Tiêu thụ quá nhiều đường và tinh bột tinh chế gây ra một số thay đổi trong cơ thể, những giải thích dưới đây sẽ cho bạn thấy tại sao có quá nhiều đường có thể gây viêm mạn tính mức độ thấp.

  • Sản xuất thừa AGEs: sản phẩm cuối cùng của quá trình đường hóa cao cấp, là hợp chất có hại được hình thành khi phân tử protein hoặc chất béo kết hợp với đường trong máu. AGEs tăng cao dẫn đến tình trạng oxy hóa và viêm.
  • Tăng tính thấm của ruột: vi khuẩn, độc tố, mảnh thức ăn không được tiêu hóa có thể di chuyển ra khỏi ruột và dễ dàng vào máu gây nên viêm.
  • LDL cholesterol (cholesterol xấu) cao: Dư thừa LDL cholesterol làm tăng nồng độ CRP là dấu hiệu của chứng viêm.
  • Tăng cân: chế độ ăn giàu đường và tinh bột tinh chế dẫn đến tăng cân, chất béo dư thừa có liên quan đến viêm, một phần kháng insulin.

Cần nhớ rằng chứng viêm không chỉ do đường gây ra. Các yếu tố khác như căng thẳng, thuốc men, hút thuốc, chất béo dư thừa cũng có thể gây ra viêm.

Tóm lại: Tiêu thụ quá nhiều đường và tinh bột tinh chế có liên quan đến việc tăng sản xuất AGEs, tăng tính thấm ruột, LDL cholesterol, các dấu viêm và tăng cân. Tất cả các yếu tố này dẫn đến tình trạng viêm mạn tính mức độ thấp.

Bổ sung quá nhiều đường - nguyên nhân của các tình trạng mạn tính

Các nghiên cứu trên người đã cho thấy liên hệ giữa chế độ ăn nhiều đường và tinh bột tinh chế với nhiều bệnh mạn tính như tim, ung thư, tiểu đường, béo phì và nhiều bệnh khác.

Bệnh tim

Một số nghiên cứu phát hiện mối liên hệ chặt chẽ khi tiêu thụ đồ ướng có đường và gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Thử nghiệm lớn trên hơn 75.000 phụ nữ chỉ ra rằng người có chế độ ăn giàu tinh bột tinh chế và đường có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn 98%  so với phụ nữ có chế độ ăn uống ít tinh bột tinh chế. Có thể là do tác động của việc tiêu thụ đường lên các yếu tố nguy cơ bệnh tim như tăng LDL cholesterol, tăng huyết áp, béo phì, kháng insulin và tăng dấu hiệu viêm.

Ung thư

Nghiên cứu cho thấy ăn nhiều đường có nguy cơ phát triển bệnh ung thư. Tiến hành thử nghiêm trên các động vật thí nghiệm: Cho chuột bạch ăn nhiều đường, và những con chuột này có nguy cơ phát triển ung thư vú và di căn sang các bộ phận khác. Nghiên cứu khác đánh giá chế độ ăn uống của hơn 35.000 phụ nữ cho thấy ăn nhiều thức ăn và đồ uống có đường có nguy cơ phát triển ung thư ruột kết cao gấp đôi so với người ăn chế độ bổ sung ít đường nhất. Mặc dù cần có thêm nhiều nghiên cứu để khẳng định, tuy nhiên người ta cho rằng nguy cơ ung thư tăng do tác dụng gây viêm của đường. Lâu dài, tình trạng viêm do đường có thể làm hỏng ADN và các tế bào cơ thể. Một số chuyên gia còn cho rằng nồng độ insulin cao kéo dài là do tiêu thụ quá nhiều đường. Đây cũng là một tác nhân đóng vai trò trong sự phát triển ung thư.

Bệnh tiểu đường

Tăng tiêu thụ đường có liên quan đến bệnh tiểu đường type 2. Một nghiên cứu quy mô lớn với sự tham gia của 38.000 người phát hiện rằng: Chỉ với một khẩu phần đồ uống có đường hàng ngày làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2 cao hơn 18%. Nghiên cứu khác cho thấy tăng lượng siro ngô trong chế độ ăn uống làm tăng nguy cơ mắc bệnh, ngược lại chất xơ giúp bảo vệ cơ thể chống lại sự phát triển của bệnh tiểu đường.

