Cách lựa chọn thực phẩm cho người sau đột quỵ
Ngày: 04/06/2021 lúc 12:53PM
Thay đổi cách ăn uống có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ tái phát. Một chế độ ăn lành mạnh cũng giúp đảm bảo các chất dinh dưỡng cần thiết để hỗ trợ quá trình phục hồi thần kinh và thể chất.
Theo chuyên gia dinh dưỡng tim mạch, trong hầu hết các trường hợp – việc đánh giá lại chế độ ăn và luyện tập cho bệnh nhân sau đột quỵ đều đem lại lợi ích. Cần nhấn mạnh rằng, chế độ ăn uống và thói quen tập luyện chính là một trong những yếu tố chính gây bệnh tim mạch và đột quỵ, và việc quan tâm đến sức khỏe tim mạch tổng thể là một yếu tố quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ đột quỵ.
Bệnh tim và đột quỵ có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên, nhiều phương pháp can thiệp để điều trị bệnh tim – như đặt stent – chỉ là một giải pháp tạm thời, chúng cần kết hợp với việc thay đổi lối sống để ngăn ngừa cả bệnh tim và đột quỵ tái phát.
Các chuyên gia khuyến cáo rằng, mọi người nên tuân theo các quy tắc cơ bản của Chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải và Chế độ ăn để ngừng Tăng huyết áp (DASH) để đảm bảo sức khỏe tổng thể tốt nhất và giảm nguy cơ tái phát đột quỵ. Theo Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ (ASA), Chế độ ăn DASH được thiết kế đặc biệt để giảm huyết áp cao, yếu tố nguy cơ lớn nhất dẫn đến đột quỵ. Cả hai chế độ ăn này đều bao gồm một lượng lớn rau tươi, trái cây, các loại hạt, các loại đậu, cá và thịt gia cầm với lượng vừa phải, và rất ít thực phẩm chế biến, sữa, thịt đỏ và đồ ngọt. Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) nhận ra rằng cả chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải và DASH đều có thể có tác động lớn đến nguy cơ đột quỵ của một người.
Những thứ quan trọng nhất cần cắt giảm là: đường, muối, thực phẩm qua chế biến nhiều, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, thực phẩm chiên rán cũng như các loại thực phẩm dạng snack.
Dưới đây là một số lời khuyên về những gì nên ăn và những gì cần tránh để giúp bạn phục hồi sau đột quỵ.
Ăn thực phẩm toàn phần, chủ yếu là các loại có nguồn gốc thực vật và nhiều rau
Thực phẩm toàn phần là những thực phẩm ít chế biến và càng gần với trạng thái tự nhiên càng tốt. Trái cây, rau, quả hạch, hạt, đậu, gạo và cá đều là những ví dụ điển hình về thực phẩm toàn phần. Ngoài ra, khi bạn lựa chọn rau, hãy hướng đến các loại rau lá xanh như: măng tây, ớt chuông, hành củ, cà rốt, cải bruxen, và các loại rau không chứa tinh bột khác – thay vì khoai tây và ngô.
Bạn cũng cần chú ý đến những thực phẩm được kết hợp với rau. Nếu bạn định ăn salad và thêm vào đó thịt xông khói cùng pho-mát, lợi ích sức khỏe của món ăn sẽ bị mất đi. Thay vào đó, hãy thử thêm giấm hay sốt balsamic vào salad, bạn cũng có thể thêm các loại hạt khô để món rau thơm ngon hơn mà vẫn đảm bảo lành mạnh cho sức khỏe.
Tránh thực phẩm chế biến, muối và đường
Thực phẩm chế biến hoàn toàn ngược lại với thực phẩm toàn phần. Những thực phẩm này thường được đóng gói sẵn, bao gồm: ngũ cốc, bánh quy giòn, một số loại bánh mì, khoai tây chiên và các loại thịt đã qua chế biến – như thịt nguội và thịt xông khói.
Thực phẩm chế biến thường chứa nhiều đường và muối, có thể góp phần tích tụ mảng xơ vữa trong mạch máu, gây đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Chuyên gia khuyến cáo nên hạn chế tối đa thực phẩm có đường, như các món tráng miệng và bánh ngọt, đồng thời thay thế đồ uống có đường bằng nước lọc. Theo Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan, các đồ uống chứa đường là nguồn đường lớn nhất trong chế độ ăn của người Mỹ. Và theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), một nửa số người Mỹ trưởng thành uống ít nhất một loại đồ uống có đường trong bất kỳ ngày nào.
Một nghiên cứu được công bố vào tháng 5 năm 2020 trên Tạp chí Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã cho thấy, những phụ nữ tiêu thụ một hoặc nhiều đồ uống có đường có nguy cơ đột quỵ cao gấp 20% so với những phụ nữ hiếm khi uống đồ uống có đường. Lượng đường dư thừa gây tăng cân và đái tháo đường loại 2 – đều là hai yếu tố nguy cơ của đột quỵ. Trên thực tế, những người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 1,5 lần so với những người không mắc bệnh – theo Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ.
