Nghiên cứu về mối liên quan giữa nước ép việt quất đen và các dấu hiệu viêm liên quan đến NF-kappa B ở những người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Ngày: 24/05/2021 lúc 00:13AM

Việt quất đen là một loại dược liệu quen thuộc và phổ biến với những tác dụng tuyệt vời tốt cho sức khỏe. Một trong những tác dụng là trên hệ tim mạch. Vậy tác dụng này đã được chứng minh như thế nào trong các nghiên cứu khoa học?

nghien cuu ve tac dung cua viet quat den

Giới thiệu

Viêm là một chuỗi phản ứng phức tạp gây hại cho sinh vật. Tình trạng viêm kéo dài có thể góp phần dẫn đến các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch, tiểu đường, thoái hóa thần kinh và một số bệnh ung thư. Do vậy, làm giảm quá trình viêm có khả năng làm chậm sự phát triển của bệnh tật.

Yếu tố của quá trình phiên mã kappa B (NF-ĸB) là một phức hợp protein tìm thấy ở hầu hết tất cả các dạng của tế bào động vật và liên quan đến đáp ứng của tế bào với các kích thích như stress, các cytokin, gốc tự do, kim loại nặng, tia cực tím … Sự sai lệch trong quá trình điều hòa NF-ĸB có thể dẫn đến ung thư, các bệnh lý viêm và các bệnh mãn tính.

Quả việt quất đen chứa hàm lượng lớn polyphenol, trong đó anthocyanin chiếm khoảng từ 50 – 80% và các chất khác như flavonol, acid phenolic, stilbenes, catechin và lignans. Các nghiên cứu invivo và nghiên cứu trên tế bào người được nuôi cấy cho thấy vai trò của polyphenol trong việc ngăn ngừa các bệnh viêm mãn tính, bao gồm cả các bệnh tim mạch. Mục đích của nghiên cứu này chủ yếu để xem mối quan hệ giữa tác dụng của việc bổ sung nước ép việt quất đen đối với các dấu hiệu viêm ở cả nam và nữ giới. Do đó, một nghiên cứu tiến hành thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng trong vòng 4 tuần đã được thực hiện. Sau đó đo các dấu hiệu của quá trình stress hóa và các chất chống oxy hóa. Kết quả để chỉ ra tác động của nước ép việt quất đen đối với các dấu hiệu sinh học như tình trạng viêm và chống oxy hóa ở những đối tượng viêm có ít nhất một yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng. Những người tham gia được xếp ngẫu nhiên vào một trong 2 nhóm. Một nhóm sử dụng 330ml nước ép việt quất đen được pha loãng thành 1 lít nước mỗi ngày (n=31, trong đó có 21 nam và 10 nữ). Nhóm còn lại sử dụng 1 lít nước mỗi ngày (n=32, trong đó có 25 nam và 7 nữ). Ngoài ra, sự tuân thủ với việc sử dụng ở 2 nhóm này đã được xác nhận bằng cách đo lượng nước tiểu sau 24h trước, trong và sau thời gian can thiệp. Một mục đích khác của nghiên cứu là kiểm tra ảnh hưởng ngắn hạn của việc tăng lượng nước uống thêm 1 lít/ngày đối với độ loãng của máu. Sau 4 tuần, cả 2 nhóm đối tượng tham gia nghiên cứu được lấy các mẫu máu ngẫu nhiên để kiểm tra

Kết quả

Sau khi phân tích số liệu và kết quả cho thấy việc bổ sung nước ép việt quất đen làm giảm đáng kể nồng độ trong huyết tương của protein phản ứng C (CRP), interleukin (IL) -6, IL-15 và monokine do INF-gamma (MIG) gây ra. Cụ thể chỉ số CRP ở nhóm dùng nước ép việt quất giảm được 23% trong khi nhóm chứng giảm được 15%. Chỉ số IL6 ở nhóm sử dụng việt quất cũng giảm 28% trong khi nhóm chứng chỉ giảm được 0,02%. Thật bất ngờ, sự gia tăng nồng độ trong huyết tương của yếu tố hoại tử khối u (TNF-alpha) đã được quan sát thấy ở nhóm sử dụng nước ép việt quất đen. CRP, IL-6, IL-15, MIG và TNF-alpha đều là gen đích của yếu tố hạt nhân-kappa B (NF-kappaB). Đây là một yếu tố phiên mã quan trọng trong việc điều phối các phản ứng viêm. Bên cạnh đó nghiên cứu cũng chỉ ra sự gia tăng đáng kể nồng độ trong huyết tương của quercetin và acid p-coumaric ở nhóm người sử dụng nước ép việt quất đen (p=0.029 và p=0.016). Các phản ứng điều hòa miễn dịch quan sát được có thể liên quan đến sự tích tụ của polyphenol trong việt quất đen, mặc dù không tìm thấy mối tương quan giữa các dấu hiệu viêm và nồng độ polyphenol trong huyết tương. Hơn nữa, các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu tác động của polyphenol từ việt quất đen đối với sự hoạt hóa NF-kappaB do lipopolysaccharide (LPS) gây ra trong một dòng tế bào monocytic.

Kết luận

Việc bổ sung nước ép việt quất đen làm giảm nồng độ của NF-kappa B từ đó giảm quá trình viêm, giảm nguy cơ gia tăng các vấn đề tim mạch. Tuy nhiên, vẫn cần có nhiều thử nghiệm khác để nghiên cứu việc bổ sung việt quất đen như một chiến lược tiềm năng trong việc phòng ngừa và điều trị các bệnh viêm mãn tính.

 Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/20119859/

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/10807839/

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/11499717/

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/33513742/

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/32825710/

 

 

 

Nguyễn Thanh Vân
BÌNH LUẬN
Tin cùng chuyên mục

        Dược sĩ tư vấn