7 nguyên nhân tại sao thực phẩm chế biến sẵn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe

Ngày: 05/12/2021 lúc 18:08PM

Thực phẩm chế biến hóa học chứa nhiều đường, chất phụ gia, carbohydrate tinh luyện và chất béo chuyển hóa. Những thành phần này là nguyên nhân gây ra bệnh béo phì và bệnh tật trên toàn thế giới. 

Hầu hết thực phẩm cần chế biến đến một mức độ nào đó, không phải tất cả các thực phẩm đã qua chế biến đều gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, thực phẩm chế biến hóa học (hay thực phẩm siêu chế biến) thường chứa nhiều đường, chất phụ gia, carbohydrate tinh luyện và chất béo chuyển hóa. Những thành phần này là nguyên nhân gây ra béo phì và các bệnh chuyển hóa. 

thuc-pham-che-bien

Trong những thập kỷ gần đây, mức độ phổ biến của thực phẩm siêu chế biến (ultra-processed food) tăng lên nhanh chóng, thậm chí chiếm 25 - 60% lượng calo cung cấp một ngày cho cơ thể. Bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ chia sẻ về nguyên nhân tại sao thực phẩm chế biến sẵn gây tác động xấu đến sức khỏe.

Thực phẩm chế biến là gì ?

Hầu hết các thực phẩm đều được chế biến theo một phương thức nào đó, có thể chia làm 2 loại là chế biến cơ học và chế biến hóa học.

Chế biến cơ học là quá trình chế biến thực phẩm mà không thêm hóa chất hoặc thành phần có hại cho sức khỏe. Chẳng hạn như: xay thịt bò, luộc rau hoặc tiệt trùng thực phẩm,... Chế biến cơ học không làm giảm giá trị dinh dưỡng của thực phẩm.

Thực phẩm chế biến hóa học hay thực phẩm siêu chế biến thường chứa thành phần tinh luyện và chất phụ gia ít giá trị dinh dưỡng. Ngoài ra, còn được thêm các chất hóa học để tạo ngọt, tạo hương, điều vị và các chất màu. 

Một số ví dụ về thực phẩm siêu chế biến bao gồm:

  • Pizza, bánh ngọt

  • Bánh mì đóng gói

  • Thực phẩm từ phô mai chế biến sẵn

  • Ngũ cốc ăn sáng

  • Bánh quy giòn và khoai tây chiên

  • Mì và cháo ăn liền

  • Thịt chế biến sẵn: xúc xích, chả cá và gà chiên sẵn, giăm bông

  • Nước ngọt và đồ uống có đường

Thực phẩm chế biến có gây hại cho sức khỏe của bạn?

Thực phẩm siêu chế biến thường ngon, rẻ và tiện lợi hơn nhưng chứa nhiều chất béo bão hòa, thêm nhiều đường, muối, chứa ít chất xơ và vitamin hơn thực phẩm toàn phần. 

Một nghiên cứu trên Tạp chí Y khoa của Anh thực hiện trên hơn 100.000 người trưởng thành phát hiện ra rằng, tiêu thụ nhiều hơn 10% thực phẩm chế biến đồng nghĩa với việc tăng 10% nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bệnh mạch vành và rối loạn mạch máu não. Kết quả dựa trên tính toán về lượng chất béo bão hòa, natri và chất xơ trong thực phẩm.

thuc-pham-che-bien

Một nghiên cứu khác thực hiện trên 20.000 người cũng phát hiện ra rằng, khi tiêu thụ hơn 4 khẩu phần thực phẩm chế biến sẵn mỗi ngày, mỗi khẩu phần làm tăng nguy cơ tử vong đến 18%.

Nghiên cứu của nhóm tác giả tại Viện quốc gia về bệnh tiểu đường, tiêu hóa và thận (Hoa Kỳ) cũng chỉ ra ăn nhiều thực phẩm chế biến dẫn đến tăng cân, béo phì.

Chúng tôi sẽ chia sẻ 7 lý do tại sao thực phẩm chế biến sẵn có thể làm tăng nguy cơ đối với sức khỏe:

1. Chứa nhiều đường

Đường không có các chất dinh dưỡng thiết yếu, lại chứa nhiều calo. Thực phẩm chế biến sẵn có xu hướng thêm nhiều đường (như sirô ngô có hàm lượng fructose cao). Tiêu thụ đường thường xuyên làm tăng cảm giác thèm ăn, dẫn đến tăng nguy cơ béo phì, hội chứng chuyển hóa và tiểu đường tuýp 2.

Nước ngọt cũng chứa rất nhiều đường. Vì vậy, một trong những cách đơn giản nhất để giảm lượng đường tiêu thụ là sử dụng nước lọc, nước khoáng thay vì nước ngọt và đồ uống có gas. 

2. Chứa các chất phụ gia 

Ở mặt sau của bao bì thực phẩm chế biến là nhãn thành phần nguyên liệu, trong đó có một số chất phụ gia hóa học mà nhà sản xuất thêm vào để tăng cảm giác ngon miệng. Thực phẩm chế biến sẵn thường chứa các nhóm chất hóa học sau:

  • Chất bảo quản

  • Chất màu nhân tạo

  • Hương liệu hóa học

  • Chất tạo kết cấu

Ngoài ra, còn rất nhiều thành phần hóa học không được liệt kê trên bao bì. Chẳng hạn như “Hương liệu nhân tạo” có công thức độc quyền, các nhà sản xuất sẽ không tiết lộ chính xác cụ thể từng thành phần hóa học trong đó. Mặc dù chất phụ gia có trong thực phẩm đã được các cơ quan kiểm định đảm bảo mức độ an toàn, việc sử dụng các chất hóa học và mối liên quan đến các vấn đề sức khỏe vẫn đang gây tranh cãi..

