Giải pháp hiệu quả để tránh biến chứng của đái tháo đường type 2

Ngày: 28/01/2021 lúc 13:36PM

Đái tháo đường type 2 không được kiểm soát gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, nhưng nếu biết điều chỉnh lối sống lành mạnh sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc phải các biến chứng. Vậy cần những giải pháp gì để tránh các biến chứng?

Bệnh đái tháo đường type 2 không được kiểm soát có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bạn, nhưng nếu biết điều chỉnh lối sống lành mạnh sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc phải các biến chứng đó. Vậy bạn cần những giải pháp gì để tránh các biến chứng?

biến-chứng-của-đái-tháo-đường

 

Kiểm soát bệnh đái tháo đường tốt hơn để loại bỏ các yếu tố nguy cơ.

Khi lượng đường trong máu của bạn không được kiểm soát, lượng glucose dư thừa trong cơ thể có thể làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe.

Nếu không có một giải pháp toàn diện, bệnh đái tháo đường type 2 có thể giống như những thẻ bài được xếp lại với nhau, dễ dàng bị mất cân bằng và sụp đổ khiến toàn bộ sức khỏe của bạn đi xuống.

Một chuyên gia tại Trung tâm Tiểu đường Joslin và cũng là trợ lý giáo sư y khoa tại Trường Y Harvard ở Boston cho biết, nếu không kiểm soát được bệnh đái tháo đường thì có thể gây ra các biến chứng về: tim mạch, thận, suy giảm thị lực và tổn thương thần kinh.

Khi bệnh đái tháo đường của bạn không được kiểm soát trong một thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ tiến triển các biến chứng. Nếu không có những giải pháp cụ thể, những biến chứng này có thể gây tàn phế và thậm chí là đe dọa tính mạng.

Tuy nhiên, đừng lo lắng quá vì chúng tôi sẽ đưa ra những bước mà bạn có thể thực hiện để ngăn chặn hoặc làm chậm tiến triển của những biến chứng.

Bước một: Thăm khám với bác sĩ và lập kế hoạch kiểm soát bệnh đái tháo đường để điều chỉnh chế độ ăn lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, kiểm soát căng thẳng, tránh khói thuốc và tuân thủ thực hiện đúng kế hoạch điều trị của bạn. Điều này không chỉ giúp bạn kiểm soát bệnh đái tháo đường mà còn giảm nguy cơ mắc các biến chứng.

Bước hai: Tìm hiểu kiến thức về các biến chứng sức khỏe khác nhau liên quan đến bệnh đái tháo đường và thực hiện các bước để giảm nguy cơ mắc phải.

Dưới đây là những nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe và các biến chứng nghiêm trọng mà bạn có thể gặp phải khi bị đái tháo đường type 2. Tuy nhiên, hãy ngăn ngừa chúng bằng cách trao đổi với bác sĩ và thay đổi để có một lối sống lành mạnh.

Huyết áp cao

Khi lượng đường trong máu của bạn tăng cao sẽ làm cho việc lưu thông máu trở nên khó khăn hơn, vì thế khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi các cơ quan.

Trên thực tế, huyết áp cao thường mắc kèm đái tháo đường, cứ ba người lớn mắc bệnh đái tháo đường thì có hai người bị huyết áp cao. Huyết áp cao thường không có các triệu chứng điển hình nên bạn có thể không biết mình đang mắc bệnh trừ khi được bác sĩ kiểm tra. Đây là một căn bệnh thầm lặng nhưng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng bao gồm đau tim, đột quỵ, các vấn đề về mắt và suy thận.

Vì vậy, cần kiểm soát đường huyết tốt hơn để có thể giảm huyết áp ở những người mắc bệnh đái tháo đường. Nếu được bác sĩ cho phép, bạn có thể thử một số phương pháp để giảm huyết áp như thay đổi chế độ ăn lành mạnh, hạn chế cung cấp natri, sử dụng các biện pháp để kiểm soát sự căng thẳng và tham gia hoạt động thể chất thường xuyên.

Bệnh tim

Theo Viện Tim mạch Quốc gia, một người mắc bệnh đái tháo đường type 2 cũng sẽ có nguy cơ lên cơn đau tim giống như những người mắc bệnh tim. Có rất nhiều nguyên nhân để giải thích cho mối liên quan giữa bệnh đái tháo đường và bệnh tim. Những người bị đái tháo đường type 2 có các yếu tố như cao huyết áp và tăng cholesterol. Nhóm yếu tố này sẽ làm tăng nguy cơ tấn công gây ra bệnh tim.

Vì vậy, kiểm soát bệnh đái tháo đường, hạ huyết áp, làm giảm lượng cholesterol, và không hút thuốc có thể giúp giảm nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch. 

Đột quỵ

biến-chứng-của-đái-tháo-đường-đột-quỵ

Hầu hết các cơn đột quỵ xảy ra khi một cục máu đông theo dòng máu di chuyển lên não và làm tắc mạch máu não. Theo Hiệp hội Đột quỵ Quốc gia, bệnh đái tháo đường type 2 làm tăng nguy cơ đột quỵ lên gấp 2 đến 4 lần. Tuy nhiên, ngăn ngừa bệnh tim – kiểm soát lượng đường trong máu và huyết áp, duy trì cân nặng hợp lý, tập thể dục thường xuyên và không hút thuốc là những cách tốt nhất giúp giảm nguy cơ đột quỵ.

Suy thận

Theo National Kidney Foundation, có tới 40% người mắc bệnh đái tháo đường type 2 sẽ có biến chứng cuối cùng là suy thận. Khi đó thận sẽ không còn khả năng lọc chất thải ra khỏi máu. Bình thường, khi máu chảy qua các mạch nhỏ trong thận, các chất thải sẽ được lọc và đi ra khỏi cơ thể bằng nước tiểu. Tuy nhiên, khi lượng đường trong máu tăng cao sẽ gây quá tải cho khả năng lọc, khiến thận hoạt động kém hiệu quả. Sau một thời gian, chức năng lọc của thận suy giảm và gây thoát protein vào nước tiểu. Nếu thận tiếp tục bị tổn thương, bạn có thể phải lọc máu hoặc ghép thận.

ADA khuyến nghị thường xuyên kiểm tra protein trong nước tiểu, đây là một dấu hiệu để phát hiện sớm chức năng thận suy giảm. Kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường, bao gồm chế độ ăn ít đường, kiểm soát cân nặng, tập thể dục và dùng thuốc, có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng suy thận do bệnh đái tháo đường type 2.

Những vấn đề về mắt

Một số biến chứng về thị lực có thể là hậu quả của bệnh đái tháo đường type 2. Phổ biến là tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể và nặng hơn là bệnh võng mạc tiểu đường. Theo thời gian, lượng đường trong máu cao có thể làm hỏng các mạch máu ở mắt. Nếu không được điều trị, bệnh võng mạc tiểu đường có thể gây mất thị lực nghiêm trọng và thậm chí mù lòa.

Theo Viện Mắt Quốc gia, gần một nửa số người được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường đều mắc bệnh võng mạc tiểu đường. Bệnh võng mạc tiểu đường có thể không được phát hiện cho đến khi nó chuyển sang giai đoạn nặng. Vì vậy, bạn nên kiểm tra mắt hàng năm để sớm được điều trị.

Tổn thương thần kinh

Lượng đường trong máu tăng cao mạn tính có thể dẫn đến tổn thương thần kinh. Theo ADA, khoảng một nửa số người mắc đái tháo đường bị tổn thương dây thần kinh, cảm giác như ngứa ran hoặc bỏng rát, thường là ở bàn chân, hoặc thậm chí là mất cảm giác.

