Chiến lược ổn định đường huyết của bạn

Ngày: 07/02/2021 lúc 17:13PM

Tình trạng đường huyết không ổn định ở người mắc tiểu đường sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Việc kiểm soát đường huyết ổn định, gần mức bình thường là rất quan trọng để giúp bệnh nhân mắc đái tháo đường sống khoẻ mạnh, ngăn ngừa biến chứng. 

Kiểm soát tốt lượng đường trong máu là chìa khóa quan trọng trong việc kiểm soát đái tháo đường typ 2. Đừng bỏ qua bày viết dưới đây nếu bạn hay người thân đang trong quá trình chăm sóc phức tạp dành cho bệnh tiểu đường này nhé.

Cuộc sống của bệnh nhân đái tháo đường typ 2 đôi khi phải nỗ lực từng giờ thậm chí là từng phút để giữ lượng đường trong máu luôn ở mức ổn định. Tất cả các khuyến nghị và loại thuốc trong kế hoạch điều trị bệnh tiểu đường đều nhằm mục đích giúp bạn đạt và giữ được mức đường huyết khỏe mạnh. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn đang tìm hiểu thêm nhiều thông tin về cách kiểm soát tiểu đường tốt hơn, lý do tại sao chỉ số đường máu lại quan trọng và việc kiểm soát nó là điều cần thiết. 

Sự thật về bệnh tiểu đường và lượng đường trong máu

Theo Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA), cơ thể cần đường (glucose) để làm nguyên liệu, trải qua quá trình chuyển hóa khá phức tạp và tạo năng lượng sử dụng. Insulin sinh ra bởi tuyến tụy, là hormone cho phép các tế bào trong cơ thể bạn sử dụng và tiêu thụ đường.

Đái tháo đường typ 2 xảy ra khi cơ thể không thể loại bỏ lượng lớn đường ra khỏi máu. Nguyên nhân là do cơ thể ngừng nhạy cảm với insulin, phản ứng chậm hay điều hòa quá mức với sự thay đổi về lượng đường trong máu.

Dấu hiệu đầu tiên của tiểu đường là chỉ số đường máu lúc đói tăng cao hơn 126 mg/dL, hoặc hơn 200 mg/dL tại thời điểm bất kỳ trong ngày. Tiểu đường cũng có thể được biểu thị bằng mức hemoglobin A1C lớn hơn 6,5 % - phép đo phần trăm lượng đường gắn với hemoglobin trong máu trong vòng 2-3 tháng. (Hemoglobin là một protein trong các tế bào hồng cầu, có chức năng vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Vì vậy, A1C là 6,5 có nghĩa là 6,5% tế bào hồng cầu đang gắn đường).

Lượng đường trong máu cao không được kiểm soát dần dần sẽ làm hỏng các mạch máu của cơ thể. Về lâu dài có thể dẫn đến mất cảm giác ở chân và bàn chân, giảm thị lực và chức năng thận, tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.

Lượng đường trong máu cao hay thấp đều là mối đe dọa cho sức khỏe. Hạ đường huyết dẫn đến nguy cơ bị rối loạn và mất ý thức, có thể đe dọa đến tính mạng. Ngược lại, lượng đường trong máu cao gây mệt mỏi, mất nước. Kiểm soát bệnh tiểu đường tốt có thể giúp giảm nguy cơ đau tim, đột quỵ, giảm thị lực, bệnh thận và bệnh động mạch ngoại vi.

Chiến lược ổn định lượng đường trong máu

Việc đưa lượng đường trong máu của bạn về mức khỏe mạnh có thể phải trải qua giai đoạn thử nghiệm và mắc sai lầm, tuy nhiên nó sẽ là bước đà để bạn đến gần hơn với mục tiêu của mình

Tiến sĩ Kassem cho rằng: “Thói quen hàng ngày rất quan trọng để kiểm soát tốt bệnh tiểu đường. Bao gồm việc thực hiện một chế độ ăn lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, đồng thời kiểm tra lượng đường trong máu và sự theo dõi thường xuyên của bác sĩ." Bà cho biết thêm: “Sự thay đổi lớn trong lượng carbohydrate từ ngày này sang ngày khác sẽ ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.” Ví dụ, khi bạn tiêu thụ quá mức carbohydrate, cơ thể sẽ chuyển hóa chúng thành đường và đưa thẳng vào máu, làm tăng nguy cơ đường huyết tăng đột biến.

