Tác dụng bất ngờ của cà phê đối với bệnh đái tháo đường
Ngày: 07/01/2021 lúc 15:47PM
Có nghiên cứu cho thấy tăng lượng cà phê nạp vào thực sự có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2. Tuy nhiên, đối với những người đã mắc đái tháo đường tuýp 2 thì cà phê có thể gây ảnh hưởng không tốt.
Mối liên hệ giữa cà phê và bệnh đái tháo đường
Cà phê là một trong những loại đồ uống được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới. Trước đây có một thời gian người ta từng hạn chế sử dụng cà phê vì cho rằng nó có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy cà phê có thể bảo vệ cơ thể chống lại một số loại ung thư, bệnh gan và thậm chí cả trầm cảm.
Có một nghiên cứu thú vị đã cho thấy việc tăng lượng cà phê nạp vào thực sự có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 của bạn. Đây quả thực là tin tốt cho một số người luôn bắt đầu ngày mới bằng một cốc cà phê.
Tuy nhiên, đối với những người đã mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 thì cà phê có thể gây ảnh hưởng không tốt.
Cho dù bạn đang cố gắng để giảm nguy cơ mắc đái tháo đường của mình, bạn đã mắc đái tháo đường rồi hay bạn không thể thiếu loại đồ uống này trong ngày thì bây giờ, hãy cùng tìm hiểu về tác dụng của cà phê đối với bệnh đái tháo đường nhé!
Đái tháo đường là gì?
Đái tháo đường là một căn bệnh ảnh hưởng đến cách cơ thể xử lý glucose trong máu. Glucose máu, còn được gọi là đường huyết, là chất rất quan trọng vì nó cung cấp năng lượng cho não, các cơ và mô của bạn.
Nếu bạn bị đái tháo đường, điều đó có nghĩa là bạn đang có quá nhiều glucose lưu thông trong máu. Điều này xảy ra khi cơ thể bạn trở nên kháng insulin và không còn khả năng hấp thụ hiệu quả glucose vào tế bào để tạo năng lượng.
Glucose dư thừa trong máu có thể gây ra nhiều mối lo ngại nghiêm trọng về sức khỏe.
Có nhiều yếu tố khác nhau có thể gây ra bệnh đái tháo đường.
Tiểu đường mãn tính: gồm 2 loại là đái tháo đường tuýp 1 và tuýp 2. Các loại khác bao gồm đái tháo đường thai kỳ, xảy ra trong thời gian mang thai của phụ nữ nhưng có xu hướng tự khỏi sau khi sinh.
Tiền đái tháo đường: đôi khi được gọi là ranh giới của bệnh đái tháo đường, có nghĩa là mức đường huyết của bạn cao hơn bình thường nhưng không cao đến mức bạn sẽ được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường.
Một số dấu hiệu và triệu chứng của bệnh đái tháo đường bao gồm:
Cơn khát tăng dần
Giảm cân không giải thích được
Mệt mỏi
Cáu gắt
Nếu bạn thấy rằng bạn đã có một số triệu chứng này, hãy trao đổi với bác sĩ ngay để được kiểm tra sức khỏe và chẩn đoán nhé.
Cà phê và khả năng phòng tránh bệnh đái tháo đường
Đối với từng trường hợp mắc đái tháo đường thì cà phê sẽ đem lại những lợi ích sức khỏe khác nhau.
Các nhà nghiên cứu tại Harvard đã theo dõi hơn 100.000 người trong khoảng 20 năm. Họ tập trung vào chu kì 4 năm và kết luận của họ sau đó đã được công bố trong nghiên cứu năm 2014.
Họ phát hiện ra rằng những người uống nhiều hơn một tách cà phê mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 thấp hơn 11%. Tuy nhiên, những người uống ít hơn một tách cà phê mỗi ngày sẽ tăng tới 17% nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường. Khi nghiên cứu những người uống trà thì lại không thấy có sự khác biệt như vậy.
Người ta vẫn chưa có kết luận rõ ràng rằng tại sao cà phê lại có tác động đến sự phát triển của bệnh đái tháo đường như vậy.
Có thể bạn đang nghĩ nguyên nhân là do caffeine? Tuy nhiên, caffeine có thể không tạo ra những lợi ích về sức khỏe đó của cà phê. Trên thực tế, caffeine đã được chứng minh trong thời gian ngắn có thể làm tăng cả lượng đường và insulin.
