Những điều cần biết về đột quỵ xuất huyết
Ngày: 18/12/2021 lúc 15:48PM
Đột quỵ xuất huyết có thể xảy ra khi mạch máu bị vỡ, máu từ động mạch bắt đầu thấm vào các mô não. Các bác sĩ cũng có thể sử dụng thuật ngữ đột quỵ nội sọ khi nói về đột quỵ xuất huyết.
Khi xuất huyết não, máu chảy lan sang các vùng xung quanh và gây áp lực lên các tế bào não, làm tổn thương chúng. Các tế bào não bị tổn thương không thể hoạt động bình thường, điều này dẫn đến xuất hiện các triệu chứng rối loạn thần kinh và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Có nhiều loại đột quỵ xuất huyết khác nhau. Trong đó có:
Xuất huyết nội sọ: là loại phổ biến nhất, xảy ra khi mạch máu trong não bị vỡ.
Xuất huyết dưới nhện: máu bị rò rỉ chảy vào khoảng trống giữa não và màng bao quanh (màng não).
Dưới đây, chúng ta sẽ tìm hiểu về các yếu tố nguy cơ của đột quỵ xuất huyết, cách nhận biết và các phương pháp điều trị.
Các yếu tố nguy cơ
Những đặc điểm, tình trạng bệnh và thói quen sau đây có thể khiến một người có nguy cơ mắc đột quỵ cao hơn:
Nồng độ cholesterol trong máu cao
Hút thuốc
Yếu tố di truyền và tiền sử gia đình
Tiền sử bệnh tim , mắc các bệnh tim mạch hoặc đột quỵ
Từng bị đột quỵ hoặc thiếu máu cục bộ thoáng qua
Bị nhiễm vi-rút gây viêm, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp
Thường xuyên lo lắng, căng thẳng stress
Bị rối loạn đông máu hoặc bệnh hồng cầu hình liềm
Sử dụng thuốc làm loãng máu, chẳng hạn như warfarin (Coumadin)
Sử dụng các loại thuốc kích thích như cocaine
Lười vận động
Chế độ ăn uống không đa dạng, thiếu dinh dưỡng
Uống nhiều rượu
Béo phì, mỡ tập trung vùng eo và bụng
Bệnh di truyền: dị dạng động mạch (AMV). AVM thường xảy ra ở não và cột sống. Nếu chúng xảy ra trong não, các mạch có thể bị vỡ, dẫn đến chảy máu vào não. Rối loạn này rất hiếm.
Yếu tố nguy cơ cụ thể với từng loại đột quỵ
Yếu tố nguy cơ bổ sung cho xuất huyết nội sọ là u máu thể hang não - một loại dị dạng mạch máu não trong đó tổ chức mạch máu bất thường hình thành trong não tạo thành nhiều khoang nhỏ.
Các yếu tố nguy cơ đặc trưng cho xuất huyết dưới nhện bao gồm:
Rối loạn đông máu
Từng bị chấn thương, chấn thương sọ não
Sử dụng thuốc làm loãng máu
Chứng phình động mạch não. Phình mạch làm tăng kích thước khiến thành động mạch yếu đi. Nếu một túi phình vỡ, chảy máu không kiểm soát có thể xảy ra.
Triệu chứng
Nhận biết các triệu chứng ban đầu của đột quỵ là cách tốt nhất giúp người bệnh nhanh chóng được điều trị và tránh các biến chứng. Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia kêu gọi mọi người ghi nhớ quy tắc FAST để nhận biết các dấu hiệu của đột quỵ:
F = face: Một bên của khuôn mặt có bị xệ xuống khi bệnh nhân cười không?
A = arm: Khi họ nâng cả hai cánh tay lên, một cánh tay có bị rơi xuống không?
S = speech: Bệnh nhân có bị nói ngọng không?
T = time: Gọi 115 ngay lập tức nếu câu trả lời cho bất kỳ điều nào ở trên là có.
