Nghiên cứu khoa học: Thay đổi lối sống để ngăn ngừa đột quỵ tái phát
Ngày: 31/05/2021 lúc 23:34PM
Nhiều yếu tố nguy cơ gây đột quỵ tái phát có thể thay đổi được vẫn tồn tại ở những người đã bị đột quỵ, và chúng thường không được kiểm soát. Điều này dẫn đến tăng nguy cơ tử vong và tàn tật. Các hướng dẫn lâm sàng đã thừa nhận rằng, việc điều chỉnh lối sống để quản lý các yếu tố nguy cơ cần được ưu tiên sau đột quỵ.
Tổng quan
Có 23% trong số gần 800 000 ca đột quỵ xảy ra hàng năm là các trường hợp tái phát. Nguy cơ tàn tật và tử vong sau đột quỵ tái phát cao hơn so với sau đột quỵ lần đầu, điều này khiến việc phòng ngừa đột quỵ thứ phát được ưu tiên. Nhiều yếu tố nguy cơ gây đột quỵ có thể thay đổi và có thể cải thiện được bằng thay đổi lối sống.
Tuy nhiên, thay đổi lối sống có thể khó khăn đối với những người bị đột quỵ, một phần do những suy giảm về thể chất và nhận thức để lại. Bất chấp những thách thức này, việc quản lý các yếu tố nguy cơ thông qua điều chỉnh lối sống có vai trò rất quan trọng. Bài viết này đánh giá những lợi ích của việc điều chỉnh một số hành vi lối sống trên tim mạch và trao đổi chất, bao gồm: chế độ ăn uống, hoạt động thể chất, cai thuốc lá và uống rượu.
Lý thuyết về hành vi sức khỏe và các chương trình can thiệp lối sống hiện có cũng được xem xét, để xác định những hành vi và kỹ năng nhận thức quan trọng có thể giúp thay đổi những hành vi sức khỏe, đồng thời cung cấp các kỹ năng và đề xuất thực tế cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Giới thiệu
Tiền sử đột quỵ làm tăng nguy cơ đột quỵ trong tương lai, cùng với đó là tỷ lệ tử vong và tàn tật cao hơn so với đột quỵ lần đầu.
Trong số 795 000 ca đột quỵ xảy ra hàng năm, 185 000 (23%) là các trường hợp tái phát. Sau đột quỵ lần đầu, nguy cơ tái phát đột quỵ ước tính là 13% - 16% trong năm đầu tiên và 4% mỗi năm sau đó. Điều này dẫn đến nguy cơ đột quỵ tăng lên 30% trong 5 năm, và 43% sau 10 năm.
Ngoài những rủi ro được xem xét ở mức tổng thể này, tác động của việc tái phát đột quỵ đối với mỗi cá nhân có thể rất nghiêm trọng. Nguy cơ tử vong trong vòng 30 ngày sau khi đột quỵ tái phát dao động từ 23% - 41%, và nguy cơ tàn tật từ 39% - 53%. Do đó, việc phòng ngừa đột quỵ thứ phát cần được ưu tiên, và vấn đề này có thể được giải quyết một phần thông qua quản lý các yếu tố nguy cơ.
Những yếu tố nguy cơ ở người bị đột quỵ
Mặc dù việc ngăn ngừa đột quỵ thứ phát thông qua quản lý yếu tố nguy cơ chưa được nghiên cứu rộng rãi, nhưng đã có bằng chứng rõ ràng cho thấy các quản lý yếu tố nguy cơ giúp ngăn ngừa đột quỵ nguyên phát. Người ta thường chấp nhận rằng các yếu tố nguy cơ của đột quỵ lần đầu và tái phát do thiếu máu cục bộ là như nhau.
Nhiều yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được vẫn tồn tại ở những người đã bị đột quỵ và chúng thường không được kiểm soát. Trên một nhóm người lớn bị đột quỵ trong cộng đồng, 99% có 1 yếu tố nguy cơ không được quản lý, và 91% có từ 2 yếu tố nguy cơ trở lên không được quản lý. Điều này rất đáng quan tâm vì nguy cơ tử vong do tim mạch cao hơn lần lượt 1,6 lần và 3,2 lần ở những người có 1 và 2 yếu tố nguy cơ không được quản lý, so với những người kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ. Do đó, việc quản lý các yếu tố nguy cơ rất quan trọng đối với những người bị đột quỵ.
