Giải đáp về bệnh viêm dây thần kinh tiền đình
Ngày: 26/11/2021 lúc 01:26AM
Viêm dây thần kinh tiền đình gây ra các triệu chứng như chóng mặt và buồn nôn, xảy ra khi dây thần kinh tiền đình bị viêm hoặc bị kích thích. Triệu chứng thường xuất hiện trong vài giờ và nghiêm trọng nhất trong vòng 1 - 2 ngày đầu tiên.
Bệnh có thể trầm trọng hơn nếu người bệnh cử động đầu. Các triệu chứng của viêm dây thần kinh tiền đình thường biến mất mà không cần điều trị trong vài ngày, tuy nhiên có thể mất đến vài tuần hoặc vài tháng để mọi triệu chứng biến mất hoàn toàn.
Để hiểu rõ hơn về chứng bệnh này, hãy cùng các dược sĩ của Thái Nhiên tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Triệu chứng
Các triệu chứng của viêm dây thần kinh tiền đình thường gặp có thể là:
chóng mặt
buồn nôn, nôn mửa
mất thăng bằng
giảm thị lực
khó tập trung
Các triệu chứng này có xu hướng nặng hơn khi người bệnh cử động đầu.
Viêm dây thần kinh tiền đình có thể cấp tính hoặc mãn tính. Nếu là cấp tính, các triệu chứng sẽ xuất hiện một cách đột ngột. Nếu nguyên nhân do nhiễm virus, dây thần kinh tiền đình có thể bị tổn thương và dẫn đến chóng mặt mãn tính. Các triệu chứng của viêm dây thần kinh tiền đình cấp tính thường kéo dài vài ngày, mặc dù có thể mất vài tuần hoặc vài tháng để tất cả các triệu chứng hoàn toàn biến mất. Bệnh có xu hướng tiến triển trong vài giờ và trầm trọng nhất trong khoảng từ 24 – 48 giờ.
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm dây thần kinh tiền đình, nhưng thường gặp nhất có thể là:
Cúm hay cảm lạnh
Rubella: bệnh nhiễm virus gây phát ban, sốt và đau nhức cơ thể
Quai bị: bệnh nhiễm virus gây sốt, đau đầu và đau nhức cơ thể
Sởi: bệnh nhiễm vi rút gây phát ban, sốt cao và ho
Thủy đậu: bệnh nhiễm virus gây ra mụn nước, ngứa và đau
Zona: bệnh nhiễm virus phát triển từ bệnh thủy đậu và có thể gây phát ban đau đớn, sốt và ớn lạnh
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bạn có mắc chứng viêm dây thần kinh tiền đình không sau khi loại trừ các yếu tố khác có thể gây ra triệu chứng tương tự, bao gồm:
Tác dụng phụ của thuốc
Chấn thương sọ não
Đột quỵ
Dị ứng
Rối loạn thần kinh
Bệnh tim mạch
Ảnh hưởng của các chất kích thích như caffeine, rượu, thuốc lá,...
Viêm dây thần kinh tiền đình khác với bệnh viêm mê cung như thế nào?
Cả viêm dây thần kinh tiền đình và viêm mê cung đều gây ảnh hưởng đến tai trong từ đó làm cho người bệnh bị mất thăng bằng và giảm khả năng kiểm soát thính giác.
Tuy nhiên, khi người bệnh bị viêm dây thần kinh tiền đình, họ sẽ không bị giảm thính lực. Còn nếu bị viêm mê cung, người bệnh sẽ bị giảm thính lực kèm theo chóng mặt và ù tai.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào của bệnh hãy liên hệ và trao đổi với bác sĩ sớm nhất có thể.
Một số triệu chứng của viêm dây thần kinh tiền đình cũng có thể xuất hiện khi bị đột quỵ. Hãy đến bệnh viện ngay lập tức nếu người bệnh có các dấu hiệu sau: nói lắp, có vấn đề về thị lực, thấy tê rát hoặc ngứa ran, yếu liệt ở một bên của cơ thể,...
Phòng ngừa và điều trị
Để phòng ngừa và điều trị bệnh một cách hiệu quả nhất, người bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc, thực hành các bài tập luyện và điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học.
Sử dụng thuốc để điều trị
Trong giai đoạn cấp tính, bác sĩ có thể kê cho người bệnh một số thuốc sau:
Thuốc kháng histamin: diphenhydramine, meclizine
Thuốc chống nôn: promethazine, metoclopramide
Thuốc benzodiazepine: diazepam, lorazepam
Các loại thuốc này giúp giảm các triệu chứng của bệnh như buồn nôn và chóng mặt. Tuy nhiên việc lạm dụng thuốc có thể phản tác dụng và dẫn đến các cơn chóng mặt liên tục.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kê đơn các loại thuốc kháng virus, kháng sinh để điều trị các bệnh nhiễm trùng tiềm ẩn khác.
Các bài tập luyện
Để phòng ngừa và điều trị bệnh an toàn ngay tại nhà bạn hãy thực hiện một loạt các bài tập dưới đây.
Bài tập số 1:
Đứng thẳng, hai chân dang rộng hơn vai.
Đưa một tay thẳng lên, nghiêng đầu để nhìn thấy bàn tay.
Gập người, uốn cong thắt lưng, giữ mắt luôn nhìn về phía bàn tay đang giơ lên.
Trong khi gập người, kéo tay còn lại chạm vào mắt cá chân đối diện.
Lặp lại và đổi bên.
Bài tập số 2:
Đứng thẳng, hai bàn chân gần nhau.
Từ từ lùi một chân về phía sau, mở rộng cánh tay về phía trước để giữ thăng bằng.
Sau đó, đi về phía trước, chuyển trọng tâm của cơ thể lên các ngón chân.
Ở tư thế này, hơi cong lưng và đẩy hông về phía trước, cánh tay buông thõng hai bên.
Đổi bên và lặp lại.
Cả 2 bài tập đều rất đơn giản, có thể dễ dàng thực hiện ngay tại nhà nhưng lại đem đến hiệu quả vô cùng lớn trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh. Bạn nên thực hiện những bài tập này vào sáng sớm sau khi ngủ dậy hoặc buổi chiều tối trước khi ăn tối để đạt được hiệu quả tốt nhất nhé!
Ăn uống
Ngoài các bài tập luyện thì thói quen ăn uống và sinh hoạt lành mạnh cũng là một chiến lược hiệu quả giúp phòng ngừa và giảm thiểu các triệu chứng của viêm dây thần kinh tiền đình.
Để có một chế độ ăn uống lành mạnh, bạn cần đảm bảo các yếu tố dưới đây:
Bổ sung vào thực đơn hàng ngày các thực phẩm lành mạnh như: trái cây, rau xanh, các loại đậu, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt,...
Thường xuyên bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể
Sử dụng tối thiểu 400g trái cây và rau xanh mỗi ngày (không bao gồm khoai tây, khoai lang, sắn và các loại có nhiều tinh bột).
Bên cạnh đó, bạn nên hạn chế sử dụng các thực phẩm như:
Các thực phẩm và đồ uống có hàm lượng muối hoặc đường cao
Các đồ uống gây kích thích như: rượu, bia, cafe, đồ uống có gas,...
Các món ăn chứa nhiều dầu mỡ...
Tóm lại
Các triệu chứng của viêm dây thần kinh tiền đình thường tiến triển trong vài giờ và kéo dài trong vài ngày, nhưng phải mất đến vài tuần hoặc vài tháng để biến mất hoàn toàn. Bệnh thường xảy ra khi nhiễm vi rút hoặc vi khuẩn với các dấu hiệu chóng mặt, buồn nôn, giảm thị lực và khó tập trung.
Trong hầu hết các trường hợp, viêm dây thần kinh tiền đình sẽ tự khỏi. Người bệnh cũng có thể tự điều trị bệnh ngay tại nhà bằng cách thay đổi chế độ ăn uống khoa học, sử dụng các loại thuốc phù hợp và tập luyện thể dục, thể thao hằng ngày.
Nguồn: Medical Newstoday
Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới
https://vestibular.org/sites/default/files/page_files/Managing-Nausea_25.pdf
https://www.cdc.gov/chickenpox/
https://vestibular.org/understanding-vestibular-disorder/treatment/treatment-detail-page
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3259492/
https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/labyrinthitis-and-vestibular-neuritis
https://www.cdc.gov/mumps/about/signs-symptoms.html
https://medlineplus.gov/rubella.html
https://vestibular.org/labyrinthitis-and-vestibular-neuritis