Thực hiện theo các chiến lược cụ thể sau sẽ giúp bạn kiểm soát tốt hơn lượng đường trong máu cũng như tình trạng bệnh tiểu đường:

Tập thể dục. Tập thể dục thường xuyên được chứng minh có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Thực hiện các phương pháp tập thể dục khác nhau sẽ tốt cho bệnh tiểu đường và sức khỏe nói chung. Theo nghiên cứu được công bố trong tháng 2 năm 2015 trong Tạp chí Y học thể thao và Thể Dục, một nhóm người tham gia chương trình thực hiện tập thể dục kéo dài 12 tuần, 3 lần/ tuần với khoảng thời gian là 3 tiếng đã cải thiện đáng kể trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường. Vì vậy, bệnh nhân tiểu đường nên tập luyện sức mạnh, aerobic hay bất kỳ hoạt động thể lực nào khác mà bạn yêu thích.

Giảm cân. Giảm cân giúp bạn ổn định lượng đường trong máu hiệu quả hơn, nhất là khi cơ thể đang trong tình trạng thừa cân. “Đối với hầu hết những người mắc bệnh tiểu đường, chỉ giảm 5 - 10 pound có thể tạo ra sự khác biệt trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường hoặc nhu cầu dùng thuốc” - lời khuyên từ nhà nội tiết học Joseph Aloi - Giáo sư về Nội tiết và chuyển hóa tại Wake Forest Baptist Health (Winston- Salem, Bắc Carolina).

Chế độ ăn uống. Bệnh nhân tiểu đường có thể kiểm soát tốt hơn lượng đường trong máu bằng cách hạn chế các loại thực phẩm làm đường máu tăng đột biến. Bác sĩ khuyên bạn nên cắt giảm lượng carbohydrate, ăn nhiều protein, trái cây và rau củ. Chất xơ hữu ích đến mức chỉ cần bổ sung một lượng nhỏ vào bữa ăn có thể giúp ổn định lượng đường trong máu, vì chất xơ làm chậm quá trình tiêu hóa của cơ thể.

Uống rượu không đúng cách có thể làm tăng lượng đường trong máu ngay lập tức và giảm vài giờ sau đó. Lời khuyên cho bạn là nên uống một lượng vừa phải và luôn có thức ăn đặc đi kèm.

Thuốc. Bác sĩ sẽ đề nghị các loại thuốc khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn khác nhau trong quá trình điều trị bệnh tiểu đường. Các lựa chọn điều trị bao gồm:

  • Biguanides: nhóm thuốc bao gồm metformin, giúp cơ thể sử dụng insulin hiệu quả hơn và làm giảm chuyển hoá tạo đường tại gan.

  • Sulfonylureas: kích thích tế bào tuyến tụy sản xuất nhiều insulin hơn. Tuy nhiên, bạn có thể gặp tác dụng phụ là hạ đường huyết.

  • Meglitinides: nhóm thuốc bao gồm repaglinide, kích thích tuyến tụy sản xuất insulin, tác dụng phụ có thể xảy ra là hạ đường huyết.

  • Thiazolidinediones: nhóm thuốc bao gồm pioglitazone, giúp insulin hoạt động tốt hơn.

  • Các chất ức chế alpha-glucosidase: bao gồm acarbose, ức chế quá trình phân hủy tinh bột. Được sử dụng để ngăn chặn sự tăng đột biến của lượng đường trong máu  sau bữa ăn.

  • Các chất ức chế DPP-4: cho phép GLP-1 (một loại hormone sản xuất ở ruột được tìm thấy tự nhiên trong cơ thể) tồn tại lâu hơn và giúp ổn định đường máu.

  • Thuốc ức chế SGLT2: làm cho lượng glucose dư thừa được đào thải qua nước tiểu.

