Viêm mạn tính: Nguyên nhân, cách điều trị và kiểm soát bệnh
Ngày: 19/11/2020 lúc 16:57PM
Tình trạng viêm kéo dài gọi là viêm mạn tính, ảnh hưởng tiêu cực tới các mô và cơ quan. Theo các nghiên cứu trên thế giới, viêm mạn tính có thể đóng vai trò trong nhiều căn bệnh, từ hen phế quản đến ung thư.
Viêm là gì?
Viêm là một quá trình của cơ thể chúng ta “chiến đấu” để tự chống lại những thứ gây hại, làm đau cơ thể; ví dụ như nhiễm trùng, chấn thương, hay độc tố. Khi có các yếu tố tấn công, làm tổn thương tế bào, cơ thể sẽ tiết ra các hóa chất kích hoạt hàng loạt phản ứng từ hệ thống miễn dịch.
Phản ứng này bao gồm sự giải phóng các kháng thể và protein, cũng như tăng lưu lượng máu tới khu vực tổn thương. Toàn bộ quá trình này thường kéo dài trong vài giờ hoặc vài ngày với trường hợp viêm cấp tính.
Viêm mạn tính xảy ra khi các phản ứng viêm này kéo dài, khiến các cơ quan trong cơ thể bạn luôn ở tình trạng “cảnh giác” liên tục. Theo thời gian, tình trạng viêm mạn tính có thể có ảnh hưởng tiêu cực tới các mô và cơ quan. Một vài nghiên cứu cho thấy rằng viêm mạn tính cũng có thể đóng một vai trò nào đó trong hàng loạt bệnh, từ hen phế quản đến ung thư.
Hãy đọc để hiểu hơn về viêm mạn tính, bao gồm các nguyên nhân phổ biến và thực phẩm chống lại nó.
Những triệu chứng của viêm mạn tính
Viêm cấp tính thường gây ra các triệu chứng dễ thấy, chẳng hạn như đau, đỏ, sưng. Nhưng các triệu chứng của viêm mạn tính tinh vi hơn, khiến chúng dễ bị bỏ qua.
Các triệu chứng phổ biến của viêm mạn tính bao gồm:
- Mệt mỏi
- Sốt
- Khô miệng
- Phát ban
- Đau bụng
- Đau ngực
Các triệu chứng này có thể từ nhẹ đến nặng và kéo dài từ vài tháng hay vài năm.
Nguyên nhân gây ra viêm mạn tính
Bao gồm:
- Bị viêm cấp tính nhưng không điều trị, chẳng hạn như nhiễm trùng hoặc chấn thương
- Một rối loạn tự miễn (sự nhầm lẫn của hệ thống miễn dịch, tấn công các mô khỏe mạnh)
- Tiếp xúc lâu dài với các chất gây kích ứng, ví dụ như hóa chất công nghiệp hoặc không khí ô nhiễm
Tuy nhiên, những điều trên sẽ không gây ra viêm mạn tính cho tất cả mọi người, mà tùy thuộc từng cá thể. Ngoài ra, một số trường hợp viêm mạn tính không có nguyên nhân cơ bản rõ ràng.
Các chuyên gia cũng cho rằng một số yếu tố sau đây cũng góp phần gây ra chứng viêm mạn tính, chẳng hạn như:
- Hút thuốc
- Béo phì
- Uống rượu
- Stress kéo dài
Tình trạng viêm mạn tính ảnh hưởng thế nào tới cơ thể?
Khi bị viêm mạn tính, những phản ứng viêm của cơ thể có thể gây hại cho các tế bào, mô và cơ quan khỏe mạnh. Theo thời gian, những điều này có thể dẫn đến tổn thương ADN, mô chết và sẹo bên trong.
