Nên và không nên làm gì khi bị đau do viêm khớp?

Ngày: 26/11/2020 lúc 16:31PM

Liệu hoạt động thể lực làm tăng hay giảm cơn đau do viêm khớp? Cùng tìm hiểu về cách tập thể dục và những vấn đề liên quan khác để đối phó với các triệu chứng do viêm khớp và đau do viêm khớp.

Viêm khớp là một nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đau và tàn tật trên khắp thế giới. Có rất nhiều cách để giảm đau khi bị viêm khớp hay các tình trạng khác như tập thể dục, dùng thuốc và giải tỏa stress. Vậy phương pháp nào sẽ hiệu quả với bạn?

viêm-khớp

 

Một số việc nên và không nên làm sau đây sẽ giúp bạn biết được điều đó.

Tổng quan

Bạn có thể vượt qua bất kì cơn đau nào nếu:

  • Hiểu rõ tình trạng của bản thân: Bạn mắc loại viêm khớp nào? Liệu có khớp nào bị tổn thương chưa?
  • Nhờ bác sĩ, gia đình, bạn bè giúp kiểm soát tình trạng bệnh.
  • Thông báo cho bác sĩ nếu cơn đau thay đổi.

Tạo lập thói quen hàng ngày

Chú ý các khớp bất kể khi ngồi, đứng hay hoạt động.

  • Giữ cho các khớp được hoạt động mỗi ngày. Vận động nhẹ nhàng để kéo dãn các khớp hết mức có thể.
  • Chú ý giữ đúng tư thế. Tham khảo bác sĩ vật lý trị liệu để chỉ giúp bạn cách ngồi, đứng và di chuyển một cách chính xác.
  • Biết giới hạn của bản thân. Cân bằng giữa hoạt động với nghỉ ngơi, đừng làm gì quá sức.

Ngoài ra, bạn cũng nên thay đổi lối sống vì nó có vai trò quan trọng giúp giảm đau.

  • Kiểm soát cân nặng: Thừa cân có thể làm viêm khớp trở nên nghiêm trọng hơn và góp phần làm tăng cơn đau. Giảm cân từ từ nhờ thay đổi lối sống thường xuyên và lâu dài thường là phương pháp quản lý cân nặng hiệu quả nhất.
  • Bỏ hút thuốc: Hút thuốc lá tạo áp lực lên các mô liên kết làm gia tăng cơn đau do viêm khớp.

Tập thể dục

tập-thể-dục

Khi bị viêm khớp, vận động có thể giúp giảm đau và cứng khớp, cải thiện khả năng vận động, tăng cường cơ bắp và sức chịu đựng của bạn.

Cần làm gì?

Trước tiên hãy chọn những hình thức vận động phù hợp. Đó là những hình thức vận động giúp tăng cường cơ bắp xung quanh khớp mà không làm ảnh hưởng đến khớp. Bác sĩ vật lý trị liệu có thể giúp xây dựng bài tập phù hợp cho riêng bạn.

Tập trung vào các bài luyện tập kéo giãn, tăng khả năng vận động và tăng sức bền. Bạn có thể thử các bài tập đơn giản như đi bộ, đạp xe hay các bài vận động dưới nước, để cải thiện cảm xúc và giúp kiểm soát cân nặng.

Cần tránh làm gì?

Tránh các hoạt động có tác động mạnh và lặp đi lặp lại, có thể kể đến như:

  • Chạy
  • Nhảy 
  • Quần vợt
  • Các bài thể dục nhịp điệu có động tác mạnh
  • Lặp lại cùng một chuyển động như giao bóng trong quần vợt nhiều lần liên tục

Dùng thuốc

thuốc-giảm-đau

Nhiều loại thuốc có khả năng giúp giảm cơn đau viêm khớp. Hầu hết các thuốc này đều an toàn, tuy nhiên không có thuốc nào là hoàn toàn không có tác dụng phụ. Tham khảo ý kiến bác sĩ để có một phác đồ điều trị phù hợp với những triệu chứng đau của bạn.

Cần làm gì?

Các cơn đau có thể xuất hiện khi các khớp và cơ bắp lâu ngày mới vận động như làm vườn sau một thời gian nghỉ ngơi. Bạn có thể giảm đau bằng các thuốc giảm đau không cần kê đơn như acetaminophen, ibuprofen hoặc natri naproxen.

Có thể giảm đau bằng cách dùng kem bôi ngoài da chứa capsaicin lên vùng da chỗ khớp bị đau. Bạn có thể dùng đơn độc hoặc kèm với thuốc dạng uống.

Chú ý tham khảo ý kiến bác sĩ nếu các cơn đau không giảm khi dùng các thuốc không kê đơn.

