Nguy cơ đột quỵ đối với bệnh nhân đái tháo đường

Ngày: 29/10/2021 lúc 18:53PM

Nguy cơ đột quỵ đối với bệnh nhân tiểu đường thường cao hơn bình thường. Tuy nhiên, người bệnh có thể giảm nguy cơ đột quỵ nếu kiểm soát đường huyết tốt và thực hiện những thay đổi để có một lối sống lành mạnh hơn.

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), bệnh nhân đái tháo đường có khả năng bị đột quỵ cao gấp 1,5 lần so với những người không mắc bệnh này. Điều này là do đường huyết thay đổi thường xuyên, gây ảnh hưởng đến hệ thống mạch máu. Để biết thêm về mối liên hệ giữa bệnh đái tháo đường và đột quỵ cũng như các cách ngăn ngừa và giảm nguy cơ đột quỵ, chúng ta hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây.

dot-quy-o-benh-nhan-dai-thao-duong

Mối liên hệ giữa đột quỵ và đái tháo đường

Tai biến mạch máu não (đột quỵ) xảy ra khi quá trình cung cấp oxy lên não bị gián đoạn. Phần lớn đột quỵ xảy ra do cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu ở não. Theo thời gian, lượng đường huyết trong máu cao có thể làm tổn thương các mạch máu và dây thần kinh. Bệnh nhân đái tháo đường có thời gian lượng đường trong máu cao dài hơn so với người không mắc bệnh, đặc biệt đối với những trường hợp kiểm soát đường huyết không tốt. Điều này khiến họ dễ bị đột quỵ.

Người bị tiểu đường cũng có khả năng cao mắc các bệnh khác làm tăng nguy cơ đột quỵ và các bệnh tim mạch như huyết áp cao và béo phì.

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), có 16% người trên 65 tuổi mắc bệnh đái tháo đường tử vong do đột quỵ và có tới 68% tử vong do các bệnh về tim mạch. AHA coi tiểu đường là  “một trong bảy yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh tim mạch có thể kiểm soát”

Những điều cần biết về đột quỵ

Đột quỵ xảy ra khi máu không tới được não do cục máu đông chặn lại hoặc do mạch máu bị vỡ. Khi đó, các tế bào não không được cung cấp đầy đủ oxy cũng như chất dinh dưỡng, gây chết tế bào não, trong một số trường hợp gây tổn thương não. Có ba loại đột quỵ:

  • Đột quỵ thiếu máu cục bộ: do cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu.

  • Đột quỵ xuất huyết: do mạch máu tới não yếu dẫn tới bị vỡ hoặc rò rỉ

  • Cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA): được coi là một cơn đột quỵ nhỏ, nguyên nhân do các cục máu đông tạm thời hoặc lưu lượng máu thấp đến não.

Các triệu chứng và dấu hiệu cảnh báo

Triệu chứng và dấu hiệu cảnh báo của đột quỵ thường xuất hiện đột ngột. Các bác sĩ khuyên rằng những người có nguy cơ đột quỵ cao nên tìm hiểu về các dấu hiệu cảnh báo F.A.S.T và kế hoạch hành động.

dot-quy-o-benh-nhan-dai-thao-duong

FAST là gì?

  • F (Face): Khuôn mặt bị mất cân đối, một bên mặt bị chảy xệ, cười méo mó.

  • A (Arm): Cử động khó khăn hoặc không thể cử động tay chân, yếu liệt một bên cơ thể. Giơ đồng thời hai tay lên và so sánh, nếu hai tay không thể nâng qua đầu cùng lúc thì có nguy cơ bị đột quỵ.

  • S (Speech): Giọng nói bị thay đổi, nói ngọng, dính chữ. 

  • T (Time): Hãy gọi ngay cấp cứu (115) hoặc đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện càng sớm thì tổn thương càng ít, khả năng phục hồi càng cao, ngược lại đưa đến bệnh viện càng trễ thì càng có nhiều biến chứng nguy hiểm.

Ngoài những dấu hiệu của FAST kể trên thì còn có các triệu chứng cảnh báo khác như:

  • Tê hoặc yếu ở một bên mặt hoặc cơ thể

  • Đau đầu dữ dội

  • Khó đi lại hoặc khó thực hiện các động tác phối hợp và thăng bằng khác

  • Tinh thần hoang mang, bối rối

  • Khó nhìn ở một hoặc cả hai mắt

Những triệu chứng này xuất hiện đột ngột và có thể trở nên nghiêm trọng.

Một số yếu tố nguy cơ làm tăng đột quỵ

Ngoài yếu tố là bệnh tiểu đường, còn có những vấn đề sức khỏe khác có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ của một người như:

  • Huyết áp cao

  • Béo phì

  • Nồng độ cholesterol máu cao

  • Tiền sử mắc bệnh tim

  • Đã bị đột quỵ trước đó, bao gồm cả TIA (cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua) )

  • Bệnh hồng cầu hình liềm

  • Rối loạn xuất huyết 

  • Trầm cảm

Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC), đột quỵ phổ biến hơn ở một số nhóm nhất định:

  • Người lớn tuổi: sau tuổi 55 thì nguy cơ đột quỵ tăng gấp đôi sau mỗi 10 năm.

