11 loại thảo mộc, gia vị và quả hạch giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường
Ngày: 06/11/2020 lúc 09:43AM
Trong giai đoạn đầu của bệnh, một số người mắc đái tháo đường thích lựa chọn các thảo dược để thay thế cho thuốc. Đối với những người mắc đái tháo đường tuýp 2, những phương pháp này thường đem lại hiệu quả tích cực.
Trên toàn thế giới, có hơn 422 triệu người mắc bệnh tiểu đường. Phần lớn trong số đó, 90 - 95% là người mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, đây là một tình trạng xảy ra chủ yếu do lối sống, như tiêu thụ quá nhiều đường và ít hoạt động thể chất. Bệnh đái tháo đường tuýp 1 thì không thể ngăn ngừa được và nó xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công tuyến tụy, ngăn cản khả năng tiết insulin.
Bệnh đái tháo đường không được kiểm soát có thể gây tổn thương não, các dây thần kinh, các mô, mắt, tim và thận. Khi lượng đường trong máu tăng cao mạn tính, thành động mạch bị tổn thương dẫn đến tắc nghẽn động mạch, đột quỵ hoặc đau tim. Bệnh đái tháo đường cũng làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư và bệnh Alzheimer. Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến điều này được tin là do mức insulin tăng cao. Ăn kiêng và tiêu thụ một chế độ ăn ít carbohydrate hoặc ăn theo chế độ ăn Keto có thể có lợi trong việc điều trị bệnh.
Bác sĩ thường xuyên phải kê cho người mắc bệnh đái tháo đường các loại thuốc để giúp hạ đường huyết và ngăn ngừa các biến chứng. Một số người bệnh cần phải tiêm insulin khi chế độ ăn uống, lối sống của họ thay đổi và các loại thuốc uống không đủ hiệu quả. Tuy nhiên, một số người mắc đái tháo đường lại có mong muốn được điều trị bằng các phương pháp tự nhiên hơn và họ thích lựa chọn các thảo dược để thay thế cho thuốc, đặc biệt là trong những giai đoạn đầu. Đối với những người mắc đái tháo đường tuýp 2, những phương pháp này thường có ích nhưng người bệnh nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế, bác sĩ trước khi thêm bất kỳ điều gì mới vào phác đồ điều trị của mình.
Quế
Quế là một loại gia vị ẩm thực phổ biến được sử dụng trên toàn thế giới. Hơn một thập kỷ vừa qua, đã có nhiều mối quan tâm mới đến quế và khả năng giúp điều chỉnh lượng đường trong máu của nó ở cả bệnh nhân tiền đái tháo đường và bệnh nhân đái tháo đường.
Một nghiên cứu năm 2013 kết luận: “Việc tiêu thụ quế có liên quan đến sự giảm đáng kể mức độ đường huyết lúc đói, mức cholesterol toàn phần, LDL (cholesterol xấu), triglyceride (chất béo trung tính) và tăng mức HDL (cholesterol tốt); tuy nhiên, không có tác dụng đáng kể nào trên Hemoglobin A1c được tìm thấy… ”.
Một nghiên cứu phân tích tổng hợp năm 2016 cũng cho thấy một số tác dụng có lợi. Trong nghiên cứu này, các bệnh nhân tiếp tục dùng thuốc điều trị đái tháo đường và đồng thời bổ sung quế. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng các chất bổ sung quế được thêm vào các loại thuốc điều trị đái tháo đường tiêu chuẩn và các liệu pháp về lối sống khác đã có một tác dụng nhỏ trong việc giảm giá trị đường huyết lúc đói và Hemoglobin A1c. Liều lượng đề xuất: Theo chỉ dẫn trên nhãn.
Cỏ ca ri
Đây là một loại thảo mộc thường được dùng khi nấu món cà ri của Ấn Độ và trong truyền thống, hạt của loại cây này cũng được sử dụng để giúp giảm lượng đường và giảm viêm. Các nghiên cứu gần đây cho thấy nó có thể giúp ích trong việc giảm lượng đường trong máu và cholesterol. Một nghiên cứu năm 2015 từ Cộng hòa Séc chỉ ra rằng cỏ ca ri có thể tương đương với các loại thuốc kê đơn thường được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường.
Một nghiên cứu năm 2016 trên tạp chí Ethnopharmacology cho thấy cỏ ca ri có thể làm giảm đáng kể lượng đường trong máu khi so sánh với một viên giả dược. Liều lượng đề xuất: Theo chỉ dẫn trên nhãn.