Yếu tố nguy cơ không thể thay đổi | Yếu tố nguy cơ có thể thay đổi |
● Tuổi tác: nguy cơ tăng gấp đôi sau mỗi 10 năm ở những người >55 tuổi ● Giới tính: phụ nữ có nguy cơ đột quỵ cao hơn nam giới ● Chủng tộc và dân tộc: tỷ lệ mắc bệnh ở người da đen, gốc Tây Ban Nha, thổ dân da đỏ và Alaska cao hơn người da trắng hoặc Người châu Á ● Tiền sử gia đình: có thể liên quan đến di truyền và ảnh hưởng từ môi trường và lối sống của gia đình ● Đột quỵ lần đầu: nguy cơ tái phát trong 10 năm là 43% | ● Tăng huyết áp: huyết áp tâm thu ≥140 mm Hg hoặc huyết áp tâm trương ≥90 mm Hg ● Tăng cholesterol máu: LDL ≥100 mg / dL ● Béo phì: chỉ số khối cơ thể ≥30 kg/m2 ● Ít hoạt động thể chất: <30-60 phút hoạt động thể lực từ 3-5 lần mỗi tuần ● Bệnh tiểu đường ● Hút thuốc lá ● Uống nhiều rượu: >2 ly cho nam và >1 ly cho nữ mỗi ngày |
Thay đổi lối sống
Mặc dù quản lý yếu tố nguy cơ thông qua sử dụng thuốc là cần thiết, nhưng việc sử dụng nhiều thuốc có thể dẫn đến gánh nặng điều trị cho những bệnh nhân đột quỵ và làm tăng thêm nguy cơ mắc bệnh và tử vong. Trong những năm gần đây, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã xuất bản nhiều hướng dẫn dành cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe về quản lý các yếu tố nguy cơ tim mạch, cách phòng ngừa đột quỵ nguyên phát, cách xử trí cấp tính của đột quỵ, và phòng ngừa đột quỵ thứ phát. Mỗi hướng dẫn này đều đã xác định việc điều chỉnh lối sống giữ vai trò chủ yếu trong quản lý yếu tố nguy cơ. Và việc thay đổi lối sống lành mạnh cần được thực hiện như một phần của chăm sóc toàn diện sau đột quỵ.
Thay đổi lối sống có thể giúp cải thiện tình trạng tăng huyết áp, tăng cholesterol trong máu, béo phì và chuyển hóa glucose ở bệnh nhân đái tháo đường, do đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong. Trên thực tế, tỷ lệ tử vong do tim mạch ở những người bị đột quỵ trong thời gian 10 năm có thể giảm 85% - 92% bằng cách thực hiện các hành vi tốt cho sức khỏe, như: ăn đủ trái cây và rau quả, tập thể dục, duy trì chỉ số khối cơ thể từ 18,5 - 29,9 kg/m2, uống rượu vừa phải và không hút thuốc. Rõ ràng, việc điều chỉnh các hành vi lối sống có vai trò quan trọng trong phòng ngừa đột quỵ thứ phát. Những nội dung dưới đây sẽ khám phá những ảnh hưởng cụ thể của thay đổi lối sống đến những yếu tố nguy cơ gây đột quỵ.
Chế độ ăn
Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh có vai trò quan trọng đối với sức khỏe tim mạch và ngăn ngừa đột quỵ. Năm 2013, Đại học Tim mạch Hoa Kỳ và Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã xuất bản các hướng dẫn quản lý lối sống để giảm thiểu nguy cơ tim mạch. Các khuyến nghị về chế độ ăn uống theo chế độ DASH- 17 và kiểu Địa Trung Hải đã cho thấy hiệu quả trong việc giảm nguy cơ đột quỵ. Các khuyến nghị khác bao gồm: khuyến khích ăn trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo, thịt gia cầm, cá, các loại đậu, dầu thực vật và các loại hạt; hạn chế tiêu thụ đồ ngọt, đồ uống có đường và thịt đỏ; và giảm lượng natri nạp vào.
Nhiều lợi ích từ việc tuân thủ các mô hình ăn kiêng này đã được quan sát thấy, như: Giảm huyết áp và cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL); Cải thiện kiểm soát đường huyết và độ nhạy insulin ở bệnh nhân tiểu đường; Giảm cân làm giảm tỷ lệ béo phì – điều này rất quan trọng vì có mối quan hệ chặt chẽ giữa béo phì và đột quỵ.
Một lưu ý quan trọng khác về chế độ ăn uống là lượng calo. Giảm lượng calo tiêu thụ hàng ngày từ 20% - 25% trong 3 tháng hoặc lâu hơn đều cải thiện huyết áp ở những người béo phì và không béo phì, đồng thời giúp cải thiện mức LDL-cholesterol và triglyceride, giảm tình trạng kháng insulin và kiểm soát đường huyết. Lựa chọn tiêu thụ những thực phẩm lành mạnh với lượng thích hợp có thể ảnh hưởng tích cực đến các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ tái phát.
