Thiền mang lại lợi ích cho tim mạch
Ngày: 07/02/2021 lúc 21:29PM
Một nghiên cứu lớn về người trưởng thành ở Mỹ tìm ra rằng những người ngồi thiền có nguy cơ tăng cholesterol, tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, đột quỵ và đau tim thấp hơn những người khác.
Nếu bây giờ bạn đang quá căng thẳng nhưng không thể dành thời gian đến phòng tập gym, bạn cần thư giãn, cần cảm giác ăn ngon miệng, thiền là một điều đơn giản bạn có thể làm để xoa dịu thần kinh căng thẳng, cũng như giữ trái tim bạn được khỏe mạnh.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Tim mạch Hoa Kỳ vào ngày 29, tháng 6 đã kiểm tra dữ liệu từ 61267 người trưởng thành tham gia Khảo sát phỏng vấn sức khỏe quốc gia từ năm 2012 đến năm 2017, trong đó có 5851 người (9,6%) cho biết họ đã thực hành thiền định. Những cuộc khảo sát này đã hỏi về một loạt các chủ đề sức khỏe, bao gồm cả những người có thiền hay không.
So sánh với những người không thiền, những người thực hành thiền định có nhiều hơn những lợi ích cho sức khỏe tim mạch, bao gồm:
- Giảm 35% nguy cơ tăng cholesterol
- Giảm 14% nguy cơ tăng huyết áp
- Giảm 30% nguy cơ mắc đái tháo đường type 2
- Giảm 24% nguy cơ đột quỵ
- Giảm 49% nguy cơ bệnh mạch vành
Tác giả chính của nghiên cứu, Chayakrit Krittanawong, MD, thuộc đại học Y Baylor ở Houston, cho biết: “Thiền có thể làm giảm căng thẳng và lo lắng, và chắc chắn có những dấu hiệu cho thấy có lợi cho sức khỏe tim mạch.”
Mặc dù nghiên cứu chỉ ra được mối liên quan rõ ràng giữa thiền và sức khỏe tim mạch, nó vẫn có một số hạn chế. Điểm hạn chế lớn nhất của nghiên cứu này là các nhà nghiên cứu thiếu dữ liệu về loại hình thiền định của mỗi người, sự khác nhau này có thể dẫn đến sự khác nhau về lợi ích. Họ cũng thiếu dữ liệu về tần suất thiền định của người tham gia nghiên cứu, những điều này cũng ảnh hưởng đến lợi ích sức khỏe.
Khuyến nghị thực hiện thiền định
Kết quả nghiên cứu cung cấp những bằng chứng mới hỗ trợ cho hướng dẫn điều trị của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ. Theo đó, hướng dẫn điều trị xác nhận thiền giúp giảm nguy cơ tim mạch. Hãy thực hiện nó như một phương pháp bổ sung, bên cạnh đó vẫn phải duy trì các phương pháp đã được chứng minh để tăng cường sức khỏe tim mạch như thuốc giảm cholesterol hoặc giảm huyết áp và thay đổi lối sống như cải thiện thói quen ăn uống và tập thể dục.
Các hướng dẫn của AHA gợi ý rằng nhiều hình thức thiền phổ biến có lợi cho tim, bao gồm:
- Samatha: Làm dịu tâm trí thông qua việc tập trung vào hơi thở, đồ vật hoặc hình ảnh.
- Thiền hơi thở: Nhấn mạnh nhận thức về hơi thở và điều chỉnh không khí đi vào và đi ra khi thở.
- Thiền chánh niệm: Các kỹ thuật tạo ra nhận thức thông qua tập trung chú ý, quan sát và chấp nhận mọi thứ mà không phán xét.
- Thiền zen: Tập trung vào nhận thức về hơi thở và tư thế ngồi, với việc quan sát những suy nghĩ và trải nghiệm trong tâm trí và môi trường sống.
- Yoga raja: Sự kết hợp của các kỹ thuật thở, thần chú và thiền tập trung vào các luân xa.
- Thiền yêu thương: Gửi lòng yêu thương cho bản thân, cho bạn bè hoặc người thân yêu, cho một người lạ và cho những người khó khăn trong cuộc sống của bạn.