Trong một nghiên cứu nhỏ liên quan đến nam giới, cà phê không chứa caffeine thậm chí cũng làm tăng lượng đường trong máu. Hiện tại, số lượng nghiên cứu còn hạn chế và chúng ta cũng cần phải nghiên cứu thêm về tác động của caffeine và bệnh đái tháo đường.
Tác dụng của cà phê đối với glucose và insulin
Mặc dù cà phê có thể có tác dụng trong việc bảo vệ chúng ta chống lại bệnh đái tháo đường, tuy nhiên có một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng cà phê đen có thể gây nguy hiểm cho những người đã mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2.
Caffeine, đường huyết và insulin (trước và sau bữa ăn)
Một nghiên cứu năm 2004 đã chỉ ra rằng uống một viên caffeine trước khi ăn dẫn đến lượng đường huyết sau bữa ăn cao hơn ở những người mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2. Nghiên cứu này cũng cho thấy gia tăng kháng insulin ở những người tham gia.
Một nghiên cứu gần đây hơn vào năm 2018 cho thấy có sự tham gia của yếu tố di truyền. Các gen có thể đóng vai trò trong quá trình chuyển hóa caffeine và gây ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Trong nghiên cứu này, những người chuyển hóa caffeine chậm có lượng đường trong máu cao hơn những người chuyển hóa caffeine nhanh về mặt di truyền.
Tất nhiên, có nhiều chất khác caffeine có trong cà phê. Những chất này có thể tạo nên hiệu quả bảo vệ được đưa ra trong nghiên cứu năm 2014 (đã nêu ở phần trên).
Uống cà phê có chứa caffeine trong một thời gian dài cũng có thể thay đổi ảnh hưởng của cà phê đối với hoạt động của insulin trên đường huyết. Khả năng “chịu đựng” được việc tiêu thụ cà phê lâu dài có thể là lý do tạo nên tác dụng bảo vệ cơ thể.
Một nghiên cứu nữa vào năm 2018 cũng cho thấy tác dụng lâu dài của cà phê và caffeine có thể liên quan đến việc làm giảm nguy cơ tiền đái tháo đường và đái tháo đường.
Đường huyết và insulin lúc đói
Một nghiên cứu khác vào năm 2004 đã xem xét một tác động ở “tầm trung” đối với những người không mắc bệnh đái tháo đường mà có uống 1 lít cà phê lọc qua giấy lọc mỗi ngày hoặc kiêng không uống cà phê.
Vào cuối cuộc nghiên cứu kéo dài 4 tuần này, kết quả cho thấy những người uống nhiều cà phê hơn sẽ có lượng insulin trong máu cao hơn, ngay cả khi họ nhịn ăn.
Nếu bạn bị bệnh đái tháo đường tuýp 2, cơ thể bạn sẽ không thể sử dụng insulin hiệu quả để quản lý lượng đường trong máu. Hiệu ứng “chịu đựng” trong việc tiêu thụ cà phê dài hạn cần nhiều hơn bốn tuần để phát triển.
Thói quen uống cà phê
Có sự khác biệt rõ ràng về cách người bị đái tháo đường và người không bị đái tháo đường phản ứng với cà phê và caffeine. Một nghiên cứu năm 2008 cho những người có thói quen uống cà phê và mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 liên tục theo dõi lượng đường trong máu trong khi thực hiện các hoạt động hàng ngày.
Kết quả là: trong ngày, ngay sau khi những người này uống cà phê, lượng đường trong máu của họ sẽ tăng vọt. Nghiên cứu cũng cho thấy lượng đường trong máu của họ sẽ cao hơn vào những ngày có uống cà phê so với những ngày không uống.
Những lợi ích về sức khỏe khác của cà phê
Ngoài ngăn ngừa bệnh đái tháo đường thì uống cà phê còn đem lại nhiều lợi ích sức khỏe khác.