Một yếu tố nguy cơ khác của đột quỵ là huyết áp cao, và muối có liên quan trực tiếp đến tình trạng này. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo nên tiêu thụ không quá 2.300 miligam (mg) natri mỗi ngày, và lượng tiêu thụ natri hàng ngày có thể tăng lên nhanh chóng – đặc biệt nếu bạn ăn nhiều thực phẩm đóng gói sẵn hoặc thịt chế biến sẵn. Một cách hiệu quả để cắt giảm lượng natri nạp vào là chọn thực phẩm toàn phần thay vì thực phẩm chế biến sẵn, và nêm nếm bữa ăn với các loại thảo mộc, gia vị hoặc cam quýt thay cho muối.
Bạn cũng cần chú ý không để bị đánh lừa bởi bánh mì và bánh quy được dán nhãn “lúa mì nguyên cám”. Nhãn này có thể khiến người mua tưởng rằng đây là một lựa chọn lành mạnh, nhưng thực tế chúng thường chứa các chất phụ gia, muối và đường.
Ăn nhiều đậu
Các loại đậu như đậu nành, đậu lăng và đậu Hà Lan... là thành phần đặc trưng của cả chế độ ăn kiêng DASH và Địa Trung Hải. Cả hai chế độ ăn này đều đem lại nguồn cung cấp protein, vitamin và khoáng chất tuyệt vời, đồng thời rất ít chất béo.
Theo Mayo Clinic, các loại đậu thường ít chất béo, nhiều folate, kali, sắt và magiê. Chúng cũng là nguồn dồi dào chất xơ và không chứa cholesterol. Bạn có thể thử làm bánh mì kẹp không thịt từ đậu đen hoặc đậu xanh, hay kết hợp các loại đậu trong món súp và món hầm.
Ăn cá và thịt gia cầm thay vì thịt đỏ
Các nghiên cứu cho thấy rằng chế độ ăn có nguồn gốc từ thực vật, hoặc chế độ ăn chứa cá nhưng không có thịt đỏ sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 9 năm 2019 trên Tạp chí Y khoa Anh, các nhà nghiên cứu đã đánh giá gần 50.000 người ở Vương quốc Anh, nhằm tìm hiểu sự ảnh hưởng của chế độ ăn đến nguy cơ mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ – một yếu tố có thể gây đột quỵ và đau tim. Họ phát hiện ra rằng những người ăn chay và những người ăn cá nhưng không ăn thịt có nguy cơ mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ thấp hơn 13% so với những người ăn thịt.
Cá có chứa các chất béo lành mạnh, bao gồm chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa – cả hai loại chất béo này đều được công nhận là tốt cho tim mạch. Bạn có thể ăn một lượng nhỏ thịt nạc như cá và thịt gà, nhưng tốt nhất nên cố gắng để bữa ăn của bạn hầu hết là rau xanh.
Tránh chất béo bão hòa và ăn nhẹ với hạt và quả hạch
Một chế độ ăn uống lành mạnh nên tránh chất béo bão hòa và hạn chế chất béo nói chung. Khi được đưa vào chế độ ăn, nên chọn nguồn chất béo từ một lượng nhỏ các loại hạt, dầu ô liu và hạt cải nếu cần thiết. Bạn nên bổ sung canxi từ cải xoăn, rau bina và bông cải xanh – thay vì các sản phẩm từ sữa nguyên kem vì chúng thường chứa nhiều chất béo bão hòa .
Chất béo bão hòa làm tăng cholesterol máu, từ đó tăng nguy cơ đột quỵ. Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ khuyên bạn không nên nạp hơn 10% calo hàng ngày từ chất béo bão hòa. Dựa trên chế độ ăn tiêu chuẩn 2.000 calo, lượng này tương đương với 16 - 20 g chất béo bão hòa. Để tham khảo, một lát thịt xông khói chứa khoảng 9 g chất béo bão hòa, vì vậy chỉ cần hai miếng thịt xông khói có thể đẩy bạn vượt quá giới hạn lành mạnh hàng ngày.
Dầu dừa, dầu cọ, thịt đỏ và sữa cũng chứa nhiều chất béo bão hòa. Ăn chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa từ cá, quả bơ, các loại hạt sẽ tốt hơn cho tim của bạn.
Phải làm gì nếu bạn gặp khó khăn khi ăn uống sau đột quỵ
Các chuyên gia cũng lưu ý rằng một số người có thể gặp khó khăn khi nhai hoặc nuốt sau đột quỵ. Trong những trường hợp này, bạn nên trao đổi với bác sĩ, các nhà nghiên cứu về ngôn ngữ và chuyên gia dinh dưỡng để phát triển thực đơn phù hợp, đảm bảo cơ thể không bị suy dinh dưỡng. Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 12 năm 2018 trên tạp chí Neurocritical Care, tình trạng suy dinh dưỡng ở những người sống sót sau đột quỵ khác nhau, nhưng được cho là khoảng 20%.
Sinh tố có nhiều rau và trái cây ít đường có thể là một lựa chọn tốt trong một số trường hợp. Bạn cũng có thể nướng hoặc hấp rau, hay hầm thịt để làm cho chúng mềm và dễ nhai hơn.
Nguồn: Everyday Health
Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới:
https://www.everydayhealth.com/stroke/diet-after-a-stroke.aspx