Nghiên cứu Tác dụng hạ đường huyết của mướp đắng so với metformin ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2
Ngày: 22/05/2021 lúc 14:11PM
Tổng quan
Mướp đắng (Momordica charantia L.) đã được sử dụng rộng rãi như một loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường ở các nước châu Á. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và trên động vật đều cho thấy hoạt tính hạ đường huyết của nó nhưng các nghiên cứu trên người còn hạn chế.
Mục tiêu nghiên cứu: Nghiên cứu này được thực hiện để đánh giá hiệu quả và độ an toàn của 3 liều mướp đắng khác nhau so với metformin.
Phương pháp: Đây là một thử nghiệm kéo dài 4 tuần, đa trung tâm, ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng. Các bệnh nhân được chia ngẫu nhiên thành 4 nhóm, sử dụng mướp đắng lần lượt là 500 mg/ngày, 1000 mg/ngày, 2000 mg/ngày và sử dụng metformin 1000 mg/ngày. Tất cả các được theo dõi trong 4 tuần.
Kết quả: Có sự giảm đáng kể lượng fructosamine trong tuần thứ 4 ở nhóm sử dụng metformin (−16,8; 95%CI, −31,2, −2,4 mol/L) và nhóm sử dụng mướp đắng 2000 mg/ngày (−10,2; 95% CI, −19,1, −1,3 mol/L). Nhóm tiêu thụ mướp đắng 500 và 1000 mg/ngày không thấy giảm đáng kể mức fructosamine (−3,5; 95%CI, -11,7, 4,6 và −10,3; 95%CI, −22,7, 2,2 mol/L tương ứng).
Kết luận: Mướp đắng có tác dụng hạ đường huyết nhẹ và làm giảm đáng kể lượng fructosamine so với ban đầu ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2 khi được sử dụng với liều 2000 mg/ngày. Tuy nhiên, tác dụng hạ đường huyết kém hơn khi sử dụng metformin liều 1000 mg/ngày
Giới thiệu
Mướp đắng (Momordica charantia L., họ Bí) là một loại cây sinh trưởng và phát triển ở nhiều nước Châu Á. Quả mướp đắng, nước ép hoặc chế phẩm bột khô của nó đã được sử dụng rộng rãi như một loại thuốc để điều trị bệnh tiểu đường. Các nghiên cứu trên động vật chỉ ra rằng, mướp đắng có tác dụng hạ đường huyết. Thêm vào đó, một đánh giá toàn diện đã công nhận mướp đắng là một trong các sản phẩm thảo dược được sử dụng rộng rãi để điều trị đái tháo đường typ 2. Không rõ cơ chế chính xác cho tác dụng hạ đường huyết của nó, tuy nhiên có một vài giả thiết được đưa ra. Mướp đắng có một số đặc tính giống insulin, có thể kích thích tăng tiết insulin, bảo vệ tế bào đảo tụy, tăng hấp thu glucose từ máu vào mô, tăng dự trữ glycogen ở gan và cơ, ức chế quá trình tạo glucone ở gan và cải thiện hoạt động của các enzym chính trong con đường glycolytic.
Cho đến nay, đã có những nghiên cứu lâm sàng xác định hiệu quả của mướp đắng trên bệnh nhân đái tháo đường typ 2. Tuy nhiên, các nghiên cứu này thường không ngẫu nhiên, thiếu nhóm chứng, thời gian ngắn, các phương pháp thống kê hoặc các tiêu chí tuyển chọn bệnh nhân được giải thích không đầy đủ và không theo dõi hoặc báo cáo một cách có hệ thống các tác dụng phụ. Vì vậy, cần có thêm bằng chứng để chứng minh tính an toàn của mướp đắng trong điều trị bệnh đái tháo đường typ 2. Nghiên cứu này nhằm mục đích điều tra tác dụng hạ đường huyết (tính an toàn và hiệu quả) của các liều lượng mướp đắng khác nhau so với metformin đồng thời xác định liều lượng hiệu quả tối thiểu khi sử dụng mướp đắng.
Phương pháp
Thiết kế nghiên cứu
Đây là một thử nghiệm kéo dài 4 tuần, đa trung tâm, ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng ở 4 nhóm điều trị song song.
Tiêu chí lựa chọn và loại trừ
Những bệnh nhân đủ điều kiện là những người từ 35 - 70 tuổi, mới được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường typ 2.
(Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, bệnh đái tháo đường được chẩn đoán khi:
1. Mức đường huyết lúc đói (FPG) ≥ 126 mg/dL
2. Hoặc Mức đường huyết trong vòng 2 giờ sau ăn (dung nạp 75 g glucose) (OGTT) ≥ 200 mg/dL và có mức FPG không vượt quá 180 mg/dL)
Bệnh nhân bị loại trừ nếu có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:
Creatinin huyết thanh cao hơn 1,8 mg/dL
Alanin amino transferase (ALT), aspartate aminotransferase (AST), tổng bilirubin hoặc phosphat kiềm cao hơn 2,5 lần bình thường
Thiếu máu (Hemogloblin <11 g/dL đối với nam, <10 g/dL đối với nữ)
Đau thắt ngực nghiêm trọng
Suy tim vừa và nặng kèm theo phì đại thất trái (LVH)
Phụ nữ có thai và cho con bú
Sử dụng sulfonylureas, metformin, thiazolidinedion, glitinid, chất ức chế alpha-glucosidase hoặc insulin trước đó
Đã tham gia một thử nghiệm lâm sàng khác trong vòng 30 ngày kể từ ngày sàng lọc
Có các biến chứng tiểu đường mạn tính như bệnh võng mạc, bệnh lý thần kinh do tiểu đường (đau dây thần kinh ngoại biên, hạ huyết áp thế đứng, bí tiểu, loét bàn chân)
Chỉ số khối cơ thể (BMI) <18 hoặc >38 hoặc trọng lượng cơ thể thay đổi hơn 10% trong suốt thời gian sàng lọc.
Can thiệp
Tất cả bệnh nhân tham gia nghiên cứu đều được tư vấn về việc điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống. Ở lần khám đầu tiên, bệnh nhân được kiểm tra và dùng giả dược trong 2 tuần. Sau thời gian điều trị, các bệnh nhân đủ điều kiện được phân ngẫu nhiên vào một trong bốn nhóm: 500 mg/ngày, 1000 mg/ngày, 2000 mg/ngày mướp đắng và 1000 mg metformin/ngày, sử dụng trong 4 tuần. Mướp đắng và metformin được cung cấp lần lượt dưới dạng viên nang 500 mg và viên nén 500 mg. Mỗi bệnh nhân được uống 2 viên trước bữa ăn và 2 viên sau bữa ăn, ngày 2 lần. Bột gạo rang được dùng làm giả dược của mướp đắng và đường lactose được dùng làm giả dược của metformin. Bệnh nhân được lên lịch đến thăm khám vào tuần 1 và tuần 4 sau khi phân loại ngẫu nhiên. Trong nhóm metformin, bệnh nhân bắt đầu với 500 mg/ngày trong một tuần đầu và sau đó tăng liều lên 1000 mg/ngày cho đến khi kết thúc nghiên cứu. Việc tuân thủ được xác định bằng cách đếm số lượng viên thuốc và phỏng vấn bệnh nhân mỗi lần khám.
Tiêu chí đánh giá kết quả:
Fructosamine là một xét nghiệm để đánh giá việc kiểm soát đường huyết.
Sự an toàn được theo dõi bằng cách đánh giá các triệu chứng của bệnh nhân, thay đổi trong kết quả khám sức khỏe, kết quả xét nghiệm (công thức máu, nitơ urê máu, creatinin huyết thanh và xét nghiệm chức năng gan) và các báo cáo về hạ đường huyết trong thời gian nghiên cứu. Hạ đường huyết được xác định bằng các triệu chứng liên quan hoặc mức đường huyết thấp hơn 60 mg/dL. Nếu có bất kỳ sự cố bất thường nào, bệnh nhân cần trở lại ngay phòng khám.
Kết quả
Tổng số 143 bệnh nhân được thu nhận vào nghiên cứu; 129 bệnh nhân được chọn ngẫu nhiên với: nhóm metformin (n = 33), nhóm mướp đắng 500 mg/ngày (n = 33), nhóm mướp đắng 1000 mg/ngày (n = 32), nhóm mướp đắng 2000 mg/ngày (n = 31). Một số bệnh nhân bị loại khỏi nghiên cứu do mất theo dõi hay vi phạm tiêu chí của thử nghiệm. Hầu hết các đối tượng đủ điều kiện là nữ (93 bệnh nhân, 73,2%), tuổi trung bình và chỉ số khối cơ thể (BMI) lần lượt là 51,8 ± 9,3 tuổi và 25,1 ± 3,4 kg/m2. Các bệnh mắc kèm gồm tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, hen suyễn và các bệnh tuyến giáp. Đặc điểm cơ bản của bệnh nhân trong mỗi nhóm điều trị là tương tự nhau. Tỷ lệ tuân thủ điều trị là như nhau ở cả 4 nhóm (99%).
