Cách giấc ngủ cải thiện hệ miễn dịch của bạn
Ngày: 27/01/2021 lúc 10:12AM
Giấc ngủ không đảm bảo có thể dẫn đến một số vấn đề về sức khỏe, bao gồm cả bệnh tim. Nếu bạn cần một lý do khác để chăm chút cho một giấc ngủ ngon, đây có thể là câu trả lời cho bạn: Giấc ngủ hỗ trợ hệ miễn dịch.
Các nhà nghiên cứu cho biết ngủ đủ giấc sẽ giúp các tế bào lympho T của cơ thể chống lại nhiễm trùng.
Đã có rất nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra những lợi ích của giấc ngủ. Và mới đây, các nhà nghiên cứu Đức đã phát hiện rằng việc ngủ đủ giấc giúp cải thiện hoạt động của các tế bào miễn dịch lympho T, hay còn gọi là tế bào T.
Lympho T là một loại tế bào lympho của hệ miễn dịch. Nó có vai trò chống lại các mầm bệnh nội bào, như các tế bào nhiễm virus cúm, HIV, herpes và các tế bào ung thư.
Các nghiên cứu đã tìm ra một cơ chế mới mà qua đó giấc ngủ có thể hỗ trợ hệ thống miễn dịch.
Các tế bào lympho T cần tiếp xúc trực tiếp với các tế bào nhiễm virus hay tế bào ung thư để có thể tiêu diệt chúng. Do đó, lympho T cần có độ kết dính nhất định với các tế bào này. Độ kết dính này được quyết định bởi các protein liên kết trên màng tế bào. Integrin là một loại protein liên kết tế bào, độ dính của nó có vai trò quan trọng giúp thúc đẩy sự bám dính của lympho T với các tế bào cần tiêu diệt.
Trong khi đó, các prostaglandin tiền viêm và các hormon sinh ra do stress (như adrenaline và noradrenaline) lại ức chế sự dính của integrin. Khi chúng ta ngủ, nồng độ của các chất này giảm xuống nên sự dính của integrin tăng lên. Nhờ đó, giấc ngủ giúp lympho T tăng khả năng bám dính lên các tế bào cần tiêu diệt, hỗ trợ hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn.
Sự quan trọng của tế bào lympho T
Các tế bào lympho T giữ vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Khi nhận ra một tế bào nhiễm virus, các lympho T sẽ kích hoạt protein kết dính integrin – cho phép chúng bám vào và tiêu diệt các tế bào này.
Các nhà nghiên cứu đã ví lympho T như “những người tình nguyện vì sức khỏe”, không ngủ cả đêm để thực hiện nhiệm vụ của mình.
Nghiên cứu trên những tình nguyện viên cho thấy mức độ kích hoạt integrin ở những người đang ngủ cao hơn so với những người đang thức.
Các kết quả đã chỉ ra rằng giấc ngủ có khả năng cải thiện chức năng của tế bào lympho T. Đối với những người thiếu ngủ, các hormon sinh ra do stress có thể ức chế hiệu quả hoạt động của các tế bào T.
Sự quan trọng của giấc ngủ
Người lớn cần ngủ ít nhất 7 giờ mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe.
Tuy nhiên, mọi người thường không để tâm tới tầm quan trọng của giấc ngủ và không ngủ đủ giấc.
Nghiên cứu đã cho thấy những người không chú trọng đến giấc ngủ và thường ngủ ít hơn 7 giờ mỗi ngày gặp nhiều tác động tiêu cực hơn. Về cơ bản, thiếu ngủ tạo ra trạng thái căng thẳng quá độ, từ đó tăng sản xuất các hormone stress và giải phóng adrenaline.
Giấc ngủ cũng giống như một phần của cơ thể. Nó là một trạng thái tự nhiên và cần được quan tâm để duy trì sức khỏe. Giấc ngủ tốt sẽ giúp chúng ta cảm thấy sảng khoái, thư giãn và giải tỏa căng thẳng. Vì vậy, việc chăm chút cho giấc ngủ là điều rất cần thiết. Nhu cầu về giấc ngủ cũng thay đổi theo tuổi tác, do đó người lớn tuổi có thể sẽ cảm thấy cần ngủ nhiều hơn so với khi còn trẻ.
Thường xuyên ngủ ít hơn 5 giờ mỗi đêm có thể làm tăng nguy cơ tử vong. Và ngủ ít hơn 7 giờ trong ba đêm liên tiếp sẽ tương đương tác động lên cơ thể của một đêm mất ngủ.
Việc thiếu ngủ có thể gây ra những hậu quả ngắn hạn hoặc dài hạn cho sức khỏe. Đó có thể là những vấn đề lâu dài về tâm trạng, trí nhớ và đường huyết. Các hậu quả ngắn hạn có thể là buồn ngủ, giảm khả năng phán đoán, tai nạn xe hơi, tâm trạng ủ rũ, các vấn đề về trí nhớ, sai sót trong làm việc,... Thiếu ngủ mạn tính không chỉ ảnh hưởng đến khả năng hoạt động vào ngày hôm sau, mà sự thiếu ngủ tích tụ càng lâu càng gây nhiều ảnh hưởng xấu.
Thường xuyên ngủ không đủ giấc có thể gây ra nhiều vấn đề bên trong cơ thể, như:
Tăng phản ứng viêm
Tăng huyết áp
Tăng đề kháng insulin
Tăng cortisol
Tăng cân
Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Giảm khả năng điều hòa đường huyết
Việc ngủ đủ giấc còn được cho là có thể bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ mắc bệnh tim. Nghiên cứu trên chuột năm 2019 đã phát hiện một cơ chế kết nối giữa não, tủy xương và các mạch máu giúp bảo vệ chống lại sự xơ cứng động mạch. Và cơ chế này chỉ có ở những chuột có giấc ngủ đảm bảo chất lượng.
Các nhà nghiên cứu hi vọng những hiểu biết về mối liên hệ giữa giấc ngủ và sức khỏe tim mạch sẽ mở đường cho các lựa chọn điều trị mới.
Tại sao mọi người không ngủ đủ giấc?
Mặc dù nhiều nghiên cứu đã chứng minh tác động tiêu cực đến sức khỏe của việc thiếu ngủ, các chuyên gia cho biết nhiều người vẫn không ưu tiên ngủ đủ giấc.
Mọi người cần cân nhắc rõ ràng về thời gian dành cho giấc ngủ mỗi ngày, vì nhiều vấn đề phụ thuộc sự tự nguyện của họ. Và họ chỉ cần quyết định ưu tiên cho một giấc ngủ đạt tiêu chuẩn.
Điểm mấu chốt để có một giấc ngủ ngon là một phòng ngủ thoải mái, tối, mát mẻ và tránh xa các yếu tố làm gián đoạn giấc ngủ, như: các thiết bị điện tử, vật nuôi, hay người ngủ ngáy. Tập thể dục cũng có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ của bạn. Ngoài ra, việc kiểm soát lượng caffeine và rượu mà bạn tiêu thụ cũng có vai trò rất quan trọng.
Giấc ngủ ngon cần phải được ưu tiên hàng đầu. Vì chúng ta luôn có rất nhiều công việc cần phải hoàn thành, hay đơn giản là những điều thu hút chúng ta dành thời gian cho chúng, nên bạn chỉ có thể ngủ đủ giấc khi tự quyết định dành thời gian cho nó.
Lời kết
Các nhà nghiên cứu cho biết giấc ngủ ngon có thể tăng cường hệ miễn dịch của bạn.
Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện rằng giấc ngủ chất lượng có thể hỗ trợ các tế bào T trong cơ thể bạn chống lại nhiễm trùng.
Giấc ngủ thực hiện điều này bằng cách tăng cường khả năng bám của tế bào T và tiêu diệt các tế bào bị nhiễm virus và các mầm bệnh khác.
Các nhà nghiên cứu cho biết thiếu ngủ có thể gây ra cả những vấn đề sức khỏe ngắn hạn và lâu dài.
Nguồn: healthline.com
Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới:
https://www.nature.com/articles/s41586-019-0948-2
https://www.cdc.gov/media/releases/2016/p0215-enough-sleep.html
https://rupress.org/jem/article/216/3/517/120367/G-s-coupled-receptor-signaling-and-sleep-regulate