Các nghiên cứu mới hơn với các yếu tố rủi ro được kiểm soát đã cho thấy những lợi ích khác của cà phê. Chúng bao gồm khả năng bảo vệ cơ thể nhờ chống lại các bệnh như:
Bệnh Parkinson
Bệnh gan, bao gồm cả ung thư gan
Bệnh Gout
Bệnh Alzheimer
Sỏi mật
Những nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng cà phê dường như làm giảm nguy cơ trầm cảm và tăng khả năng tập trung, suy nghĩ rõ ràng.
Cà phê có thêm phụ gia
Nếu bạn không mắc bệnh đái tháo đường nhưng lại đang lo lắng về việc bệnh có thể phát triển thì bạn hãy cẩn thận trước khi tăng lượng cà phê của mình. Cà phê ở dạng nguyên chất có thể đem đến tác động tích cực. Tuy nhiên, cà phê có thêm chất tạo ngọt hoặc các sản phẩm từ sữa sẽ không đem đến những lợi ích giống như vậy.
Lời khuyên dành cho người mắc bệnh đái tháo đường
Cà phê đang phổ biến hơn bao giờ hết trên toàn thế giới. Thế nhưng việc uống cà phê thường xuyên không phải là cách tốt nhất để kiểm soát bệnh đái tháo đường, mặc dù ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nó có thể giúp phòng tránh bệnh đái tháo đường.
Đồ uống có chứa kem và đường được bán rất phổ biến tại các quán cà phê thường chứa nhiều carbs không tốt cho sức khỏe. Thêm vào đó, chúng cũng rất giàu calo.
Tác động của đường và chất béo trong đồ uống chứa cà phê và espresso có thể lớn hơn tác động tốt mà cà phê đem lại.
Điều này cũng tương tự với cà phê có đường, cà phê được làm ngọt nhân tạo và các loại đồ uống khác. Một khi chất ngọt được thêm vào, nó sẽ làm tăng nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường tuýp 2. Tiêu thụ quá nhiều đường có liên quan trực tiếp đến bệnh đái tháo đường và béo phì.
Thường xuyên uống cà phê có chứa nhiều chất béo bão hòa hoặc đường có thể làm tăng tình trạng kháng insulin. Cuối cùng, điều này có thể góp phần gây bệnh đái tháo đường tuýp 2.
Hầu hết các chuỗi cà phê lớn đều có cung cấp các lựa chọn đồ uống với ít carbs và chất béo hơn. Đồ uống cà phê “không béo” sẽ giúp bạn thức dậy vào buổi sáng hoặc tiếp thêm sự tỉnh táo vào buổi chiều mà không cần quá nhiều đường.
Mẹo giúp bạn uống được loại cà phê yêu thích mà vẫn tốt cho sức khỏe
Hãy thêm vani và quế, vì chúng là một lựa chọn lành mạnh, không chứa carb
Nếu có sữa trong đồ uống của bạn hãy chọn sữa không đường, chẳng hạn như sữa dừa, hạt lanh hoặc hạnh nhân
Yêu cầu người pha chế chỉ dùng ½ lượng siro có hương vị cho đồ uống của bạn
Rủi ro và cảnh báo
Ngay cả đối với những người khỏe mạnh, caffeine trong cà phê có thể có một số tác dụng phụ.
Các tác dụng phụ phổ biến của caffeine bao gồm:
Đau đầu
Bồn chồn
Lo âu
Tương tự như với mọi thứ, điều độ là chìa khóa trong việc tiêu thụ cà phê. Tuy nhiên, ngay cả khi tiêu thụ vừa phải, cà phê vẫn mang lại rủi ro khi sử dụng mà bạn nên thảo luận với bác sĩ.
Những rủi ro này bao gồm:
Tăng cholesterol với cà phê không lọc hoặc cà phê loại espresso
Tăng nguy cơ ợ chua
Mức đường huyết tăng cao sau bữa ăn
Có một số điều khác bạn cần ghi nhớ, đó là:
Thanh thiếu niên nên tiêu thụ ít hơn 100mg caffeine mỗi ngày. Bao gồm tất cả đồ uống có chứa caffeine, không chỉ cà phê.
Trẻ nhỏ nên tránh đồ uống có chứa caffeine.
Thêm quá nhiều chất ngọt hoặc kem vào đồ uống có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và thừa cân.
