5 thay đổi cần thiết để kiểm soát tiểu đường và nguy cơ bệnh tim mạch

Ngày: 14/12/2020 lúc 10:12AM

Nếu bạn đang mắc phải căn bệnh tiểu đường, có lẽ bạn cũng biết đến nguy cơ mắc kèm các bệnh tim mạch của bản thân là không hề nhỏ. Nhưng liệu bạn đã biết chúng ta có thể giảm bớt nguy cơ này một cách đáng kể chỉ bằng việc thực hiện một số thay đổi trong lối sống hàng ngày.

Dưới đây là năm thay đổi lối sống cần thiết mà bạn có thể dễ dàng thực hiện để kiểm soát tiểu đường và giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim.

1. Ăn uống lành mạnh

Một trong những thay đổi lối sống quan trọng nhất để kiểm soát căn bệnh đái tháo đường và giảm nguy cơ mắc bệnh tim chính là thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh hơn.

ăn uống lành mạnh

Bất cứ khi nào có thể, hãy chọn những thực phẩm có hàm lượng thấp natri, chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa. Chọn ngũ cốc nguyên hạt thay cho bánh mì trắng, thịt gà không da hoặc cá thay cho thịt đỏ, và các sản phẩm từ sữa ít béo thay cho sữa tươi nguyên chất hoặc phomat thông thường.

Hãy đảm bảo rằng mỗi bữa ăn của bạn luôn có sự kết hợp cân bằng giữa tinh bột, trái cây, rau củ, protein và chất béo. Nói chung, cố gắng tránh đồ uống có đường như soda và nước trái cây, trừ khi bạn đang cần chúng để tăng lượng đường khi hạ đường huyết.

2. Thường xuyên hoạt động

Tập thể dục là một cách tuyệt vời giúp giảm nguy cơ tiến triển bệnh tim. Như một phần thưởng khích lệ, nó có thể cải thiện tâm trạng vui vẻ, hạnh phúc của bạn.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (The Centers for Disease Control and Prevention CDC) khuyến cáo rằng người lớn nên dành ít nhất 150 phút mỗi tuần để tham gia các hoạt động thể chất với cường độ vừa phải như đi bộ nhanh hay đạp xe quanh khu phố.

Nếu bạn muốn việc tập luyện của mình vất vả hơn một chút, bạn có thể tập với cường độ cao trong 75 phút như chạy bộ, bơi và leo dốc.

Bạn cũng có thể thử các hoạt động tăng cường cơ bắp cho cánh tay, chân, hông, ngực, vai, cơ bụng và lưng. Những bài tập này được CDC khuyến cáo với tần suất ít nhất 2 ngày/tuần và tập cách ngày.

3. Kiểm soát căng thẳng

Mức độ căng thẳng cao trong một thời gian dài có thể dẫn đến tăng huyết áp. Và điều này là nguy cơ gây ra những tổn thương ở động mạch. Nếu bạn cảm thấy căng thẳng hoặc dễ bị lo lắng, hãy thử những kỹ thuật giúp thư giãn để bình tĩnh lại. Dưới đây là một hướng dẫn nhanh bài tập thể dục đơn giản, hay còn được gọi là phương pháp 4-7-8:

Bước 1: Thở ra hoàn toàn bằng miệng.

Bước 2: Hít vào bằng mũi trong 4 giây.

Bước 3: Giữ hơi thở của bạn trong 7 giây.

Bước 4: Thở ra hoàn toàn bằng miệng trong 8 giây.

Bước 5: Lặp lại chu kỳ này ba lần nữa.

stress

Các kỹ thuật thư giãn như trên có thể giúp bạn hạ huyết áp. Chúng cũng có thể giúp duy trì lượng đường ổn định trong máu và giảm bớt nguy cơ mắc bệnh tim hay đột quỵ. Bên cạnh đó, bác sĩ hoàn toàn có thể giúp bạn tìm ra kỹ thuật thư giãn phù hợp nhất.

4. Bỏ hút thuốc

Hút thuốc không chỉ có hại cho sức khỏe của chính bạn mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của những người xung quanh bạn. Nhưng những rủi ro sức khỏe đó còn cao hơn đáng kể nếu bạn đang mắc bệnh tiểu đường.

Khói thuốc lá gây tổn thương lớn đến tim và mạch máu, đồng thời làm tăng nguy cơ tiến triển bệnh thận, các vấn đề về thị lực và tổn thương thần kinh. Nó cũng có thể làm giảm lưu thông máu ở chân và bàn chân của bạn.

Ngay cả khi bạn đã hút thuốc nhiều năm, không bao giờ là quá muộn để từ bỏ thuốc lá. Hãy nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn về phác đồ điều trị cai thuốc phù hợp nhất với bạn.

5. Kiểm tra sức khỏe định kỳ

Bất kể bạn có vấn đề về sức khỏe hay không, mấu chốt chính là việc kiểm tra sức khỏe định kỳ và trao đổi với bác sĩ của bạn. Mỗi lần khám định kỳ, bác sĩ sẽ kiểm tra huyết áp và lượng đường trong máu của bạn. Không những thế, họ có thể sẽ kiểm tra lượng cholesterol từ 6 đến 12 tháng một lần.

Bạn nên trao đổi một cách thoải mái với bác sĩ về chế độ ăn uống và lối sống của mình. Hãy nhớ rằng bác sĩ của bạn không ở đó để kiểm tra đánh giá bạn. Bạn càng thành thật về bất kỳ vấn đề sức khỏe hoặc mối quan tâm lo ngại nào mà bạn gặp phải, thì việc điều trị chúng càng trở nên dễ dàng.

Khuyến cáo

Bằng cách áp dụng và duy trì những thay đổi lối sống ở trên, bạn đã thực hiện được một bước cực kỳ quan trọng trong việc kiểm soát tiểu đường và giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Việc đó có thể không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng với sự giúp đỡ của đội ngũ y tế và sự hỗ trợ từ bạn bè, gia đình, bạn hoàn toàn có thể biến nó thành hiện thực.

Nguồn: Healthline

Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới:

https://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/preventing-problems/heart-disease-stroke

https://www.nhlbi.nih.gov/health-topics/heart-healthy-lifestyle-changes

https://www.cdc.gov/physicalactivity/basics/adults/index.htm

http://www.heart.org/HEARTORG/HealthyLiving/How-to-Help-Prevent-Heart-Disease---At-Any-Age_UCM_442925_Article.jsp#.Wk71EFQ-fBI

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/heart-disease/in-depth/heart-disease-prevention/art-20046502

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetes/in-depth/diabetes-management/art-20047963

Ngô Thu Thủy
BÌNH LUẬN
Tin cùng chuyên mục

        Dược sĩ tư vấn