3. Chứa carbohydrate tinh luyện

Carbohydrate là thành phần thiết yếu của tất cả chế độ ăn. Tuy nhiên, carbohydrate của thực phẩm toàn phần tốt hơn nhiều so với carbohydrate tinh luyện. 

Thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều carbohydrate đã qua tinh chế. Cơ thể phân giải nhanh chóng loại carbohydrate này, khiến lượng đường và insulin trong máu tăng nhanh. Carbohydrate tinh luyện làm mất ổn định nồng độ đường trong máu, do đó tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2.

Các nguồn carbohydrate lành mạnh bao gồm:

  • Các loại ngũ cốc 

  • Rau

  • Trái cây

  • Đậu

4. Hàm lượng dinh dưỡng thấp

Thực phẩm siêu chế biến chứa ít chất dinh dưỡng thiết yếu hơn so với thực phẩm toàn phần. Trong một số trường hợp, nhà sản xuất bổ sung thêm vitamin và khoáng chất tổng hợp thay thế các chất dinh dưỡng bị mất đi trong quá trình chế biến. 

thuc-pham-che-bien

Tuy nhiên, thực phẩm toàn phần cung cấp thêm các chất có lợi khác cho sức khỏe mà thực phẩm chế biến không có. Trái cây, rau củ và các loại hạt chứa nhiều hợp chất có lợi như flavonoid, anthocyanin, tannin và carotenoid. Chúng có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm và ung thư.

5. Ít chất xơ

Chất xơ có nhiều lợi ích cho sức khỏe, làm chậm quá trình hấp thu carbohydrate và tăng cảm giác no. Ngoài ra, chất xơ hoạt động như một prebiotic, nuôi dưỡng các vi khuẩn có lợi trong đường ruột và tăng cường sức khỏe tim mạch. Hầu hết các loại thực phẩm siêu chế biến đều rất ít chất xơ vì chất xơ tự nhiên bị mất trong quá trình chế biến. 

Thực phẩm giàu chất xơ có lợi cho sức khỏe bao gồm:

  • Cây họ đậu

  • Rau

  • Trái cây

  • Các loại hạt và hạt mầm

  • Các loại ngũ cốc

6. Tiêu thụ calo nhanh chóng

Do phần lớn chất xơ bị mất đi trong quá trình chế biến nên việc ăn và tiêu hóa thực phẩm chế biến sẽ tốn ít năng lượng hơn so với thực phẩm toàn phần hoặc ít chế biến. Kết quả là cơ thể dễ dàng hấp thụ nhiều calo, làm tăng nguy cơ bị béo phì.

7. Chất béo chuyển hóa

Thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều chất béo không tốt cho sức khỏe. Nhà sản xuất tạo ra chất béo chuyển hóa bằng cách hydro hóa dầu thực vật lỏng.

Chất béo chuyển hóa làm tăng tình trạng viêm, tăng LDL-cholesterol (cholesterol “xấu”) và giảm nồng độ HDL-cholesterol (cholesterol “tốt”).

Ăn nhiều chất béo chuyển hóa làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ, tiểu đường tuýp 2. Một nghiên cứu vào năm 2019 theo cơ sở dữ liệu từ Viện Y tế Quốc gia cho biết, lượng tiêu thụ chất béo chuyển hóa tăng 2% tương đương với tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch lên 23%. 

Hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn là cách tốt nhất để tránh tiêu thụ dầu đã tinh chế và chất béo chuyển hóa. Dầu dừa, dầu ô liu là các lựa chọn thay thế hiệu quả và có nhiều lợi ích cho sức khỏe. 

thuc-pham-che-bien

Tổng kết

Ngày nay, thực phẩm siêu chế biến trở lên phổ biến hơn. Tuy nhiên, chúng làm tăng nguy cơ béo phì, bệnh chuyển hóa và các bệnh tim mạch. Hãy cân bằng chế độ ăn uống bằng cách thay thế thực phẩm chế biến nhanh bằng thực phẩm toàn phần bao gồm quả hạch, thịt lạc, trái cây, rau và các loại hạt, ...

Nguồn: Medical Newstoday

Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới:

https://www.nih.gov/news-events/nih-research-matters/eating-highly-processed-foods-linked-weight-gain

https://www.bioscience.org/2018/v23/af/4704/fulltext.htm

https://www.cell.com/cell-metabolism/fulltext/S1550-4131(19)30248-7?_returnURL=https%3A%2F%2Flinkinghub.elsevier.com%2Fretrieve%2Fpii%2FS1550413119302487%3Fshowall%3Dtrue

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/31336535/

https://www.researchgate.net/profile/Phillip_Baker4/publication/333483796_Ultra-processed_food_and_adverse_health_outcomes/links/5d47afc0a6fdcc370a7c53ea/Ultra-processed-food-and-adverse-health-outcomes.pdf

https://academic.oup.com/jn/article/145/1/159S/4585783

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6723973/

https://www.bmj.com/content/365/bmj.l1949

https://www.accessdata.fda.gov/scripts/cdrh/cfdocs/cfcfr/cfrsearch.cfm?fr=501.22

https://www.bmj.com/content/365/bmj.l1451

https://www.heart.org/en/healthy-living/healthy-eating/eat-smart/fats/trans-fat

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6298598/

https://www.actascientific.com/ASMS/pdf/ASMS-03-0374.pdf

https://www.heart.org/en/healthy-living/healthy-eating/eat-smart/nutrition-basics/whole-grains-refined-grains-and-dietary-fiber

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5601283/

Lâm Hằng
BÌNH LUẬN
Tin cùng chuyên mục

        Dược sĩ tư vấn