1. Kết quả kiểm soát đường huyết
- Fructosamine: Vào tuần thứ 4, nồng độ fructosamine trung bình giảm đáng kể ở những bệnh nhân dùng metformin 1000 mg/ngày và mướp đắng 2000 mg/ngày. Nhóm sử dụng mướp đắng 500 và 1000 mg/ngày không giảm đáng kể fructosamine so với ban đầu. So sánh sự thay đổi trung bình của mức fructosamine giữa các nhóm điều trị không có sự khác biệt đáng kể.
Mức đường huyết lúc đói (FPG): Metformin làm giảm đáng kể FPG so với ban đầu. Sau 4 tuần, nhóm sử dụng mướp đắng 500, 1000 và 2000 mg/ngày không làm giảm FPG đáng kể.
Mức đường huyết trong 2 giờ sau ăn (OGTT): Không có sự thay đổi đáng kể về mức OGTT ở nhóm sử dụng mướp đắng 500 mg/ngày, 1000 mg/ngày hoặc 2000 mg/ngày. Có sự thay đổi đáng kể mức OGTT ở nhóm dùng metformin (-32,6 mg / dL). Tuy nhiên, so sánh giữa sự thay đổi trung bình của OGTT giữa các nhóm điều trị không có sự khác biệt đáng kể.
Mối quan hệ giữa liều lượng - tác dụng của mướp đắng: Không thấy mối liên hệ giữa liều lượng và tác dụng của mướp đắng đối với các chỉ số kiểm soát đường huyết. Chỉ liều mướp đắng 2000 mg/ngày cho thấy sự thay đổi có ý nghĩa thống kê về mức fructosamine so với ban đầu.
2. Phân tích an toàn
- Các biến cố bất lợi: Mướp đắng và metformin được dung nạp tốt, không có tác dụng phụ lâm sàng nghiêm trọng. Đau đầu và chóng mặt được báo cáo ở cả nhóm dùng metformin và mướp đắng. Nhóm dùng mướp đắng 2000 mg/ngày có biểu hiện thèm ăn thường xuyên hơn các nhóm khác. Tim đập hồi hộp cũng được báo cáo 16 lần: 3 trong nhóm metformin, 4, 7 và 2 tương ứng với nhóm mướp đắng 500, 1000 và 2000 mg/ngày. Một vài đợt có liên quan đến giảm đường huyết. Hơn nữa, các triệu chứng này không cần điều trị hoặc tự hết sau khi ngừng metformin hoặc mướp đắng và nghỉ ngơi. Không có bệnh nhân nào bị hạ đường huyết (có các triệu chứng liên quan hoặc mức đường huyết thấp hơn 60 mg/dL)
- Các thông số phòng thí nghiệm: Không có sự thay đổi liên quan về mặt lâm sàng các biến phòng thí nghiệm so với ban đầu ở bất kỳ nhóm điều trị nào.
Kết luận
Sử dụng mướp đắng liều 2000 mg/ngày có tác dụng hạ đường huyết vừa phải, dựa trên sự giảm nồng độ fruc tosamine. Tuy nhiên, tác dụng hạ đường huyết của nó kém hơn khi sử dụng metformin liều 1000 mg/ngày.
Nguồn: Pubmed
Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới:
Effect of Momordica charantia on blood glucose level of normal and alloxan-diabetic rabbits - PubMed (nih.gov)
Hypoglycaemic effect of Momordica charantia extracts in normoglycaemic or cyproheptadine-induced hyperglycaemic mice - PubMed (nih.gov)
Momordica charantia fruit juice stimulates glucose and amino acid uptakes in L6 myotubes - PubMed (nih.gov)
The effect of Momordica charantia capsule preparation on glycemic control in type 2 diabetes mellitus needs further studies - PubMed (nih.gov)
Hypoglycaemic effect of Momordica charantia extracts - PubMed (nih.gov)
Retrospective study on the use of bitter melon for type 2 diabetes at Dansai Crown Prince Hospital, Thailand | Semantic Scholar
Evaluation of the efficacy of bitter gourd (momordica charantia) as an oral hypoglycemic agent--a randomized controlled clinical trial - PubMed (nih.gov)
Effect of Momordica charantia (Karolla) extracts on fasting and postprandial serum glucose levels in NIDDM patients - PubMed (nih.gov)
Beneficial effects and mechanism of action of Momordica charantia juice in the treatment of streptozotocin-induced diabetes mellitus in rat - PubMed (nih.gov)
Effects of Momordica charantia fruit juice on islet morphology in the pancreas of the streptozotocin-diabetic rat - PubMed (nih.gov)