Bệnh nhân đái tháo đường nên và không nên uống gì?

Ngày: 28/01/2021 lúc 17:07PM

Chế độ ăn uống trong việc kiểm soát đái tháo đường type 2 là rất quan trọng. Nếu bạn mắc bệnh đái tháo đường type 2, bạn nên ngừng uống đồ uống có đường và thay thế chúng bằng các lựa chọn ít đường và không đường như nước .

Tận hưởng cảm giác sảng khoái khi thưởng thức đồ uống tốt và bỏ qua những đồ uống khiến lượng đường trong máu của bạn tăng đột biến là nguyên tắc khi sử dụng đồ uống của bệnh nhân đái tháo đường.

Khi nói đến việc kiểm soát thành công bệnh đái tháo đường type 2, bạn uống gì hay ăn gì đều rất quan trọng. Trên thực tế, bạn có thể ngạc nhiên bởi một loại đồ uống có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của bạn như thế nào.

So với đồ uống không có carbohydrate (hay còn gọi là đường) như nước, đồ uống có carbohydrate ảnh hưởng nhiều đến lượng đường trong máu. Lori Zanini, RD, CDCES, cho biết: “Bất cứ thứ gì dạng lỏng có carbohydrate sẽ tiêu hóa nhanh hơn thứ phải nhai”. Kết quả là: lượng đường trong máu tăng vọt một cách nhanh chóng . 

Nếu bạn mắc bệnh đái tháo đường type 2, bạn nên ngừng uống đồ uống có đường, chẳng hạn như soda, trà ngọt, nước trái cây và thay thế chúng bằng các lựa chọn ít đường và không đường như nước .

Nếu bạn sử dụng đồ uống đóng chai thường xuyên, bạn có thể gặp khó khăn trong việc cung cấp đủ nước cho cơ thể. Katherine Basbaum, RD, một chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng tại khoa Tim mạch và Phục hồi chức năng tim, cho biết, thật may mắn khi hiện nay có rất nhiều loại đồ uống thơm ngon giúp tinh thần sảng khoái mà bạn có thể thưởng thức.

đồ-uống-cho-bệnh-nhân-đái-tháo-đường

 

Dưới đây là những thứ nên và không nên uống đối với những người mắc bệnh đái tháo đường.

1. Uống nước lọc có tác dụng trung hòa lượng đường trong máu

Nước là một trong số ít đồ uống bạn có thể uống mà không cần lo lắng trong suốt một ngày. Zanini chỉ ra rằng: “Nước là trung tính. Điều này có nghĩa là nước không làm tăng hoặc giảm lượng đường trong máu của bạn.”

Uống nước cũng là một cách tuyệt vời để bạn luôn cung cấp đủ nước cho cơ thể. Cơ thể luôn đủ nước sẽ giúp bạn điều chỉnh lượng đường trong máu. Zanini giải thích: “Nước giúp làm loãng máu, làm giảm lượng đường trong máu.”

Về lượng tiêu thụ hàng ngày, Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia khuyên bạn nên uống từ 30 đến 60 ml nước cho 1 kg trọng lượng cơ thể. Theo dõi quá trình hydrat hóa bằng cách kiểm tra xem màu nước tiểu của bạn có màu vàng nhạt hay không.

Nếu bạn thường xuyên quên uống nước, Basbaum có một gợi ý để giúp bạn có thể uống được nhiều nước hơn. Đó là đối với những loại đồ uống có chứa chất thay thế đường hoặc cafein thì bạn hãy uống khoảng 250ml cho mỗi loại. Với nước có ga, bạn có thể lắc hoặc vắt chanh hoặc nước cốt chanh vào ly nước.

2. Uống sữa bò cung cấp protein và canxi

Sữa tách béo hoặc ít béo cũng là một lựa chọn đồ uống tuyệt vời. Tuy nhiên, nó vẫn phải được tính vào tổng lượng carb cho một bữa ăn hoặc bữa ăn nhẹ.

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), một cốc sữa 1% (sữa ít béo) cũng cung cấp 305 miligam (mg) canxi, chiếm khoảng 23% giá trị  dinh dưỡng hàng ngày.

Hãy lưu ý rằng các lựa chọn. So với sữa bò, sữa không bơ như sữa hạnh nhân, có thể đã thêm chất làm ngọt và hương liệu, thường thiếu protein ổn định đường huyết.

3. Không uống nước ngọt hoặc nước ngọt có đường

Thường xuyên sử dụng đồ uống có đường như soda và trà đóng chai có đường sẽ tàn phá cơ thể bạn theo nhiều cách khác nhau.

Ví dụ, một nghiên cứu được công bố vào tháng 12 năm 2016 trên Tạp chí Dinh dưỡng cho thấy những người trung niên uống từ ba loại đồ uống có đường trở lên trong mỗi tuần có nguy cơ mắc tiền đái tháo đường cao hơn 46% so với những người không uống đồ uống có đường. Tương tự, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người sử dụng hai loại nước ngọt có đường hoặc nước trái cây mỗi tuần thì nguy cơ tiến triển bệnh đái tháo đường type 2 tăng lên. Nguy cơ này sẽ cao hơn nếu họ tăng hơn 3 kg trong khoảng thời gian 5 năm.

