Những điều cần biết về Cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua - TIA

Ngày: 30/10/2021 lúc 00:32AM

Cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA) còn được gọi là cơn đột quỵ nhỏ, xảy ra khi việc cung cấp máu cho não tạm thời bị dừng lại, thường kéo dài không quá 5 phút. Nhiều người khi gặp TIA thường không thăm khám hay điều trị vì các triệu chứng qua nhanh. Tuy nhiên, TIA cũng là một trường hợp y tế khẩn cấp vì nó cảnh báo về một cơn đột quỵ lớn sắp xảy ra. 

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) lưu ý rằng hơn 1/3 những người không được điều trị TIA có thể bị đột quỵ nặng trong vòng một năm. Thống kê bổ sung cho thấy 20% những người gặp TIA sẽ bị đột quỵ trong vòng 3 tháng và một nửa trong số đó sẽ bị đột quỵ trong vòng 2 ngày.

Việc nhận biết các triệu chứng của cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua và nhanh chóng điều trị giúp ngăn ngừa các diễn biến xấu đe dọa đến tính mạng của bạn. 

thieu-mau-cuc-bo-thoang-qua-TIA

Triệu chứng

Giống như đột quỵ, các triệu chứng chính của TIA có thể ghi nhớ với quy tắc FAST:

  • Face - khuôn mặt bị xệ xuống, không cười được, miệng méo xệch một bên. 

  • Arms - yếu cơ và tê làm người bệnh không thể nâng một hoặc cả hai cánh tay lên được.

  • Speech - nói ngọng hoặc hoàn toàn không nói được, mặc dù bệnh nhân có vẻ tỉnh táo, họ cũng có thể gặp khó khăn trong việc hiểu những gì bạn nói.

  • Time - gọi 115 ngay lập tức nếu bạn thấy bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào trong số các triệu chứng nêu trên.

TIA đôi khi cũng gây ra các triệu chứng khác thường xuất hiện đột ngột (trong vài giây) như:

  • Yếu cơ, liệt hoàn toàn một bên cơ thể

  • Hoang mang

  • Mất thị lực đột ngột, nhìn mờ hoặc nhìn đôi

  • Chóng mặt

  • Đau đầu dữ dội 

  • Giảm khả năng nhận thức

  • Mất ý thức

  • Khó nuốt

Các triệu chứng của TIA chỉ là tạm thời, có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ, và thường biến mất hoàn toàn sau 24 giờ. Tuy nhiên, tìm kiếm sự trợ giúp y tế lập tức vẫn rất cần thiết vì sau TIA, cơn đột quỵ lớn có thể xảy ra. Lưu lượng máu đến não giảm trong thời gian dài có thể dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn.

Tuy nhiên, những triệu chứng này cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác gây ra như:

  • viêm màng não

  • đa xơ cứng

  • đột quỵ xuất huyết hoặc đột quỵ thiếu máu cục bộ

  • ngất xỉu vì huyết áp thấp

Chẩn đoán chính xác có thể giúp bệnh nhân được điều trị thích hợp, giảm nguy cơ đột quỵ trong tương lai ngay cả khi các triệu chứng của TIA đã qua.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ

Cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA) xảy ra khi một trong những mạch máu cung cấp oxy cho não bị tắc nghẽn trong một thời gian ngắn. Sự gián đoạn dòng chảy của máu đến não gây ra một số rối loạn chức năng.

Sự tắc nghẽn mạch máu trong cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua thường là do cục máu đông hình thành ở những nơi khác trong cơ thể và di chuyển đến các mạch máu cung cấp cho não. TIA cũng có thể gây ra bởi các mảng xơ vữa, thuyên tắc hoặc xuất huyết do vỡ mạch máu. 

Yếu tố nguy cơ

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị TIA:

  • Tuổi tác - mặc dù TIA có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi (bao gồm cả trẻ em và người lớn), nhưng phổ biến nhất ở những người trên 55 tuổi

  • Giới tính: ở nam có nguy cơ cao hơn

  • Dân tộc - những người gốc Nam Á, Châu Phi hoặc Ca-ri-bê có nguy cơ TIA cao hơn

  • Tiền sử gia đình bị đột quỵ hay TIA

  • Tiền sử bệnh - các tình trạng sức khỏe khác như tăng cholesterol, bệnh tiểu đường, tăng huyết áp và các bệnh tim mạch có thể làm tăng nguy cơ bị TIA

  • Cân nặng và chế độ ăn uống - nguy cơ bị TIA của bạn cao hơn nếu bạn thừa cân, béo phì hoặc có chế độ ăn uống không lành mạnh với nhiều chất béo và muối

  • Hút thuốc và rượu - hút thuốc và/hoặc thường xuyên uống quá nhiều rượu có thể làm tăng nguy cơ TIA của bạn

  • Lười vận động

Chẩn đoán

Bất cứ ai gặp dấu hiệu của cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA) đều cần được chuyên gia chăm sóc sức khỏe kiểm tra đánh giá càng sớm càng tốt. Bạn nên gặp bác sĩ chuyên khoa trong vòng 24h sau khi bắt đầu có các triệu chứng.

Đánh giá ban đầu

Các triệu chứng của TIA thường qua rất nhanh và có thể không còn xuất hiện khi bạn gặp bác sĩ. Bác sĩ sẽ khai thác một số thông tin qua bệnh nhân hoặc người thân như:

  • Các dấu hiệu, triệu chứng đã xảy ra

  • Thời gian xuất hiện và kéo dài các triệu chứng đó

  • Tiền sử gia đình và tiền sử bệnh của bệnh nhân

  • Kiểm tra về thần kinh bao gồm trí nhớ và nhận thức

thieu-mau-cuc-bo-thoang-qua-TIA

Kiểm tra

Một số xét nghiệm có thể được thực hiện để xác nhận TIA và tìm hiểu nguyên nhân như:

  • Kiểm tra huyết áp

  • Xét nghiệm máu để kiểm tra mức cholesterol và khả năng đông máu 

  • Điện tâm đồ (ECG): phát hiện nhịp tim bất thường

  • Siêu âm tim để kiểm tra hoạt động bơm máu của tim

  • Chụp X-quang ngực giúp loại trừ các vấn đề khác

  • Chụp CT để phát hiện phình động mạch, xuất huyết hoặc sự thay đổi mạch máu trong não

  • Chụp MRI để giúp xác định tổn thương não

Phòng ngừa và điều trị

Điều trị

Việc điều trị như nào phụ thuộc vào nguyên nhân của cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua.

Bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giảm nguy cơ huyết khối và đột quỵ. Các lựa chọn sử dụng thuốc phụ thuộc vào nguyên nhân của TIA nhưng thường bao gồm:

  • Thuốc chống kết tập tiểu cầu: Aspirin, Ticlopidine (Ticlid) và Clopidogrel (Plavix)

  • Thuốc chống đông máu: Warfarin (Coumarin) và Heparin 

  • Thuốc điều trị tăng huyết áp

  • Thuốc kiểm soát mức cholesterol

  • Thuốc kiểm soát loạn nhịp tim và các bệnh tim mạch 

Tất cả các loại thuốc này đều có thể có tác dụng phụ hoặc tương tác với các loại thuốc khác. Vì vậy, bạn nên trao đổi với  bác sĩ về các loại thuốc mình đang sử dụng, bao gồm thuốc không kê đơn, thực phẩm chức năng và thảo dược. Nếu gặp tác dụng phụ trong quá trình sử dụng thuốc, bạn cần thông báo  ngay cho bác sĩ để tìm giải pháp thay thế.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để loại bỏ cục máu đông gây tắc nghẽn hoặc một phần của động mạch bị tổn thương.

Phòng ngừa: 

Một số thay đổi trong lối sống có thể giúp bạn phòng ngừa cơn đột quỵ thoáng qua như: 

  • Hạn chế hút thuốc. Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá

  • Chế độ ăn dinh dưỡng, đa dạng, nhiều trái cây và rau xanh

  • Hạn chế muối và chất béo không lành mạnh

  • Tập thể dục thường xuyên

  • Tránh sử dụng các chất kích thích

  • Quản lý trọng lượng cơ thể

  • Tuân theo kế hoạch điều trị của bác sĩ

Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có cho mình một chiến lược chăm sóc sức khỏe phù hợp. 

Nguồn: Medical Newstoday

Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới:

http://stroke.ahajournals.org/content/strokeaha/45/7/2160.full.pdf

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4832890/

https://www.nhs.uk/conditions/transient-ischaemic-attack-tia/

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK459143/

https://www.nhlbi.nih.gov/health-topics/stroke

https://www.stroke.org/en/about-stroke/stroke-symptoms

https://www.stroke.org/en/about-stroke/types-of-stroke/tia-transient-ischemic-attack

https://www.cdc.gov/stroke/types_of_stroke.htm

Thùy Trang
BÌNH LUẬN
Tin cùng chuyên mục

        Dược sĩ tư vấn