15 biện pháp giữ gìn sức khỏe khi đi du lịch cho người đái tháo đường.
Ngày: 04/11/2020 lúc 17:13PM
Đi du lịch là một phần trong cuộc sống của nhiều người mắc bệnh đái tháo đường, đó có thể là thách thức lớn vì những sai sót có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Để sống chung với bệnh đái tháo đường cần đòi hỏi nhiều sự thay đổi về lối sống. Để duy trì mức đường huyết lành mạnh, điều quan trọng là bạn phải tập thể dục thường xuyên, có chế độ ăn uống cân bằng với nhiều rau củ và trái cây kèm theo nhiều thay đổi lối sống khác. Đi du lịch, cho dù vì mục đích công việc hay nghỉ dưỡng là một phần trong cuộc sống của nhiều người mắc bệnh này, đó có thể là thách thức-từ vấn đề đảm bảo dinh dưỡng hợp lý trên đường đi hoặc ở sân bay cho đến việc bảo quản và cung cấp đủ thuốc men, những sai sót có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng thậm chí đe dọa đến tính mạng người bệnh. Tuy nhiên, một kế hoạch cẩn thận và chi tiết có thể giúp người bệnh đái tháo đường khỏe mạnh và thoải mái trong những chuyến đi. Dưới đây là những lời khuyên khi đi du lịch với các bệnh nhân đái tháo đường. Hãy làm theo hướng dẫn này và giữ gìn sức khỏe của mình để không xảy ra các nguy cơ.
13 điều cần chuẩn bị trước chuyến đi:
1. Hãy đến gặp bác sĩ trước chuyến đi:
Lên lịch hẹn với bác sĩ để đảm bảo rằng bạn có sức khỏe tốt nhất trước khi đi du lịch. Kiểm tra xem liệu rằng bạn có vấn đề sức khỏe hay không, bằng các xét nghiệm máu và khám mắt thường niên. Nếu có bất kì thay đổi nào kể từ lần khám cuối bạn cần phải trao đổi cùng bác sĩ của mình. Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu xét nghiệm máu để đảm bảo liều lượng thuốc không cần điều chỉnh trước khi khởi hành. Chênh lệch múi giờ hoặc các ngày nghỉ lễ sẽ gây khó khăn cho việc liên hệ với bác sĩ trong chuyến đi của bạn, vì thế hãy đặt câu hỏi và nhờ bác sĩ giải quyết giúp những vấn đề đó. Ngoài ra, xét nghiệm sẽ cần một thời gian mới có kết quả, vậy nên hãy lên lịch hẹn từ vài tuần trước chuyến đi.
2. Đảm bảo rằng bạn đã tiêm vaccin:
Tùy thuộc vào nơi bạn đến và thời điểm bạn đi, một vài loại vaccin có thể được bác sĩ khuyến cáo sử dụng dựa vào lịch sử tiêm chủng và hiệu lực vaccin ở thời điểm hiện tại. Những người mắc bệnh tiểu đường type 1, type 2 có nguy cơ cao với một số bệnh nhiễm trùng và các biến chứng của chúng. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo nên sử dụng một số loại vaccin như viêm gan B, cúm cho các bệnh nhân tiểu đường.
3. Mang theo bộ dụng cụ y tế cho bệnh tiểu đường:
Khi ở nhà, hãy đảm bảo rằng bạn có máy đo đường huyết, thang đo đường huyết, lưỡi chích máu. Thực tế, các nghiên cứu cho thấy kiểm tra mức đường huyết thường xuyên không giúp bạn kiểm soát đường huyết tốt hơn. Tuy nhiên, khi đi du lịch, chế độ ăn của bạn có thể thay đổi so với mức ăn quen thuộc của cơ thể, dẫn tới lượng đường trong máu sẽ thay đổi so với khi bạn thực hiện quá trình ăn kiêng trước đó. Máy đường huyết dự phòng là một lựa chọn khôn ngoan vì rất có thể bạn đang ở một nơi nào đó không có dụng cụ đo thay thế. Pin dự phòng cũng cần được chú ý, hãy lập một danh sách để kiểm tra và đảm bảo bạn không bỏ quên một đồ dùng thiết yếu hay khó thay thế nào.
