Đường ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của bạn?
Ngày: 14/12/2020 lúc 10:38AM
Đường là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh tim mạch, béo phì và các bệnh mạn tính như đái tháo đường type 2. Một chế độ ăn nhiều đường có thể khiến bạn phải đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe.
Đường đã và đang trở thành vấn đề được quan tâm nhất trong những năm gần đây. Hàng năm có rất nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh tác động của đường lên nguy cơ mắc bệnh béo phì và đái tháo đường typ 2. Thống kê cho thấy, hầu hết người dân Anh đang tiêu thụ một lượng đường quá mức cần thiết tốt cho sức khỏe.
Chắc hẳn nhiều người không biết rằng các loại thực phẩm giàu tinh bột như bánh mì, cơm hay khoai tây sau khi tiêu hóa sẽ bị phân hủy tạo ra một lượng đường đáng kinh ngạc - một lát bánh mì nguyên cám nhỏ tương đương với ba thìa đường. Do đó, vấn đề quan trọng cần chú ý ở đây là chế độ ăn của bạn không nên chứa quá nhiều carbohydrate. Ngoài ra, các thực phẩm chế biến sẵn cũng được thêm vào một lượng đường khá lớn.
Đường ảnh hưởng nhiều đến bệnh nhân đái tháo đường vì có tác động đáng kể đến việc tăng lượng đường trong máu.
Nguồn cung cấp đường
Đường trong chế độ ăn có thể được chia thành 3 loại:
Đường tự nhiên - như trong trái cây và mật ong
Đường bổ sung - như trong bánh quy hoặc ngũ cốc
Sản phẩm của quá trình chuyển hóa carbohydrate phức tạp hơn (ví dụ như bánh mì)
Đường tự nhiên được tìm thấy trong trái cây, các sản phẩm làm từ sữa và rau quả. Đường bổ sung hay đường tự do, là loại đường được thêm vào các thực phẩm và đồ uống chế biến sẵn, bao gồm: nước sốt mì ống, ngũ cốc ăn sáng, đồ uống có đường, món tráng miệng và những bữa ăn nhanh chỉ cần sử dụng lò vi sóng để hâm nóng lại.
Mối liên quan giữa đường và bệnh đái tháo đường typ 2
Đường là một dạng carbohydrate, ảnh hưởng trực tiếp đến hàm lượng đường trong máu, nhất là khi bạn đang mắc bệnh đái tháo đường. Tất cả carbohydrate đều có tác dụng rất nhanh làm tăng đường máu. Do đó, điều quan trọng nhất là tránh sử dụng quá nhiều thực phẩm chứa carbohydrate trong chế độ ăn hàng ngày của bạn.
‘Bệnh tiểu đường’
Đái tháo đường typ 2 còn được gọi là bệnh tiểu đường - vì đường là yếu tố trung tâm của bệnh.
Với những người mắc bệnh tiểu đường, tổng lượng đường trong máu (đến từ cả 3 nguồn - tự nhiên, bổ sung hay sản phẩm của quá trình phân hủy carbohydrate) luôn cần được kiểm soát để giữ ở mức thấp và ổn định nhất. Tuy nhiên bạn cũng đừng quá lo lắng, việc giảm lượng đường tiêu thụ mỗi ngày sẽ giúp bạn giảm nguy cơ cần dùng thuốc và các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường.
Các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa lượng đường tiêu thụ và sự phát triển của bệnh đái tháo đường typ 2. Càng nhiều đường trong chế độ ăn uống, nguy cơ mắc bệnh càng cao. Mặc dù hàm lượng đường là một trong những yếu tố quan trọng nhất nhưng điều này không có nghĩa nguyên nhân của đái tháo đường typ 2 chỉ là do tiêu thụ quá nhiều đường. Những nguyên nhân khác có thể là stress, căng thẳng, lười vận động hay do yếu tố di truyền.
Đường bổ sung - Tại sao là một nỗi lo ngại?
Theo Khảo sát Chế độ ăn uống và Dinh dưỡng Quốc gia được thực hiện bởi Y tế Công cộng Anh, tất cả các nhóm tuổi hiện nay đang tiêu thụ lượng đường bổ sung nhiều hơn so với khuyến nghị. Đường bổ sung đang trở thành một vấn đề đáng quan ngại bởi hầu hết chúng ta không kiểm soát được lượng đường đang hấp thụ trong các sản phẩm, thực phẩm hàng ngày.
Lượng đường bổ sung được khuyến nghị
Ủy ban Cố vấn Khoa học về Dinh dưỡng (SACN) - là cơ quan tư vấn cho chính phủ về các hướng dẫn dinh dưỡng - khuyến nghị giới hạn sau đây đối với lượng đường bổ sung trong chế độ ăn hàng ngày
Nhóm tuổi | Giá trị đường bổ sung tối đa |
4 đến 6 tuổi | Không quá 19g |
7 đến 10 tuổi | Không quá 24g |
11 trở lên | Không quá 30g |
Tham khảo: 4 gam đường tương đương với một thìa cà phê đường.