Hoạt động thể chất
Không hoạt động thể chất là một yếu tố nguy cơ đáng kể đối với đột quỵ. Thật không may, những người bị đột quỵ dành tới 86% - 88% thời gian của họ không dành cho vận động thể lực, ở những người lớn không bị đột quỵ - thời gian này là 57% - 72%.
Một lý do khiến hoạt động thể chất giảm sau đột quỵ là sự giảm sút khả năng tập luyện – được đo bằng tốc độ tiêu thụ oxy tối đa (tức là VO2 max). Lượng oxy tiêu thụ trong quá trình đi bộ định kỳ ở người bị đột quỵ gấp đôi so với người lớn không bị đột quỵ; và việc thực hiện các hoạt động tự chăm sóc như tắm rửa, chải chuốt và mặc quần áo sau đột quỵ có thể yêu cầu các cá nhân phải gắng sức từ 66% - 75%, hoặc hơn tổng năng lực hoạt động của họ. Điều này cho thấy những công việc tưởng như đơn giản lại trở nên khó khăn như thế nào sau đột quỵ. Ngoài ra, các rào cản khác ngăn bệnh nhân sau đột quỵ thực hiện hoạt động thể chất còn bao gồm: suy nhược, trầm cảm, không thể tiếp cận môi trường (ví dụ: thiếu phương tiện di chuyển và thiết bị tập thể dục thân thiện với xe lăn), động lực thấp, hỗ trợ xã hội kém và suy giảm thể chất.
Bất chấp những thách thức này, việc hoạt động thể chất là rất quan trọng. Hoạt động thể chất ở mức vừa phải đến cường độ mạnh để ngăn ngừa đột quỵ ban đầu giúp giảm huyết áp, LDL-cholesterol, giảm cân và tăng số cân nặng giảm được. Hoạt động thể chất cũng làm tăng hấp thu glucose và độ nhạy insulin ở những người mắc đái tháo đường và người không mắc bệnh. Đối với những người bị đột quỵ, luyện tập thể dục có thể cải thiện tình trạng tăng huyết áp, cấu trúc lipid, chuyển hóa glucose và độ nhạy insulin. Những cải thiện này rất quan trọng, vì có đến 80% người bị đột quỵ bị bất thường chuyển hóa glucose. Ngoài ra, những lợi ích khác từ việc luyện tập thể dục sau đột quỵ bao gồm: cải thiện khả năng giữ thăng bằng, tốc độ di chuyển, sức bền và giảm khuyết tật.
Do những khó khăn liên quan đến suy giảm chức năng và suy giảm thể chất sau đột quỵ, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ và Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ đã thiết lập các hướng dẫn cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, trong đó đưa ra các khuyến nghị về hoạt động thể chất và tập thể dục sau đột quỵ. Ngoài việc tăng cường hoạt động thể chất, nên giảm các hành vi ngồi và ít vận động khác bằng cách thực hiện các hoạt động thể chất nhẹ nhàng, chẳng hạn như đứng và đi bộ. Những cân nhắc quan trọng để tăng cường hoạt động thể chất sau đột quỵ bao gồm: kiểm tra tim và mức độ stress cho những người có nguy cơ cao và giám sát bởi một chuyên gia đã được đào tạo khi bắt đầu một chương trình tập luyện mới. Các nhà trị liệu nên tham gia vào việc thiết kế các chương trình hoạt động thể chất sau đột quỵ vì những chuyên gia này có kinh nghiệm và đào tạo cần thiết, để hướng dẫn những người bị đột quỵ cách tăng mức độ hoạt động thể chất một cách an toàn.
Hút thuốc
Nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ lần đầu ở người hút thuốc gần gấp 4 lần nguy cơ ở người không hút thuốc. Mặc dù thông tin về nguy cơ đột quỵ tái phát còn hạn chế, một nghiên cứu đã chứng minh rằng nguy cơ đột quỵ tái phát ở người lớn tuổi hút thuốc cao gấp đôi so với người không hút thuốc. Hút thuốc làm tăng nhịp tim, huyết áp và độ cứng động mạch – điều này đặc biệt nguy hiểm đối với những người bị tăng huyết áp. Hơn nữa, hút thuốc có thể dẫn đến kháng insulin và rối loạn lipid máu.