4. Yêu cầu bác sĩ viết cho bạn một tờ giấy bệnh án:
Yêu cầu bác sĩ viết một tờ giấy hoặc bệnh án mô tả chẩn đoán bệnh tiểu đường của bạn. Đó là điều cực hữu ích khi việc mang và sử dụng insulin, ống tiêm, kim tiêm cùng với tờ giấy mà bác sĩ viết có thể giúp bạn qua được cổng kiểm soát an ninh cũng như các hoạt động kiểm tra giám sát và sự tranh cãi không cần thiết. Ngoài ra việc này cũng giúp ích nếu bạn cần sự giúp đỡ về y tế tại nơi bạn đến.
5. Để thuốc trong hành lý xách tay của bạn:
Chúng ta đều biết rằng vấn đề các hãng hàng không để mất hành lý khách hàng rất phổ biến, quan trọng là bạn phải luôn mang thuốc theo bên mình khi đi du lịch. Đặc biệt hơn đó là khi bạn đang dùng insulin hoặc các thuốc tiêm khác. Ngoài ra, hành lý được kí gửi ở khoang hàng hóa có thể đạt nhiệt độ dưới mức đóng băng và ảnh hưởng tới thuốc. Đừng mạo hiểm để thuốc hay bất kì công cụ giữ gìn sức khỏe của bạn bị thất lạc vì có thể sẽ mất tới vài ngày để các hãng hàng không trả lại cho bạn. Hầu hết các hãng hàng không đều cho phép người mắc bệnh tiểu đường được mang theo thuốc ngay cả khi chúng có dung tích lớn hơn 100ml.
6. Mang theo thuốc bổ sung:
Nếu bạn dự định đi du lịch trong một thời gian dài, bạn cần đảm bảo có đủ thuốc ít nhất gấp đôi để duy trì sức khỏe chuyến đi trong trường hợp có sự kéo dài không lường trước. Nếu bạn thường mua thuốc để dùng cho liệu trình trong 30 ngày, hãy hỏi bác sĩ để có đủ thuốc trong 90 ngày. Cẩn trọng vẫn là tốt nhất!
7. Mang theo danh sách thuốc:
Chuẩn bị một danh sách ghi chép về các loại thuốc bạn mang theo để ở trong ví hoặc túi du lịch và hãy luôn mang theo bên mình. Viết tên thuốc, liều lượng, cách dùng (1 lần/ngày, 2 lần/ngày…). Điều này sẽ thật sự hữu ích khi bạn bị mất thuốc hay cần rời khỏi khách sạn và cần đến dịch vụ y tế.
8. Mang theo máy bơm tiêm insulin và máy theo dõi đường huyết liên tục (CGM):
Đối với người sử dụng bơm tiêm insulin, cần có các biện pháp phòng ngừa bổ sung. Nếu bạn di chuyển qua nhiều múi giờ, giờ ăn bị thay đổi, bạn cần kiểm tra thường xuyên hơn lượng đường huyết và theo dõi các biến động. Ngoài ra, cần cập nhật múi giờ cho phù hợp. Một số nhà sản xuất bơm tiêm insulin, ví dụ như Medtronic cho phép khách hàng “mượn thêm” một bơm tiêm dự phòng. Liên hệ với nhà sản xuất cụ thể để xem liệu họ có chương trình này hay không. Thêm một bơm tiêm dự phòng sẽ mang lại sự yên tâm trong chuyến đi của bạn.