Cần tránh làm gì?

  • Tránh lạm dụng thuốc: báo với bác sĩ khi bạn thấy mình thường xuyên dùng các thuốc giảm đau không kê đơn mà không giảm các triệu chứng.
  • Điều trị không đủ: đừng cố bỏ qua những cơn đau do viêm khớp nặng và kéo dài vì có thể dẫn đến viêm hoặc tổn thương khớp. Khi đó bạn sẽ phải uống thuốc mỗi ngày.
  • Chỉ tập trung vào cơn đau. Trầm cảm rất phổ biến ở người bị viêm khớp. Các bác sĩ đã phát hiện ra rằng điều trị trầm cảm bằng các thuốc chống trầm cảm cũng như các liệu pháp khác không chỉ làm giảm triệu chứng trầm cảm mà còn giảm cả triệu chứng đau do viêm khớp.

Phối hợp cả phương pháp vật lý và điều chỉnh cảm xúc

Không có gì đáng ngạc nhiên khi đau khớp ảnh hưởng tiêu cực tới tâm trạng của bạn. Nếu mỗi hoạt động thường ngày đều gây ra cơn đau, bạn chắc chắn sẽ cảm thấy chán nản. Nhưng những cảm xúc bình thường này có thể tiếp tục leo thang khiến bạn luôn cảm thấy sợ hãi, vô vọng. Khi đó, cơn đau có thể càng trở nên tệ hơn và khó kiểm soát.

Cần làm gì?

Có thể sử dụng các liệu pháp giúp bạn phá vỡ ảnh hưởng giữa suy nghĩ tới cơ thể và ngược lại, bao gồm:

  • Liệu pháp liên quan đến nhận thức và hành vi: đây là phương pháp được nghiên cứu kĩ lưỡng, là sự kết hợp có hiệu quả giữa trò chuyện và điều chỉnh hành vi. Từ đó giúp bạn xác định và phá vỡ được sự ảnh hưởng bất lợi từ suy nghĩ tác động đến cơ thể và ngược lại.
  • Liệu pháp thư giãn: thiền, yoga, thở sâu, nghe nhạc, hòa mình với thiên nhiên, viết nhật kí – làm bất kì điều gì khiến bạn thư giãn. Đây là phương pháp giúp giảm đau mà không gây ra những bất lợi.
  • Châm cứu: châm cứu giúp giảm đau ở một số bệnh nhân. Các bác sĩ sẽ châm cây kim mảnh như sợi tóc vào các điểm cụ thể trên cơ thể. Có thể sẽ mất vài tuần để thấy rõ tác dụng giảm đau.
  • Liệu pháp nóng và lạnh: sử dụng nhiệt như đặt các túi chườm nóng vào khớp đau, hoặc tắm nước nóng, hoặc nhúng khớp đau vào sáp parafin ấm sẽ giúp giảm đau tạm thời. Hãy cẩn thận đừng để bị bỏng. Mỗi lần chườm nóng không nên quá 20 phút. 

Chườm lạnh có thể đặt túi đá vào cơ bị đau để giảm đau và viêm sau khi hoạt động quá sức.

Cần tránh làm gì?

tránh-hút-thuốc-lá

  • Hút thuốc: nếu nghiện thuốc lá, bạn có thể nghĩ dùng nó như một công cụ để đối phó với cảm xúc tiêu cực. Tuy nhiên nó lại phản tác dụng: Độc tố trong khói thuốc tạo áp lực lên các mô liên kết và càng dẫn đến nhiều vấn đề về khớp hơn.
  • Thái độ tiêu cực: những suy nghĩ tiêu cực luôn tự xuất hiện. Chỉ cần bạn để ý đến chúng, những suy nghĩ này càng leo thang và sẽ làm tăng cơn đau cũng như nguy cơ tàn tật. Thay vào đó, hãy phân tâm bằng các hoạt động bạn thích, dành thời gian cho người thân và bạn bè. Ngoài ra, bạn cũng nên cân nhắc nói chuyện với các bác sĩ tâm lý.

Nguồn: Mayoclinic

Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/arthritis/in-depth/arthritis/art-20046440

http://http://www.apa.org/helpcenter/pain-management.aspx

http://www.arthritis.org/living-with-arthritis/exercise/benefits/exercise-knee-osteoarthritis.php

https://www.arthritis.org/health-wellness/healthy-living/managing-pain/pain-relief-solutions/4-tips-for-managing-chronic-pain

https://orthoinfo.aaos.org/en/staying-healthy/smoking-and-musculoskeletal-health

http://http://orthoinfo.aaos.org/topic.cfm?topic=a00192

 

BÌNH LUẬN
Tin cùng chuyên mục

        Dược sĩ tư vấn