  • Insulin: cần thiết để giúp cơ thể sử dụng lượng đường trong máu hiệu quả hơn.

Tham khảo ý kiến bác sĩ và các chuyên gia.  Đừng ngại tham khảo bác sĩ hay chuyên gia về các vấn đề liên quan đến bệnh tiểu đường của bạn như chỉ số đường máu hay hướng dẫn ổn định lượng đường trong máu. Aloi khuyên rằng: “Bạn nên biết thuốc của bạn dùng để làm gì và mục tiêu của bạn là gì. Các chiến lược để ổn định lượng đường trong máu hiệu quả nhất khi bạn hiểu được cách thức hoạt động và cách sử dụng chúng". Theo một  nghiên cứu được công bố vào tháng 9 năm 2014 trên Tạp chí Internal Medicine, khi các nhà nghiên cứu Úc cung cấp dịch vụ tư vấn qua điện thoại cho 94 người lớn mắc bệnh tiểu đường typ 2, họ nhận thấy rằng việc kiểm soát bệnh tiểu đường được cải thiện rõ rệt.

Kiểm tra lượng đường trong máu

Các khuyến nghị cụ thể để kiểm tra lượng đường trong máu sẽ phụ thuộc vào phác đồ điều trị của bạn. Kassem giải thích: "Nếu điều trị bằng đường uống, nên trì hoãn các xét nghiệm để kiểm soát tốt hơn, từ đó giúp chúng ta điều chỉnh thuốc tốt hơn."

Tự kiểm tra hay xét nghiệm trong phòng thí nghiệm, kiểm tra hàng ngày hay kiểm tra vài tháng một lần - các xét nghiệm lượng đường trong máu khác nhau này có thể cung cấp cho bạn bức tranh toàn cảnh hơn về bệnh tiểu đường của mình và cách kiểm soát bệnh tốt nhất.

Dải thử nghiệm và màn hình Glucose  

Đây là những xét nghiệm có thể làm tại nhà với mẫu là máu ở đầu ngón tay. Tùy thuộc vào tình trạng của bệnh tiểu đường và khuyến nghị của bác sĩ, bạn có thể cần kiểm tra nhiều lần trong ngày để theo dõi mức đường huyết. Kiểm soát tình trạng của mình tốt hơn bằng cách ghi nhật ký các bữa ăn, hoạt động của bạn và sự thay đổi lượng đường trong máu.

Sử dụng các công cụ tự kiểm tra đường huyết để tìm hiểu phản ứng của cơ thể với những thay đổi trong chế độ ăn uống, tập thể dục và sức khỏe tổng thể. Có nhiều nhãn hiệu khác nhau, mỗi nhãn hiệu đều có lưỡi trích và que thử riêng, vì vậy hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về thiết kế phù hợp nhất và tần suất bạn nên kiểm tra lượng đường trong máu tại nhà.

Xét nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Bác sĩ thường sẽ yêu cầu xét nghiệm đường huyết trong các buổi khám định kỳ tại phòng khám để theo dõi mức độ bạn kiểm soát bệnh tiểu đường và các tình trạng sức khỏe mãn tính khác.

Xét nghiệm A1C

Đây là xét nghiệm máu được thực hiện trong phòng thí nghiệm, cung cấp thông tin về vấn đề kiểm soát lượng đường trong máu của bạn trong vòng 3 tháng. Aloi cho biết: "Mỗi khi A1C của bạn giảm xuống một điểm, bạn sẽ giảm nguy cơ mắc các biến chứng tiểu đường khoảng 30%".

Mức đường trong máu cao hoặc thấp

Khi tìm hiểu thêm về cách sống chung với bệnh tiểu đường và theo dõi lượng đường trong máu, bạn sẽ gặp phải những thời điểm lượng đường trong máu quá cao hoặc quá thấp. Đừng quá hoảng sợ về những kết quả này, các biến chứng của bệnh tiểu đường thường do việc kiểm soát lượng đường trong máu kém trong thời gian dài chứ không phải do đường máu đột ngột tăng cao trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nhận thức được tác động lâu dài của việc lượng đường trong máu quá cao (tăng đường huyết) hoặc quá thấp (hạ đường huyết) và cách điều trị.