  • Nam giới: mặc dù nữ giới có khả năng tử vong vì đột quỵ cao hơn.

  • Những người có tiền sử gia đình bị đột quỵ.

Ngoài ra, lối sống không lành mạnh cũng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, như: hút thuốc lá, sử dụng rượu hoặc ma túy và không tập thể dục thường xuyên.

Các biện pháp phòng ngừa đột quỵ

Một số người cần dùng thuốc trong khi một số trường hợp khác chỉ cần kiểm soát tốt bệnh tiểu đường và duy trì một lối sống lành mạnh là đã đủ để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ.

Người mắc bệnh tiểu đường có thể kiểm soát lượng đường trong máu bằng cách thay đổi  chế độ ăn uống và thực hiện các chỉ dẫn của bác sĩ để ngăn đường huyết tăng đột biến.

Theo hướng dẫn của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, mọi người nên tuân theo một số chế độ ăn kiêng được khuyến nghị bởi chuyên gia dinh dưỡng để kiểm soát đường huyết.

Một số biện pháp giúp giảm nguy cơ đột quỵ bao gồm:

  • Tập thể dục thường xuyên, ít nhất 2 giờ 30 phút với cường độ vừa phải mỗi tuần.

  • Chế độ ăn nhiều rau và ít cholesterol xấu cho sức khỏe.

  • Không hút thuốc lá

  • Hạn chế uống rượu bia.

  • Duy trì mức cholesterol tốt.

  • Duy trì cân nặng hợp lý.

  • Điều trị bệnh cao huyết áp

Hồi phục sau đột quỵ

Quá trình phục hồi sau đột quỵ tiến triển khác nhau đối với mỗi người. Một số người hồi phục hoàn toàn sau đột quỵ chỉ trong vài tuần. Một số trường hợp khác có thể mất nhiều năm thậm chí có người không thể hồi phục hoàn toàn.

Quá trình phục hồi nhanh hay không phụ thuộc phần lớn vào việc người bị đột quỵ được cấp cứu nhanh chóng và hiệu quả như thế nào. Nếu một người được điều trị đột quỵ khẩn cấp nhanh chóng thì sẽ có kết quả hồi phục tốt hơn.

dot-quy-o-benh-nhan-dai-thao-duong

Cấp cứu, điều trị cho các trường hợp đột quỵ khẩn cấp phải tùy thuộc vào loại đột quỵ, tuy nhiên có một số cách phổ biến sau:

  • Dùng thuốc làm tan cục máu đông

  • Phẫu thuật để làm thông mạch máu bị tắc nghẽn

  • Đặt stent phẫu thuật

  • Phẫu thuật sửa chữa mạch máu

Sau khi bị đột quỵ, người bệnh thường có một số di chứng kéo dài như:

  • Bị yếu hoặc tê liệt nửa người

  • Mất chức năng nói, không hiểu người khác nói gì

  • Khó thể hiện cảm xúc

  • Đi lại hạn chế, khó thực hiện các động tác cân bằng và phối hợp

  • Tiểu tiện, đại tiện mất tự chủ

  • Khó ăn và nuốt

  • Trầm cảm

Người đã bị đột quỵ có thể cần phục hồi chức năng tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe.

  • Vật lý trị liệu giúp người bệnh thực hiện các động tác cân bằng, phối hợp tốt, giảm tình trạng yếu, tê liệt nửa người.

  • Liệu pháp vận động giúp người bệnh sinh hoạt hàng ngày dễ dàng hơn.

  • Liệu pháp ngôn ngữ giúp người bệnh học lại cách nói và hiểu lời nói.

Tổng kết

Người mắc bệnh tiểu đường có nhiều khả năng bị đột quỵ hơn người không mắc bệnh này. Đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng thứ 5 ở Hoa Kỳ và là nguyên nhân gây tàn tật hàng đầu.

Một số bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn sau đột quỵ nhưng cũng có những người mắc các di chứng kéo dài. Điều trị, cấp cứu nhanh chóng kịp thời sẽ làm giảm nguy cơ biến chứng lâu dài.

Mọi người nên chủ động ngăn ngừa nguy cơn đột quỵ bằng cách duy trì lối sống lành mạnh và kiểm soát các yếu tố nguy cơ, bao gồm kiểm soát đường huyết, chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.

Nguồn: medicalnewstoday.com

Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu và các tổ chức trên thế giới:

https://www.strokeassociation.org/en/about-stroke 

https://www.stroke.org/understand-stroke/recognizing-stroke/act-fast/ 

https://www.heart.org/en/health-topics/diabetes/why-diabetes-matters/cardiovascular-disease--diabetes 

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5298897/ 

https://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/preventing-problems/heart-disease-stroke 

https://www.cdc.gov/stroke/family_history.htm 

http://care.diabetesjournals.org/content/42/Supplement_1/S46 

https://www.cdc.gov/stroke/healthy_living.htm 

https://www.cdc.gov/stroke/recovery.htm 

http://www.diabetes.org/living-with-diabetes/complications/heart-disease/stroke.html

https://www.nhlbi.nih.gov/health-topics/stroke

https://www.stroke.org/understand-stroke/what-is-stroke/ 

Lý Nguyễn
BÌNH LUẬN
Tin cùng chuyên mục

        Dược sĩ tư vấn