Chăm sóc vết thương đúng cách cho bệnh nhân đái tháo đường

Ngày: 28/01/2021 lúc 14:59PM

Đối với bệnh nhân đái tháo đường, các vết loét thường gặp phải tình trạng khó lành và thường tiến triển xấu đi nếu không kịp thời chăm sóc đúng cách. Vì thế cần có một biện pháp phù hợp để sớm phát hiện, chữa lành và giảm đau ở các vết thương.

Khó khăn trong quá trình làm lành vết thương là một trong những biến chứng phiền toái nhất của bệnh đái tháo đường. Có nhiều nguyên nhân giải thích cho việc khó lành vết thương với bệnh nhân mắc đái tháo đường.  Mặc dù kiểm soát tốt chế độ ăn cũng như lối sống có thể giúp giảm nguy cơ gặp các biến chứng bệnh đái tháo đường, nhưng mức glucose máu không kiểm soát được vẫn có thể khiến bạn gặp phải tình trạng các viết thương khó lành. Theo một bài báo được xuất bản vào tháng 6 năm 2017 trên tạp chí The New England Journal of Medicine, ước tính rằng khoảng 19 – 34% bệnh nhân đái tháo đường bị ít nhất một lần loét chân trong đời. 

Ngoài ra cứ 2 trên 5 bệnh nhân gặp lại vết loét này trong năm tiếp theo, lâu dần sẽ trở thành vấn đề mạn tính. Cũng theo bài báo này,  một hậu quả nghiêm trọng hơn là có khoảng 20% bệnh nhân nhiễm trùng mức độ trung bình hoặc nặng và phải phẫu thuật cắt cụt chi.

Theo một chuyên gia về chữa mô và làm lành vết thương đến từ Đại học Chicago, có một vài nguyên nhân dẫn đến những vết thương phiền toái này trong bệnh đái tháo đường. Khi nồng độ glucose trong máu cao trong thời gian dài, có thể gây ra những bệnh lý về thần kinh, hoặc tổn thương dây thần kinh ở bàn chân. Vì thế, bệnh nhân không còn mẫn cảm với những vết cắt nhỏ, hoặc vết chai chân. 

Bệnh lý thần kinh này cũng khiến bàn chân bạn yếu hơn, thay đổi hình dạng, tăng nguy cơ gặp chấn thương. Thêm vào đó, một biến chứng khác của đái tháo đường là máu kém lưu thông, làm cho vết thương càng tiến triển nặng thêm mà quá trình làm lành và hồi phục thì chậm lại.

Chuyên gia cũng cho biết, ở những người tưới máu kém, thì từ một vết thương nhỏ ở lòng bàn chân cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng toàn bộ, mất chi chỉ sau một đêm. 

Loét bàn chân là loại tổn thương thường gặp nhất ở bệnh đái tháo đường, do đây là nơi gánh chịu toàn bộ trọng lượng của cơ thể, kết hợp với bệnh lý thần kinh mắc phải tại vị trí này. Đối với những vị trí khác, dù ít gặp hơn nhưng tốc độ làm lành vết thương vẫn bị chậm đi đáng kể. 

Chăm sóc vết thương cơ bản cho bệnh nhân đái tháo đường

chăm-sóc-bàn-chân-cho-người-đái-tháo-đường

Việc điều trị thường bắt đầu bằng làm sạch vết thương, cắt bỏ các mô bị hoại tử, nhiễm trùng theo quy trình. Đây là một bước hết sức cần thiết, giúp loại bỏ lớp màng mô gây hoại tử, từ đó tạo điều kiện cho quá trình phục hồi vết thương. 

Một phần quan trọng khác nữa đó là làm giảm gánh nặng, áp lực của trọng lượng lên vết thương. Theo Nhóm Chăm sóc Bàn chân Đái tháo đường Quốc tế, cách tốt nhất là bệnh nhân nên bó bột, hoặc nẹp cố định cao trên đầu gối, ngoài ra có thể lựa chọn giày chuyên dụng để thay thế. 

Trong trường hợp vết thương bị nhiễm trùng, bác sĩ có thể kê thêm kháng sinh cho bệnh nhân. Do hệ thống thần kinh của bệnh nhân trở nên kém mẫn cảm hơn, cho nên chụp X – quang có thể được chỉ định để xem liệu xương có bị nhiễm trùng, thậm chí là gãy hay không. Cũng theo khuyến cáo của các bác sĩ, nếu có dấu hiệu cho thấy máu kém lưu thông, thì cần làm phẫu thuật mở mạch máu. 

Điều trị vết loét ở chân với bệnh đái tháo đường là một quá trình cần sự tham gia của nhiều nhóm bác sĩ chuyên ngành khác nhau.

Cần làm gì khi vết thương vẫn chưa lành?

Nếu sau một tháng kể từ khi bắt đầu điều trị, mà không có tiến triển tốt hơn thì liệu pháp khác sẽ được áp dụng. Ví dụ như điều trị bằng oxy cao áp, mô sinh học hoặc sử dụng các yếu tố tăng trưởng. Các Hướng dẫn chuyên môn đến từ Nhóm Chăm sóc Bàn chân Đái tháo đường Quốc tế chỉ ra rằng không có đủ cơ sở để khuyến cáo sử dụng các phương pháp điều trị này thường xuyên, thậm chí còn gây tốn kém cho bệnh nhân. Tuy nhiên, trong trường hợp các biện pháp chăm sóc vết thương khác không hiệu quả, thì chúng vẫn đáng để thử. 

Chữa lành vết thương nhanh hơn và ngăn ngừa tái phát 

bàn-chân-loét-ở-người-đái-tháo-đường

Kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong máu sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng, từ đó hạn chế việc vết thương chuyển biến xấu đi. Ngoài ra, lượng cholesterol trong máu và huyết áp cũng cần được theo dõi kỹ lưỡng. Nếu cần thiết, hãy bỏ hút thuốc. Tất cả những điều này cũng sẽ có lợi cho tuần hoàn máu của bệnh nhân. 

Ngay cả khi vết thương đã lành, thì bạn vẫn cần chăm sóc tốt cho bàn chân của mình, bằng cách lựa chọn giày dép phù hợp và mang liên tục để bảo vệ đôi chân của mình tốt hơn. 

Nguồn: Everydayhealth

Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới.

https://www.everydayhealth.com/type-2-diabetes/symptoms/chronic-non-healing-wounds-diabetes-your-management-plan/
https://www.everydayhealth.com/hs/type-2-diabetes-management/blood-sugar-uncontrolled-pictures/
https://www.everydayhealth.com/diabetes/guide/
https://www.everydayhealth.com/digestive-health/experts-what-causes-ulcers.aspx


 

BÌNH LUẬN
Tin cùng chuyên mục

        Dược sĩ tư vấn