Dấu hiệu cảnh báo cơn đau tim khi tập thể dục
Ngày: 03/12/2020 lúc 16:49PM
Năng vận động là một cách tuyệt vời để làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Tuy nhiên, việc tập thể dục đôi khi có thể làm tăng nguy cơ phát sinh cơn đau tim. Đặc biệt là ở những người mắc bệnh tim mà không theo dõi hoạt động của họ đúng cách.
Tổng quan
Lối sống ít vận động là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây nên các bệnh tim mạch. Theo Hiệp hội Tim mạch Thế giới (World Heart Federation), việc không tập thể dục có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim lên tới 50%. Các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim mạch bao gồm:
- Chế độ ăn hàng ngày giàu chất béo bão hòa
- Đái tháo đường type 2
- Huyết áp cao hoặc tăng huyết áp
- Hút thuốc
- Cholesterol cao
- Béo phì
- Tiền sử gia đình mắc bệnh tim
Việc tránh xa những yếu tố nguy cơ có thể giúp bạn giảm thiểu khả năng gặp các cơn đau tim và đột quỵ. Với những bệnh nhân mắc bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ (hay còn gọi là bệnh mạch vành), điều này còn hạn chế tỷ lệ phải thực hiện các thủ thuật y tế liên quan đến tim mạch, bao gồm cả phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.
Năng vận động là một cách tuyệt vời để làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Việc tập thể dục thường xuyên – chẳng hạn như đi bộ, đã được chứng minh khả năng cải thiện sức khỏe tim mạch. Thậm chí, nó còn có thể giúp loại bỏ các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch bằng cách hỗ trợ giảm cân và giảm huyết áp.
Tuy nhiên, việc tập thể dục đôi khi có thể làm tăng nguy cơ phát sinh cơn đau tim. Đặc biệt là ở những người mắc bệnh tim mà không theo dõi hoạt động của họ đúng cách.
Bạn hãy cùng Thái Nhiên tìm hiểu những dấu hiệu của cơn đau tim trong quá trình tập thể dục, cũng như những cách xử trí và phòng tránh tình trạng này nhé!
Tại sao cần đề phòng cơn đau tim khi tập thể dục?
Tập thể dục có vai trò rất quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh tim. Thông thường, việc tập luyện an toàn cho tất cả mọi người. Tuy nhiên bạn vẫn nên đề cao cảnh giác với cơn đau tim, đặc biệt trong các trường hợp dưới đây:
- Bạn có một hay nhiều yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch
- Bạn mới trải qua một cơn đau tim hoặc có các vấn đề về tim khác
- Bạn ít vận động thường xuyên
Hầu hết những người mắc bệnh tim luôn có thể tập thể dục một cách an toàn nếu họ được đánh giá trước khả năng tập luyện của mình. Tuy nhiên, không phải ai mắc bệnh tim cũng có thể tập thể dục. Nếu bạn mới bắt đầu tập luyện, điều quan trọng nhất là cần tiến hành từ từ để tránh những tác động bất lợi cho hệ tim mạch. Hãy trao đổi với bác sĩ trước khi bạn muốn bắt đầu bất kì môn thể dục nào. Bạn cũng có thể sẽ phải luyện tập dưới sự giám sát y tế.
Mặc dù vậy, những biện pháp đề phòng trên cũng khó có thể giúp bác sĩ dự đoán chính xác được những vấn đề sức khỏe mà bạn có thể gặp phải trong khi tập luyện. Vì vậy, bạn hãy luôn ghi nhớ những triệu chứng điển hình báo hiệu cơn đau tim để có giải pháp xử trí kịp thời.
Dấu hiệu của cơn đau tim
Ngay cả khi bạn đã trải qua cơn đau tim trước đó, cơn đau tim đến sau có thể có những triệu chứng khác hoàn toàn. Hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức khi bạn có một trong các triệu chứng sau đây.
Tức ngực
Khi nhắc đến đau tim, phần lớn mọi người đều liên tưởng đến cơn đau tức ngực đột ngột và dữ dội. Tuy nhiên, chỉ một số trường hợp có thể bắt đầu bằng cách này. Phần lớn các cơn đau tim xuất hiện với cảm giác khó chịu nhẹ, tức ngực, cảm giác ép chặt hoặc đè nặng ở vùng giữa ngực. Cơn đau có thể nhẹ, thoáng qua, và vì vậy rất khó để có thể nhận biết. Hãy ngừng tập thể dục và tìm sự trợ giúp y tế nếu bạn thấy triệu chứng này kéo dài hơn vài phút.
Hụt hơi
Cảm giác khó thở bất thường kèm tức ngực khi hoạt động thường là dấu hiệu báo trước của cơn đau tim. Triệu chứng này có thể xuất hiện trước cảm giác tức ngực, hoặc thậm chí xảy ra mà không kèm khó chịu ở ngực.
