7 thực phẩm cần tránh khi bị tăng huyết áp
Ngày: 31/05/2021 lúc 10:39AM
Tăng huyết áp là bệnh lý chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi chế độ ăn và lối sống. Do đó, tránh những thực phẩm không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là những thực phẩm ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng cao huyết áp là điều cần thiết.
Hôm nay, hãy cùng Thái Nhiên tìm hiểu 7 loại thực phẩm cần tránh nếu bạn bị tăng huyết áp.
1, Muối hoặc Natri
Muối, cụ thể là natri trong muối có tác động rất lớn đến vấn đề huyết áp và tim mạch. Nguyên nhân là do nó ảnh hưởng đến sự cân bằng chất lỏng trong máu.
Muối chứa 40% natri. Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ khuyên bạn không nên nạp quá 2.300mg natri - tương đương với một muỗng cà phê muối mỗi ngày. Nghe thì tưởng chừng dễ tuân thủ, tuy nhiên với sự có mặt của muối ở phần lớn các món ăn trong nền ẩm thực Việt Nam, điều này có phần khá khó khăn. Do đó, hãy cẩn thận trong việc nêm nếm gia vị khi chế biến món ăn cho người bị cao huyết áp.
5, Đường
Nhiều nghiên cứu cho thấy đường - đặc biệt là đồ uống có đường góp phần làm tăng cân ở cả người lớn và trẻ em. Trong khi đó, thừa cân và béo phì là yếu tố nguy cơ lớn dẫn đến tăng huyết áp.
Theo một đánh giá năm 2014, đường bổ sung cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc tăng huyết áp. Một nghiên cứu khác về phụ nữ cao huyết áp cho kết quả đáng ngạc nhiên: Giảm 2 - 3 muỗng cà phê đường có thể dẫn đến giảm 8,4mmHg ở huyết áp tâm thu và 3,7mmHg ở huyết áp tâm trương.
Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ đưa ra mức giới hạn đường thêm vào hằng ngày sau đây:
- 6 muỗng cà phê (khoảng 25g) đường đối với nữ giới.
- 9 muỗng cà phê (khoảng 36g) đường với nam giới.
2, Thịt nguội
Đây là món ăn không quá phổ biến ở nước ta. Tuy nhiên, nếu bạn và gia đình có niềm đam mê với đồ Tây, thì đây là lưu ý không thể bỏ qua.
Thịt nguội và các loại thịt chế biến sẵn khác thường chứa nhiều natri. Đó là bởi vì các nhà sản xuất đã xử lý, ướp gia vị và bảo quản bằng muối. Một số thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối khác là bánh mì, pho mát, dưa muối. Chính vì thế, một chiếc bánh sandwich nên được đưa vào danh sách không nên ăn thường xuyên của người cao huyết áp (tất cả những thành phần của một chiếc sandwich đều được nhắc đến ở trên).
3, Pizza đông lạnh
Pizza đông lạnh chứa lượng lớn thành phần đường, chất béo và muối. Vì thế, pizza đông lạnh chứa hàm lượng natri cực kỳ cao. Một chiếc pizza xúc xích xông khói (pizza pepperoni) đông lạnh 12 inch chứa 3.180 mg natri, cao hơn nhiều so với giới hạn hàng ngày là 2.300mg.
Cùng với đó, những chiếc bánh pizza thường kết hợp với phomai béo ngậy. Như bài viết đã đề cập, phomai chứa hàm lượng cao natri. Điều này làm tăng thêm lượng natri nạp vào khi ta thưởng thức những chiếc pizza thơm ngon hấp dẫn.
Bạn có thể tự chế biến một chiếc pizza tại nhà, sử dụng bột bánh tự làm, phomai ít natri và các loại rau yêu thích làm lớp phủ.
4, Dưa chua
Một quả dưa chuột nhỏ muối chua chứa đến 447mg natri. Không chỉ mình dưa chuột, mọi công thức muối chưa bất kỳ loại thực phẩm hay rau củ nào đều chứa lượng muối nhất định. Bên cạnh đó, càng được ủ chua lâu, chúng càng hấp thụ nhiều muối. Chính vì vậy, những món ăn này sẽ khiến bạn khó khăn trong việc tính toán lượng muối tiêu thụ mỗi ngày.
6, Thực phẩm chế biến sẵn có chất béo chuyển hóa hoặc bão hòa
Để giữ cho một trái tim khỏe mạnh, mọi người nên giảm chất béo bão hòa và tránh chất béo chuyển hóa. Điều này đặc biệt đúng với những người bị cao huyết áp. Chúng làm tăng lượng cholesterol xấu (LDL) trong máu và giảm lượng cholesterol tốt (HDL), do đó làm tăng nguy cơ tăng huyết áp.
Ngoài bệnh lý tăng huyết áp, chất béo chuyển hóa có mối liên hệ với nhiều bệnh lý nguy hiểm khác, chẳng hạn như:
- Các bệnh tim mạch
- Đái tháo đường typ 2
- Đột quỵ
Chất béo chuyển hóa rất hay được sử dụng trong các thực phẩm đóng gói với mục đích tạo vị thơm ngon và bảo quản. Vì vậy, tránh sử dụng thực phẩm đóng gói chính là giúp hạn chế tối đa chất béo chuyển hóa dung nạp vào cơ thể.
7, Rượu
Trong mọi trường hợp, với những bệnh nhân cao huyết áp, bác sĩ thường khuyên họ hạn chế tối đa lượng rượu đưa vào cơ thể. Nguyên nhân không chỉ bởi vì rượu có nguy cơ làm tăng huyết áp, nó còn có thể gây tương tác và làm giảm tác dụng của các thuốc điều trị. Cùng với đó, ở những người bình thường, hạn chế uống rượu cũng làm giảm nguy cơ tăng huyết áp.
Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ đưa ra khuyến nghị về lượng rượu tối đa có thể uống mỗi ngày là 2 ly đối với nam giới và 1 ly đối với nữ giới.
Nếu việc cắt giảm rượu gặp nhiều khó khăn, hãy gặp bác sĩ để được tư vấn.
Kết luận
Chế độ ăn có thể ảnh hưởng lớn đến huyết áp của bạn.
Các thực phẩm chứa nhiều muối, đường, chất béo chuyển hóa và bão hòa có thể làm tăng huyết áp và gây hại cho sức khỏe của bạn. Tránh những thực phẩm này đồng nghĩa với việc giúp bạn kiểm soát vấn đề về huyết áp.
Một chế độ ăn đầy đủ trái cây, rau, protein và ngũ cốc có thể giúp giữ cho bạn một trái tim khỏe mạnh.
Nguồn: heathline
Bài viết tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới:
https://www.healthline.com/health/high-blood-pressure-hypertension/foods-to-avoid#sugar
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5098396/
https://fdc.nal.usda.gov/fdc-app.html#/food-details/747429/nutrients
https://fdc.nal.usda.gov/fdc-app.html#/food-details/172096/nutrients
https://fdc.nal.usda.gov/fdc-app.html#/food-details/169379/nutrients
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6316192/
https://www.mdpi.com/2072-6643/11/9/2060
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3075799/
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/31336535/