Những điều cần biết về giảm lưu lượng tuần hoàn máu não
Ngày: 26/11/2021 lúc 01:08AM
Thiểu năng tuần hoàn sống nền và thiếu máu cục bộ nói đến tình trạng ngưng trệ hoặc gián đoạn dòng máu đến não, từ đó dẫn đến giảm lưu lượng tuần hoàn máu não và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe.
Thiểu năng tuần hoàn sống nền là tình trạng giảm lưu lượng máu đến phần não sau, hay suy hệ động mạch đốt sống thân nền. Các triệu chứng của bệnh bao gồm chóng mặt và nói lắp.
Thiếu máu cục bộ là tình trạng ngưng trệ hoặc gián đoạn lưu lượng máu đến một vùng của cơ thể. Thiếu máu cục bộ xảy ra ở não sẽ làm tổn thương các tế bào não, kéo theo nhiều vấn đề về sức khỏe.
Hai tình trạng trên đều dẫn đến giảm lưu lượng tuần hoàn máu não. Bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ chia sẻ về các triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị tình trạng thiếu máu não ở bệnh nhân.
1. Nguyên nhân
Giảm lưu lượng tuần hoàn máu não có rất nhiều nguyên nhân bao gồm:
Hẹp mạch máu
Mạch máu bị tắc nghẽn
Cục máu đông
Vỡ mạch máu
Xơ vữa động mạch là một nguyên nhân phổ biến gây ra hẹp hoặc tắc nghẽn mạch máu. Đây là tình trạng tích tụ chất béo thành các mảng bám trong động mạch (mảng xơ vữa).
Mảng bám chủ yếu tạo thành từ cholesterol và canxi làm động mạch cứng lại. Sự đông cứng và tích tụ mảng bám theo thời gian làm thu hẹp mạch máu. Nếu các mảng bám vỡ ra và di chuyển trong máu, chúng có thể gây tắc nghẽn tĩnh mạch hoặc động mạch ở những nơi khác nhau trong cơ thể.
2. Triệu chứng
Các triệu chứng của giảm lưu lượng máu não tương tự như đột quỵ. Các triệu chứng chính bao gồm:
Nói lắp
Yếu cơ đột ngột các chi
Khó nuốt
Mất thăng bằng hoặc cảm thấy mất thăng bằng
Mất thị lực một phần hoặc hoàn toàn, nhìn đôi
Chóng mặt, quay cuồng
Hoang mang
Nôn hoặc buồn nôn
Các triệu chứng này có thể kéo dài hoặc diễn ra trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, mạch máu bị hẹp hay tắc nghẽn đôi khi không xuất hiện triệu chứng, gây khó khăn cho việc phát hiện và chẩn đoán.
3. Các yếu tố nguy cơ
Thiểu năng tuần hoàn sống nền không phải lúc nào cũng có thể ngăn ngừa tốt và hiệu quả. Nguy cơ đến từ thói quen sinh hoạt và các yếu tố khác như:
Giới tính
Tuổi tác
Tiền sử gia đình và di truyền
Huyết áp cao
Bệnh động mạch
Hút thuốc
Ít vận động và béo phì
Người có tình trạng thoái hóa đốt sống cổ nên thay đổi lối sống để giảm nguy cơ đột quỵ. Bỏ thuốc lá, chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên sẽ giúp máu lưu thông lên não tốt hơn. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc giúp giảm cholesterol hoặc kiểm soát huyết áp.
4. Chẩn đoán
Một số phương pháp chẩn đoán bệnh mạch máu não đang được sử dụng phổ biến hiện nay:
Siêu âm
Siêu âm là phương pháp thường được sử dụng nhất vì không gây xâm lấn, nghĩa là không làm rách da hay ảnh hưởng đến bên trong cơ thể.
Bác sĩ sẽ bôi một lớp gel trong lên da, sau đó nhẹ nhàng di chuyển một thiết bị cầm tay trên bề mặt lớp gel. Thiết bị này sẽ phát ra sóng âm dội lại từ động mạch để tạo hình ảnh, nhờ đó phát hiện được động mạch bị tắc nghẽn hay cục máu đông.