Chóng mặt hoặc choáng váng
Bạn có thể cảm thấy mệt khi hoạt động thể lực, đặc biệt là nếu bạn không vận động thường xuyên. Mặc dù vậy, bạn thường sẽ không bao giờ cảm thấy chóng mặt hay choáng váng khi tập thể dục. Hãy chú ý đến dấu hiệu cảnh báo này và dừng ngay việc tập luyện.
Rối loạn nhịp tim
Cảm giác nhịp tim của bạn chậm lại, hồi hộp hay đánh trống ngực có thể là triệu chứng báo hiệu cơn đau tim. Hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay khi bạn nhận thấy bất kỳ nhịp tim bất thường nào trong quá trình tập thể dục.
Khó chịu ở các vùng khác của cơ thể
Ngoài vùng ngực, cơn đau tim có thể ảnh hưởng đến các vị trí khác của cơ thể. Các triệu chứng có thể bao gồm khó chịu, đau hay nặng nề ở cánh tay, lưng, cổ, hoặc bụng. Cảm giác khó chịu có thể lan tỏa giữa các bộ phận trong cơ thể, chẳng hạn như từ ngực tới hàm hoặc cổ, lan ra vùng vai, cánh tay hay lưng.
Đổ mồ hôi bất thường
Mặc dù việc đổ mồ hôi khi tập thể dục là bình thường, nhưng buồn nôn và đổ mồ hôi lạnh có thể là dấu hiệu cảnh báo cơn đau tim có thể xảy ra. Một số người đã từng trải qua cơn đau tim chia sẻ rằng họ cảm thấy triệu chứng này như một điềm báo trước về tình trạng khẩn cấp sau đó.
Gọi cấp cứu
Thời gian luôn là yếu tố quan trọng nhất khi xử trí các cơn đau tim. Mỗi một giây trôi qua đều có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh. Đừng chần chờ hay cố gắng hoàn thành bài tập của bạn. Hãy nhanh chóng tìm kiếm sự trợ giúp y tế nếu bạn gặp bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào ở trên.
Hiệp hội Tim mạch Thế giới khuyến cáo rằng bạn không có nhiều thời gian khi cơn đau tim xảy đến, tối đa là 5 phút để gọi cấp cứu. Trái tim của bạn có thể ngừng đập trong khi cơn đau diễn ra. Chỉ các nhân viên cấp cứu mới có đủ kiến thức và thiết bị cần thiết để hỗ trợ làm cho tim đập trở lại kịp thời.
Nếu cơn đau tim xuất hiện và không thể gọi cấp cứu, hãy nhờ người khác chở bạn đến bệnh viện ngay lập tức. Chú ý tránh tự lái xe trừ khi bạn không còn lựa chọn nào khác.
Chuẩn bị trước
Nếu bạn được đưa vào phòng cấp cứu sau khi gặp các triệu chứng khó chịu trong khi tập thể dục, hãy chuẩn bị trả lời những câu hỏi sau:
- Sự khó chịu hoặc cơn đau của bạn bắt đầu khi nào?
- Bạn đã làm gì khi bắt đầu cảm thấy đau hoặc khó chịu?
- Cơn đau xảy ra dữ dội ngay từ đầu hay dần dần tăng lên đến đỉnh điểm?
- Bạn có nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào khác liên quan đến cảm giác khó chịu, chẳng hạn như buồn nôn, đổ mồ hôi, choáng váng hoặc đánh trống ngực không?
- Trên thang điểm từ 1 đến 10 với 1 là điểm kém nhất, bạn sẽ sử dụng con số nào để mô tả sự khó chịu của mình vào lúc này?
Hãy cố gắng trả lời những câu hỏi này tốt nhất có thể trong khả năng của mình, điều này sẽ giúp đội ngũ y tế lựa cho bạn sự chăm sóc phù hợp nhất, đôi khi có thể cứu sống bạn.
Tổng kết
Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 200.000 ca tử vong vì bệnh tim mạch. Tập thể dục hàng ngày là một biện pháp hữu ích để giảm thiểu con số thống kê này, nhưng điều quan trọng là bạn cần chú ý đề phòng cơn đau tim. Bạn có thể sử dụng máy đếm nhịp tim trong quá trình tập luyện và giữ nhịp tim ở khoảng 60-80% nhịp tim tối đa. Hãy nhớ báo cho bác sĩ nếu bạn gặp bất kì vấn đề bất thường nào trong quá trình tập luyện.
Nguồn: Healthline
Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới:
https://www.healthline.com/health/heart-disease/problems-during-exercise#warning-signs
https://www.heart.org/en/about-us/heart-attack-and-stroke-symptoms
https://www.heart.org/en/health-topics/heart-failure/warning-signs-of-heart-failure#.T0w3ZpjlBSo