10 chất bổ sung giúp bạn giảm lượng đường trong máu
Ngày: 27/04/2021 lúc 16:59PM
Mặc dù các thực phẩm bổ sung không thể thay thế hoàn toàn toàn thuốc chữa bệnh. Nhưng việc sử dụng thực phẩm bổ sung kết hợp các thuốc điều trị đái tháo đường, theo thời gian có thể cho phép bác sĩ giảm liều lượng thuốc của bạn.
Các nhà khoa học đang thử nghiệm nhiều chất bổ sung khác nhau để xác định xem chúng có giúp giảm lượng đường trong máu hay không. Những chất bổ sung này có thể có lợi cho những người tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường - đặc biệt là loại 2.
Dưới đây là 10 chất bổ sung có thể giúp giảm lượng đường trong máu của bạn!
1. Quế
Bạn có thể sử dụng các sản phẩm bổ sung từ bột quế hoặc chiết xuất quế. Nhiều nghiên cứu cho thấy quế giúp giảm lượng đường trong máu và cải thiện kiểm soát bệnh tiểu đường.
Nghiên cứu trên những người tiền đái tháo đường (có lượng đường trong máu lúc đói là 100–125 mg/dl) cho thấy, việc uống 250 mg chiết xuất quế trước bữa sáng và bữa tối trong vòng 3 tháng, giúp giảm 8,4% đường huyết lúc đói so với nhóm không sử dụng.
Trong một nghiên cứu khác kéo dài hơn 3 tháng trên bệnh nhân đái tháo đường loại 2, những người uống 120 hoặc 360 mg chiết xuất quế trước bữa sáng đã giảm được lần lượt 11% và 14% đường huyết khi đói, so với nhóm chứng sử dụng giả dược. Ngoài ra, các bệnh nhân này cũng giảm chỉ số HbA1C 0.67% hoặc 0.92%, tương ứng với 2 liều sử dụng. Tất cả những người tham gia đều sử dụng cùng 1 loại thuốc điều trị đái tháo đường trong quá trình nghiên cứu.
Cách tác dụng: Quế có thể giúp các tế bào của cơ thể phản ứng tốt hơn với insulin. Điều này cho phép glucose đi vào trong tế bào, từ đó làm giảm lượng đường trong máu.
Liều dùng: Liều khuyến cáo của chiết xuất quế là 250 mg/lần, sử dụng hai lần một ngày trước bữa ăn. Nếu bạn bổ sung dạng quế thông thường (không phải dạng chiết xuất), liều 500 mg/lần với hai lần một ngày có thể là tốt nhất.
Thận trọng: Loại quế Cassia phổ biến chứa nhiều coumarin hơn, hợp chất này có thể gây hại cho gan của bạn với lượng lớn. Mặt khác, quế Ceylon có hàm lượng coumarin thấp hơn.
2. Nhân sâm Mỹ (American Ginseng)
Nhân sâm Mỹ là một loại sâm được trồng chủ yếu ở Bắc Mỹ. Loại sâm này đã được chứng minh có thể làm giảm khoảng 20% lượng đường trong máu sau bữa ăn ở những người khỏe mạnh và những người mắc bệnh đái tháo đường loại 2.
Ngoài ra, những bệnh nhân đái tháo đường loại 2 khi kết hợp điều trị duy trì bằng thuốc, và uống 1 gam nhân sâm Mỹ vào 40 phút trước bữa ăn (sáng, trưa, tối) trong 2 tháng, đã giảm 10% đường máu lúc đói so với những người không sử dụng.
Cách tác dụng: Nhân sâm Mỹ có thể cải thiện đáp ứng của tế bào với insulin, và tăng cường khả năng bài tiết insulin của cơ thể.
Liều dùng: 1 gam trước mỗi bữa ăn chính 2 giờ, sử dụng sớm hơn có thể khiến lượng đường trong máu của bạn giảm xuống quá thấp. Liều hàng ngày cao hơn 3 gam dường như không mang lại lợi ích bổ sung.
Thận trọng: Tránh sử dụng đồng thời với thuốc chống đông máu warfarin, vì có thể làm giảm tác dụng của thuốc này. Nhân sâm Mỹ cũng có thể kích thích hệ thống miễn dịch của bạn và gây trở ngại cho các thuốc ức chế miễn dịch.
3. Men vi sinh (Probiotic)
Sự suy yếu hệ vi khuẩn đường ruột của bạn - chẳng hạn như do dùng thuốc kháng sinh – có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh, bao gồm cả bệnh đái tháo đường.
Những sản phẩm bổ sung Probiotic chứa hàng loạt vi sinh vật sống có lợi, giúp đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và cải thiện chuyển hóa carbohydrate của cơ thể.
Kết quả của 7 nghiên cứu trên bệnh nhân đái tháo đường loại 2 cho thấy, nhóm dùng men vi sinh trong ít nhất 2 tháng đã giảm 16 mg/dl lượng đường trong máu lúc đói và giảm 0,53% A1C so với những người dùng giả dược.
Những người dùng chế phẩm probiotic có chứa nhiều hơn một loài vi khuẩn thậm chí còn giảm lượng đường trong máu lúc đói xuống 35 mg/dl.
Cách tác dụng: Các nghiên cứu trên động vật cho thấy Probiotic có thể làm giảm lượng đường trong máu bằng cách giảm viêm và ngăn chặn sự phá hủy các tế bào tuyến tụy tiết ra insulin. Một số cơ chế khác cũng có thể liên quan.
Liều dùng: Hãy thử một loại chế phẩm chứa Probiotic với trên 1 loài lợi khuẩn, chẳng hạn như sự kết hợp của L.acidophilus, B.bifidum và L.rhamnosus. Hỗn hợp lợi khuẩn phù hợp nhất với người bệnh đái tháo đường vẫn đang được nghiên cứu tìm hiểu.
Thận trọng: Probiotic không có khả năng gây hại, nhưng trong một số trường hợp hiếm hoi, chúng có thể dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng ở những người có hệ thống miễn dịch bị suy giảm đáng kể.
4. Lô hội
Lô hội cũng có thể hỗ trợ bạn giảm lượng đường trong máu.
Các chất bổ sung hoặc nước ép lá lô hội có thể giúp giảm đường huyết lúc đói và HbA1C ở những người tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường loại 2.
Kết quả đánh giá của 9 nghiên cứu trên bệnh nhân đái tháo đường loại 2 cho thấy, bổ sung lô hội trong 4–14 tuần làm giảm lượng đường trong máu lúc đói 46,6 mg/dl và HbA1C xuống 1,05%. Thậm chỉ, tác dụng này còn mạnh mẽ hơn ở những người có đường huyết lúc đói trước khi sử dụng lô hội trên 200 mg/dl.
Cách tác dụng: Các nghiên cứu trên chuột chỉ ra rằng lô hội có thể kích thích sản xuất insulin trong các tế bào tuyến tụy, nhưng điều này vẫn chưa được chứng minh rõ ràng. Một số cơ chế khác có thể liên quan.
Liều dùng: Liều lượng và hình thức sử dụng lô hội tốt nhất vẫn chưa được tìm ra. Liều thông thường được thử nghiệm trong các nghiên cứu là 1.000 mg mỗi ngày dưới dạng viên nang hoặc 2 muỗng canh (30 ml) nước ép lô hội mỗi ngày.
Thận trọng: Lô hội có thể tương tác với một số loại thuốc, vì vậy bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng. Lưu ý rằng không bao giờ được dùng lô hội khi đang sử dụng thuốc điều trị suy tim digoxin.
5. Berberine
Berberine không phải một loại thảo mộc cụ thể, mà là một hợp chất có vị đắng được lấy từ rễ và thân của một số loại cây nhất định, bao gồm goldenseal và phellodendron.
Một đánh giá từ 27 nghiên cứu trên những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 cho thấy, dùng berberine kết hợp chế độ ăn uống và thay đổi lối sống giúp làm giảm lượng đường trong máu lúc đói 15,5 mg/dl và giảm 0.71% HbA1C, so với thay đổi chế độ ăn uống và lối sống đơn thuần hoặc không sử dụng.
Đánh giá cũng lưu ý rằng, bổ sung berberine cùng thuốc điều trị đái tháo đường giúp giảm lượng đường trong máu nhiều hơn so với chỉ sử dụng thuốc.
Cách tác dụng: Berberine có thể cải thiện độ nhạy insulin và tăng cường hấp thụ đường từ máu vào cơ bắp của bạn, từ đó giúp giảm lượng đường trong máu.
Liều dùng: Một liều điển hình là 300-500 mg/lần, với 2-3 lần mỗi ngày vào bữa ăn chính.
Thận trọng: Berberine có thể gây rối loạn tiêu hóa, chẳng hạn như táo bón, tiêu chảy hoặc đầy hơi, các vấn đề này có thể được cải thiện với liều thấp (300 mg). Berberine có thể tương tác với một số loại thuốc, vì vậy bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung.
6. Vitamin D
Thiếu vitamin D được coi là một yếu tố nguy cơ tiềm ẩn đối với bệnh tiểu đường loại 2.
Trong một nghiên cứu, 72% người tham gia mắc bệnh tiểu đường loại 2 bị thiếu vitamin D ngay từ khi bắt đầu thử nghiệm. Sau hai tháng bổ sung 4.500 IU vitamin D mỗi ngày, cả đường huyết lúc đói và A1C của họ đều được cải thiện. Trên thực tế, 48% người tham gia có chỉ số HbA1C cho thấy khả năng kiểm soát lượng đường trong máu tốt, trong khi tỷ lệ trước khi nghiên cứu chỉ là 32%.
Cách tác dụng: Vitamin D có thể cải thiện chức năng của các tế bào tuyến tụy tiết insulin và tăng khả năng đáp ứng của cơ thể với insulin.
Liều dùng: Cần yêu cầu bác sĩ xét nghiệm máu vitamin D để xác định liều lượng tốt nhất cho bạn. Dạng có hoạt tính của vitamin D là D3, hoặc cholecalciferol, vì vậy hãy tìm tên này trên nhãn các sản phẩm bổ sung.
Thận trọng: Vitamin D có thể gây ra các phản ứng nhẹ đến trung bình với một số loại thuốc, vì vậy hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn để được hướng dẫn.
7. Dây thìa canh (Gymnema)
Gymnema sylvestre là một loại dược liệu được sử dụng như một phương pháp điều trị bệnh đái tháo đường trong truyền thống Ayurvedic của Ấn Độ. Tên theo tiếng Hindu của loại cây này, gurmar - có nghĩa là "kẻ hủy diệt đường".
Trong một nghiên cứu, những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 dùng 400 mg chiết xuất lá gymnema mỗi ngày trong 18–20 tháng đã giảm được 29% lượng đường trong máu lúc đói. HbA1C giảm từ 11,9% khi bắt đầu nghiên cứu xuống 8,48%.
Nghiên cứu sâu hơn cho thấy loại dược liệu này có thể giúp giảm lượng đường trong máu lúc đói và HbA1C ở bệnh tiểu đường loại 1 (phụ thuộc insulin), và có thể làm giảm cảm giác thèm đồ ngọt bằng cách ngăn khả năng cảm nhận vị ngọt trong miệng của bạn.
Cách tác dụng: Gymnema sylvestre có thể làm giảm sự hấp thụ đường trong ruột của bạn và thúc đẩy sự hấp thu đường từ máu vào tế bào. Do tác động của nó đối với bệnh tiểu đường loại 1, người ta nghi ngờ rằng Gymnema sylvestre bằng cách nào đó có thể hỗ trợ các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy.
Liều dùng: Liều đề xuất mỗi lần dùng là 200 mg chiết xuất lá Gymnema sylvestre, hai lần một ngày trong bữa ăn.
Thận trọng: Gymnema sylvestre có thể tăng cường tác dụng hạ đường huyết của insulin, vì vậy chỉ sử dụng khi có sự hướng dẫn của bác sĩ nếu bạn tiêm insulin. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến nồng độ trong máu của một số loại thuốc và một trường hợp tổn thương gan đã được báo cáo.
8. Magie
Nồng độ magie trong máu thấp đã được quan sát thấy ở 25–38% những người mắc bệnh đái tháo đường loại 2 và phổ biến hơn ở những người không kiểm soát tốt lượng đường trong máu.
Trong một đánh giá có hệ thống, 8 trong số 12 nghiên cứu chỉ ra rằng việc bổ sung magie trong 6–24 tuần cho những người khỏe mạnh hoặc những người mắc bệnh tiểu đường loại 2, hoặc tiền đái tháo đường giúp giảm lượng đường trong máu lúc đói, so với giả dược.
Hơn nữa, mỗi lần hấp thụ thêm 50 mg magie sẽ làm giảm 3% lượng đường trong máu lúc đói ở những đối tượng nghiên cứu có nồng độ magie trong máu thấp.
Cách tác dụng: Magie tham gia vào quá trình tiết insulin bình thường và hoạt động của insulin trong các mô của cơ thể bạn.
