Nguyên nhân khiến huyết áp không ổn định là gì?
Ngày: 05/12/2020 lúc 10:46AM
Sự không ổn định của huyết áp là bình thường và có thể dự đoán được. Tuy nhiên, những thay đổi này cũng có thể là dấu hiệu cho các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn mà bạn cần chú ý.
Bài viết gồm các nội dung chính sau:
- Tổng quan
- Nguyên nhân
- Các yếu tố nguy cơ
- Điều trị
- Kiểm soát huyết áp tại nhà
- Các biến chứng
- Kết luận
Tổng quan
Hầu hết mỗi lần đi khám bác sĩ sẽ đều đo huyết áp vì chỉ số này có thể cho bác sĩ biết nhiều điều về sức khỏe của bạn. Chỉ số huyết áp hơi thấp hoặc cao một chút có thể là dấu hiệu của các vấn đề tiềm ẩn. Sự thay đổi huyết áp của bạn giữa các lần khám cũng có thể là một dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe.
Huyết áp là áp lực cần thiết tác động lên thành của động mạch để đưa máu từ tim đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Huyết áp thay đổi tự nhiên nhiều lần trong ngày. Hầu hết các thay đổi này là bình thường và có thể dự đoán được. Khi xảy ra những đợt tăng và giảm huyết áp đột biến, bạn có thể không gặp các dấu hiệu hoặc triệu chứng bất thường. Những biến động này có thể ngắn và thoáng qua.
Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy chỉ số huyết áp của bạn rất cao hoặc thấp bất thường, bạn cần báo ngay với bác sĩ. Khi bạn nhận thấy những thay đổi này, bạn cần phải ghi ngay chỉ số huyết áp, các hoạt động bạn làm và thời gian để huyết áp trở lại bình thường vào nhật ký vì điều này vô cùng quan trọng. Thông tin này có thể giúp bạn hoặc bác sĩ của bạn phát hiện một mẫu hoặc một vấn đề.
Nguyên nhân
Huyết áp không ổn định có thể do một số vấn đề dưới đây.
Căng thẳng
Cảm xúc căng thẳng và lo lắng có thể tạm thời làm tăng huyết áp. Theo thời gian, căng thẳng quá mức có thể ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch của bạn và có thể dẫn đến các vấn đề về huyết áp vĩnh viễn.
Hội chứng áo choàng trắng
Hội chứng áo choàng trắng xảy ra khi bạn cảm thấy lo lắng hoặc căng thẳng mỗi khi gặp bác sĩ khiến huyết áp tăng đột biến tạm thời. Trong khi ở nhà thì bạn có thể thấy chỉ số huyết áp của mình bình thường. Kết quả đo huyết áp cao không có nghĩa là bạn bị tăng huyết áp (huyết áp cao). Tuy nhiên, những người bị tăng huyết áp áo choàng trắng có nhiều khả năng bị mắc bệnh này hơn.
Thuốc
Cả thuốc không kê đơn và thuốc kê đơn đều có thể ảnh hưởng đến huyết áp của bạn. Một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu và thuốc hạ huyết áp có tác dụng làm giảm huyết áp của bạn. Những loại thuốc khác, như thuốc trị cảm lạnh và dị ứng lại có thể làm tăng huyết áp của bạn.
Các hoạt động
Việc tập thể dục, nói chuyện, cười và thậm chí quan hệ tình dục có thể gây ra sự không ổn định của huyết áp.
Đồ ăn thức uống
Những gì bạn ăn hoặc uống có thể ảnh hưởng đến chỉ số huyết áp của bạn. Thực phẩm giàu tyramine, một chất có trong các thực phẩm để lâu năm, có thể làm tăng huyết áp, bao gồm các loại thực phẩm:
- lên men
- ngâm chua
- muối
- xông khói
Đồ uống có caffeine cũng có thể làm tăng huyết áp tạm thời.
Vấn đề về thượng thận
Hệ thống thượng thận của bạn chịu trách nhiệm sản xuất ra hormone. Khi lượng hormone do tuyến thượng thận của bạn sản xuất ra thấp, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi. Kết quả là huyết áp của bạn có thể giảm. Ngược lại, khi hệ thống thượng thận hoạt động quá mức có thể gây tăng huyết áp đột ngột và bệnh huyết áp cao.
U tủy thượng thận
Khối u hiếm gặp này phát triển trong tuyến thượng thận và ảnh hưởng đến việc sản xuất hormone. Nó có thể đột ngột gây ra các kết quả đo huyết áp không đều với các nhịp bình thường ở giữa.
Các yếu tố nguy cơ
Những yếu tố này có thể khiến huyết áp của bạn có nhiều nguy cơ không ổn định:
- mức độ căng thẳng cao
- lo lắng
- uống thuốc huyết áp không hiệu quả hoặc không uống kéo dài cho đến liều tiếp theo
- hút thuốc lá
- uống quá nhiều rượu
- làm việc ca đêm
Một số điều kiện cũng có thể làm tăng nguy cơ gây huyết áp bất thường. Bao gồm:
- bệnh tiểu đường
- trong thai kỳ
- mất nước
- bệnh tim mạch
- huyết áp cao kiểm soát kém hoặc không kiểm soát được
- khó thở khi ngủ
- bệnh thận
- các vấn đề về tuyến giáp
- vấn đề của hệ thần kinh
Điều trị
Các chỉ số huyết áp không ổn định không nhất thiết phải điều trị trừ khi chúng được gây ra bởi tình trạng hoặc bệnh lý có từ trước. Đó là lý do tại sao điều trị huyết áp không ổn định bao gồm ba phần chính. Đó là:
Thường xuyên theo dõi huyết áp của bạn: Các mức huyết áp cao và thấp bất thường có thể là dự đoán các vấn đề sức khỏe trong tương lai. Vì vậy, hãy đo và theo dõi các chỉ số huyết áp thường xuyên để nắm bắt vấn đề sức khỏe của bạn sớm.
Thay đổi lối sống lành mạnh: Thực hành lối sống lành mạnh có thể giúp bạn tránh các vấn đề về huyết áp hoặc huyết áp không ổn định.
Dùng thuốc theo chỉ định: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giúp điều chỉnh huyết áp của bạn nếu việc thay đổi lối sống là chưa đủ.
Kiểm soát huyết áp tại nhà
Bạn có thể giúp cơ thể kiểm soát huyết áp bằng cách áp dụng các thay đổi trong lối sống để giúp bạn trở nên khỏe mạnh hơn.
Giảm cân và duy trì trọng lượng ở mức thích hợp
Đàn ông có vòng eo trên 100cm và phụ nữ có vòng eo trên 90cm có nhiều nguy cơ gặp các vấn đề về huyết áp.
Tập thể dục thường xuyên
Bạn nên đặt ra mục tiêu tập thể dục mức vừa phải trong 30 phút mỗi ngày và năm ngày mỗi tuần. Nếu bạn mới tập thể dục, hãy trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ thói quen tập thể dục mới nào và thực hiện thói quen này từ từ. Việc bắt đầu tập với cường độ cao có thể gây nguy hiểm cho bạn, đặc biệt là ở những người không kiểm soát được huyết áp.
Thói quen ăn uống lành mạnh
Thực hành chế độ ăn kiêng DASH (Phương pháp tiếp cận chế độ ăn uống để ngừng tăng huyết áp) để giảm nguy cơ cao huyết áp. Khi thực hiện chế độ ăn kiêng này, bạn sẽ ăn chủ yếu các thực phẩm như ngũ cốc nguyên cám, rau, trái cây và sữa ít béo.