Tuy nhiên, ngừng hút thuốc có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ. Bỏ thuốc lá làm nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ giảm xuống một nửa, và đem lại nhiều lợi ích hơn trên những người hút thuốc bị tăng huyết áp so với những người không tăng huyết áp. Người nghiện thuốc lá mạn tính bỏ thuốc có thể giảm huyết áp, nhịp tim và độ cứng động mạch, tăng cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL). Ngoài ra, những người đái tháo đường hút thuốc sau khi bỏ thuốc đã cải thiện kiểm soát đường huyết, huyết áp, LDL-cholesterol và tình trạng kháng insulin. Do có nhiều yếu tố nguy cơ có thể được cải thiện thông qua việc cai thuốc lá, những người bị đột quỵ có hút thuốc và đặc biệt là những người bị tăng huyết áp, cần được khuyến khích và hỗ trợ để bỏ thuốc.
Uống rượu
Việc tiêu thụ nhiều rượu làm tăng nguy cơ đột quỵ lần đầu và tái phát. Mặc dù cơ chế chính xác chưa được biết rõ, nhưng uống nhiều rượu làm tăng nguy cơ tăng huyết áp và đái tháo đường, đây là những yếu tố nguy cơ chính của đột quỵ và bệnh tim mạch.
Uống rượu từ mức độ thấp đến vừa phải, được định nghĩa là ≤2 ly đối với nam giới và ≤1 ly đối với phụ nữ mỗi ngày, có liên quan đến việc giảm nguy cơ bị đột quỵ lần đầu. Mặc dù cần nghiên cứu thêm, nhưng có khả năng việc uống ít rượu làm giảm nguy cơ tim mạch bằng cách giảm tăng huyết áp hoặc tăng HDL-cholesterol.
Giảm mức tiêu thụ rượu hiện tại có thể giúp giảm huyết áp, với mức giảm nhiều hơn xảy ra ở những người có huyết áp cao hơn, điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm nguy cơ đột quỵ ở những người cao huyết áp. Ngoài ra, những người uống ít rượu có tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường thấp hơn những người uống nhiều rượu. Bất chấp những lợi ích tiềm năng này, Hiệp hội Tim mạch và Đột quỵ Hoa Kỳ hiện không khuyến nghị uống rượu để đạt được những lợi ích về tim mạch.
Như đã quan sát với các hành vi sức khỏe khác, điều chỉnh lượng rượu tiêu thụ có thể ảnh hưởng đến nhiều yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Điều này làm cho việc uống rượu trở thành mục tiêu tiềm năng để ngăn ngừa đột quỵ thứ phát. Tuy nhiên, vì nguy cơ phụ thuộc vào rượu, những người không uống rượu không được khuyến khích uống.
Kết luận
Những người sau đột quỵ thường tồn tại các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch và tái phát đột quỵ có thể thay đổi được. Các yếu tố nguy cơ này thường không được quản lý, dẫn đến tăng nguy cơ tử vong và tàn tật. Các hướng dẫn lâm sàng đã thừa nhận rằng, việc điều chỉnh lối sống để quản lý các yếu tố nguy cơ nên được ưu tiên sau đột quỵ. Cải thiện chế độ ăn uống, tăng cường hoạt động thể chất, bỏ hút thuốc và giảm uống rượu là những hành vi sức khỏe cụ thể nên được hướng đến, vì tác động có lợi của chúng lên nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch.
Các lý thuyết về hành vi sức khỏe và các chương trình điều chỉnh lối sống đã chứng minh rằng, việc điều chỉnh các hành vi sức khỏe có thể thực hiện được thông qua các can thiệp chuyên sâu, dài hạn nhằm thu hút sự hỗ trợ của xã hội và cung cấp cho các các nhân và gia đình nhiều kỹ năng khác nhau. Thay đổi lối sống có thể được bắt đầu trong môi trường thực hành lâm sàng và nâng cao thông qua việc giới thiệu đến các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, hoặc các chương trình can thiệp lối sống. Mặc dù việc thay đổi hành vi là khó khăn, việc nhà cung cấp sử dụng các lý thuyết về hành vi sức khỏe, thực hiện các chiến lược nhận thức và hành vi, cũng như trau dồi kỹ năng giao tiếp có thể tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân nỗ lực phòng ngừa đột quỵ thứ phát thông qua thay đổi lối sống.
Nguồn: Pubmed
Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới:
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6124986/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5408159/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/8303740
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/14764929/
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/24788967/
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/9371148/
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/11823671/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1963444/
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/15345797/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4220053/
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/17462523/
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/9509261/
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/24222015/
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/23370205/
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/15226228/
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/18413553/
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25967574/