Các triệu chứng của đột quỵ xuất huyết có thể xuất hiện đột ngột hoặc tiến triển trong vài ngày. Người bệnh có thể có các triệu chứng:
Đau đầu đột ngột, dữ dội
Giảm thị lực
Mất thăng bằng hoặc phối hợp các động tác
Khó khăn trong việc di chuyển
Tê hoặc yếu ở một bên của cơ thể
Co giật
Mất tiếng hoặc nói khó
Lú lẫn, mất tỉnh táo
Mất ý thức
Tê liệt hoặc tê ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể
Cứng hoặc đau ở vùng cổ
Thay đổi nhịp tim và nhịp thở
Khó nuốt
Các biến chứng
Tùy vào mức độ tổn thương, một người có thể gặp một hoặc nhiều các biến chứng do đột quỵ xuất huyết, bao gồm:
Cục máu đông có thể dẫn đến huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi
Đau vai do yếu cơ
Mất khả năng di chuyển
Khó nuốt, khó nói chuyện
Mất kiểm soát khả năng đại, tiểu tiện
Mất trí nhớ
Mất thị lực, thính giác hoặc xúc giác
Nguy cơ cao bị viêm phổi. Người bệnh đột quỵ gặp khó khăn trong việc nuốt có thể khiến thức ăn, đồ uống đi vào phổi, dẫn đến viêm phổi.
Phù nề não
Co giật
Rối loạn tâm lý, trầm cảm
Nhiễm trùng đường tiết niệu nếu người đó sử dụng ống thông niệu
Viêm loét do nằm tại chỗ trong thời gian dài
Một số vấn đề sức khỏe sẽ cải thiện theo thời gian hay nhờ vào phục hồi chức năng. Bệnh nhân có thể cần được điều trị y tế liên tục để theo dõi và quản lý các triệu chứng.
Sau cơn đột quỵ xuất huyết, người bệnh có thể bị đau đầu dữ dội trong một thời gian. Bác sĩ sẽ chỉ định thuốc giảm đau. Caffeine và rượu có thể làm cho cơn đau đầu tồi tệ hơn.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán đột quỵ, bác sĩ có thể sẽ tiến hành:
Xem xét các triệu chứng
Khai thác tiền sử bệnh án
Thực hiện kiểm tra thể chất
Tiến hành một số xét nghiệm hình ảnh
Trong quá trình khám sức khỏe, bác sĩ sẽ đánh giá:
Sự tỉnh táo
Mức độ phối hợp động tác
Thăng bằng
Dấu hiệu tê hoặc yếu ở mặt
Tinh thần
Khả năng ngôn ngữ
Các xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như chụp CT hoặc MRI , có thể cho biết có chảy máu bên trong não hay không, giúp xác định loại đột quỵ. Điện não đồ (EEG) cung cấp thông tin về chức năng não. Bác sĩ cũng có thể đề nghị xét nghiệm máu và chọc dò thắt lưng.
Điều trị
Điều trị ngay lập tức cho đột quỵ xuất huyết là điều cần thiết. Điều trị khẩn cấp tập trung vào việc kiểm soát chảy máu và giảm áp lực trong não.
Phẫu thuật mở sọ sẽ được tiến hành nếu cần thiết. Bác sĩ phẫu thuật sẽ mở một phần nhỏ của hộp sọ để ngăn chảy máu thêm. Họ có thể cần phải can thiệp các mạch máu hoặc thắt túi phình.
Ngoài ra, bác sĩ có thể kê thuốc giảm huyết áp, điều này giúp làm giảm áp lực trong não. Nếu bệnh nhân dùng thuốc chống đông máu, bác sĩ có thể kêthuốc để chống lại các tác dụng không mong muốn của chúng.
Phục hồi chức năng
Sau khi điều trị khẩn cấp, bệnh nhân có thể sẽ có một chương trình điều trị phục hồi. Điều này giúp họ:
Lấy lại sức khỏe
Phục hồi nhiều chức năng nhất có thể
Trở lại cuộc sống bình thường
Mức độ phục hồi sẽ phụ thuộc vào vùng não bị ảnh hưởng và số lượng mô bị tổn thương. Các mẹo có thể hữu ích giúp hồi phục nhanh, bao gồm:
Tuân theo một chế độ ăn uống tốt cho tim mạch
Tránh hoặc bỏ hút thuốc
Xây dựng kế hoạch tập thể dục thường xuyên với sự tư vấn của chuyên gia y tế
Quản lý cân nặng hợp lý
Ngủ đủ giấc
Tuân theo kế hoạch điều trị, bao gồm dùng thuốc và tái khám
Tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người xung quanh và chuyên gia y tế quản lý sức khỏe, tâm thần
Theo dõi các triệu chứng, biến chứng mới hoặc xấu đi và tìm kiếm sự trợ giúp
Bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân xây dựng chương trình phục hồi chức năng tốt nhất cho họ, tùy thuộc vào độ tuổi, sức khỏe tổng thể và ảnh hưởng của đột quỵ mà họ gặp phải.