Ăn ít natri
Đo lượng natri hàng ngày của bạn để bạn biết mình đang nạp vào bao nhiêu. Sau đó, hãy tập trung vào việc duy trì mức khuyến nghị hàng ngày của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ là 2.300 miligam. Nếu bạn đã được chẩn đoán là tăng huyết áp hoặc huyết áp cao, hãy đặt mục tiêu cho lượng natri nạp vào là 1.500 miligam.
Tránh căng thẳng
Bạn nên tìm những cách lành mạnh để đối phó với sự căng thẳng hàng ngày. Một số phương pháp hiệu quả có thể liệt kê bao gồm: tập thể dục, yoga, áp dụng kỹ thuật thở hoặc liệu pháp trò chuyện.
Hạn chế uống rượu và caffeine
Caffeine có thể làm tăng huyết áp của bạn, trong khi rượu làm giảm nó. Những chất này cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh như tim và thận. Các bệnh này có khả năng làm tăng nguy cơ gây bệnh cao huyết áp ở bạn.
Ngừng sử dụng thuốc lá
Bạn hãy tạo thói quen tốt để giữ huyết áp ở mức ổn định. Nếu bạn đang nghiện thuốc lá thì bạn nên trao đổi với bác sĩ về các chương trình cai thuốc lá. Tham gia một nhóm hỗ trợ hoặc hạn chế tiếp giao du với người bạn hay rủ bạn hút thuốc lá là 2 phương pháp có thể giúp bạn kiên định với kế hoạch của mình.
Các biến chứng
Chỉ số huyết áp dao động không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe lớn hơn. Tuy nhiên, đối với một số người, nó có thể là dấu hiệu cảnh báo về các vấn đề trong tương lai, bao gồm:
Tăng huyết áp
Tăng huyết áp không tiến triển nhanh chóng. Nó thường tăng dần lên và các chỉ số huyết áp bất thường có thể là dấu hiệu đầu tiên của vấn đề sức khỏe. Chính vì vậy, bạn nên theo dõi huyết áp của bản thân thường xuyên để nhận biết được các dấu hiệu của tăng huyết áp mãn tính.
Bệnh tim
Trong một nghiên cứu đáng tin cậy, những người có huyết áp chênh lệch giữa các lần khám bác sĩ có nhiều khả năng bị suy tim và đột quỵ hơn những người có chỉ số huyết áp bình thường.
Sa sút trí tuệ
Một nghiên cứu từ Nhật Bản cho thấy những người có huyết áp không ổn định có nguy cơ bị suy giảm tinh thần này cao gấp hai lần so với những người không có biến động.
Kết luận
Sự không ổn định của huyết áp là bình thường và có thể dự đoán được. Các hoạt động hàng ngày như tập thể dục, đi bộ và nói chuyện có thể ảnh hưởng đến chỉ số huyết áp của bạn. Tuy nhiên, những thay đổi này cũng có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe có thể xảy ra. Vì vậy, điều quan trọng là bạn cần phải theo dõi chúng chặt chẽ và làm việc với bác sĩ để tránh các vấn đề nghiêm trọng hơn có thể xảy ra trong tương lai.
Nếu bạn thấy chỉ số huyết áp của bạn thay đổi bất thường, hãy ghi lại các kết quả đo của bạn, sau đó hẹn gặp và báo với bác sĩ. Chúng ta chắc chắn sẽ đều đồng ý với quan điểm: “Sẽ tốt hơn nhiều khi bạn nắm bắt và kiểm soát được một vấn đề tiềm ẩn hơn là phải đối mặt với một vấn đề lớn hơn sau đó”, phải không nào?
Nguồn: healthline.com
Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới:
https://doi.org/10.1038/sj.jhh.1001651
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/depression/expert-answers/maois/faq-20058035
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pheochromocytoma/symptoms-causes/syc-20355367
https://doi.org/10.7326/M14-2803
https://doi.org/10.1161/CIRCULATIONAHA.116.025667
https://www.healthline.com/health/fluctuating-blood-pressure#outlook