Béo phì

Béo phì thường liên quan đến tình trạng viêm mức độ thấp. Ăn quá nhiều đường bổ sung dẫn đến tăng cân và béo phì. Các chuyên gia cho rằng chế độ ăn hiện đại thường chứa nhiều tinh bột tinh chế và nhiều đường dẫn đến mất cân bằng vi khuẩn đường ruột, đây là một phần nguyên nhân của sự phát triển bệnh béo phì. Một đánh giá dựa trên 88 nghiên cứu quan sát cho thấy uống nhiều nước ngọt có đường làm tăng lượng calo dung nạp. tăng trọng lượng cơ thể và giảm tiêu thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu. Một nghiên cứu khác trên chột chp thấy chế độ ăn nhiều đường làm mất tác dụng chống viêm của dầu cá, thúc đẩy bệnh béo phì.

Những căn bệnh khác

Chế độ ăn nhiều đường bổ sung và tinh bột có liên quan đến sự phát triển nhiều bệnh khác, chẳng hạn như bệnh gan, viêm ruột, suy giảm tinh thần, viêm khớp và nhiều bệnh khác. Đặc biệt dung nạp quá nhiều fructose có liên quan đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Cơ chế của chúng chưa được nắm rõ, có thể là do sự tăng tính thấm ruột, sự phát triển quá mức của vi khuẩn tại ruột và tình trạng viêm mức độ thấp cùng diễn ra. Bằng chứng về mối liên quan giữa đường và các vấn đề sức khỏe chủ yếu dựa trên các nghiên cứu quan sát, do vậy chưa thể chứng minh chỉ riêng đường gây ra các vấn đề sức khỏe này.

Tóm lại: Các nghiên cứu quan sát đã liên kết việc ăn uống quá nhiều đường với sự phát triển của một số bệnh mạn tính, ví dụ như tiểu đường, bệnh tim, béo phì và ung thư.

Đường tự nhiên không liên quan đến viêm

Điều quan trọng cần lưu ý là có sự khác biệt giữa đường bổ sung và đường tự nhiên. Đường bổ sung được tách khỏi nguồn ban đầu, được thêm vào thực phẩm và đồ uống để làm chất tạo ngọt hoặc tăng thời gian sử dụng. Đường bổ sung được tìm thấy hầu hết trong thực phẩm và đồ uống chế biến sẵn, đường ăn cũng được coi là đường bổ sung. Các dạng phổ biến khác bao gồm sirô ngô có hàm lượng fructose cao (HFCS), sucrose,  glucose và đường ngô. Ở người trưởng thành Mỹ, khoảng 13% tổng lượng calo từ đường bổ sung. Đây là mức cao vì theo hướng dẫn của chính phủ, không quá từ 5%-15% tổng lượng calo từ cả chất béo rắn và đường bổ sung. Do đó, lượng đường bổ sung và tinh bột tinh chế dư thừa dẫn đến tình trạng viêm.

Tuy nhiên, đường có nguồn gốc tự nhiên không liên quan đến chứng viêm. Trái lại, nhiều loại thực phẩm có chứa đường tự nhiên (chẳng hạn như rau quả) còn có thể chống viêm. Đường tự nhiên bao gồm những loại đường có trong thực phẩm. Ví dụ như fructose trong trái cây, lactose trong sữa và các sản phẩm từ sữa. Không nên lo lắng khi sử dụng đường tự nhiên vì cách chúng hoạt động rất khác so với đường bổ sung khi cơ thể hấp thu và tiêu hóa. Đường tự nhiên thường được sử dụng trong thực phẩm tự nhiên, vì thế chúng còn kèm theo các chất dinh dưỡng khác như protein, chất xơ làm cho chúng được hấp thu từ từ. Sự hấp thu ổn định này ngăn ngừa tình trạng tăng vọt lượng đường trong máu. Một chế độ ăn nhiều trái cây, rau của, ngũ cốc nguyên hạt còn có nhiều lợi ích sức khỏe khác. Chúng ta không cần hạn chế hoặc tránh sử dụng các loại thực phẩm này.

Tóm lại: Đường bổ sung tinh chế từ nguồn ban đầu, được thêm vào thức ăn và đồ uống có liên quan đến tình trạng viêm. Tuy nhiên, đường tự nhiên trong thực phẩm toàn phần thì không gây viêm.

Thay đổi lối sống giúp giảm viêm

Tin tốt là một số thay đổi trong lối sống như giảm lượng thức ăn chứa đường và các thực phẩm chế biến sẵn có thể làm giảm mức độ viêm của cơ thể. Ví dụ như việc sử dụng fructose có tác động phụ thuộc liều với chứng viêm, nghĩa là bạn ăn càng nhiều đường tình trạng viêm của bạn càng nặng. Ngoài ra lối sống ít vận động, hút thuốc, căng thẳng cũng liên quan đến chứng viêm mạn tính mức độ thấp. Hoạt động thể chất thường xuyên đã được chứng minh làm giảm mỡ bụng và giảm các dấu hiệu viêm. Do vậy có thể làm giảm mức độ viêm bằng cách thay đổi chế độ ăn uống. Một nghiên cứu cho thấy khi thay thế thực phẩm đã qua chế biến bằng thực phẩm nguyên hạt chưa qua chế biến sẽ cải thiện tình trạng kháng insulin, cải thiện nồng độ cholesterol, giảm huyết áp là các vấn đề liên quan đến chứng viêm. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng việc giảm tiêu thụ fructose sẽ cải thiện các dấu hiệu viêm trong máu tới 30%. Dưới đây là một vài mẹo đơn giảm giúp giảm viêm:

  • Hạn chế thực phẩm và đồ uống đã qua chế biến: bằng cách giảm hoặc loại bỏ các sản phẩm này, một cách tự nhiên bạn đã loại trừ các nguồn bổ sung đường chủ yếu như sođa, bánh ngọt, bánh quy, kẹo, bánh mì trắng, mì ống, gạo.
  • Đọc nhãn thực phẩm: nếu bạn không chắc chắn về một sản phẩm nào đó, hãy tập thói quen đọc nhãn sản phẩm. Để ý đến các thành phần như sucrose, glucose, siro ngô có chứa hàm lượng fructose, mantose, dextrose cao.
  • Chọn loại tinh bột nguyên hạt: bao gồm yến mạch, mì ống nguyên hạt, gạo lứt, hạt quinoa, lúa mạch. Chúng chứa nhiều chất xơ và chất chống oxy hóa có thể giúp kiểm soát lượng đường máu và bảo vệ cơ thể chống lại chứng viêm.
  • Ăn nhiều trái cây và rau quả: trái cây và rau quả chứ nhiều chất chống oxy hóa, vitamin, khoáng chất giúp bảo vệ và làm giảm tình trạng viêm.
  • Ăn nhiều thực phẩm giàu chất chống oxy hóa: lấp đầy thực đơn của bạn bằng các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa để giúp cơ thể chống lại chứng viêm một cách tự nhiên. Các loại thực phẩm bao gồm các loại hạt, bơ, cá, dầu oliu.
  • Duy trì hoạt động thể chất: hoạt động thể chất thường xuyên như tập thể dục nhịp điệu, thể dục thể thao giúp bảo vệ cơ thể tránh tăng cân và viêm nhiễm.
  • Quản lý sự căng thẳng: học cách quản lý mức độ căng thẳng thông qua các biện pháp thư giãn hay tập thể dục có thể giúp giảm viêm.

Tóm lại: Thay thế thức ăn và đồ uống nhiều đường bổ sung và tinh bột tinh chế giúp giảm các dấu hiệu viêm. Các loại thực phẩm phù hợp trong chế độ ăn uống có thể giúp cơ thể chống lại chứng viêm.

Kết luận

Các bằng chứng cho thấy ăn quá nhiều đường và tinh bột tinh chế sẽ gây nên tình trạng viêm trong cơ thể. Theo thời gian tình trạng viêm do thói quen ăn uống thiếu khoa học có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe như bệnh tim, tiểu đường, bệnh gan, ung thư. Tuy nhiên viêm cũng có thể do nhiều yếu tố gây ra, bao gồm căng thẳng, thuốc man, hút thuốc, ăn dư thừa chất béo. Tập thể dục thường xuyên và kiểm soát hiệu quả mức độ căng thẳng có thể giúp chúng ta chống lại viêm, đặc biệt là một chế độ ăn giảm thực phẩm và đồ uống đã qua chế biến, sử dụng thực phẩm nguyên hạt và hạn chế ăn đường bổ sung và tinh bột tinh chế.

Nguồn: Healthline

Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới:

https://www.healthline.com/nutrition/sugar-and-inflammation

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/21677052/

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26081486/

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4290803/

 

Nguyễn Lê Diệu Linh
BÌNH LUẬN
Tin cùng chuyên mục

        Dược sĩ tư vấn