Lợi ích của hạt lanh trên nồng độ cholesterol huyết tương
Ngày: 06/11/2020 lúc 16:45PM
Ngoài khả năng làm giảm nguy cơ ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt. Loại hạt nhỏ bé này còn có thể giúp bạn tăng cường sức khỏe tim mạch, cũng như giảm thiểu nồng độ cholesterol xấu trong huyết tương.
Nguồn dinh dưỡng bổ sung tốt nhất cho sức khỏe tim mạch chính là hạt lanh. Hạt giống nhỏ kỳ diệu này đã đóng một vai trò quan trọng trong suốt hơn 5000 năm lịch sử loài người. Cây lanh có xuất xứ từ vùng Địa Trung Hải, ngoài công dụng làm thức ăn, loài cây này còn là nguyên liệu để lấy sợi dệt vải. Chắc hẳn bạn biết vải lanh và cũng yêu thích sự mềm nhẹ của loại vải này. Ngày nay, công dụng được chú ý nhiều nhất của hạt lanh là khả năng làm giảm nguy cơ ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt. Ngoài những lợi ích trên, một nghiên cứu mới đây từ Trung tâm nghiên cứu Thực phẩm nông nghiệp Canada đã nhấn mạnh rằng hạt lanh còn có thể giúp tăng cường sức khỏe tim mạch.
Tổng quan
Hạt lanh mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe do nó có chứa lượng dầu dồi dào dưỡng chất và một loại chất xơ kết hợp đặc biệt có tên lignan. Dầu hạt lanh có hàm lượng các acid béo omega-3 nhiều gần gấp đôi dầu cá. Điểm khác biệt ở đây là dầu hạt lanh chứa acid alpha-linolenic (ALA), một loại omega-3 mạch ngắn. Còn omega-3 trong dầu cá chủ yếu là các chất béo chuỗi dài như EPA và DHA.
Hạt lanh là nguồn lignan dồi dào nhất. Các hợp chất xơ này có thể liên kết với các thụ thể estrogen để ức chế tác dụng thúc đẩy ung thư của estrogen trên mô vú và mô tuyến tiền liệt. Lignan cũng kích thích cơ thể tăng tổng hợp hormon giới tính gắn globulin, hay còn gọi là SHBG. Loại hormon này có tác dụng điều hòa estrogen bằng cách giúp loại bỏ lượng estrogen dư thừa ra khỏi cơ thể. Việc bổ sung hạt lanh xay hoặc các chế phẩm ligan vào chế độ ăn (300mg mỗi ngày), đã được chứng minh có thể làm giảm nồng độ LDL-cholesterol trong máu và ổn định huyết áp. Một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Bệnh viện St. Boniface (Canada) đã chỉ ra rằng, sử dụng 30g hạt lanh mỗi ngày giúp làm giảm trung bình 15 mmHg huyết áp tâm thu và 7 mmHg huyết áp tâm trương ở bệnh nhân cao huyết áp.
Nghiên cứu mới đầy hứa hẹn
Nghiên cứu này nhằm đánh giá tác động của việc tiêu thụ hạt lanh đối với nồng độ cholesterol huyết tương trên một nhóm bệnh nhân mắc bệnh động mạch ngoại biên (PAD). Trong đó bao gồm cả những người đang sử dụng statin để làm giảm LDL cholesterol trong máu. Cụ thể, trong vòng một năm, 110 bệnh nhân được bổ sung 30g hạt lanh xay hoặc lúa mì nguyên cám trong khẩu phần ăn hàng ngày. Lượng mỡ máu của họ được đo lường trước khi bắt đầu nghiên cứu, và vào các tháng thứ 1, 6, 12 của cuộc nghiên cứu.
Kết quả cho thấy những bệnh nhân PDA sử dụng hạt lanh trong chế độ ăn hàng ngày đã giảm 15% nồng độ LDL-cholesterol ngay trong tháng đầu tiên. Tuy nhiên, kết quả nhận được sau một năm không có ý nghĩa thống kê trên tất cả các bệnh nhân. Điều thú vị là sau tháng thứ 12, ở nhóm gồm 36 bệnh nhân sử dụng đồng thời cả hạt lanh và statin, nồng độ LDL-cholesterol của họ đã giảm tới 85% so với ban đầu. Kết quả này chỉ ra rằng việc tiêu thụ hạt lanh có thể tăng cường khả năng hạ LDL-cholesterol khi dùng đồng thời với statin.
Một vài lưu ý nhỏ cho bạn!
Thông điệp rút ra từ nghiên cứu này là sự bổ sung đơn giản trong chế độ ăn hàng ngày có thể đem lại những lợi ích đáng kể cho sức khỏe của bạn. Hầu hết các nghiên cứu đều tập trung vào lợi ích của việc sử dụng hạt lanh xay, vì nó cho phép các hợp chất có lợi được giải phóng và hấp thu dễ dàng hơn so với hạt lanh nguyên hạt. Khi mua hạt lanh xay, bạn nên chọn loại được đóng gói trong túi hút chân không kín hoặc đã được bảo quản lạnh. Vì hạt lanh xay dễ bị oxy hóa và dễ hỏng hơn nhiều so với hạt chưa xay.
Dưới đây là một số gợi ý cho bạn để sử dụng hạt lanh một cách đơn giản và nhanh gọn:
- Rắc hạt lanh xay lên món ngũ cốc của bạn
- Ăn kèm với sữa chua
- Thêm hạt lanh xay vào món sinh tố cho bữa sáng của bạn
- Thử rắc thêm một chút hạt lanh xay lên món rau của bạn, mùi vị sẽ thơm ngon hơn rất nhiều!
Nguồn: iherb blog
Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới: