Viêm là gì? Phân loại, triệu chứng và phương pháp kiểm soát viêm hiệu quả

Ngày: 22/11/2020 lúc 17:40PM

Viêm là một phần của cơ chế bảo vệ của cơ thể chúng ta và nó đóng vai trò quan trọng trong quá trình chữa lành bệnh. Tuy nhiên nếu viêm cấp tính không được điều trị dứt điểm có thể dẫn đến tình trạng viêm mãn tính.

 

 

Khi phát hiện có “kẻ xâm nhập”, cơ thể chúng ta sẽ khởi động một phản ứng sinh học để cố gắng loại bỏ nó. “Kẻ xâm nhập” ở đây có thể là một vật thể lạ, chẳng hạn như một chiếc gai, chất gây kích ứng hoặc mầm bệnh (gồm vi khuẩn, virus và các sinh vật khác gây nhiễm trùng).

Đôi lúc, cơ thể của chúng ta sẽ nhận biết nhầm các tế bào hoặc mô của chính nó là có hại. Phản ứng này có thể dẫn đến các bệnh tự miễn, ví dụ như bệnh tiểu đường tuýp 1.

Các chuyên gia tin rằng chứng viêm có thể góp phần gây nên một loạt các bệnh mãn tính. Ví dụ như hội chứng chuyển hóa, bao gồm bệnh tiểu đường tuýp 2, bệnh tim và béo phì – những bệnh đang ngày một trở nên phổ biến trong thời đại ngày nay. 

Và những người mắc các bệnh trên thường có các dấu hiệu viêm trong cơ thể ở mức độ cao hơn những người khác.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau đi tìm hiểu thêm về nguyên nhân tại sao tình trạng viêm lại xảy ra, các triệu chứng và cách giải quyết tình trạng này nhé!

Phân loại và các triệu chứng

Có hai loại viêm chính là viêm cấp tính và viêm mãn tính.

Viêm cấp tính

Khi bạn gặp chấn thương hoặc bệnh tật thì nó có thể kéo theo chứng viêm cấp tính (viêm ngắn hạn).

Có năm dấu hiệu chính của viêm cấp tính:

  • Đau: Bạn sẽ thấy đau liên tục hoặc chỉ đau khi bạn chạm vào vùng bị ảnh hưởng bởi viêm.

  • Đỏ da: Xảy ra do sự gia tăng cung cấp máu cho các mao mạch trong khu vực viêm.

  • Mất chức năng: Bạn có thể sẽ thấy khó trong việc cử động khớp, thở, cảm nhận mùi,...

  • Sưng: Tình trạng phù nề có thể phát triển nếu dịch rỉ viêm bị tích tụ lại.

  • Nóng: Lưu lượng máu tăng lên có thể khiến khi chạm vào bạn sẽ thấy vùng bị ảnh hưởng bởi viêm trở nên nóng hơn.

 

 

Nhưng những dấu hiệu này không phải lúc nào cũng có. Đôi khi tình trạng viêm sẽ diễn ra thầm lặng, không có triệu chứng. Bạn cũng có thể thường cảm thấy không khỏe, mệt mỏi và bị sốt.

Các triệu chứng của viêm cấp tính diễn ra trong vài ngày. Viêm bán cấp kéo dài lâu hơn, từ 2–6 tuần.

Tình trạng viêm mãn tính có thể tiếp diễn trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Nó có hoặc có thể có liên quan đến các bệnh khác nhau, như:

  • Bệnh tiểu đường

  • Bệnh tim mạch (CVD)

  • Viêm khớp và các bệnh khớp khác

  • Dị ứng

  • Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)

  • Bệnh vẩy nến

  • Viêm khớp dạng thấp

Các triệu chứng sẽ phụ thuộc vào bệnh nhưng chúng có thể bao gồm đau và mệt mỏi.

Đánh giá độ viêm

Cơ thể chúng ta khi đang bị viêm sẽ có mức cao hơn của các chất được gọi là dấu ấn sinh học.

Một ví dụ về dấu ấn sinh học là protein phản ứng C (CRP). Nếu bác sĩ muốn kiểm tra tình trạng viêm nhiễm của bạn thì có thể đánh giá qua mức CRP.

 

 

Mức CRP có xu hướng cao hơn ở người lớn tuổi và những người mắc các bệnh như ung thư và béo phì. Nếu bạn ăn theo chế độ và tập thể dục thì sẽ tạo ra sự khác biệt về mức CRP so với những người khác. 

Nguyên nhân

Viêm xảy ra khi có một yếu tố vật lý kích hoạt phản ứng miễn dịch. Viêm không nhất thiết là có nhiễm trùng, nhưng nhiễm trùng có thể gây ra viêm.

Viêm cấp tính

Viêm cấp tính có thể do:

  • Tiếp xúc với một chất, chẳng hạn như bị ong đốt hoặc bụi

  • Một chấn thương

  • Nhiễm trùng

Khi cơ thể của bạn phát hiện có tổn thương hoặc mầm bệnh, hệ thống miễn dịch sẽ kích hoạt một số phản ứng sau:

  • Mô tích tụ protein huyết tương, dẫn đến tích tụ dịch rỉ viêm gây sưng tấy.

  • Cơ thể giải phóng bạch cầu, và chúng sẽ di chuyển về phía vùng bị ảnh hưởng bởi viêm. Trong bạch cầu chứa các phân tử có thể giúp chống lại các tác nhân gây bệnh.

  • Các mạch máu nhỏ mở rộng để tạo điều kiện cho bạch cầu và protein huyết tương tiếp cận vị trí tổn thương dễ dàng hơn.

Các dấu hiệu của viêm cấp tính có thể xuất hiện trong vài giờ hoặc vài ngày, tùy thuộc vào nguyên nhân. Trong một số trường hợp, chúng có thể nhanh chóng trở nên nghiêm trọng. Việc chúng phát triển như thế nào và kéo dài bao lâu sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân, bộ phận nào của cơ thể mà chúng ảnh hưởng và các yếu tố cá nhân của bạn.

Một số yếu tố và nhiễm trùng có thể dẫn đến viêm cấp tính gồm:

  • Viêm phế quản cấp tính, viêm ruột thừa và các bệnh khác bắt đầu bằng từ “viêm”

  • Móng chân mọc ngược

  • Đau họng do cảm lạnh hoặc cúm

  • Chấn thương thể chất hoặc vết thương

Viêm mãn tính

Viêm mãn tính có thể phát triển nếu một người có:

  • Độ nhạy cảm: Tình trạng viêm xảy ra khi cơ thể cảm nhận được vật thể lạ xâm nhập. Việc quá mẫn cảm với tác nhân bên ngoài có thể dẫn đến dị ứng.

  • Sự tiếp xúc: Đôi khi, việc tiếp xúc với chất kích ứng ở mức độ thấp, lâu dài, chẳng hạn như hóa chất công nghiệp, có thể dẫn đến tình trạng viêm mãn tính.

  • Rối loạn tự miễn dịch: Hệ thống miễn dịch của bạn tấn công nhầm vào các mô khỏe mạnh bình thường. Ví dụ như trong bệnh vẩy nến.

  • Các bệnh tự viêm: Một yếu tố di truyền đã ảnh hưởng đến cách hệ thống miễn dịch của bạn hoạt động, như trong bệnh Behçet.

Viêm cấp tính dai dẳng: Trong một số trường hợp, một người có thể không hồi phục hoàn toàn sau tình trạng viêm cấp tính. Và đôi khi, điều này có thể dẫn đến tình trạng viêm mãn tính.

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ viêm mãn tính bao gồm:

  • Độ tuổi lớn 

  • Béo phì

  • Một chế độ ăn uống nhiều đường và chất béo không có lợi 

  • Hút thuốc

  • Lượng hormone sinh dục thấp

  • Căng thẳng

  • Các vấn đề về giấc ngủ

Các bác sĩ đưa ra những bệnh dài hạn mà có kết hợp với tình trạng viêm bao gồm:

  • Hen suyễn

  • Loét dạ dày tá tràng mãn tính

  • Bệnh lao

  • Viêm khớp dạng thấp

  • Viêm quanh răng 

  • Viêm loét đại tràng và bệnh Crohn

  • Viêm xoang

  • Viêm gan thể hoạt động

Như chúng ta đã biết, viêm đóng một vai trò quan trọng trong việc chữa lành. Tuy nhiên, viêm mãn tính có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác nhau. Ví dụ như một số bệnh ung thư, viêm khớp dạng thấp, xơ vữa động mạch, viêm nha chu và sốt mùa hè.

Phân biệt viêm mãn tính và viêm cấp tính

Bảng sau đây tóm tắt một số khác biệt chính giữa viêm cấp tính và mãn tính:

 

  Viêm cấp tínhViêm mãn tính
Nguyên nhânMầm bệnh có hại hoặc tổn thương môCác mầm bệnh mà cơ thể không thể phá vỡ, bao gồm một số loại virus, các vật thể lạ vẫn còn trong hệ thống hoặc các phản ứng miễn dịch hoạt động quá mức

Khởi phát

NhanhChậm
Diễn biến trongMột vài ngàyVài tháng đến vài năm
Kết quảTình trạng viêm được cải thiện, hoặc áp xe phát triển hoặc trở thành mãn tính. Mô chết, dày lên và hình thành sẹo mô liên kết.

 

Điều thiết yếu ở đây là chúng ta cần xác định và kiểm soát được tình trạng viêm và các bệnh liên quan để ngăn ngừa các biến chứng sau này.

Viêm có đau không?

Viêm cấp tính có thể gây ra đau ở nhiều loại và mức độ nghiêm trọng khác nhau. Đau có thể liên tục và ổn định, đau nhói và giống mạch đập, như dao đâm hoặc kim châm. 

Cảm giác đau là do dịch rỉ viêm tích tụ dẫn đến sưng tấy và các mô bị sưng đẩy, ép vào các đầu dây thần kinh nhạy cảm.

Các quá trình sinh hóa khác cũng xảy ra trong quá trình viêm. Chúng ảnh hưởng đến cách các dây thần kinh hoạt động và điều này có thể góp phần gây đau.

Các phương pháp điều trị phổ biến

Điều trị viêm sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng. Thông thường thì chúng ta không cần điều trị. 

Tuy nhiên, đôi khi không điều trị viêm có thể dẫn đến các triệu chứng đe dọa tính mạng.

Ví dụ, trong một phản ứng dị ứng, tình trạng viêm có thể gây sưng tấy nghiêm trọng và dẫn đến chẹn đường hô hấp, khiến bạn không thể thở được. Bạn phải được điều trị ngay nếu phản ứng này xảy ra.

Nếu bạn không điều trị, một số bệnh nhiễm trùng có thể xâm nhập vào máu, dẫn đến nhiễm trùng huyết. Đây là một tình trạng đe dọa tính mạng khác cần được điều trị y tế khẩn cấp.

Viêm cấp tính

Bác sĩ có thể chỉ định điều trị để loại bỏ nguyên nhân gây viêm, kiểm soát các triệu chứng hoặc cả hai.

Ví dụ, đối với nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm, bác sĩ có thể kê cho bạn thuốc kháng sinh hoặc điều trị chống nấm.

Dưới đây là một số phương pháp đặc biệt để điều trị viêm:

Thuốc chống viêm không steroid

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) sẽ không loại bỏ nguyên nhân gây viêm, nhưng chúng có thể giúp bạn giảm đau, sưng, sốt và các triệu chứng khác. Chúng có tác dụng này nhờ việc chống lại một loại enzyme góp phần gây viêm.

 

 

Các thuốc NSAID có thể kể đến như naproxen, ibuprofen và aspirin. Những loại thuốc này có sẵn để mua online hoặc tại quầy. Bạn nên kiểm tra trước với bác sĩ, dược sĩ để đảm bảo đó là loại thuốc phù hợp với bạn.

Mọi người chỉ nên sử dụng NSAID lâu dài nếu bác sĩ khuyến nghị vì chúng có thể có tác dụng phụ. Aspirin không thích hợp cho trẻ em.

Giảm đau: Thuốc Acetaminophen, bao gồm paracetamol hoặc Tylenol, có thể giảm đau nhưng không giảm viêm. Những loại thuốc này cho phép tình trạng viêm tiếp tục đóng vai trò chữa lành.

Corticosteroid

Corticosteroid, chẳng hạn như cortisol, là một loại hormone steroid. Chúng ảnh hưởng đến các cơ chế khác nhau liên quan đến chứng viêm.

 

 

Corticosteroid có thể giúp kiểm soát một loạt các tình trạng, bao gồm:

  • Viêm khớp

  • Viêm động mạch thái dương

  • Viêm da

  • Bệnh viêm ruột (IBD)

  • Lupus toàn thân

  • Viêm gan

  • Hen suyễn

  • Phản ứng dị ứng

Chúng có sẵn dưới dạng thuốc viên, thuốc tiêm, thuốc hít, dạng kem hoặc thuốc mỡ.

Lưu ý là sử dụng corticosteroid lâu dài có thể có hại. Bạn hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn về rủi ro và lợi ích khi dùng loại thuốc này nhé.

Việc điều trị các bệnh liên quan đến tình trạng viêm kéo dài sẽ tùy thuộc vào tình trạng bệnh.

Một số loại thuốc có tác dụng kìm hãm các phản ứng miễn dịch của cơ thể. Chúng có thể giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh vẩy nến và các phản ứng tự miễn dịch tương tự khác. Tuy nhiên, chúng cũng có thể khiến cơ thể của một người giảm khả năng chống lại nhiễm trùng nếu nó xảy ra.

Những người đã trải qua phẫu thuật cấy ghép cũng cần phải dùng thuốc ức chế miễn dịch để cơ thể họ không từ chối cơ quan mới. Những bệnh nhân đó cũng cần phải cẩn thận hơn để tránh tiếp xúc với nhiễm trùng.