Tiên lượng
Hồi phục sau đột quỵ có thể mất một khoảng thời gian dài, thậm chí một số người sẽ không bao giờ hồi phục hoàn toàn. Theo một bài báo nghiên cứu được xuất bản vào năm 2011, 51–61% những người bị xuất huyết não không qua khỏi trong năm đầu tiên. Khoảng một nửa số trường hợp tử vong xảy ra trong vòng 2 ngày sau khi bị đột quỵ.
Tuy nhiên, ảnh hưởng sẽ phụ thuộc vào vị trí của tổn thương gây ra, mức độ nghiêm trọng và mức độ điều trị phục hồi. Trong khi nhiều người cần được chăm sóc liên tục thì khoảng 20% người bệnh có thể tự chăm sóc bản thân sau 6 tháng.
Một người đã từng bị đột quỵ cũng có thể có nguy cơ mắc các bệnh khác cao hơn. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), 1 trong 4 trường hợp bệnh nhân mắc đột quỵ xảy ra mỗi năm ở Hoa Kỳ đến từ những người đã từng bị đột quỵ trước đó.
Phòng ngừa
Một số thói quen sau có thể có hữu ích cho việc ngăn ngừa đột quỵ:
Bỏ hoặc tránh hút thuốc
Duy trì cân nặng hợp lý
Tập thể dục thường xuyên
Tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh và đa dạng
Kiểm tra sức khỏe thường xuyên
Thực hiện các biện pháp để quản lý bệnh tim mạch, tiểu đường và các tình trạng khác
Những biện pháp này đặc biệt quan trọng đối với những người từng bị đột quỵ để ngăn ngừa một cơn đột quỵ khác tái diễn.
Đột quỵ xuất huyết ở trẻ em
Đột quỵ thường gặp ở người lớn tuổi, nhưng chúng cũng có thể xảy ra ở trẻ em. Trong đó, khoảng 50% ở trẻ em là đột quỵ xuất huyết, so với 13% ở người trưởng thành.
Các nguyên nhân có thể gây đột quỵ ở trẻ em bao gồm:
Các vấn đề về mạch máu xuất hiện khi sinh
Các tình trạng ảnh hưởng đến máu, như bệnh hồng cầu hình liềm
Nhiễm trùng
Chấn thương
Ung thư
Dùng thuốc
Một số rối loạn chuyển hóa
Nếu một đứa trẻ bị đột quỵ xuất huyết, các triệu chứng dễ xuất hiện nhất là:
Yếu ở một bên của cơ thể
Đau đầu
Nôn mửa
Giảm hoặc mất ý thức
Co giật
Khó nói
Khó nhìn
Trẻ cũng có thể bị sốt trước khi các triệu chứng khác xuất hiện. Đôi khi, trẻ sơ sinh bị đột quỵ nhưng các triệu chứng không rõ ràng hoặc dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Trong một số trường hợp, các tác động chỉ trở nên rõ ràng khi trẻ phát triển. Chúng có thể có dấu hiệu suy nhược, thờ ơ, ngưng thở, khó nói, đau đầu, …
Nhìn chung cơ hội sống sót sau đột quỵ ở trẻ em cao hơn ở người lớn. Tuy nhiên, nếu đứa trẻ đang gặp phải một tình trạng khác, như bệnh về tim, có thể ảnh hưởng đến cơ hội sống sót của chúng.
Tóm lại
Đột quỵ xuất huyết là loại đột quỵ liên quan đến chảy máu trong não. Nó có thể đe dọa đến tính mạng và cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.
Không phải lúc nào bạn cũng có thể ngăn ngừa đột quỵ xuất huyết, nhưng tránh hút thuốc, tập thể dục thường xuyên và tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh có thể hữu ích giúp ngăn ngừa đột quỵ.
Nguồn: Medical Newstoday
Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới: