Tác dụng của chiết xuất lá ô liu với bệnh nhân tăng huyết áp giai đoạn 1: So sánh với Captopril

Ngày: 27/04/2021 lúc 19:12PM

Chiết xuất lá ô liu từ lâu đã được nghiên cứu chứng minh các tác dụng có lợi cho sức khỏe. Trong bài nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã làm rõ lợi ích của chiết xuất này trong điều trị tăng huyết áp và rối loạn lipid máu.

Tổng quan

Nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên, mù đôi, song song có đối chứng được thực hiện để đánh giá tác dụng cải thiện tăng huyết áp và khả năng dung nạp của bệnh nhân với chiết xuất lá ô liu khi so sánh với Captopril ở những bệnh nhân tăng huyết áp độ 1. Ngoài ra nghiên cứu này cũng đánh giá về tác dụng hạ lipid máu của chiết xuất lá ô liu ở những bệnh nhân này. Nghiên cứu bao gồm giai đoạn 4 tuần trước nghiên cứu (run-in period) sau đó là giai đoạn 8 tuần được điều trị. Trong giai đoạn này bệnh nhânđược sử dụng chiết xuất lá ô liu liều 500 mg x 2 lần/ngày đều đặn trong 8 tuần. Captopril được đưa với liều 12.5 mg x 2 lần/ngày ở giai đoạn đầu. Sau 2 tuần có thể tăng liều của Captopril lên 25 mg x 2 lần/tuần tùy theo sự đáp ứng của bệnh nhân. Tiêu chí đánh giá chính là giá trị huyết áp tâm thu giảm ở tuần thứ 8 và tiêu chí đánh giá thứ cấp sự thay đổi huyết áp tâm thu và tâm trương ở các thời điểm đánh giá và sự cải thiện lipid máu. Đánh giá huyết áp được thực hiện mỗi tuần trong 8 tuần điều trị trong khi mức độ lipid được đánh giá mỗi 4 tuần. Giá trị trung bình của huyết áp tâm thu lúc ban đầu ở nhóm dùng chiết xuất ô liu là 149.3 ± 5.58 và ở nhóm sử dụng captopril là 148.4 ± 5.56 mmHg. Huyết áp tâm trương tương ứng là 93.9 ± 4.51 là 93.8 ± 4.88 mmHg. Sau 8 tuần điều trị, cả 2 nhóm đều cho thấy sự giảm huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương một cách đáng kể so với ban đầu và sự thay đổi này thì không khác nhau giữa 2 nhóm. Giá trị huyết áp tâm thu giảm đi so với ban đầu trung bình lần lượt là −11.5 ± 8.5 và −13.7 ± 7.6 mmHg ở nhóm Ô liu và nhóm Captopril. Giá trị giảm huyết áp tâm trương trung bình là −4.8 ± 5.5 và −6.4 ± 5.2 mmHg. Quan sát được sự giảm nồng độ triglycerid có ý nghĩa thống kê ở nhóm dùng chiết xuất lá ô liu nhưng ở nhóm Captopril thì không. Tóm lại, chiết xuất lá ô liu với liều 500 mg x 2 lần/ngày có tác dụng tương tự Captopril với liều 12.5 – 25 mg x 2 lần/ngày trong việc làm giảm huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương ở bệnh nhân tăng huyết áp giai đoạn 1.

Giới thiệu

Tăng huyết áp có thể ảnh hưởng đến gần 50 triệu người ở Mỹ và khoảng 1 tỷ người trên toàn thế giới. Theo sự tăng dần của tuổi tác, tỷ lệ mắc tăng huyết áp cũng tăng lên trừ khi có các biện pháp phòng ngừa rộng rãi và hiệu quả. Bệnh nhân tăng huyết áp cần nhiều hơn 2 loại thuốc thể có thể đạt được giá trị huyết áp mục tiêu và làm giảm được các biến chứng của nó. Do đó, nhiều nghiên cứu về các dược liệu có tiềm năng phòng chống tăng huyết áp để thu hẹp chi phí điều trị cho bệnh nhân đã được thực hiện. Lá của cây ô liu (tên khoa học là (Olea europaea L.) đã được dùng từ xa xưa để điều trị tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, đái tháo đường và nhiều tác dụng khác. Tác dụng hạ áp và cholesterol máu của lá ô liu được ghi nhận rất đầy đủ. Trong lá ô liu có chứa thành phần hoạt chất là oleuropein (là một polyphenolic iridoid glycoside), oleacein và acid oleanolic.

EFLA®943 – một chiết xuất lá ô liu ổn định được tiêu chuẩn hóa làm lượng oleuropein và đã được nghiên cứu chứng minh về tính an toàn cũng như tác dụng hạ áp của nó. Trong một nghiên cứu lâm sàng sơ bộ được thực hiện trên 20 cặp song sinh đơn hợp tử với chứng tăng huyết áp nhẹ ở Đức sử dụng EFLA®943 đã cho thấy tác dụng hạ áp của chiết xuất này so với nhóm chứng. Ở liều 1000 mg/ngày, chiết xuất lá ô liu có tác dụng vượt trội hơn về tác dụng hạ áp so với sự thay đổi lối sống. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, cả hai liều lượng của chiết xuất lá ô liu đều làm giảm nồng độ LDL – cholesterol. Dựa trên những tác dụng tích cực của các nghiên cứu tiền lâm sàng và tên người, nghiên cứu này được thiết kế để bước đầu xác nhận tác dụng hạ áp của chiết xuất EFLA®943 khi so sánh với captopril (liệu pháp điều trị tiêu chuẩn của tăng huyết áp ở những bệnh nhân tăng huyết áp giai đoạn 1). Ngoài ra, nghiên cứu cũng quan sát tác dụng hạ lipid máu cũng như tính an toàn và khả năng dung nạp của chế phẩm với bệnh nhân trong nghiên cứu.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu: Thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, mù đôi có đối chứng.

Có 2 giai đoạn: Giai đoạn đầu dài 4 tuần, mù đơn, tất cả đối tượng nghiên cứu được sử dụng giải dược (chỉ có trong chế độ ăn) sau đó là giai đoạn 8 tuần mù đôi, nhóm đối tượng nghiên cứu được sử dụng Captopril (chứng) và chiết xuất lá ô liu. Giai đoạn run – in rất cần thiết để có thể nhận diện được những đối tượng có đáp ứng tốt với chế độ ăn.

Đối tượng nghiên cứu: Bệnh nhân tăng huyết áp độ 1 (huyết áp tâm thu: 140–159 mmHg, huyết áp tâm trương < 90 mmHg với bệnh nhân tăng huyết áp tâm thu đơn độc hoặc từ 90 đến 99 mmHg) chưa hoặc đã được sử dụng thuốc tăng huyết áp. Tuổi từ 25-60. (ban đầu n = 116 ở mỗi nhóm).

Sau 4 tuần trong giai đoạn run – in những đối tượng nghiên cứu bị loại ra là những đối tượng tiến triển lên tăng huyết áp độ 2 hoặc huyết áp tâm thu trở về bình thường.

Tiếp tục thực hiện nghiên cứu trong 8 tuần với chiết xuất lá ô liu liều 500 mg x 2 lần/ngày và captopril liều 12.5 – 25 mg x 2 lần/ngày kết hợp với chế độ ăn ít chất béo và muối (có yêu cầu kèm theo)

Tiêu chí đánh giá:

  • Tiêu chí chính: Huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương mỗi tuần.
  • Tiêu chí phụ: mức độ lipid máu được xác định ở tuần thứ 4 và tuần thứ 8.
  • Tiêu chí đánh giá an toàn khác: nồng độ điện giải, chức năng gan, chức năng thận, tác dụng không mong muốn,…

Kết quả

Thông số huyết áp:

  • Chiết xuất lá ô liu được chứng minh là làm giảm huyết áp tâm thu −11.5 ± 8.6 mmHg và huyết áp tâm trương −4.8 ± 5.5 mmHg ở tuần cuối so với ban đầu.
  • Nhóm dùng captopril giảm −13.7 ± 7.6 mmHg huyết áp tâm thu và −6.4 ± 5.2 mmHg huyết áp tâm trương.
  • Khác nhau giữa 2 nhóm không có ý nghĩa thống kê. (p<0.05).6.17 mg/dl ở nhóm ô liu còn nhóm Captopril không có sự thay đổi.

Thông số lipid máu:

Chiết xuất lá ô liu được chứng minh có tác dụng cải thiện nồng độ lipid máu. Có sự giảm đáng kể nồng độ cholesterol toàn phần, triglycerid và giảm nhẹ LDL – cholesterol, tuy nhiên không quan sát được tác dụng trên HDL – cholesterol. Tác dụng này không được chứng minh trên nhóm sử dụng Captopril.
Hiệu số LDL – cholesterol sau 8 tuần so với ban đầu ở nhóm lá ô liu cao hơn đáng kể so với nhóm Captopril (p=0.032), nhóm chiết xuất lá ô liu: −3.89 ± 19.40 mg/dl, nhóm Captopril: 2.14 ± 14.20 mg/dl. Hiệu số của triglycerid là −11.90 ± 46.17 mg/dl ở nhóm ô liu còn nhóm Captopril không có sự thay đổi.

Kết luận

Chiết xuất lá ô liu với liều 500 mg x 2 lần/ngày (1000 mg/ngày) có tác dụng làm giảm huyết áp tâm thu và tâm trương ở các bệnh nhân tăng huyết áp độ 1. Tác dụng này được so sánh với captopril liều từ 12.5 -25 mg x 2 lần/ngày. Nghiên cứu chứng minh được độ an toàn và dung nạp của bệnh nhân với liều như trên. Thêm nữa, tác dụng của chiết xuất này còn được chứng minh trên lipid máu cụ thể là nồng độ LDL – cholesterol, cholesterol toàn phần cà triglycerid.
Nguồn: Pubmed
Thu Hằng
BÌNH LUẬN
Tin cùng chuyên mục

        Dược sĩ tư vấn