Hầu hết các máy theo dõi đường huyết liên tục (CGM) đều có thể vượt qua được máy dò kim loại ở sân bay một cách an toàn. Bạn cần hỏi những người trong khách sạn của mình địa chỉ của phòng chăm sóc sức khỏe khẩn cấp tại địa phương hoặc bệnh viện gần đó phòng trường hợp cần thiết. Nếu bạn sử dụng tàu du lịch, cần hỏi rõ về các dịch vụ y tế mà họ có trước khi đặt chỗ. Đừng để đến khi bạn cảm thấy không khỏe hoặc cần dùng tới cấp cứu y tế, hãy thực hiện các việc làm cần thiết khi sức khỏe bạn đang ổn định.
9. Tìm hiểu vị trí các hiệu thuốc tại địa phương:
Một số loại thuốc chỉ có thể được kê đơn ở quốc gia của bạn, mà không được bán tại địa điểm bạn du lịch. Tìm hiểu vị trí các hiệu thuốc ở địa phương nơi bạn du lịch và đảm bảo rằng bạn có danh thuốc phòng cho trường hợp thất lạc hoặc mất thuốc.
10. Cân nhắc về bảo hiểm du lịch:
Trước khi khởi hành, bạn hãy gọi tới công ty bảo hiểm sức khỏe cá nhân của mình và hỏi xem họ có cung cấp bảo hiểm hoặc chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà bạn có thể cần khi đi du lịch hay không. Nếu không, bạn cần cân nhắc mua gói bảo hiểm du lịch riêng biệt trước chuyến đi để tránh những chi phí dịch vụ phát sinh không mong muốn. Tìm kiếm trên mạng các công ty có hỗ trợ phạm vi gói bảo hiểm này.
11. Mang theo đồ ăn nhẹ lành mạnh:
Khi du lịch, những thay đổi trong quá trình ăn uống và lựa chọn thực phẩm có thể khiến việc kiểm soát đường huyết trở nên khó khăn. Đóng gói mang theo đồ ăn nhẹ lành mạnh rất quan trọng, bạn sẽ thấy rằng mình đi ăn ngoài thường xuyên hơn trong các chuyến du lịch, bạn cần tìm hiểu một số thành phần thức ăn bạn chưa nắm rõ, các lựa chọn về thực phẩm chứa ít đường là một giải pháp tốt cho người mắc bệnh tiểu đường.
12. Mang theo máy ướp lạnh khi di chuyển bằng ô tô:
Khi di chuyển bằng ô tô, nhiều người sẽ lựa chọn các cửa hàng thức ăn nhanh để ăn uống. Thông thường các thực phẩm này chứa nhiều muối, đường và các thành phần chế biến sẵn có thể gây nguy hại tới lượng đường trong máu, đặc biệt khi bạn ngồi trong xe hơi hàng giờ liền. Một giải pháp là mang theo thức ăn riêng của bạn nếu có thể. Tủ lạnh là một cách tuyệt vời để giữ trái cây và rau củ được tươi ngon. Ngoài ra bạn cần bảo quản insulin ở nhiệt độ mát nhưng không được để đông lạnh, bộ phận làm mát sẽ giúp bạn bảo quản thuốc tốt hơn.
Để ổn định đường huyết và giữ cho chỉ số không quá cao, quan trọng là bạn phải có sẵn đồ ăn nhẹ có hàm lượng đường thấp. Dưới đây đưa ra một số ví dụ hữu ích:
- Protein dạng thanh (nhớ đọc kĩ thành phần vì nhiều thanh protein cung cấp hàm lượng đường khá cao).
- Các loại hạt: hạnh nhân, hạt điều Brazil, hạt điều, hồ đào, hồ trăn và hạt bí ngô.
- Bột sữa chua hoặc bột protein từ thực vật.