Basbaum giải thích: “Đồ uống có đường được hấp thụ vào máu quá nhanh, khiến lượng đường trong máu tăng vọt”. Hơn nữa, những đồ uống này sẽ ảnh hưởng đến lượng carb của bạn. Theo USDA, một lon soda 360 ml thông thường chứa khoảng 39 g carbs. Trong khi đó, 360 ml nước trái cây chứa lượng carbs tương đương với một lon cola. Hãy tập thói quen mang theo một chai nước khi đồ uống không đường không có sẵn.

4. Có thể uống đồ uống có đường nhân tạo 

Đồ uống có chất làm ngọt nhân tạo, chẳng hạn như sô-đa ăn kiêng, vẫn là một chủ đề gây tranh cãi.

Một mặt, đồ uống có chất làm ngọt nhân tạo có thể là một giải pháp thay thế giúp giảm calo cho đồ uống có đường. Basbaum nói: “Tôi xác nhận đồ uống có đường nhân tạo giúp kiểm soát lượng đường trong máu và cân nặng”.

Theo Mayo Clinic, nguyên nhân là do đồ uống có đường nhân tạo không có carbohydrate và lượng calo thấp. Chúng có thể là một lựa chọn thay thế hiệu quả cho soda và nước trái cây được làm ngọt bằng đường truyền thống.

Tuy nhiên, nghiên cứu đã chỉ ra các chất làm ngọt nhân tạo có thể mạnh gấp vài trăm đến vài nghìn lần so với đường tự nhiên. Thêm vào đó, theo kinh nghiệm của Zanini, chúng khiến mọi người thèm đồ ngọt hơn.

Một số nghiên cứu ủng hộ quan điểm này. Một bài báo được xuất bản trên Trends in Endocrinology and Metabolism lưu ý rằng việc ăn chất ngọt nhân tạo có thể gây ra những biến đổi ở não khiến bạn ăn nhiều hơn bình thường. Bài báo cũng đề cập đến nghiên cứu về việc tiêu thụ các loại đường thay thế này, có liên quan đến nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường type 2 và bệnh tim mạch. Tuy nhiên, còn cần nhiều nghiên cứu để khẳng định về điều này.

Việc quyết định uống đồ uống có đường nhân tạo và uống bao nhiêu là vấn đề về khẩu vị và sở thích của bạn. Nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bạn.

5. Uống nước ép cà chua thay vì nước ép trái cây có đường

đồ-uống-cho-bệnh-nhân-đái-tháo-đường

Nếu bạn thích uống nước trái cây hoặc bạn cảm thấy mệt mỏi với việc uống nước, hãy tránh các loại trái cây có đường. Thay vào đó, hãy chọn một nước ép rau củ, như nước ép cà chua. Nếu bạn sử dụng nước ép cà chua 100% nguyên chất, không thêm muối hoặc đường, nó có thể cung cấp cho bạn một số lợi ích sức khỏe tổng thể.

Ví dụ, theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Anh, uống 1/2 cốc nước ép cà chua mỗi ngày trong một tháng sẽ giúp giảm thiểu một số chứng viêm ở phụ nữ béo phì. Hãy lưu ý đến việc mỗi cốc nước ép cà chua có khoảng 10 gam (g) carbs. 

Zanini nói rằng thật hiển nhiên khi ăn trái cây và rau quả tốt hơn là uống chúng. Theo một  nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học Thực phẩm và Dinh dưỡng Quốc tế, ăn một quả cà chua mỗi ngày có thể giúp giảm huyết áp và còn giảm nguy cơ tim mạch liên quan đến bệnh đái tháo đường type 2 .

6. Uống lượng nhỏ cà phê và trà không đường 

Bạn có thể thoải mái uống một lượng vừa phải trà và cà phê (nóng hoặc đá). Basbaum nói: “Hãy thử loại không đường hoặc loại được chế biến với chất thay thế đường”. Lựa chọn tốt nhất của bạn là cà phê hoặc trà không đường. Nhưng nếu bạn cần thêm thứ gì đó, hãy tìm chất làm ngọt có hàm lượng calo thấp. Hãy nhớ rằng khi bạn thêm bất kỳ loại sữa hoặc kem nào vào đồ uống của mình, chúng đều phải được tính là một phần của carbohydrate trong chế độ ăn của bạn. Nếu bạn thích hương vị sirô trong đồ uống cà phê, hãy tìm những loại không đường.

Thay vì thêm đường, trà có thể được pha thêm nước cốt chanh. Nhưng nếu bạn cần một ít đường, Zanini khuyên bạn nên dùng Stevia – một lựa chọn tự nhiên thay vì chất làm ngọt nhân tạo.

Nghiên cứu cho thấy cà phê và trà, đặc biệt là trà xanh, có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2. Một nghiên cứu cho thấy những người uống ít nhất 6 tách trà xanh hoặc 3 tách cà phê mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 thấp hơn 33% so với những người uống ít hơn 1 cốc đồ uống mỗi tuần.