Đường được thêm vào rất nhiều loại thực phẩm từ bánh mì, dăm bông đến các loại thực phẩm dễ dàng nhận thấy hơn như bánh ngọt và bánh quy. Đường giúp thực phẩm kéo dài thời gian sử dụng và trở nên ngon miệng hơn nhưng lại có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Hầu hết chúng ta có thể nhận biết rõ ràng các thực phẩm chứa nhiều đường như đồ uống có ga, bánh ngọt, bánh quy có đường,... nhưng cũng có những loại thực phẩm khác chứa nhiều đường mà ta không thể dễ dàng nhận biết.
Ba nguồn đường khác nhau tạo nên tổng lượng đường trong chế độ ăn uống, được quy ước dưới dạng 4g tương đương với 1 thìa cà phê đường.
Thực phẩm có đường tự nhiên (1) | Thực phẩm có đường bổ sung (2) | Thực phẩm được tiêu hóa thành đường (3) |
Chuối 4,9 thìa cà phê/100g | Ngũ cốc 24,4 thìa cà phê/100g | Bánh mì đen 10,8 thìa cà phê/100g |
Mật ong 17,6 thìa cà phê/100g | Fanta (Cam) 3,4 thìa cà phê/100g | Mỳ Ý 3,7 thìa cà phê/100g |
Sữa tách kem 0,9 thìa cà phê/100g | Bánh quy 8,8 thìa cà phê/100g | Khoai tây chiên 5,1 thìa cà phê / 100g |
Nho khô 17,1 thìa cà phê/100g | Bánh mì mạch nha 14,7 thìa cà phê/100g | Gạo basmati 6,8 thìa cà phê/100g |
Nước táo 4,3 thìa cà phê/100g | Sữa chua phúc bồn tử 2,4 thìa cà phê/100g | Khoai tây nướng 6,3 thìa cà phê/100g |
Điều chưa được nhiều người biết đến là các loại thực phẩm giàu carbohydrate như bánh mì, khoai tây hay mì ống khi được chuyển hóa tạo thành một lượng lớn đường trong cơ thể. Điều này có nghĩa là, chỉ giảm tiêu thụ đường là chưa đủ. Đây là lý do tại sao các hướng dẫn gần đây của chính phủ (NICE) khuyến khích sử dụng các nguồn carbohydrate có chỉ số đường thấp, nhiều chất xơ trong chế độ ăn uống.
Tại sao đường có thể gây hại cho cơ thể?
Đường chỉ cung cấp năng lượng chứ không đem lại giá trị dinh dưỡng nào khác, còn được gọi là thực phẩm “calo rỗng”. Đường làm tăng đường huyết một cách nhanh chóng và đòi hỏi cơ thể phải sản xuất insulin (hoặc sử dụng theo đường tiêm). Insulin giúp các tế bào hấp thụ glucose tự do trong máu. Lượng đường trong máu càng nhiều, cơ thể càng cần huy động nhiều insulin hơn. Đa số tế bào hấp thụ glucose là các tế bào mỡ, do đó nhiều insulin quá mức có thể làm tăng cân và gây ra tình trạng kháng insulin, dẫn đến các dấu hiệu của bệnh đái tháo đường typ 2.
Ngoài ra, nhiều người nhận thấy đường còn có khả năng gây nghiện, nghĩa là chúng ta thèm và mong muốn sử dụng các thực phẩm chứa đường ngay cả khi biết chúng không tốt cho cơ thể.
Các vấn đề sức khỏe liên quan đến đường
Đường và đặc biệt là đường bổ sung có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe như:
Tăng cân và béo phì
Đái tháo đường typ 2
Sâu răng
Bệnh tim
Làm thế nào để giảm lượng đường tiêu thụ?
Giảm lượng đường tiêu thụ có thể làm giảm khả năng cần dùng thuốc và các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường. Cắt giảm tất cả các nguồn đường là một chiến lược tuyệt vời để giữ gìn sức khỏe của bạn.
Hạn chế những đồ uống có đường (loại không dành cho người ăn kiêng của coca cola, nước chanh, nước bổ)
Sử dụng trực tiếp nước và trái cây thay vì nước ép trái cây
Thay thế ngũ cốc có đường bằng cháo, ngũ cốc nguyên hạt hoặc bữa sáng ít carbohydrate
Hạn chế sử dụng thức ăn sẵn, thức ăn đóng hộp
Tự làm mì ống hay nước sốt cà ri - bạn có thể làm nhiều hơn và lưu trữ trong tủ lạnh
Tập ăn trái cây thay vì đồ ăn nhẹ hoặc món tráng miệng có đường
Không nên sử dụng đồ ăn nhanh (đồ ăn mang đi) nhiều hơn 2 lần/tháng
Nguồn: diabetes.co.uk
Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới:
https://diabetes.diabetesjournals.org/content/diabetes/46/8/1341.full.pdf
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/23719144/
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/24493081/
https://apps.who.int/iris/bitstream/handle/10665/149782/9789241549028_eng.pdf