- Thiền siêu việt: dựa trên một câu thần chú được cá nhân hóa để giúp tập trung tâm trí của bạn vào bên trong.
- Thiền thư giãn: Nhận thức thông qua theo dõi hơi thở hoặc lặp lại các từ, cụm từ hay cầu nguyện.
Các loại thiền này không liên quan đến các hoạt động thể chất nên không yêu cầu về thể lực, tất cả mọi người đều có thể thử, và theo AHA, các phương pháp này có thể liên quan tới giảm căng thẳng và lo âu, giảm triệu chứng trầm cảm, ngủ ngon giấc hơn, và tổng thể tinh thần bạn tốt hơn.
Nghiên cứu trước đây nói gì về thiền và sức khỏe tim mạch
Một số nghiên cứu trước đây đã liên kết thiền định với việc giảm một số yếu tố nguy cơ gây đau tim và đột quỵ, bao gồm huyết áp, cholesterol, đường huyết được kiểm soát tốt hơn ở những người mắc bệnh mạch vành và đái tháo đường type 2.
Ví dụ, một thử nghiệm lâm sàng được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Bệnh đái tháo đường vào tháng 6 năm 2018, đã chỉ định ngẫu nhiên 60 người mắc bệnh mắc đái tháo đường type 2 có đường huyết không được kiểm soát tốt. Những người tình nguyện tham gia nghiên cứu được chia thành 2 nhóm. Một nhóm thực hiện thiền chánh niệm hàng tuần trong 8 tuần để giảm căng thẳng. Nhóm còn lại không thực hiện thiền để đối chứng, so sánh. Sau 3 tháng, những người ngồi thiền có mức đường huyết thấp hơn đáng kể so với những người không thiền.
Một đánh giá về 19 thử nghiệm lâm sàng được công bố vào năm 2017 trên Tạp chí Tăng huyết áp cho thấy cả thiền siêu việt và các hình thức thiền khác đều giúp giảm huyết áp.
Tại sao thiền có thể giúp cải thiện sức khỏe tim mạch
Sanford Nidich, một tiến sĩ giáo dục và giám đốc trung tâm sức khỏe tinh thần và kỹ năng xã hội, đồng thời là giáo sư sinh lý học và sức khỏe tại Đại học Quốc tế Maharishi ở Fairfield, lowa cho biết, có sự đồng thuận chung giữa các nhà khoa học rằng giảm thiểu trạng thái tinh thần đau khổ, lo lắng, trầm cảm và tức giận hoặc thù địch sẽ hữu ích trong việc ngăn ngừa bệnh tim và các bệnh mạn tính khác.
Tiến sĩ Nidich, người không tham gia vào nghiên cứu hiện tại cho biết: “Thực hành thiền định có thể giúp giảm bớt căng thẳng tâm lý thông qua cơ chế giảm sự hoạt động quá mức của hệ thần kinh giao cảm, dẫn đến giảm các chất dẫn truyền thần kinh được cho là gây ra sự tiêu cực.”
Khi căng thẳng khiến hệ thần kinh giao cảm hoạt động quá mức, nó sẽ kích hoạt sự đáp ứng của cơ thể, dẫn đến sự gia tăng hormon căng thẳng và các hóa chất gây viêm trong cơ thể cũng như tăng huyết áp, nhịp tim và mức tiêu thụ oxy.
Nidich nói: “Khả năng phản ứng với các kích thích căng thẳng tạo ra một chuỗi các thay đổi sinh lý trong cơ thể cũng như trong tâm trí nhằm duy trì một trạng thái tốt, cân bằng về sức khỏe.
Cách bắt đầu thiền
Bạn không cần nhiều thiết bị hay tiền bạc hay thời gian để thử thiền. Hãy cố gắng 5 đến 10 phút mỗi ngày để bắt đầu, nhưng hãy kiên định. Bất kỳ phương pháp thiền nào cũng sẽ giúp giảm căng thẳng và lo lắng, đặc biệt là trong thời gian dịch COVID-19 đang diễn ra.
Nguồn: everydayhealth
Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới:
https://www.ajconline.org/article/S0002-9149(20)30620-2/fulltext
https://www.ahajournals.org/doi/full/10.1161/jaha.117.002218