Những điều cần biết về bệnh mạch máu não

Ngày: 28/10/2021 lúc 10:02AM

Bệnh mạch máu não có thể gây tử vong hoặc có thể dẫn đến tàn tật lâu dài. Tuy nhiên, một số người sẽ phục hồi hoàn toàn. Điều trị kịp thời và một lối sống làm giảm nguy cơ đột quỵ là những cách tốt nhất để cải thiện  cho một người mắc bệnh mạch máu não.

Bệnh mạch máu não là một nhóm tình trạng, bệnh tật và các rối loạn ảnh hưởng đến mạch máu và sự cung cấp máu cho não. Tình trạng tắc nghẽn hay xuất huyết mạch máu não làm cho các tế bào não không được cung cấp đủ oxy, có thể dẫn đến tổn thương. 

Bệnh mạch máu não bao gồm: đột quỵ, thiếu máu cục bộ thoáng qua, chứng phình động mạch và dị dạng mạch máu. Đây là nguyên nhân phổ biến thứ 5 gây tử vong tại Hoa Kỳ. Số liệu năm 2017 đã thống kê 146383 ca tử vong vì các bệnh mạch máu não, tức là cứ 100000 người thì có 44.9 người tử vong vì nguyên nhân này.

Bài viết dưới đây, chúng tôi giải thích các triệu chứng, phân loại, cách điều trị và phòng ngừa cho những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng này.

1. Nguyên nhân

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh mạch máu não, bao gồm: xơ vữa động mạch, huyết khối động mạch (cục máu đông tắc ở động mạch não), huyết khối tĩnh mạch (cục máu đông tắc ở tĩnh mạch não). Nếu mạch máu não bị tổn thương, dòng máu đến não bị cản trở, các tế bào não không được cung cấp đầy đủ oxy sẽ dần bị chết đi. 

Xơ vữa động mạch là nguyên nhân chính gây ra bệnh mạch máu não. Điều này xảy ra khi mức cholesterol trong máu cao, cùng với tình trạng viêm trong động mạch não, dần dần cholesterol tích tụ thành một mảng bám dày, làm hẹp hoặc cản trở  dòng chảy của máu trong động mạch. Mảng bám dày này có thể hạn chế hoàn toàn lưu lượng máu đến não, gây ra đột quỵ hoặc thiếu máu cục bộ thoáng qua.

benh-mach-mau-nao

2. Các yếu tố nguy cơ 

Đột quỵ là loại tổn thương mạch máu não phổ biến nhất. Vậy thì có những nguy cơ nào tiềm ẩn dẫn đến đột quỵ? Chúng ta có thể thấy rõ một điều là nguy cơ đột quỵ tăng lên theo tuổi tác. Đặc biệt, khi họ đã từng bị tai biến mạch máu não trước đó thì nguy cơ đột quỵ là rất cao. Nguy cơ này tăng gấp đôi sau mỗi 10 năm trong khoảng từ 55 đến 85 tuổi.

Ngoài ra, tai biến mạch máu não có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, ngay cả trong thời kỳ sơ sinh. Các yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ và các loại bệnh mạch máu não khác bao gồm:

  • Tăng huyết áp ( Huyết áp từ 130/80 mmHg trở lên)

  • Hút thuốc

  • Béo phì

  • Chế độ ăn uống nghèo nàn và thiếu tập thể dục

  • Bệnh tiểu đường

  • Mức cholesterol trong máu từ 240 mg/dl trở lên

Dị tật bẩm sinh hoặc chấn thương sọ não là yếu tố nguy cơ dẫn đến phình động mạch não.

Ngoài ra, mang thai cũng có thể làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối tĩnh mạch (cục máu đông làm tắc nghẽn tĩnh mạch não). 

Các yếu tố nguy cơ khác của bệnh mạch máu não bao gồm:

  • Bệnh Moyamoya: Đây là một tình trạng bệnh có thể dẫn đến tắc nghẽn động mạch não và các nhánh chính của chúng.

  • U tĩnh mạch: Theo như thống kê u tĩnh mạch ảnh hưởng khoảng 2% dân số Hoa Kỳ, tình trạng này hiếm khi gây ra chảy máu hay  các triệu chứng khác.

  • Dị dạng tĩnh mạch Galen: Một chứng rối loạn động mạch phát triển ở thai nhi trong thời kỳ mang thai.