Tổng kết
Không có thực phẩm hoặc thực phẩm bổ sung nào giúp bảo vệ toàn diện chống lại bệnh đái tháo đường tuýp 2. Nếu bạn bị tiền đái tháo đường hoặc có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, phương pháp tốt nhất là bạn nên giảm cân, tập thể dục và thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng, giàu chất dinh dưỡng để giảm nguy cơ mắc bệnh.
Uống cà phê để ngăn ngừa bệnh đái tháo đường sẽ không đảm bảo cho bạn một kết quả tốt. Nhưng nếu bạn đã uống cà phê, nó có thể không gây ảnh hưởng xấu.
Hãy thử giảm lượng đường hoặc chất béo trong cà phê bạn uống. Đồng thời, bạn nên trao đổi với bác sĩ về việc lựa chọn chế độ ăn uống, tập thể dục và những ảnh hưởng mà việc uống cà phê có thể đem lại.
Chuyên mục hỏi đáp
Vậy uống bao nhiêu cà phê mỗi ngày là hợp lý?
Bệnh nhân:
Chào bác sĩ. Hiện tại tôi đang bị bệnh đái tháo đường tuýp 2. Tôi có một thắc mắc đó là tôi có thể uống bao nhiêu tách cà phê một ngày vì tôi nghe nói cà phê cũng có ảnh hưởng đến tình trạng bệnh. Rất mong nhận được lời giải đáp của bác sĩ.
Bác sĩ:
Chào bạn, tôi rất sẵn lòng khi được giải đáp thắc mắc này giúp bạn!
Thực tế, lượng cà phê nên được tiêu thụ mỗi ngày sẽ phụ thuộc vào từng người, vì thế sẽ không có đề xuất nào phù hợp cho tất cả. Tuy nhiên, nói chung thì uống cà phê không đường ở mức vừa phải sẽ không sao với những người mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 như bạn. Khuyến nghị điển hình là không tiêu thụ quá 400 miligam caffeine mỗi ngày - tương đương khoảng 4 tách cà phê.
Nếu tâm trạng, giấc ngủ, lượng đường trong máu và năng lượng của bạn đang bị ảnh hưởng, bạn có thể nên hạn chế uống cà phê. Bạn biết đấy, điều quan trọng nhất khi chọn cà phê cho những người mắc bệnh đái tháo đường hoặc những người đang kiểm soát cân nặng là chúng ta cần phải chú ý đến hàm lượng carbohydrate từ sữa và chất tạo ngọt thêm vào. Những chất tạo ngọt nhân tạo nên được cắt giảm hoặc loại bỏ vì chúng có thể làm rối loạn vi khuẩn đường ruột, gây cảm giác thèm ăn và ăn quá nhiều, đồng thời tác động tiêu cực đến việc quản lý cân nặng và lượng đường trong máu.
Cà phê truyền thống như latte, cappuccino và flat white đều chứa sữa và có thể có thêm chất tạo ngọt nếu bạn thích. Americano, cà phê espresso và cà phê đen là các đồ uống có chứa caffeine mà không có carbohydrate. Cho dù bạn thích hạt cà phê hay bột cà phê hòa tan hơn thì điều này không tạo ra sự khác biệt về mặt dinh dưỡng. Tuy nhiên về hương vị, độ tươi và hàm lượng caffeine của hai dạng này có thể khác nhau.
Bạn nên chọn sử dụng mật ong làm chất tạo ngọt và kết hợp với sữa không đường thay vì kem. Điều này sẽ làm giảm lượng chất béo bão hòa và carbohydrate trong khi vẫn cung cấp đủ hương vị cho cốc cà phê của bạn. Dùng 1 hoặc ít hơn 1 thìa mật ong, sẽ chứa 15 gam carbohydrate. Trong khi đồ uống cà phê truyền thống có thể chứa tới 75 gam carbohydrate từ đường thêm vào. Vì vậy điều này giúp bạn giảm một lượng đường đáng kể đó.
Hy vọng câu trả lời của tôi đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc. Tôi rất mong có thể nhận được nhiều hơn những câu hỏi từ các độc giả.
Nguồn: healthline
Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới:
https://academic.oup.com/ajcn/article/97/1/155/4577018
https://link.springer.com/article/10.1007/s00125-014-3235-7
https://care.diabetesjournals.org/content/27/8/2047
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetes/symptoms-causes/syc-20371444
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/heartburn/symptoms-causes/syc-20373223