4 mẹo giải tỏa và làm giảm tác hại của stress trên đường tiêu hóa
Ngày: 27/01/2021 lúc 11:22AM
Một trong những điểm mấu chốt để cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa của bạn là thường xuyên kiểm soát stress. Từ đó, cơ thể bạn có thể tập trung hấp thu các chất dinh dưỡng cần thiết và được nuôi dưỡng tốt hơn.
Lần cuối cùng bạn tự kiểm tra mức độ stress là bao giờ?
Dù là tác nhân stress nào, điều quan trọng là phải xem xét tác động của nó với sức khỏe và tinh thần của bạn. Căng thẳng quá mức có thể gây tổn hại đến tinh thần và thể chất, bao gồm cả ảnh hưởng nghiêm trọng trên đường ruột và hệ tiêu hóa.
Tác hại của stress trên đường tiêu hóa phụ thuộc vào khoảng thời gian bạn trải qua căng thẳng:
Stress trong thời gian ngắn có thể khiến bạn chán ăn và chậm tiêu hóa. Stress lâu dài có thể dẫn đến các vấn đề về đường tiêu hóa, như táo bón, tiêu chảy, khó tiêu hoặc đau bụng. Stress mạn tính kéo dài có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn, như hội chứng ruột kích thích và các rối loạn tiêu hóa khác.
Một trong những điểm mấu chốt để cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa của bạn là thường xuyên kiểm soát stress. Giảm căng thẳng có thể làm giảm phản ứng viêm ở đường ruột và làm dịu chứng đau dạ dày. Từ đó, cơ thể bạn có thể tập trung hấp thu các chất dinh dưỡng cần thiết và được nuôi dưỡng tốt hơn.
Nếu bạn cảm thấy hệ tiêu hóa của mình đang chịu ảnh hưởng xấu của stress, dưới đây là 4 mẹo giúp bạn cải thiện tình trạng này!
1. Tập yoga
Để hỗ trợ và tăng cường tiêu hóa, hãy đảm bảo rằng bạn đang thực hiện đủ các hoạt động thể chất, chẳng hạn như đi bộ hay chạy.
Các bài tập yoga như Hatha hoặc Iyengar thường tập trung vào sự liên kết và tư thế, có thể cải thiện các triệu chứng trên hệ tiêu hóa và giảm hậu quả của stress.
2. Thiền chánh niệm
Thiền chánh niệm giúp bạn nâng cao nhận thức về cuộc sống hàng ngày của mình. Các nhà nghiên cứu cũng cho biết rằng luyện tập thiền định có thể giúp giải tỏa và cải thiện các tác hại của stress với cơ thể.
Kỹ thuật hít thở sâu trong thiền định có thể giúp giảm phản ứng viêm – một trong những dấu hiệu của stress trong cơ thể. Từ đó làm giảm tác động của căng thẳng quá mức trên hệ tiêu hóa.
Trước bữa ăn, bạn hãy ngồi thẳng lưng và tập trung thực hiện 2 đến 4 lượt hít thở sâu. Hít vào thật sâu và đếm từ 1 đến 4, sau đó thở ra từ từ.
Thực hiện hít thở trước mỗi bữa ăn sẽ giúp cơ thể bạn được thư giãn và chuẩn bị cho quá trình tiêu hóa được tốt hơn.
3. Thực phẩm chứa prebiotics và probiotics
Hãy lựa chọn những thực phẩm giúp tăng cường hệ lợi khuẩn đường ruột, như prebiotics và probiotics.
Probiotics còn gọi là men vi sinh, là những vi khuẩn sống có lợi cho sức khỏe, được tìm thấy trong một số loại thực phẩm và chất bổ sung. Probiotics thường có trong các thực phẩm lên men, như: sữa chua, kimchi, nấm tuyết Tây Tạng, nấm thủy sâm Kombucha, đậu tương lên men Natto, dưa cải muối.
Prebiotics là thức ăn của các lợi khuẩn đường ruột, nó có trong các loại carbohydrate mà con người không thể tiêu hóa (chủ yếu là chất xơ). Prebiotics có trong các loại trái cây và rau củ chứa inulin, như: măng tây, chuối, tỏi, và hành tây.
Prebiotics và probiotics có thể thay đổi cấu trúc hệ vi sinh đường ruột, tạo môi trường lý tưởng cho lợi khuẩn sinh sôi và hỗ trợ tiêu hóa.
4. Từ bỏ thói quen hút thuốc
Nếu bạn thường tìm đến thuốc lá khi căng thẳng, đã đến lúc cần suy nghĩ lại về thói quen này.
Một trong những tác hại phổ biến nhất của việc hút thuốc là các bệnh lý trên tim mạch và hô hấp. Nhưng các nghiên cứu còn phát hiện thói quen xấu này cũng ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
Hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày tá tràng, các bệnh lý khác trên đường ruột, thậm chí là ung thư đường tiêu hóa. Nếu bạn hút thuốc, hãy lập kế hoạch từ bỏ thói quen xấu này ngay từ bây giờ.
Nguồn: Heathline
Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới:
https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fimmu.2018.00074/full
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26799456/
https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2352289516300509?via%3Dihub
https://www.gastrojournal.org/article/S0016-5085(11)00087-4/fulltext