3. Triệu chứng

Các triệu chứng của bệnh mạch máu não phụ thuộc vào vị trí tắc nghẽn và tác động của nó đến mô não. Dấu hiệu của đột quỵ là biểu hiện phổ biến nhất của bệnh mạch máu não. 

Các triệu chứng thường gặp bao gồm: :

  • Đau đầu dữ dội và đột ngột

  • Liệt một bên cơ thể hoặc liệt nửa người

  • Yếu cơ, thường ở một bên

  • Hoang mang

  • Nói khó nghe, khó giao tiếp

  • Mất thị lực ở một bên

  • Mất thăng bằng

  • Bất tỉnh

Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ đã đưa ra các khuyến cáo và quy tắc FAST hỗ trợ trong việc phát hiện các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ:

  • Face: mặt rủ xuống, méo xệch
  • Arm: cánh tay yếu cơ, không nhấc lên được
  • Speech: giọng nói ú ớ, khó khăn trong giao tiếp
  • Time: cần gọi ngay cấp cứu, cơ sở y tế gần nhất

Chăm sóc y tế khẩn cấp là yếu tố tiên quyết trong xử trí bệnh nhân gặp tai biến mạch máu não để hạn chế tối đa các biến chứng.

benh-mach-mau-nao

4. Phân loại

Các loại bệnh máu não bao gồm:

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ

Những cơn đột quỵ này xảy ra khi cục máu đông hoặc mảng xơ vữa động mạch làm tắc nghẽn mạch máu cung cấp máu cho não. Cục máu đông, hoặc huyết khối, có thể hình thành trong một động mạch hẹp. Khi thiếu nguồn cung cấp máu dẫn đến chết các tế bào não, thì sẽ xảy ra tai biến mạch máu não.

Thuyên tắc mạch

Đây là loại đột quỵ do thiếu máu cục bộ phổ biến nhất. Thuyên tắc xảy ra khi một cục máu đông vỡ ra từ nơi khác trong cơ thể, di chuyển đến não và gây tắc một động mạch nhỏ. Những người bị rối loạn nhịp tim thì dễ bị thuyên tắc hơn.

Đột quỵ do xuất huyết

Mạch máu ở một phần não bị suy yếu và vỡ ra, khiến máu chảy vào não. Máu bị rò rỉ gây áp lực lên mô não, dẫn đến phù nề, làm tổn thương mô não. Xuất huyết cũng có thể làm cho các bộ phận lân cận của não bị mất nguồn cung cấp máu giàu oxy. Khi não bị thiếu oxy thì cơ thể cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt. Như vậy, thiếu oxy trầm trọng sẽ dẫn đến đột quỵ.

Phình động mạch não hoặc xuất huyết dưới màng nhện

Nguyên nhân có thể do các vấn đề trong cấu trúc mạch máu não. Phình động mạch là một khối phồng trong thành động mạch, có thể bị vỡ và chảy máu. Xuất huyết dưới màng nhện xảy ra khi một mạch máu bị vỡ và chảy máu giữa hai màng bao quanh não. Sự rò rỉ máu này có thể làm tổn thương các  tế bào não. 

5. Chẩn đoán 

Tất cả các biến cố mạch máu não đều là trường hợp cấp cứu y tế khẩn cấp và khi nhận thấy các triệu chứng phải liên hệ ngay với 115 để đánh giá và hỗ trợ một cách nhanh nhất. Chẩn đoán sớm là chìa khóa để giảm tổn thương não.

Bác sĩ có thể chụp động mạch não, chụp động động mạch đốt sống hoặc chụp động mạch cảnh để xác định bất thường trong mạch máu như cục máu đông hoặc khiếm khuyết mạch máu qua CT hoặc MRT.

Quét CAT giúp bác sĩ chẩn đoán và phát hiện đột quỵ xuất huyết. Chụp MRI phát hiện ngay cả đột quỵ ở giai đoạn đầu. Điện tâm đồ (EKG hoặc ECG) có thể phát hiện rối loạn nhịp tim - đây là một yếu tố nguy cơ gây đột quỵ thuyên tắc.

6. Điều trị

Tai biến mạch máu não cần được điều trị khẩn cấp. Đánh giá và điều trị nhanh chóng là rất quan trọng vì bệnh nhân phải được dùng thuốc trong thời gian ngắn nhất  từ khi xuất hiện các triệu chứng.

Trong trường hợp đột quỵ cấp tính, đội cấp cứu có thể sử dụng một loại thuốc là chất hoạt hóa plasminogen mô (tPA) để phá vỡ cục máu đông.