Mướp đắng
Loại cây này đã được sử dụng từ thời cổ đại để giúp hạ đường huyết. Một nghiên cứu trên động vật năm 2009 cho thấy mướp đắng có thể giúp giảm kháng insulin - một phát hiện phổ biến ở bệnh đái tháo đường. Gần đây hơn, một nghiên cứu năm 2015 trên tạp chí Nutrition Journal cho thấy mướp đắng có khả năng làm giảm lượng đường trong máu khi dùng ở liều 2.000 và 4.000 mg mỗi ngày. Liều lượng đề xuất: Theo chỉ dẫn trên nhãn.
Acid Gamma Linolenic
Acid Gamma Linolenic là một loại acid béo được tìm thấy trong các loại dầu hạt khác nhau như dầu hoa anh thảo và dầu cây lưu ly. Nó có thể được bôi tại chỗ để điều trị các tình trạng của da như bệnh eczema hoặc được dùng dưới dạng viên nang cho các vấn đề sức khỏe khác.
Mặc dù không có bằng chứng cho thấy acid Gamma Linolenic có thể giúp ngăn ngừa bệnh đái tháo đường nhưng nó có thể giúp ích cho những người bị bệnh thần kinh do đái tháo đường - đây là một tình trạng gây nhiều đau đớn cho người bệnh. Một nghiên cứu năm 1993 trên tạp chí Diabetes Care cho thấy khi dùng acid Gamma Linolenic trong một năm có thể làm giảm các triệu chứng tổn thương thần kinh do bệnh đái tháo đường gây ra. Liều lượng đề xuất: Theo chỉ dẫn trên nhãn.
Tỏi
Tỏi là một loại thảo mộc được trồng phổ biến trên khắp thế giới. Nó có mùi đặc trưng và đã được sử dụng cho mục đích y học trong nhiều thiên niên kỷ. Được chứng minh là giúp giảm nguy cơ mắc cảm lạnh thông thường, giảm huyết áp và thậm chí cả cholesterol, tỏi cũng chứng tỏ rằng nó giúp ích cho những người bị bệnh đái tháo đường. Một nghiên cứu năm 2017 trên tạp chí Food & Nutrition Research cho thấy việc bổ sung tỏi có thể làm giảm đáng kể lượng đường và nồng độ hemoglobin A1c. Chế độ ăn uống và tập luyện cũng rất quan trọng. Liều lượng đề xuất: Theo chỉ dẫn trên nhãn.
Việt quất đen (Vaccinium myrtillus)
Quả việt quất đen có chứa chất chống oxy hóa mạnh được gọi là anthocyanin - một loại flavonoid trong hoa và trái cây. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng anthocyanin có thể giúp làm giảm lượng đường trong máu. Một nghiên cứu năm 2013 trên tạp chí Journal of Nutrition Science đã chứng minh rằng việc bổ sung các chất chiết xuất từ quả việt quất đen có thể làm giảm lượng đường trong máu và mức insulin ở bệnh nhân đái tháo đường sau bữa ăn. Một nghiên cứu năm 2017 cũng chứng minh cho kết quả này. Quả việt quất đen có thể được tiêu thụ như một loại thực phẩm hoặc như một chất bổ sung.
Nhân sâm
Để đảm bảo lượng đường trong máu được kiểm soát, bạn có thể phải bỏ ra rất nhiều công sức. Nhân sâm có thể hỗ trợ bạn trong việc này - các nghiên cứu đã cho thấy nhân sâm có lợi trong việc giảm lượng đường trong máu và có tác dụng tích cực ở bệnh nhân đái tháo đường, thậm chí ở cả những người bị tiền đái tháo đường. Có bằng chứng cho thấy, rễ nhân sâm cũng có thể cải thiện sự sản xuất insulin. Một nghiên cứu năm 2014 kết luận: “Nhân sâm cải thiện đáng kể lượng đường trong máu lúc đói ở những người có và không mắc bệnh đái tháo đường… ”. Một nghiên cứu năm 2018 cũng cho thấy lợi ích của nhân sâm trong việc giảm lượng đường trong máu.
Điều quan trọng là bạn không nên ngừng bất kỳ loại thuốc nào bạn đang dùng trừ khi được bác sĩ khuyên. Bạn nên thảo luận với bác sĩ điều trị chính nếu nhân sâm hiệu quả với bạn.
Hạnh nhân (Prunus amygdalus)
Hạnh nhân là hạt của cây có nguồn gốc từ các khu vực Địa Trung Hải, Trung Đông và Nam Á. Ngày nay, phần lớn hạnh nhân trên thế giới được sản xuất ở California; Tây Ban Nha, Iran và Ma Rốc thì sản xuất khoảng 14% lượng hạnh nhân trên thế giới. Hạt hạnh nhân là một món ăn nhẹ tốt cho sức khỏe với nhiều lợi ích, sữa hạnh nhân, bột hạnh nhân và bơ hạnh nhân đã trở thành những thực phẩm phổ biến trong thập kỷ qua.
Một nghiên cứu năm 2011 trên tạp chí Metabolism cho thấy những người mắc bệnh đái tháo đường ăn hạnh nhân hàng ngày sẽ có lượng đường trong máu thấp hơn so với những người không ăn hạnh nhân.
Ngoài ra, một nghiên cứu năm 2017 cho thấy tiêu thụ hạnh nhân thường xuyên có thể giúp cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu. Thêm một hoặc hai khẩu phần hạnh nhân vào thói quen hàng ngày của một người được khuyên dùng cho cả bệnh nhân đái tháo đường và người không mắc đái tháo đường.
Hạt dẻ cười
Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy những bệnh nhân đái tháo đường ăn hạt dẻ cười thường xuyên có khả năng ít bị đau tim hơn do giảm các yếu tố nguy cơ, ví dụ như cholesterol cao. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng bệnh nhân đái tháo đường nên lựa chọn lối sống lành mạnh, bao gồm cả việc tiêu thụ hạt dẻ cười hàng ngày. Một nghiên cứu năm 2017 cũng chỉ ra hiệu quả toàn diện của chúng ở những người mắc bệnh đái tháo đường còn một nghiên cứu năm 2014 cho thấy hạt dẻ cười có thể giúp giảm huyết áp ở các bệnh nhân này.
Cà phê
Là một trong những đồ uống được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới, cà phê có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Một trong những lợi ích trong đó là cà phê có thể giúp ngăn ngừa bệnh đái tháo đường. Khẳng định này dựa trên các nghiên cứu từ năm 2006 và được xác nhận bởi một nghiên cứu năm 2013 trên tạp chí American Journal of Clinical Nutrition. Tương tự, một nghiên cứu năm 2014 ở châu Âu kết luận rằng cà phê có thể làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường tuýp 2.
Có một số bằng chứng cho thấy cà phê có thể gây ra rủi ro cho những người đã mắc bệnh, vì vậy hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thêm hoặc tăng lượng cà phê nếu bạn bị đái tháo đường.
Trà xanh
Trà xanh là một trong những thức uống được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới, chỉ đứng sau nước và cà phê. Nó được cho là có tác dụng chống béo phì, chống viêm, nó cũng có thể là một chất chống đái tháo đường hiệu quả. Thành phần chống oxy hóa có hoạt tính sinh học chính trong trà xanh là catechin, được biết đến như epigallocatechin-3-gallate (EGCG). Đã có một số nghiên cứu mâu thuẫn về việc liệu EGCG có tốt cho những người mắc bệnh đái tháo đường hay không. Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2015 đã kết luận rằng việc uống trà xanh thường xuyên sẽ có ích trong bệnh đái tháo đường tuýp 2.
Tương tự, một nghiên cứu năm 2017 về phụ nữ mang thai bị đái tháo đường thai kỳ, đã cho thấy những phụ nữ được cung cấp EGCG từ trà xanh đã có sự cải thiện tình trạng bệnh so với những phụ nữ sử dụng giả dược. Một nghiên cứu bổ sung năm 2017 trên tạp chí Nutricion Hospitalaria cho thấy rằng 12 tuần bổ sung chiết xuất trà xanh đã giúp ích trong việc giảm cả mỡ và trọng lượng cơ thể ở những người tham gia nghiên cứu. Trong đó, tác động cuối của giảm cân là có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường của một người. Uống hai đến ba tách trà xanh mỗi ngày hoặc tiêu thụ EGCG ở dạng bổ sung, có thể đem lại nhiều lợi ích cho bạn.
Nguồn: Iherb.com
Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới:
https://nutritionj.biomedcentral.com/articles/10.1186/1475-2891-14-13
https://en.wikipedia.org/wiki/Fenugreek
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/29056888/
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/29348727/
https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0026049510001289
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28785295/
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/23151535/
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/24150256/
https://www.iherb.com/blog/these-herbs-spices-and-nuts-could-help-with-diabetes-management/606