Thảo mộc giúp kiểm soát tình trạng viêm

Rất vui được bật mí cho bạn một điều, đó là các thực phẩm bổ sung thảo dược khác nhau có thể giúp bạn kiểm soát chứng viêm khá hiệu quả đó! Hãy cùng tham khảo một số ví dụ dưới đây nhé:

  • Cây móng quỷ: Còn được gọi là nhện gỗ. 

 

 

Loại thảo mộc này có nguồn gốc từ Nam Phi và có họ hàng với cây vừng. Một số nghiên cứu cũ hơn từ năm 2011 đã chỉ ra rằng nó có thể có đặc tính chống viêm. Nhiều thương hiệu có sẵn sản phẩm chiết xuất từ loại cây này để bạn có thể mua trực tuyến.

  • Cây bài hương: Mọi người có thể trộn loại cây này với các loại thảo mộc khác, chẳng hạn như cam thảo, để điều trị một số bệnh về phổi, bao gồm cả viêm đường thở. 

 

 

Tuy nhiên, tinh dầu bài hương đã dẫn đến chứng co giật đe dọa tính mạng ở động vật thí nghiệm, vì vậy cần thận trọng khi sử dụng nó nhé!

  • Gừng: Từ lâu, người ta đã sử dụng gừng để điều trị chứng khó tiêu, táo bón, đau bụng và các vấn đề về đường tiêu hóa khác, cũng như đau do viêm khớp dạng thấp. Bạn có thể mua gừng tươi có sẵn ở các chợ, siêu thị hoặc mua dạng chiết xuất gừng online.

 

 

  • Nghệ: Curcumin - thành phần chính trong nghệ, có thể có lợi cho bệnh viêm khớp, bệnh Alzheimer và một số tình trạng viêm khác. 

     

     

Những loại thảo mộc trên không được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phê duyệt để sử dụng làm thuốc. Hãy trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thảo dược hoặc chất bổ sung nào khác nhé.

Chế độ ăn uống giúp chống viêm 

Một số thực phẩm chứa các chất dinh dưỡng có thể giúp giảm viêm, bao gồm:

  • Dầu ô liu

  • Thực phẩm nhiều chất xơ

  • Cà chua

  • Các loại hạt, chẳng hạn như quả óc chó và hạnh nhân

  • Rau xanh, bao gồm rau bina và cải xoăn

  • Cá giàu chất béo, ví dụ như cá hồi và cá thu

  • Trái cây, gồm việt quất và cam

Các nghiên cứu đã gợi ý rằng những người có mức CRP cao có thể ít tuân theo chế độ ăn uống nhiều sản phẩm tươi và dầu lành mạnh.

Những thực phẩm sau có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm:

  • Đồ chiên

  • Thực phẩm chế biến nhiều giai đoạn

  • Thực phẩm và đồ uống có đường

  • Thịt đỏ

  • Chất béo không có lợi, chẳng hạn như chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa

Chỉ riêng chế độ ăn uống không thôi sẽ không kiểm soát được tình trạng viêm, nhưng việc đưa ra những lựa chọn cho các thực phẩm phù hợp có thể giúp bạn ngăn chặn tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn đó!

Tổng kết

Viêm là một phần của quá trình hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân có hại, chẳng hạn như vi khuẩn và virus. Trong khoảng thời ngắn thì viêm có thể là một cơ chế có ích, mặc dù nó cũng có thể gây nhiều khó chịu cho bạn.

Tuy nhiên, tình trạng viêm mãn tính có thể dẫn đến và là hậu quả của một số tình trạng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng con người.

Những người có khối u hay mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh viêm ruột, bị phản ứng với thuốc và các vấn đề sức khỏe khác có thể có mức CRP cao. Đây chính là dấu hiệu của phản ứng miễn dịch khi xảy ra tình trạng viêm.

Các nhà khoa học khi tìm hiểu thêm về vai trò của viêm đối với bệnh tật có thể có các phát hiện dẫn đến các phương pháp điều trị hiệu quả hơn cho các bệnh khác nhau chưa có thuốc chữa, chẳng hạn như bệnh tiểu đường tuýp 1.

Nguồn: medicalnewstoday.com

Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới:

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK279298/

https://www.niams.nih.gov/health_info/Autoinflammatory/default.asp

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK534820/

https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S000989811931928X

https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/B9780323328890000029

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK493173/

https://www.spandidos-publications.com/10.3892/etm.2014.1978

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5471098/

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3417459/

http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0308814610010599

https://www.medicalnewstoday.com/articles/248423#causes

Thu Mai
BÌNH LUẬN
Tin cùng chuyên mục

        Dược sĩ tư vấn