Những dấu hiệu kháng insulin bạn cần biết
Ngày: 01/06/2021 lúc 22:32PM
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) ước tính rằng có tới 50% những người bị kháng insulin và tiền đái tháo đường sẽ phát triển thành bệnh đái tháo đường tuýp 2 nếu họ không thay đổi lối sống.
Tổng quan
Kháng insulin làm tăng nguy cơ tiến triển thành bệnh đái tháo đường. Bạn có thể bị kháng insulin trong nhiều năm mà không biết do tình trạng này thường không gây ra bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào. Vì vậy, bạn cần phải thường xuyên kiểm tra mức đường huyết của mình.
Kháng insulin làm tăng nguy cơ:
Thừa cân
Có mức triglycerid cao
Bị huyết áp cao
Một số người bị kháng insulin cũng có thể xuất hiện và phát triển một tình trạng da được gọi là acanthosis nigricans. Nó có dạng những mảng tối, mịn như nhung, thường ở sau cổ, bẹn và nách. Một số chuyên gia tin rằng sự tích tụ insulin trong tế bào da có thể gây ra chứng acanthosis nigricans và nếu như vậy thì không có cách chữa trị. Tuy nhiên, nếu do một nguyên nhân khác gây ra thì điều trị có thể giúp màu da tự nhiên trở lại.
Triệu chứng thường gặp của đái tháo đường
Nếu bạn bị tiền đái tháo đường, bạn cần trao đổi với bác sĩ để thường xuyên theo dõi lượng đường trong máu hoặc HgbA1c của bạn. Từ đó, các bác sĩ có thể nhận biết liệu bệnh của bạn đã phát triển thành đái tháo đường hay chưa.
Các triệu chứng đái tháo đường đặc trưng bao gồm:
Cực kỳ khát hoặc đói
Cảm thấy đói ngay cả sau bữa ăn
Đi tiểu thường xuyên hơn
Cảm giác ngứa ran ở tay hoặc chân
Cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường
Bị nhiễm trùng thường xuyên
Nếu bạn không có các triệu chứng rõ ràng, bác sĩ thường phát hiện tình trạng kháng insulin, tiền đái tháo đường hoặc bệnh đái tháo đường bằng cách lấy máu xét nghiệm.
Xét nghiệm HbA1C
Một cách để chẩn đoán tiền đái tháo đường hoặc bệnh đái tháo đường là xét nghiệm HbA1C. Xét nghiệm này đo lượng đường trong máu trung bình của bạn trong hai đến ba tháng trước đó.
HbA1C dưới 5,7% được coi là bình thường.
HbA1C từ 5,7 - 6,4% là chẩn đoán tiền đái tháo đường.
HbA1C bằng hoặc cao hơn 6,5% được chẩn đoán bệnh đái tháo đường.
Bác sĩ của bạn có thể muốn xác nhận lại kết quả xét nghiệm vào sau đó. Tuy nhiên, tùy thuộc vào phòng khám, bệnh viện nơi bạn lấy máu mà những con số này có thể thay đổi từ 0,1 - 0,2%.
Xét nghiệm đường huyết lúc đói
Xét nghiệm đường huyết lúc đói sẽ cho biết mức đường huyết lúc đói của bạn. Bạn sẽ làm xét nghiệm này sau khi không ăn hoặc uống ít nhất tám giờ. Để xác nhận lại kết quả thì bác sĩ có thể sẽ xét nghiệm lần hai cho bạn sau đó vài ngày. Nếu cả hai xét nghiệm đều cho thấy mức đường huyết tăng cao, bác sĩ có thể chẩn đoán bạn mắc bệnh tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường.
Mức đường huyết lúc đói dưới 100mg/dL được coi là bình thường.
Mức độ từ 100-125mg/dL được chẩn đoán tiền đái tháo đường.
Mức bằng hoặc lớn hơn 126mg/dL được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường.
Tùy thuộc vào từng phòng khám, bệnh viện mà những kết quả này có thể thay đổi từ 1-3 mg/dL trong giới hạn.
Xét nghiệm dung nạp glucose
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), xét nghiệm dung nạp glucose trong hai giờ có thể là một cách khác để chẩn đoán tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường. Mức đường huyết của bạn sẽ được xác định trước khi thử nghiệm này bắt đầu. Sau đó, bạn sẽ nhận được một đồ uống có đường đã được đo lường trước và sau đó 2h thì bạn sẽ đo lại mức đường huyết.
Mức đường huyết sau hai giờ dưới 140mg/dL được coi là bình thường.
Kết quả từ 140-199mg/dL được chẩn đoán là tiền đái tháo đường.
Mức đường huyết 200mg/dL hoặc cao hơn được chẩn đoán là bệnh đái tháo đường.
Xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên
Kiểm tra lượng đường trong máu ngẫu nhiên rất hữu ích nếu bạn đang có các triệu chứng đái tháo đường nghiêm trọng. Tuy nhiên, Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) không khuyến nghị xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên để tầm soát bệnh đái tháo đường định kỳ hoặc để xác định tiền đái tháo đường.
Nên đi xét nghiệm đái tháo đường khi nào?
Kiểm tra bệnh đái tháo đường nên bắt đầu ở tuổi 40, cùng với các xét nghiệm thông thường cho cholesterol và các dấu hiệu sức khỏe khác. Tốt nhất, bác sĩ sẽ kiểm tra cho bạn khi khám sức khỏe hàng năm hoặc khám sàng lọc phòng ngừa. Bác sĩ cũng có thể đề nghị xét nghiệm ở độ tuổi trẻ hơn nếu bạn có:
Lối sống ít vận động
Mức cholesterol tốt (HDL) thấp hoặc mức triglycerid cao
Cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh đái tháo đường
Bệnh cao huyết áp (140/90mmHg trở lên)
Các triệu chứng kháng insulin
Bị chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ
Từng bị đột quỵ
Trẻ em và thanh thiếu niên từ 10-18 tuổi cũng nên kiểm tra đái tháo đường sớm nếu có tình trạng thừa cân hoặc có hai hoặc nhiều yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường.
Cách giảm nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường
Nếu bạn bị tiền đái tháo đường, bạn có thể ngăn ngừa bệnh đái tháo đường bằng cách tập thể dục 30 phút ít nhất năm ngày một tuần và có một chế độ ăn uống cân bằng.
Giảm cân, thậm chí chỉ giảm 7% trọng lượng cơ thể, cũng có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường.
Tóm lại, thực hiện một lối sống tốt là cách hiệu quả nhất để có được mức đường huyết trong phạm vi mong muốn.
Nguồn: healthline.com
Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới:
https://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/tests-diagnosis
http://www.diabetes.org/diabetes-basics/diagnosis/
http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmedhealth/PMH0016286/
http://www.mayoclinic.org/tests-procedures/a1c-test/details/results/rsc-20167939
http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/acanthosis-nigricans/basics/definition/con-20025600
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3891203/
https://www.healthline.com/health/diabetes/insulin-resistance-symptoms#prevention