Những điều nên biết về xuất huyết não
Ngày: 18/12/2021 lúc 14:28PM
Xuất huyết não là hiện tượng chảy máu trong não, còn được gọi là bệnh chảy máu não hoặc xuất huyết nội sọ. Đây là tình trạng khẩn cấp y tế cần được cấp cứu và điều trị ngay lập tức.
Hộp sọ bao quanh não, xuất huyết gây rò rỉ máu, chèn ép và tổn thương các mô não, có thể dẫn đến đột quỵ xuất huyết. Chảy máu quá nhiều làm lượng máu giàu oxy không thể lưu thông đến mô não gây ra phình hoặc phù não.
Máu chảy tụ lại thành một khối trên bề mặt vết thương được gọi là tụ máu. Sự tụ máu ngăn cản oxy đến các tế bào não và khiến chúng chết dần. Bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ chia sẻ về bệnh xuất huyết não, nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị bệnh.
1. Nguyên nhân
Xuất huyết não là một nguyên nhân chính gây ra đột quỵ. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ năm ở Hoa Kỳ.
Yếu tố nguy cơ hàng đầu của xuất huyết não là tuổi tác. Bệnh xuất huyết não xảy ra ở nhiều độ tuổi khác nhau và thường gặp nhất ở người lớn tuổi. Ở trẻ sơ sinh, xuất huyết não xảy ra do chấn thương trong quá trình sinh nở hoặc chấn thương do lực tác động mạnh lên vùng bụng của người mẹ khi mang thai. Xuất huyết não ở trẻ đột ngột xảy ra do sự bất thường của mạch máu. Các nguyên nhân khác bao gồm: bệnh về máu, khối u não, nhiễm trùng huyết, sử dụng rượu hoặc ma túy.
Theo Hiệp hội Đột quỵ Quốc gia cho biết, tỷ lệ đột quỵ ở trẻ là 1/4000 và phổ biến hơn với trẻ dưới 2 tuổi. Tuy nhiên, trẻ em thường phục hồi tốt hơn người lớn bởi vì não bộ đang trong thời kỳ phát triển.
Các triệu chứng và lựa chọn điều trị ở người lớn và trẻ em thường giống nhau. Ở trẻ em, điều trị phụ thuộc vào vị trí xuất huyết cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Các nguy cơ khác dẫn đến xuất huyết máu não bao gồm:
Chấn thương sọ não
Phình động mạch não
Huyết áp cao
Dị dạng mạch máu não
Rối loạn đông máu
Bệnh gan
Khối u não
Sử dụng ma túy
2. Phân loại
Tất cả các loại xuất huyết não đều gây nguy hiểm nghiêm trọng đến sức khỏe. Phụ thuộc vào vị trí chảy máu mà được phân thành các loại sau:
Xuất huyết trong não: Chảy máu xảy ra bên trong não.
Xuất huyết dưới màng nhện: Chảy máu xảy ra giữa màng nhện và màng mềm.
Xuất huyết dưới màng cứng: Chảy máu xảy ra giữa màng cứng và màng nhện.
Xuất huyết ngoài màng cứng: Chảy máu giữa xương sọ và lớp màng cứng.
3. Triệu chứng
Xuất huyết não gây ra rất nhiều triệu chứng khác nhau: đột ngột ngứa ran, yếu, tê bì, liệt mặt, cánh tay hoặc chân ở một bên cơ thể. Ngoài ra, còn nhiều triệu chứng khác như:
Đau đầu đột ngột, dữ dội
Khó nuốt
Giảm thị lực
Chóng mặt, mất thăng bằng
Giảm hoặc mất khả năng nhận thức
Khó giao tiếp, nói lắp
Hoảng hốt, hôn mê hoặc bất tỉnh
Co giật
Phát hiện sớm các triệu chứng giúp tăng khả năng sống sót ở bệnh nhân cũng như ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
4. Biến chứng
Xuất huyết não gây ra rất nhiều biến chứng, ảnh hưởng đến vận động, lời nói hoặc trí nhớ. Tùy vào vị trí xuất huyết và tổn thương xảy ra sẽ có biến chứng khác nhau bao gồm:
Tê liệt
Yếu cơ một phần cơ thể
Khó nuốt
Giảm thị lực
Rối loạn ngôn ngữ
Giảm nhận thức, mất trí nhớ
Rối loạn tâm lý
5. Chẩn đoán
Chẩn đoán xuất huyết não đôi khi gặp khó khăn vì thường khó phát hiện các dấu hiệu xuất huyết bên ngoài. Bác sĩ cần làm xét nghiệm để tìm chính xác vị trí chảy máu trong não. Các xét nghiệm chẩn đoán bao gồm:
Chụp CT hoặc MRI
Chọc dò thắt lưng hoặc vòi cột sống, tại đó bác sĩ hút dịch tủy sống qua một cây kim rỗng để xét nghiệm
Chụp mạch máu não: Bác sĩ tiêm một loại thuốc nhuộm an toàn và sau đó chụp X - quang não, thuốc nhuộm sẽ hiển thị hình ảnh các mạch máu có hình dạng bất thường bên trong hoặc gần não.