Tăng đường huyết 

Lượng đường trong máu quá cao trong thời gian dài được coi là tăng đường huyết. Theo ADA, nếu lượng đường trong máu của bạn cao hơn 240 mg/dL, bạn cũng nên kiểm tra nồng độ ceton trong nước tiểu trước khi thực hiện hạ đường máu. Rất hiếm khi một bệnh nhân tiểu đường typ 2 phát triển nhiễm toan ceton do tiểu đường (DKA) - một tình trạng nghiêm trọng đặc trưng bởi lượng đường trong máu cao, insulin thấp và sự hiện diện của mức ceton từ trung bình đến cao. DKA là một trường hợp khẩn và cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.

Các cách điều trị tăng đường huyết 

Tập thể dục. Hoạt động thể chất là một cách tốt để giảm lượng đường trong máu. Aloi chỉ ra rằng 10 phút tập thể dục đã từng được khuyến khích cho trẻ em mắc bệnh tiểu đường typ 1 để ổn định lượng đường trong máu trước khi insulin phổ biến. Nhưng nếu bạn có lượng ceton cao trong nước tiểu thì tập thể dục có thể khiến tình trạng đó tồi tệ hơn. Hãy tham khảo bác sĩ nếu chỉ số đường máu hay mức ceton của bạn quá cao trong một thời gian dài.

Thay đổi chế độ ăn. Lượng đường trong máu cao có thể do sử dụng quá mức hoặc sai các loại thực phẩm. Hãy thực hiện chế độ ăn lành mạnh theo khuyến nghị của bác sĩ, bữa ăn của bạn có nhiều protein và chất xơ sẽ hữu ích hơn. Và quan trọng nhất là không được nhịn ăn.

Aloi lưu ý rằng nhiều người bị bệnh tiểu đường cảm thấy thất vọng vì phản ứng của họ với thức ăn và quyết định nhịn ăn để giảm lượng đường trong máu. Nhịn ăn gây ra căng thẳng, và điều này thực sự có thể làm cho lượng đường trong máu của bạn thậm chí tăng cao hơn rất nhiều.

Điều chỉnh thuốc. Lượng đường trong máu quá cao có thể khiến bạn phải thay đổi thuốc điều trị, tùy nhiên phải tham khảo lời khuyên của bác sĩ. Hãy làm việc với bác sĩ trước khi bạn thay đổi kế hoạch dùng thuốc của mình.

Hạ đường huyết 

Lượng đường trong máu thấp có thể dẫn đến chóng mặt và mệt mỏi, thậm chí nguy hiểm hơn là dẫn đến mất ý thức. Bạn cần khoảng 15 gam carbohydrate để đưa lượng đường trong máu lên. Nhiều người thường mang theo viên glucose bên mình để đề phòng, ngoài ra nước trái cây hoặc soda, 4 - 5 chiếc bánh quy giòn, hay 1 thìa mật ong cũng sẽ có tác dụng tương tự. Kiểm tra lại lượng đường trong máu của bạn sau khoảng 20 phút để đảm bảo rằng nó trở lại mức bình thường.

Nếu bạn thường xuyên gặp các đợt hạ đường huyết, hãy đeo vòng tay hoặc vòng cổ nhận diện y tế trong trường hợp không thể tự điều trị.

Một số người có thể tìm thấy các biện pháp hiệu quả tốt để ổn định đường máu của họ. Đối với một số người khác, lượng đường trong máu giống như một mục tiêu di động. Nếu bạn cũng gặp hoàn cảnh tương tự, hãy thường xuyên trao đổi với bác sĩ hay chuyên gia dinh dưỡng để cùng nhau tìm ra các chiến lược kiểm soát lượng đường trong máu phù hợp với mình.

Nguồn: everydayhealth

Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới:

https://www.uhhospitals.org/for-clinicians/specialties/department-of-medicine/leadership
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25675417/
https://www.wakehealth.edu/Providers/A/Joseph-A-Aloi
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/24963611/

Hạnh Nguyễn
BÌNH LUẬN
Tin cùng chuyên mục

        Dược sĩ tư vấn