Liều dùng: Liều cung cấp cho những người mắc bệnh tiểu đường thường là 250–350 mg mỗi ngày. Lưu ý cần bổ sung magie trong bữa ăn để tăng cường khả năng hấp thu.
Thận trọng: Tránh dùng oxit magie, do có thể làm tăng nguy cơ bị tiêu chảy. Magie có thể tương tác với một số loại thuốc, chẳng hạn như một số thuốc lợi tiểu và thuốc kháng sinh, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn trước khi dùng.
9. Axit alpha-Lipoic (ALA)
Axit alpha-lipoic, hoặc ALA, là một hợp chất giống như vitamin. Đây là một chất chống oxy hóa mạnh được tạo ra trong gan của chúng ta, và được tìm thấy trong một số thực phẩm như rau bina, bông cải xanh và thịt đỏ.
Khi những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 dùng 300, 600, 900 hoặc 1.200 mg ALA cùng với phương pháp điều trị bệnh tiểu đường thông thường của họ trong vòng 6 tháng, lượng đường trong máu lúc đói và A1C đều giảm, và giảm nhiều hơn khi liều lượng ALA tăng lên.
Cách tác dụng: ALA có thể cải thiện độ nhạy insulin và sự hấp thụ đường từ máu của tế bào, mặc dù có thể mất vài tháng để trải nghiệm những tác dụng này. Hợp chất này cũng có thể bảo vệ chống lại những tác động có hại của oxy hóa do lượng đường trong máu cao.
Liều dùng: Liều nói chung là 600–1.200 mg mỗi ngày, chia làm nhiều lần trước bữa ăn.
Thận trọng: ALA có thể ảnh hưởng đến các liệu pháp điều trị bệnh cường giáp hoặc suy giáp. Tránh dùng ALA liều cao nếu bạn bị thiếu vitamin B1 (thiamine) hoặc đang vật lộn với chứng nghiện rượu.
10. Crom
Thiếu crom làm giảm khả năng cơ thể chuyển hóa carbs thành đường để tạo năng lượng, và làm tăng nhu cầu insulin của bạn.
Trong một đánh giá của 25 nghiên cứu, bổ sung crom làm giảm HbA1C khoảng 0,6% ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 và mức giảm đường huyết lúc đói trung bình là khoảng 21 mg/dl, so với giả dược.
Một số lượng nhỏ bằng chứng cho thấy crom cũng có thể giúp giảm lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 1.
Cách tác dụng: Crom có thể tăng cường tác dụng của insulin hoặc hỗ trợ hoạt động của các tế bào tuyến tụy sản xuất insulin.
Liều dùng: Liều thông thường là 200 mcg mỗi ngày, nhưng liều lên đến 1.000 mcg mỗi ngày đã được thử nghiệm ở những người mắc bệnh tiểu đường và có thể hiệu quả hơn. Dạng picolinat crom có thể được hấp thụ tốt nhất.
Thận trọng: Một số loại thuốc có thể làm giảm sự hấp thụ crom, như các thuốc kháng axit và những loại thuốc khác được kê đơn cho chứng ợ nóng.
Lưu ý quan trọng
Hãy lưu ý rằng bạn có thể nhận được kết quả khác với những kết quả tìm thấy trong các nghiên cứu, bởi sự khác biệt về thời gian, chất lượng sản phẩm bổ sung và tình trạng bệnh đái tháo đường của cá nhân bạn.
Hãy thảo luận với bác sĩ nếu bạn có ý định sử dụng bất kỳ sản phẩm bổ sung nào, đặc biệt nếu bạn đang dùng thuốc hoặc insulin điều trị đái tháo đường. Vì một số chất bổ sung nêu trên có thể tương tác với thuốc khác và làm tăng nguy cơ hạ đường huyết quá mức.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cần giảm liều thuốc điều trị tiểu đường của bạn.
Mỗi lần sử dụng, bạn chỉ nên thử một loại thực phẩm bổ sung mới và kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên để theo dõi bất kỳ thay đổi nào trong vài tháng. Làm như vậy sẽ giúp bạn và bác sĩ xác định được tác động của thực phẩm bổ sung lên diễn biến bệnh.
Nguồn: healthline
Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới:
https://www.healthline.com/nutrition/blood-sugar-supplements
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/30144878/
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/22953038/
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/18500972/
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26475130/
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/14633804/
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25905290/
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/27547829/
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/29478187/
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26987497/
https://juniperpublishers.com/apbij/pdf/APBIJ.MS.ID.555606.pdf
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/27152917/
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/27347994/