Bệnh nhân cũng có thể được bác sĩ đánh giá và tiến hành phẫu thuật để giảm áp lực do xuất huyết gây ra. Cắt nội mạc động mạch cảnh là phẫu thuật rạch động mạch cảnh và loại bỏ mảng bám. Khi không còn mảng bám thì máu sẽ lưu thông trở lại. Sau đó, bác sĩ phẫu thuật sẽ khâu hoặc ghép lại. 

Một số bệnh nhân có thể được yêu cầu nong động mạch cảnh và đặt stent, Bác sĩ phẫu thuật sẽ đưa một ống thông có gắn bóng vào động mạch, tiếp đó là thổi phồng quả bóng để nó mở lại động mạch.

Sau đó, bác sĩ phẫu thuật đặt một ống lưới mảnh bằng kim loại hoặc stent vào bên trong động mạch cảnh để cải thiện lưu lượng máu trong động mạch bị tắc nghẽn trước đó. Ở đây, Stent có vai trò ngăn động mạch bị xẹp hoặc đóng lại sau thủ thuật.

7. Phục hồi chức năng

benh-mach-mau-nao

Bệnh mạch máu não có thể gây ra tổn thương não vĩnh viễn, bệnh nhân có thể bị tàn tật tạm thời hoặc vĩnh viễn sau một cơn đột quỵ. Vì vậy, bệnh nhân có thể được yêu cầu một loạt các liệu pháp hỗ trợ và phục hồi để giữ được nhiều chức năng nhất có thể. Sau đây một số phương pháp để phục hồi chức năng:

  • Vật lý trị liệu: Điều này nhằm mục đích phục hồi khả năng vận động, linh hoạt và chức năng chân tay.

  • Liệu pháp ngôn ngữ: Điều này có thể giúp mọi người giao tiếp rõ ràng hơn và lấy lại giọng nói sau cơn đột quỵ hoặc cơn tai biến mạch máu não.

  • Liệu pháp chuyên gia: Điều này có thể giúp một người tiếp cận các cơ sở để hỗ trợ quay trở lại làm việc và cuộc sống hàng ngày

  • Liệu pháp tâm lý: Khuyết tật thể chất có thể tạo ra những thay đổi tiêu cực về cảm xúc và đòi hỏi điều trị chuyên sâu. Bệnh nhân nên  gặp bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học hoặc cố vấn sau tai biến mạch máu não nếu họ cảm thấy căng thẳng hoặc trầm cảm.

8. Phòng ngừa

Phương pháp làm giảm nguy cơ mắc bệnh mạch máu não bao gồm:

  • Không hút thuốc

  • Có ít nhất 150 phút tập thể dục vừa phải đến cường độ cao mỗi tuần

  • Thiết kế một chế độ ăn uống căn bằng hỗ trợ sức khỏe mạch máu. Chế độ ăn DASH được Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia (National Heart, Lung, and Blood Institute) khuyến cáo

  • Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh

  • Kiểm soát cholesterol trong máu và huyết áp bằng chế độ ăn uống và thuốc nếu cần thiết

Những người bị rối loạn nhịp tim nên tham khảo ý kiến bác sĩ xem họ có nên dùng thuốc làm tăng loãng máu để ngăn ngừa đột quỵ hay không.

Đột quỵ và các tổn thương mạch máu não khác có thể gây tử vong, nhưng với sự chăm sóc y tế nhanh chóng, khả năng hồi phục hoàn toàn hoặc một phần là hoàn toàn có thể. Những người bị bệnh mạch máu não nên tuân theo các lời khuyên về lối sống lành mạnh và hướng dẫn của bác sĩ để giảm nguy cơ bị tấn công.

Nguồn: Medical Newstoday

Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới:

https://www.nhlbi.nih.gov/health-topics/carotid-endarterectomy

https://www.stroke.org/en/about-stroke/types-of-stroke#.WBMLG5MrJTY

https://www.healthline.com/health/cerebrovascular-disease#symptoms

https://www.aans.org/en/Patients/Neurosurgical-Conditions-and-Treatments/Cerebrovascular-Disease

https://www.medicalnewstoday.com/articles/153201

https://www.nhlbi.nih.gov/health-topics/dash-eating-plan

 

Lâm Hằng
BÌNH LUẬN
Tin cùng chuyên mục

        Dược sĩ tư vấn