Rượu ảnh hưởng tới nguy cơ đột quỵ như thế nào?

Ngày: 26/11/2021 lúc 00:47AM

Một số nghiên cứu đã được công bố cho rằng uống rượu bia với lượng vừa phải có lợi đối với tim mạch và hệ tuần hoàn, tuy nhiên nếu sử dụng nhiều và thường xuyên sẽ gây hại cho sức khỏe đặc biệt có thể làm tăng nguy cơ một số loại đột quỵ nhất định.

Viện quốc gia về Lạm dụng rượu và nghiện rượu (NIAAA) cảnh báo về những lầm tưởng xung quanh việc sử dụng rượu và đưa ra các khuyến cáo tiêu thụ rượu an toàn, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết. Mức khuyến cáo là tối đa 1 ly/ ngày với nữ và 2 ly/ngày với nam giới.

Theo NIAAA, tiêu thụ rượu với lượng vừa phải có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ do thiếu máu cục bộ và bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, sử dụng nhiều rượu vẫn rất nguy hiểm. Mỗi năm, đã có rất nhiều người tại Mỹ chết vì các sự cố liên quan đến rượu, khiến rượu trở thành nguyên nhân tử vong có thể phòng ngừa đứng thứ tư ở Hoa Kỳ. Bài viết dưới đây thảo luận một nghiên cứu mới về tác động của rượu đến nguy cơ đột quỵ.

Mối liên hệ giữa rượu và đột quỵ

Các nhà nghiên cứu từ Viện Karolinska (Thụy Điển) và Đại học Cambridge (Anh) đã tìm hiểu mối liên hệ giữa rượu với các loại đột quỵ khác nhau.

Các nhà nghiên cứu đã đánh giá hệ thống và phân tích tổng hợp kết quả của 25 nghiên cứu trước đó, có chứa các dữ liệu về đột quỵ do thiếu máu cục bộ, xuất huyết não và xuất huyết dưới nhện.

Nghiên cứu cũng sử dụng cả dữ liệu từ nhóm nghiên cứu thuần tập là nam giới và nhóm nghiên cứu thuần tập những người được chụp nhũ ảnh ở Thụy Điển, tổng cộng có 18.289 trường hợp đột quỵ do thiếu máu cục bộ, 2.299 trường hợp xuất huyết não và 1.164 trường hợp xuất huyết dưới nhện. Trong quá trình nghiên cứu, mức độ tiêu thụ rượu được đánh giá bằng báo cáo của chính bệnh nhân. Những bệnh nhân tham gia nghiên cứu sẽ trả lời một loạt câu hỏi bằng phiếu khảo sát hoặc phỏng vấn.

Dùng thước đo chuẩn về sử dụng rượu thì mức tiêu thụ rượu được chia thành bốn nhóm: uống ít (< 2 ly/ngày), uống vừa phải (1 - 2 ly/ngày), uống nhiều (2 - 4 ly/ngày) và uống rất nhiều (> 4 ly/ngày).

Nghiên cứu đã điều chỉnh các yếu tố như tuổi, giới tính, hút thuốc, chỉ số cơ thể (BMI) và bệnh tiểu đường.

Rượu có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ do xuất huyết

Các nhà nghiên cứu đã phân tích tổng hợp dữ liệu trên hai loại đột quỵ khác nhau: đột quỵ thiếu máu cục bộ và đột quỵ xuất huyết. Trong đó, đột quỵ thiếu máu cục bộ là loại đột quỵ phổ biến nhất. Nguyên nhân là do cục máu đông ngăn cản dòng máu và oxy đến não.

Đột quỵ xuất huyết xảy ra khi một túi phình bị vỡ hoặc một mạch máu suy yếu bị rò rỉ dẫn tới chảy máu não (xuất huyết não) hoặc hiếm gặp hơn là xuất huyết dưới nhện - tình trạng máu chảy vào khoảng trống giữa não và màng bao quanh (màng não).

Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng, uống rượu ít và vừa phải có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ thiếu máu cục bộ, nhưng không tác động đến nguy cơ đột quỵ xuất huyết. Tiến sĩ Susanna Larsson - tác giả chính của nghiên cứu, giải thích về điều này như sau:

“Nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra mối liên hệ giữa uống rượu và việc giảm fibrinogen - một loại protein trong cơ thể giúp hình thành các cục máu đông. Điều này có thể giải thích mối liên quan giữa việc uống rượu vừa phải sẽ làm giảm nguy cơ đột quỵ thiếu máu cục bộ ”.

Tuy nhiên, trên thực tế uống rượu có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ xuất huyết. Tiến sĩ Susanna Larsson: “Kết quả của chúng tôi cho thấy những người nghiện rượu nặng có nguy cơ bị xuất huyết não cao hơn khoảng 1,6 lần và nguy cơ bị xuất huyết dưới nhện cao hơn 1,8 lần. Uống nhiều rượu ảnh hưởng đến hai tình trạng này hơn so với đột quỵ thiếu máu cục bộ.” Do đó, ngay cả khi uống một lượng rượu vừa phải, nguy cơ mang lại cũng có thể nhiều hơn lợi ích.

“Tác động bất lợi của việc uống rượu đối với huyết áp - yếu tố nguy cơ chính gây ra đột quỵ, làm tăng nguy cơ đột quỵ xuất huyết - lớn hơn bất kỳ lợi ích lợi ích nào.” - Tiến sĩ Larsson

Ưu điểm và hạn chế của nghiên cứu

Tiến sĩ Larsson chỉ ra rằng kích thước mẫu lớn của nghiên cứu sẽ cho ra kết quả chính xác hơn vì có rất nhiều các kiểu, mức độ tiêu thụ rượu và các phân nhóm bệnh nhân khác nhau nên hạn chế được sai số.

 “Đây là nghiên cứu đầu tiên kết hợp các kết quả từ tất cả các nghiên cứu theo thời gian hiện có về việc uống rượu và nguy cơ đột quỵ xuất huyết.” - Tiến sĩ Larsson

Tuy nhiên, một số nghiên cứu đưa vào phân tích có cỡ mẫu nhỏ, có nghĩa là tác động tích cực của việc sử dụng rượu vừa phải được đề cập ở trên có thể đã được đánh giá quá cao.

Ngoài ra, phân tích tổng hợp không sử dụng đồng nhất một loại rượu trong tất cả các nghiên cứu, các tác giả thiếu dữ liệu bệnh nhân riêng lẻ. Điều này cũng khiến cho nghiên cứu mắc sai số. Cuối cùng, vì đây là một nghiên cứu quan sát nên không thể chỉ ra khách quan mối quan hệ nhân quả giữa việc sử dụng rượu và nguy cơ của các loại đột quỵ.

Nguồn: Medical Newstoday

Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu, các tổ chức trên thế giới:

https://bmcmedicine.biomedcentral.com/articles/10.1186/s12916-016-0721-4 

https://www.niaaa.nih.gov/publications/brochures-and-fact-sheets/alcohol-facts-and-statistics 

https://www.niaaa.nih.gov/publications/brochures-and-fact-sheets/truth-about-holiday-spirits

 https://www.medicalnewstoday.com/articles/314325#Analyzing-the-link-between-alcohol-and-stroke 

Lý Nguyễn
BÌNH LUẬN
Tin cùng chuyên mục

        Dược sĩ tư vấn