Vai trò đặc biệt quan trọng của enzym với cơ thể

Ngày: 23/01/2021 lúc 14:30PM

Hoạt động của enzym đóng góp nhiều vai trò rất quan trọng. Nhiệt độ, bệnh tật hoặc một số điều kiện hóa học khắc nghiệt có thể làm thay đổi cấu trúc của enzym, gây ảnh hưởng đến cơ thể của bạn.

Tổng quan

Enzym là một loại protein được tìm thấy trong tế bào, xúc tác cho các phản ứng sinh hóa của cơ thể, làm tăng tốc độ phản ứng, hỗ trợ cho các hoạt động sống.

Hoạt động của enzym đóng góp nhiều vai trò rất quan trọng, bao gồm hình thành cơ bắp, phá hủy độc tố và tiêu hóa thức ăn. 

Nhiệt độ, bệnh tật hoặc một số điều kiện hóa học khắc nghiệt có thể làm thay đổi cấu trúc của enzym, yếu tố quyết định đến hoạt tính của chúng. Một khi cấu trúc của enzym thay đổi, enzym sẽ không thể hoạt động bình thường, gây ảnh hưởng đến cơ thể của bạn.

Enzym hoàn toàn do cơ thể tự sản xuất. Ví dụ như đối với các enzym tiêu hóa, chúng chủ yếu được sản xuất ở tuyến tụy, dạ dày và ruột non. Bên cạnh đó, chúng còn được tiết ra từ nước bọt để tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn ngay khi bạn đang nhai trong miệng. Nếu bạn đang gặp một số vấn đề về tiêu hóa, bổ sung enzym qua đường uống cũng là một lựa chọn.

 

Phân loại enzym

Có 3 loại enzym chính, được phân loại dựa trên loại phản ứng mà enzym đó xúc tác:

  • Amylase: phân hủy tinh bột, carbohydrat thành đường
  • Protease: phân hủy protein thành các acid amin
  • Lipase: phân hủy lipid thành glycerol và acid béo

Vai trò của enzym đối với tiêu hóa

Enzym là yếu tố không thể thiếu để tiêu hóa khỏe và có sức khỏe tốt. Enzym cùng với acid dịch vị và mật, phân hủy thức ăn thành các phân tử cần thiết cho sự sống của cơ thể. Ví dụ, carbohydrat và protein đều là những nguyên liệu cơ bản để cung cấp năng lượng, tăng sinh cơ bắp. Tuy nhiên, chúng chỉ có thể được sử dụng khi đã được chuyển đổi thành dạng có thể hấp thu được. 

Trong hệ tiêu hóa, enzym hoạt động ra sao?

Amylase được sản sinh bởi tuyến tụy, ruột non và tuyến nước bọt. Trong số đó, có một loại amylase được gọi là ptyalin, tạo ra từ tuyến nước bọt, tham gia vào quá trình phân hủy tinh bột ngay khi bạn nhai và kể cả sau khi nuốt, enzym vẫn tiếp tục hoạt động. 

Đối với các amylase tuyến tụy, chúng sẽ được chuyển xuống ruột non, tiếp tục phân hủy các phân tử tinh bột thành đường. Sau đó các loại đường sẽ được chuyển hóa thành glucose nhờ hệ enzym khác. Glucose tân tạo được hấp thu vào hệ tuần hoàn qua thành của ruột non.

Protease được sản xuất tại dạ dày, tuyến tụy và ruột non. Các phản ứng sinh hóa thì chủ yếu xảy ra ở dạ dày và ruột non. Trong dạ dày, pepsin là enzym chính tiêu hóa protein. Một số enzym tuyến tụy khác cũng sẽ tham gia vào quá trình phân hủy protein khi chúng được vận chuyển đến ruột non.

Lipase cũng được sản xuất ở tuyến tụy và ruột non. Ngoài ra, lipase cũng được tìm thấy trong sữa mẹ, giúp trẻ dễ tiêu hóa chất béo hơn khi bú mẹ. Chất béo đóng góp nhiều vai trò quan trọng, trong đó nổi bật là dự trữ năng lượng lâu dài và xây dựng tế bào.

Các yếu tố ảnh hưởng đến enzym

Nhiệt độ cơ thể là điều kiện lý tưởng cho hoạt động của enzym, dao động từ 31,6°C đến 37,2°C, trung bình khoảng 37°C. Do đó, khi bị sốt, nhiệt độ cơ thể tăng quá mức cũng sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc, hoạt động của enzym. Việc khôi phục nhiệt độ cơ thể về mức tối ưu sẽ giúp enzym hoạt động tốt trở lại.

Một số tình trạng bệnh như viêm tụy, tổn thương tuyến tụy ảnh hưởng đến số lượng và cả chất lượng của enzym tiêu hóa.

pH dạ dày, ruột cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động của enzym. Khoảng pH thích hợp cho enzym khá hẹp. Khi pH môi trường quá thấp (quá acid) hay quá cao (quá kiềm) thì đều tác động đến enzym.

Các chất ức chế enzym cũng gây cản trở khả năng xúc tác cho các phản ứng hóa học của enzym. Đấy có thể là các chất ức chế tự nhiên, hoặc được tổng hợp và sử dụng với vai trò là thuốc, ví dụ như kháng sinh, chúng ức chế enzym của vi khuẩn hoạt động.

Yếu tố tiếp theo đó là chế độ ăn, bởi có nhiều loại thực phẩm chứa sẵn các enzym tiêu hóa, giúp chia sẻ công việc với hệ enzym cơ thể sản xuất. Ví dụ như chuối có chứa amylase. Cho nên, mặc dù có nhiều carbohydrat, nhưng amylase trong chuối hỗ trợ bạn tiêu hóa để sinh ra năng lượng, sử dụng cho sau này. Bổ sung các thực phẩm giàu enzym là rất tốt, chỉ cần chú ý cân đối với lượng calo và các thành phần dinh dưỡng khác sao cho hợp lý.

Ngoài chế độ ăn, thì tình trạng sức khỏe tổng quát của bạn cũng ảnh hưởng đến mức độ sản xuất, lưu trữ và giải phóng các enzym. Sự khác biệt ở đây tùy từng cá thể. Nhìn chung, vẫn nên có một chế độ ăn điều độ thường xuyên, tránh ăn thất thường, có những bữa quá no làm cho bạn có thể khó tiêu, buồn nôn hoặc thậm chí tiêu chảy. Mà lý do là bởi vì cơ thể không có đủ enzym tiêu hóa lượng thức ăn lớn bạn vừa nạp vào.

Khi nào cần bổ sung enzym

Khi gặp phải các vấn đề về tuyến tụy, ví dụ như viêm tụy, xơ nang, ung thư tuyến tụy, có thể làm giảm sản xuất một số enzym quan trọng. Do đó, cơ thể không có đủ enzym tiêu hóa triệt để thức ăn, cơ thể không nhận được đủ dinh dưỡng. Nếu đây là tình trạng mà bạn đang mắc phải, hoặc bất kỳ một tình trạng nào khác gây hạ enzym xuống dưới ngưỡng bình thường, hãy tìm gặp bác sĩ để có hướng điều trị phù hợp.

Trên thị trường có dạng viên nén bổ sung enzym. Nếu bạn được bác sĩ khuyên dùng, hãy chắc chắn đó là các sản phẩm enzym tụy (PEP), được các cơ quan có thẩm quyền kiểm định, để tránh tình trạng có sự sai khác giữa thành phần trong sản phẩm và thành phần được nhà sản xuất công bố trên bao bì. Các PEP này thường được sử dụng cùng với bữa ăn.

Nếu bạn thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất hoặc thuốc trừ sâu, hoặc hay ăn các thực phẩm được chế biến ở nhiệt độ cao (gây phá hủy enzym), thì có thể sẽ cần phải bổ sung thêm enzym. Lưu ý khi sử dụng thêm enzym bổ sung, tình trạng kích ứng dạ dày hoặc một số tác dụng phụ khó chịu khác có thể xảy ra. Vậy nên, hãy trao đổi kỹ với bác sĩ trước khi sử dụng. 

Tóm lại

Enzym là một phần quan trọng để có được sức khỏe tốt. Ngoài nguồn enzym tự sinh, bạn cũng có thể bổ sung thông qua nguồn có sẵn từ một số loại trái cây, rau củ và thực phẩm khác. 

Nếu bạn đã có một sức khỏe tốt, thì hãy duy trì chế độ ăn uống lành mạnh với các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật. Chú ý không ham sử dụng thêm enzym bổ sung khi không cần thiết, vì nó có thể tác động tới bạn theo chiều hướng tiêu cực. 

Trong trường hợp bạn mắc bệnh mạn tính (ví dụ như ung thư) hoặc đang thiếu một số chất dinh dưỡng nhất định, hãy cân nhắc việc sử dụng thực phẩm bổ sung, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Sự thay đổi về độ đặc là màu sắc phân là một trong những dấu hiệu giúp bạn nhận biết mình có thiếu hụt dinh dưỡng hay không.

Cuối cùng, hãy luôn nhớ, chỉ sử dụng enzym bổ sung khi thực sự cần thiết nhé!

 

Vân Anh
BÌNH LUẬN
Tin cùng chuyên mục

        Dược sĩ tư vấn