6 loại thực phẩm chứa ít muối giúp cải thiện sức khỏe tim mạch
Ngày: 03/02/2021 lúc 16:47PM
Chế độ ăn chứa quá nhiều muối có thể dẫn đến những tác động có hại cho sức khỏe, đặc biệt là các bệnh lý tim mạch.
Dưới đây là 6 loại thực phẩm lành mạnh, ít natri và "thân thiện" với sức khỏe tim mạch mà bạn có thể lựa chọn!
Kẻ giết người thầm lặng
Chắc hẳn bạn đã từng nghe rằng việc ăn quá nhiều muối có thể gây hại cho sức khỏe. Đôi khi, những tác động xấu âm thầm xảy ra trong cơ thể mà bạn không hề nhận thấy được. Ví dụ như chế độ ăn chứa nhiều muối có thể dẫn đến tăng huyết áp – một tình trạng khó có thể phát hiện được, đặc biệt khi ở giai đoạn đầu.
Theo thống kê của Bộ y tế Việt Nam năm 2019, có khoảng 25% dân số mắc bệnh tim mạch và tăng huyết áp, đặc biệt bệnh lý tăng huyết áp đang có xu hướng trẻ hóa trong những năm gần đây. Tuy nhiên, có tới gần 60% người Việt Nam bị tăng huyết áp chưa được phát hiện, và trên 80% người chưa được điều trị.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã chỉ ra rằng, huyết áp cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ - một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Mỹ. Nguy cơ này cũng tăng lên theo tuổi tác.
Yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp bao gồm một số trường hợp đặc biệt như: đái tháo đường, tiền sử gia đình, di truyền và lối sống hàng ngày. Tuy nhiên, bạn có thể thay đổi thói quen sinh hoạt trong lối sống hàng ngày để kiểm soát tốt huyết áp của mình.
Theo tiến sĩ Morton Tavel – giáo sư Trường Y Khoa Indiana, bạn nên giới hạn lượng natri nạp vào mỗi ngày không quá 2300 miligram, tương đương với khoảng 1 thìa cà phê muối ăn. Và thậm chí nếu giảm xuống 1500 miligram/ngày, thì sức khỏe của bạn có thể được cải thiện tốt hơn nữa.
Những khuyến nghị này cũng dựa theo khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ.
Bạn nên lựa chọn những thực phẩm được dán nhãn “giảm natri” hoặc “không thêm muối”. Hãy nhớ đọc kỹ thông tin trên nhãn sản phẩm và chọn loại chứa ít hơn 5% lượng muối được khuyến nghị hàng ngày. Dưới đây là gợi ý cho 6 loại thực phẩm tươi mát, ít natri và lành mạnh bạn có thể thêm vào chế độ ăn hàng ngày.
1. Rau củ
Rau củ tươi hoặc đông lạnh đều chứa ít natri, thường dưới 50 miligram cho một khẩu phần ăn. Tuy nhiên, bạn hãy cẩn thận với các loại rau củ đóng hộp và nước sốt salad có chứa nhiều muối.
Bạn có thể thay nước sốt salad bằng giấm balsamic, thêm một chút đậu nành xanh ít natri nếu muốn. Cách này vẫn đảm bảo mùi vị tươi ngon của món ăn, và trên hết bạn vẫn có một món ăn lành mạnh với sức khỏe tim mạch.
2. Khoai tây và kali
Khoai tây nướng và khoai lang có chứa hàm lượng cao kali và ít natri. Nếu chế độ ăn của bạn có nhiều kali, bạn có thể không phải cắt giảm natri. Tuy nhiên, giảm lượng natri nạp vào mỗi ngày vẫn là giải pháp tối ưu nhất cho sức khỏe tim mạch.
Mẹo nhỏ cho bạn để thưởng thức theo một cách mới, đó là thêm một chút sốt salsa ít muối vào khoai tây nướng, hoặc rắc một chút bột quế lên khoai lang cũng là sự kết hợp tuyệt vời!
3. Các loại hạt
Các loại hạt không ướp muối là một lựa chọn hoàn hảo cho sức khỏe tim mạch, vì chúng hoàn toàn không chứa natri. Ngoài ra, chúng ta thường mất thêm thời gian để tách chúng ra khỏi vỏ trong khi ăn, điều này giúp bạn không ăn quá nhiều một lúc.
Bỏng ngô không thêm muối cũng là một gợi ý tuyệt vời cho món ăn vặt chứa ít natri. Bạn cũng có thể tự làm bỏng ngô tại nhà với một chút dầu oliu.
4. Trái cây
Giống như các loại rau củ, hàm lượng natri tự nhiên trong trái cây rất thấp. Táo, mơ, đu đủ, lê là những gợi ý hàng đầu cho bạn. Ngoài ra chuối cũng là một ứng cử viên sáng giá cho sức khỏe tim mạch, với hàm lượng cao kali.
Hãy thử thay thế các loại đường, cũng như các loại đồ ăn vặt không lành mạnh khác trong chế độ ăn của bạn bằng trái cây. Một quả táo thay cho vài lát bánh quy trong giờ giải lao cũng đem lại lợi ích đáng kể cho sức khỏe của bạn.
5. Sữa chua
Sữa chua có hàm lượng natri rất thấp. Tuy nhiên, bạn nên chọn sữa chua nguyên chất thay vì sữa chua thêm hương vị vì chúng thường chứa đường.
Sữa chua nguyên chất không hẳn luôn “nhạt nhẽo” như bạn nghĩ. Bạn có thể kết hợp một chút trái cây để có một món ăn lành mạnh và ngon miệng, tốt hơn rất nhiều so với những món tráng miệng “đầy nguy cơ” cho sức khỏe như bánh ngọt hay kem.
6. Các loại đậu và ngũ cốc nguyên cám
Đậu lăng, các loại đậu và ngũ cốc nguyên cám đều chứa hàm lượng thấp natri. Các loại ngũ cốc, như yến mạch có thể giúp làm giảm “cholesterol xấu” và giảm nguy cơ mắc đái tháo đường týp 2. Nếu bạn mua các loại đậu đóng hộp, hãy chắc chắn rằng mình đã chọn đậu khô hoặc loại có chứa ít muối.
Với bữa sáng là yến mạch, bạn có thể thêm một số loại trái cây, quả mọng, hạt, hoặc một chút bột quế cho món ăn thêm đậm đà. Kết hợp với cơm và các loại đậu vào bữa trưa và bữa tối.
Nếu bạn lo lắng món ăn không đủ thơm ngon, có thể thêm vào một chút hạt tiêu, chiết xuất ớt chuông, sốt nóng, hành tây hoặc nước ép chanh. Bạn cũng có thể sử dụng các loại gia vị thảo mộc khác nhau để gia tăng hương vị mà không cần phải thêm muối. Ví dụ như nghệ, hương thảo, cỏ xạ hương, ớt bột, tỏi…
Cần tránh những thực phẩm nào?
Nếu bạn đang cần cắt giảm lượng natri trong chế độ ăn của mình, chắc chắn rằng bạn cần phải tránh xa những thực phẩm có chứa nhiều muối ăn.
Những thực phẩm chứa nhiều natri bạn cần tránh bao gồm: các loại súp đóng hộp, súp ăn liền, thực phẩm đóng gói sẵn, thức ăn nhanh hay đồ ăn đông lạnh.
Ngoài việc chứa nhiều đường, các loại bánh nướng cũng chứa rất nhiều natri do muối nở được sử dụng để chế biến chúng và muối ăn cũng có thể được thêm vào để gia tăng hương vị.
Giảm lượng muối trong chế độ ăn có thể đem lại lợi ích lâu dài cho sức khỏe
Đôi khi, một người có thể bị tăng huyết áp do các nguyên nhân liên quan đến di truyền. Tuổi tác cao cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng này.
Chế độ ăn chứa quá nhiều muối có thể gây hại cho những người đã có bệnh lý tim mạch hoặc tăng huyết áp. Tuy nhiên, chỉ cần thay đổi từ những thói quen ăn uống và sinh hoạt nhỏ nhất, việc giảm lượng muối không hề khó như bạn nghĩ.
Bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng để có thêm những gợi ý giúp cắt giảm muối trong chế độ ăn hàng ngày hiệu quả.
Nguồn: Healthline
Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới:
https://moh.gov.vn/diem-tin-y-te/-/asset_publisher/sqTagDPp4aRX/content/-iem-tin-y-te-ngay-13-6-2019
https://www.cdc.gov/bloodpressure/about.htm