13. Chuẩn bị bữa ăn khi đi du lịch trên các chuyến bay:
Nếu bạn di chuyển bằng máy bay và có thời gian chờ đợi ở sân bay, việc tìm kiếm một bữa ăn lành mạnh có thể gặp khó khăn. Sân bay cho phép bạn mang thức ăn được chuẩn bị trước, vì thế hãy mang theo một bữa trưa đóng hộp và có đồ ăn nhẹ lành mạnh trong túi bên mình. Cần hạn chế thức ăn dạng lỏng, các món sinh tố hay sữa lắc cung cấp protein vì chúng có thể không qua được cửa an ninh.
14. Đừng ăn tất cả những gì có thể trên tàu du lịch:
Hầu hết trên các chuyến tàu du lịch đều có tiệc tự chọn đồ ăn thỏa thích, điều này rất hấp dẫn. Nhưng bạn cần có kế hoạch phù hợp cho bữa ăn, không nên thưởng thức các món ăn và đồ tráng miệng chứa nhiều đường vì chúng sẽ làm trầm trọng hơn mức đường huyết của bạn. Cần ăn nhiều các món salad và các món tương tự từ rau củ. Nếu thời tiết nóng và bạn có uống rượu, cơ thể bạn sẽ mất nước nhanh và lượng đường khi đó sẽ tăng cao có thể gây nguy hiểm. Thận trọng hơn để đảm bảo bạn có một chuyến đi vui vẻ nhưng vẫn an toàn lành mạnh.
15. Các chất bổ sung có thể giúp kiểm soát bệnh tiểu đường:
Crom
Crom là khoáng chất thiết yếu có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa glucose. Sử dụng crom để kiểm soát lượng đường dựa trên thực tế là crom cần cho enzym được gọi là GTF hay yếu tố dung nạp glucose. GTF liên kết với insulin, đẩy mạnh tác dụng của insulin và giúp lượng đường trong máu giảm đi. Trong những năm qua, có nhiều ý kiến tranh cãi về tính hữu ích của crom. Tuy nhiên, một phân tích tổng hợp vào năm 2018 dựa trên 28 nghiên cứu đã kết luận rằng crom làm giảm đường huyết lúc đói đồng thời làm giảm nồng độ HbA1C trong máu, đây là minh chứng cho việc bệnh tiểu đường được kiểm soát. Liều đề xuất là 200-500mcg×2 lần/ngày.
Berberine
Berberine là chất hóa học có màu vàng, có trong thân của cây nho Oregon và cây hoàng liên. Nó được sử dụng cách đây 3.000 năm trong nền y học cổ truyển Trung Quốc (TCM). Berberine được sử dụng để cải thiện lượng đường trong máu, mỡ máu cao và huyết áp cao. Một nghiên cứu phân tích tổng hợp vào năm 2015 dựa trên kết quả của 22 nghiên cứu với sự tham gia của 2569 bệnh nhân cho thấy berberine cải thiện đường huyết lúc đói, đường huyết sau bữa ăn và đường huyết trung bình trong 3 tháng, đánh giá dựa trên xét nghiệm máu HbA1C. Một nghiên cứu khác vào năm 2017 đề xuất rằng berberine có tác dụng giảm glucose bằng cách tác động lên vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Liều đề xuất là 500mg×3 lần/ngày.
Các thảo dược khác thường được người bệnh tiểu đường sử dụng bao gồm: quế, chiết xuất hạt thì là đen, chiết xuất lá oliu.
Kết luận:
Chuẩn bị trước mỗi chuyến du lịch là chìa khóa an toàn cho sức khỏe của bạn. Dành thời gian lên kế hoạch cụ thể về lịch trình di chuyển, chỗ ở, các dịch vụ y tế tại điểm đến giúp bạn có thể du lịch khắp nơi trên thế giới dù cho bạn đang gặp tình trạng sức khỏe nào. Chúc bạn có những chuyến đi tốt đẹp!
Nguồn: Iherb
Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới
https://www.medtronicdiabetes.com/customer-support/traveling-with-an-insulin-pump-or-device
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/7005627/
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28677892/
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25498346/