Tất cả những điều này đều liên quan đến sự tiến triển của một số bệnh, bao gồm:
- Ung thư
- Bệnh tim
- Viêm khớp dạng thấp
- Đái tháo đường typ 2
- Béo phì
- Hen phế quản
- Bệnh thoái hóa thần kinh (ví dụ như Alzheimer)
Điều trị viêm mạn tính
Viêm là một quá trình tự nhiên bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên, khi nó trở nên mạn tính, kiểm soát nó là rất quan trọng để giảm nguy cơ tổn thương lâu dài. Một số lựa chọn để kiểm soát tình trạng viêm bao gồm:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Các thuốc không kê đơn như aspirin, ibuprofen, naproxen có tác dụng chống viêm, giảm đau hiệu quả. Tuy vậy, sử dụng kéo dài sẽ có thể gây ra các tác dụng không mong muốn như loét dạ dày-tá tràng, bệnh thận.
- Steroid: Corticosteroid là một loại hormon steroid, có tác dụng giảm viêm và ức chế hệ thống miễn dịch, rất hữu ích khi các phản ứng viêm bắt đầu tấn công những tế bào, mô khỏe mạnh. Tuy nhiên, những tác dụng không mong muốn mà corticosteroid gây ra là rất nhiều (ảnh hưởng đến thị lực, huyết áp cao, loãng xương,…). Vì vậy, các bác sĩ sẽ phải cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi kê đơn có corticosteroid.
- Các sản phẩm bổ sung: Dầu cá, acid lipoic, curcumin đều có liên quan đến việc giảm viêm liên quan đến các bệnh, bao gồm cả ung thư và bệnh tim. Một số loại gia vị cũng có thể góp phần làm giảm tình trạng viêm mạn tính và viêm nhiễm như gừng, tỏi và ớt.
Chế độ ăn uống ảnh hưởng như thế nào đến tình trạng viêm mạn tính?
Những gì bạn ăn có thể đóng một vai trò tích cực hoặc tiêu cực trong việc kiểm soát tình trạng viêm mạn tính.
Thực phẩm nên ăn
Nhiều loại thực phẩm có đặc tính chống viêm. Chúng bao gồm các loại thực phẩm có nhiều chất chống oxy hóa và polyphenol.
- Dầu ô liu
- Rau xanh (cải xoăn và rau bina)
- Cà chua
- Cá (cá hồi, cá mòi và cá thu)
- Quả hạch
- Trái cây (đặc biệt là quả anh đào, quả việt quất và cam)
Nếu bạn đang muốn xem xét lại thói quen ăn uống của mình, hãy cân nhắc thử chế độ ăn Địa Trung Hải. Một nghiên cứu năm 2018 nhận thấy rằng những người tham gia theo chế độ ăn kiêng này có dấu hiệu viêm thấp hơn. Điều này làm tăng thêm những lợi ích sức khỏe được tìm thấy trong các nghiên cứu khác xung quanh chế độ ăn Địa Trung Hải.
Thực phẩm cần tránh
Những thực phẩm sau có thể làm tăng tình trạng viêm ở một số người:
- Carbohydrat tinh chế, ví dụ như bánh mì trắng và bánh ngọt
- Thực phẩm chiên, ví dụ như khoai tây chiên
- Thịt đỏ
- Thịt chế biến, ví dụ như xúc xích
Nếu bạn đang cố gắng giảm thiểu tình trạng viêm nhiễm, hãy cố gắng giảm lượng thức ăn này. Bạn không cần phải loại bỏ chúng hoàn toàn, nhưng hãy cố gắng chỉ thỉnh thoảng ăn chúng.
Điểm mấu chốt
Viêm mạn tính làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh nghiêm trọng. Bác sĩ có thể chẩn đoán tình trạng viêm bằng cách xét nghiệm máu. Thuốc, thực phẩm chức năng và thực hiện chế độ ăn uống chống viêm có thể giúp bạn giảm nguy cơ bị viêm. Hãy tránh hút thuốc và rượu, duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh cũng có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, đồng thời giảm mức độ stress của bạn.
Nguồn: healthline
Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới:
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/?Db=pubmed&Cmd=ShowDetailView&TermToSearch=21195808
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3261116/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5507106/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2842521/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5476783/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3158445/
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/16531187/
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25620240/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5793290/