6. Điều trị
Trong trường hợp xuất huyết não nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để giảm bớt một số áp lực lên não. Nếu xuất huyết do vỡ túi phình động mạch, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật sọ não để cắt động mạch và loại bỏ một phần hộp sọ.
Ngoài ra, có thể sử dụng thuốc chống lo âu, thuốc chống động kinh và các loại thuốc khác để kiểm soát các triệu chứng co giật hoặc đau đầu dữ dội. Bệnh nhân phục hồi sau xuất huyết não với các liệu pháp phục hồi chức năng như:
Vật lý trị liệu
Liệu pháp ngôn ngữ
Liệu pháp vận động
Thay đổi lối sống để hạn chế nguy cơ xuất huyết khác
7. Phòng ngừa
Theo Hiệp hội các bác sĩ phẫu thuật thần kinh Hoa Kỳ, hàng năm ở Mỹ có khoảng 1,7 triệu ca chấn thương sọ não và khoảng 5,3 triệu người bị tàn tật do chấn thương sọ não trước đó. Mọi người cần tự bảo vệ mình trước các nguy cơ bị chấn thương sọ não, nên đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp, xe máy và thắt dây an toàn khi di chuyển bằng ô tô.
Thực hiện lối sống lành mạnh giúp giảm nguy cơ và ngăn ngừa tai biến mạch máu não. Người bị huyết áp cao nên đi khám sức khỏe định kỳ và thực hiện các biện pháp để hạ huyết áp.
Bạn nên tránh hút thuốc vì trong thuốc lá có các chất độc gây hại cho hệ thống tim mạch, tích tụ thành mảng bám gây hẹp động mạch, tắc nghẽn và tăng nguy cơ bị đột quỵ.
Người bệnh tiểu đường thường có huyết áp cao, cholesterol cao và thừa cân, đây đều là những yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ. Do đó, cần kiểm soát tốt được lượng đường trong máu để tránh những biến chứng nguy hiểm.
Chế độ ăn uống hợp lý và tập thể dục thường xuyên là cách giúp giảm nguy cơ xuất huyết não. Bổ sung những loại thực phẩm cải thiện sức khỏe tim mạch và não trong chế độ ăn uống, ví dụ như chế độ ăn DASH được Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia (National Heart, Lung, and Blood Institute) khuyến cáo.
Vận động thể chất không chỉ thay đổi trọng lượng cơ thể mà còn giảm nguy cơ đột quỵ. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị nên dành 150 phút tập thể dục từ vừa phải đến cường độ cao mỗi tuần.
Tổng kết
Xuất huyết não có thể gây nguy hiểm đến tính mạng do vậy cần điều trị khẩn cấp và phục hồi chức năng lâu dài. Một số bệnh lý như tiểu đường và tăng huyết áp có thể làm tăng nguy cơ của bệnh. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đeo đồ bảo hộ khi di chuyển, thực hiện lối sống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục, không hút thuốc sẽ làm giảm nguy cơ xuất huyết não.
Nguồn: Medical Newstoday
Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới:
https://www.cdc.gov/nchs/fastats/leading-causes-of-death.htm
https://www.nhlbi.nih.gov/health-topics/dash-eating-plan
https://www.heart.org/en/healthy-living/fitness/fitness-basics/aha-recs-for-physical-activity-in-adults
https://www.stroke.org/understand-stroke/impact-of-stroke/pediatric-stroke/
https://www.aans.org/Patients/Neurosurgical-Conditions-and-Treatments/Stroke
https://www.strokeassociation.org/en/about-stroke/stroke-risk-factors
http://www.aans.org/en/Patients/Neurosurgical-Conditions-and-Treatmentshttps://www.nhlbi.nih.gov/health-topics/dash-eating-plan/Traumatic-Brain-Injury