Kiểm soát lượng đường trong máu có thể giúp bạn ngăn ngừa tổn thương dây thần kinh hoặc giảm bớt các triệu chứng của nó. Nếu bạn đã bị tổn thương dây thần kinh, cần thăm khám thường xuyên với bác sĩ để hình thành thói quen khám và chăm sóc bàn chân hàng ngày nhằm phát hiện sớm mọi biến chứng.

Nhiễm trùng 

Nếu bạn bị tổn thương dây thần kinh, nguy cơ nhiễm trùng sẽ tăng lên vì khi đó bạn có thể không cảm nhận được vết thương (như vết cắt trên bàn chân) để giúp vết thương mau lành sớm hơn. Ngoài việc kiểm tra bàn chân của bạn mỗi ngày, hãy đến gặp bác sĩ khi có dấu hiệu nhiễm trùng như đỏ hoặc sưng. Bảo vệ bàn chân của bạn bằng cách giữ ẩm cho da bằng một lớp mỡ bôi trên da hoặc kem dưỡng ẩm. Tuy nhiên, hãy đảm bảo giữ khô ở kẽ các ngón chân vì độ ẩm cao ở những vị trí này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Các vấn đề về tiêu hóa

giảm-cân

 

Bệnh dạ dày do đái tháo đường gây ra còn được gọi là bệnh lý thần kinh của dạ dày. Tình trạng này có thể do lượng đường trong máu tăng cao trong thời gian dài. Nó gây ra tổn thương thần kinh, làm liệt dạ dày và chậm làm rỗng dạ dày do thức ăn bị lưu lại quá lâu. Các triệu chứng bao gồm đầy bụng và giảm cảm giác thèm ăn, từ đó khiến cho bệnh đái tháo đường khó kiểm soát hơn.

Bạn có thể ăn thành nhiều các bữa ăn nhỏ hoặc sử dụng các loại thuốc như metoclopramide để giúp giảm các triệu chứng. Trong trường hợp nghiêm trọng có thể phải cho ăn qua đường tĩnh mạch.

Nhiều người mắc bệnh đái tháo đường type 2 bị thừa cân hoặc béo phì, và giảm cân là một yếu tố quan trọng trong việc kiểm soát đái tháo đường. Đôi khi, các loại thuốc cần thiết để kiểm soát bệnh đái tháo đường như insulin, có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tăng cân.

Hơn nữa, thừa cân có thể làm tăng thêm một số biến chứng sức khỏe khác liên quan đến bệnh đái tháo đường, như huyết áp cao và đột quỵ.

Vì vậy, nếu bạn đang thừa cân, đừng chần chừ suy nghĩ mà hãy giảm cân ngay đi, bắt đầu từ những cách đơn giản nhất. Theo nghiên cứu, chỉ cần giảm 5-7 kg cân nặng cũng đủ để giúp sức khỏe của bạn tốt hơn rất nhiều.

Bác sĩ khuyên bạn nên gặp chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn về chế độ ăn và một huấn luyện viên thể hình để giúp bạn thiết lập một kế hoạch giảm cân cho bệnh đái tháo đường. Ăn kiêng và tập thể dục luôn được khuyến khích là phương pháp điều trị đầu tiên. Tuy nhiên, tác dụng của nó đối với từng người là khác nhau. Nếu bạn béo phì và gặp khó khăn trong việc giảm cân bằng chế độ ăn kiêng và tập thể dục. Hãy gặp bác sĩ để được tư vấn dùng các loại thuốc ngăn sự thèm ăn và thúc đẩy giảm cân, hoặc phẫu thuật cắt một phần dạ dày.

Ngoài ra, đối với một số người bị đái tháo đường, đạt và duy trì cân nặng hợp lý sẽ giúp giảm mức độ sử dụng thuốc. 

 Nguồn: Everydayhealth

Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới

https://www.everydayhealth.com/hs/type-2-diabetes-treatment-diet-exercise/diabetes-complications-you-can-avoid-pictures/

 https://www.everydayhealth.com/stress/guide/relief/

 

 

 

 

BÌNH LUẬN
Tin cùng chuyên mục

        Dược sĩ tư vấn