Chụp cộng hưởng từ (MRI)
MRI cho thấy hình ảnh rõ ràng của não. Bác sĩ thực hiện xét nghiệm này để kiểm tra xem bệnh nhân đã từng bị đột quỵ hoặc tình trạng bệnh tương tự trong quá khứ hay chưa.
MRI cung cấp hình ảnh của động mạch đốt sống và thân nền, đồng thời phát hiện phình và tắc nghẽn động mạch.
Chụp tia X
Các động mạch thường không hiển thị trong ảnh X-quang. Để phát hiện động mạch bị tổn thương hoặc tắc nghẽn, bác sĩ sẽ tiêm một loại thuốc nhuộm an toàn vào động mạch ở vùng cổ. Thuốc nhuộm sẽ giúp hiển thị hình ảnh trên X-quang. Xét nghiệm này được gọi là chụp mạch.
5. Điều trị
Một số lựa chọn điều trị cho thiểu năng tuần hoàn sống nền bao gồm:
Thuốc điều trị hẹp động mạch
Phẫu thuật trong những trường hợp xảy ra tắc nghẽn mạch máu hoàn toàn hoặc mức độ hẹp nghiêm trọng
Mục đích chính của thuốc điều trị là làm giảm nguy cơ bị đột quỵ. Vì vậy, bác sĩ kê đơn thuốc để:
Làm loãng máu và ngăn ngừa cục máu đông
Giảm cholesterol
Kiểm soát huyết áp
6. Các biến chứng
Đột quỵ
Đột quỵ xảy ra khi các tế bào não không nhận được đủ oxy và chất dinh dưỡng cần thiết do lưu lượng máu đến não bị giảm hoặc ngừng lại. Lưu lượng máu giảm trong thời gian đủ lâu sẽ làm tổn thương và chết các tế bào não.
Cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA)
TIA không gây tổn thương lâu dài, nhưng đây là một dấu hiệu cảnh báo quan trọng của đột quỵ. Các triệu chứng xuất hiện rất ngắn trong vài phút như rối loạn tinh thần đột ngột, yếu cơ, mất thăng bằng, đau đầu đột ngột và dữ dội.
Chứng phình động mạch não
Chứng phình động mạch não xảy ra khi các mạch máu trong não suy yếu và phình lên. Nguyên nhân đến từ huyết áp cao, hẹp động mạch hoặc chấn thương ở đầu. Nếu mạch máu trong não bị vỡ, chảy máu trong não có thể làm tổn thương hoặc phá hủy các tế bào não.
7. Tổng kết
Người bị thiểu năng tuần hoàn sống nền có nguy cơ đột quỵ cao hơn bình thường. Một người đã từng bị đột quỵ hoặc thiếu máu cục bộ thoáng qua cũng có nhiều khả năng tái phát đột quỵ. Thiểu năng tuần hoàn sống nền chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn cao tuổi. Phát hiện sớm các triệu chứng giúp tăng khả năng sống sót ở bệnh nhân cũng như ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Nguồn: Medical Newstoday
Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới:
https://www.nhlbi.nih.gov/health-topics/atherosclerosis
https://www.stroke.org/en/about-stroke/types-of-stroke
https://www.cdc.gov/stroke/types_of_stroke.htm
https://www.who.int/news-room/commentaries/detail/smoking-and-covid-19
https://www.medicalnewstoday.com/articles/247837.php
https://www.medicalnewstoday.com/articles/9152.php
https://www.medicalnewstoday.com/articles/248958.php
https://www.medicalnewstoday.com/articles/7624.php
https://www.medicalnewstoday.com/info/obesity/how-much-should-i-weigh.php
https://www.medicalnewstoday.com/articles/159283.php
https://www.aans.org/en/Patients/Neurosurgical-Conditions-and-Treatments/Cerebrovascular-Disease