7. Không uống đồ uống thể thao - Trừ khi bạn là vận động viên sức bền

Tập thể dục là cách tốt để kiểm soát bệnh đái tháo đường type 2. Tuy nhiên, hãy bỏ qua đồ uống thể thao có nhiều carbohydrate. 

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị chỉ nên sử dụng đồ uống thể thao cho các vận động viên sức bền, những người phải tập thể dục vất vả đến mức cần thay thế muối và chất dinh dưỡng. Zanini nói: “Đồ uống thể thao thường không cần thiết trừ khi ai đó đã hoạt động rất tích cực trong hơn một giờ”.

Uống nước sẽ giúp cơ thể bạn luôn đủ nước để tập thể dục ở mức độ vừa phải. Bạn cũng có thể chuẩn bị một bữa ăn nhẹ lành mạnh sau khi tập luyện. Nó sẽ cung cấp cho bạn một số carbs và protein. Chẳng hạn như một quả táo với một chút bơ đậu phộng hoặc một quả trứng luộc chín và một quả cam. Những lựa chọn này sẽ cung cấp cho bạn lượng protein và carbs cần thiết để bắt đầu quá trình phục hồi sức khỏe mà không làm tăng lượng đường trong máu.

8. Uống nước ép trái cây nguyên chất - thỉnh thoảng và có chừng mực

Basbaum nói, thỉnh thoảng bạn có thể uống 120 đến 180 ml nước ép trái cây nguyên chất và coi nó như một món ăn. Hãy nhớ tính lượng carbs như một phần của bữa ăn và dự trù lượng đường trong máu mà nước ép có thể gây ra.

Ví dụ: nếu bạn thích ăn sáng với nước cam tươi vắt. Theo USDA có 26 g carbs mỗi cốc. Để có thể tính tổng lượng cabs của bữa ăn, hãy tính thành phần dinh dưỡng của nó cùng với trứng và bánh mì nướng ngũ cốc của bạn.

9. Uống ít rượu vào những dịp đặc biệt

đồ-uống- không-nên-dùng-cho-bệnh-nhân-đái-tháo-đường

Trong các nghiên cứu trước đây, chẳng hạn như một nghiên cứu được công bố vào tháng 5 năm 2014 trên tạp chí Diabetes Care, chỉ ra rằng uống rượu vừa phải có thể mang lại tác dụng bảo vệ tim cho những người mắc bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây hơn được công bố vào tháng 9 năm 2018 trên tạp chí The Lancet cho thấy rằng không có lượng rượu nào là an toàn.

Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) lưu ý nếu bạn uống ít rượu bia, đặc biệt là vì rượu có thể gây ra biến động đường huyết. Theo ADA, uống rượu vừa phải được định nghĩa là tối đa một ly cho phụ nữ và hai ly cho nam giới mỗi ngày. Một lần uống tương đương với 45 ml rượu, 360 ml bia hoặc 150 ml rượu vang.

Và bởi vì lợi ích của rượu còn được tranh luận, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyên đối với những người mắc bệnh đái tháo đường và mọi người không nên uống rượu.

10. Không uống nước tăng lực có chứa đường và cafein

Nước tăng lực giúp bạn tăng cường năng lượng tạm thời. Năng lượng này đến từ đường, cafeine và các chất phụ gia khác. Tuy nhiên, theo Trung tâm Quốc gia về Bổ sung và Sức khỏe toàn diện, những thứ đó cũng có thể gây rối loạn nhịp tim, tăng nhịp tim và huyết áp, và làm gián đoạn giấc ngủ. USDA lưu ý: chỉ với 250 ml nước tăng lực Red Bull đã chứa hơn 26 g đường và 75 mg cafein và ngay cả loại không đường cũng có tới 75 mg cafein. Trong khi đó, 240 ml cà phê pha cũng chứa khoảng 92 mg cafein.

Thay vì dựa vào nguồn năng lượng đến từ nước tăng lực, hãy chống lại sự mệt mỏi bằng những cách khác. Một số cách hiệu quả để giữ gìn sức khỏe và tỉnh táo là chủ yếu tập trung vào duy trì giấc ngủ chất lượng. Zanini nói rằng ngủ từ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm là tuyệt vời nhất. Ngoài ra, một biện pháp khác chính là tập thể dục thường xuyên. Theo CDC, tối thiểu mỗi tuần, bạn hãy dành 150 phút để tập thể dục cường độ vừa phải kết hợp với hai buổi tập luyện toàn thân. Nếu bạn cần tăng cường năng lượng nhanh chóng, hãy chọn các loại đồ uống lành mạnh hơn như cà phê và trà không đường.

Nguồn: Everydayhealth

Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới 

https://www.everydayhealth.com/hs/type-2-diabetes-live-better-guide/beverage-dos-donts/

https://www.everydayhealth.com/type-2-diabetes/guide/diet/

https://www.everydayhealth.com/hs/type-2-diabetes-care/everyday-things-spike-blood-sugar-pictures/

https://www.everydayhealth.com/dehydration/prevention/

https://www.everydayhealth.com/diabetes/guide/

BÌNH LUẬN
Tin cùng chuyên mục

        Dược sĩ tư vấn