Đối mặt và kiểm soát các biến chứng của bệnh tiểu đường
Ngày: 05/06/2021 lúc 22:30PM
Bệnh tiểu đường khi vượt khỏi tầm kiểm soát có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tuy nhiên, cùng với điều trị, bệnh nhân tiểu đường nếu duy trì được những thói quen sức khỏe tốt có thể kiểm soát được bệnh và bảo vệ cơ thể tránh khỏi các biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường.
Bệnh tiểu đường và các biến chứng có thể xảy ra
Lượng đường máu cao làm hỏng các dây thần kinh và mạch máu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các bộ phận khác nhau của cơ thể:
Đôi mắt. Bệnh tiểu đường làm tăng tỷ lệ gặp các vấn đề về thị lực, có thể dẫn đến mù lòa. Các vấn đề về mắt bao gồm:
Đục thủy tinh thể: tình trạng thể thủy tinh (hay ống kính) của mắt bị mờ, giống như một tấm kính bám đầy bụi hoặc phủ sương, ngăn ánh sáng đi vào.
Tăng nhãn áp glaucom: điều này có thể gây tổn thương các dây thần kinh thị giác, dẫn đến bệnh nhân bị giảm thị lực dần dần
Bệnh võng mạc: liên quan đến sự tổn thương các mạch máu ở võng mạc mắt có thể gây mất thị lực vĩnh viễn
Tim mạch. Lượng đường trong máu cao kéo dài gây hại cho các mạch máu và dây thần kinh nuôi dưỡng tim. Điều đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như: suy tim sớm, đau tim hoặc đột quỵ sau đó. Huyết áp và cholesterol cao càng làm cho các vấn đề này diễn biến sớm và trở nên nghiêm trọng hơn.
Thận. Bệnh tiểu đường cũng ảnh hưởng đến các mạch máu trong thận, và là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh thận. Nếu diễn biến lâu ngày, thận không thể hoàn thành chức năng của nó và bạn phải cần đến sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Bàn chân. Lượng đường cao gây hại cho mạch máu, làm giảm lưu lượng máu đến các chi và tổn thương dây thần kinh ở chi. Điều đó dẫn đến vết cắt, vết trầy xước hoặc vết loét lành chậm. Bàn chân có thể bị mất cảm giác, gây khó khăn trong việc phát hiện vết thương, làm chúng dễ bị nhiễm trùng. Nếu nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng, thậm chí bạn phải cắt bỏ bàn chân của mình.
Thần kinh. Các dây thần kinh bị tổn thương gây nên bệnh thần kinh tiểu đường. Bệnh nhân có thể cảm thấy đau, ngứa ran hoặc tê, đặc biệt là ở bàn chân
Da. Bệnh tiểu đường có thể khiến bạn có nhiều khả năng bị nhiễm trùng nấm men, ngứa hoặc xuât hiện các mảng nâu hay có vảy.
Vấn đề cương dương. Đàn ông mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc các vấn đề tình dục, bởi vì lượng đường trong máu cao gây hại cho lưu lượng máu và làm hỏng các dây thần kinh mà cơ thể cần để có và giữ trạng thái cương cứng.
Làm thế nào để giảm thiểu rủi ro sức khỏe?
Những thói quen tốt sẽ đồng hành với bạn trên một chặng đường dài, giúp bạn chống lại với các vấn đề sức khỏe mà bệnh tiểu đường có thể gây ra. Hãy biến những lời khuyên dưới đây trở thành một phần trong thói quen sức khỏe của bạn:
Kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong máu. Đó là cách tốt nhất để tránh các biến chứng của bệnh tiểu đường. Các chỉ số về đường huyết nên nằm trong các phạm vi an toàn dưới đây:
Mức đường huyết lúc đói: 70 - 130 mg/dL
Mức đường huyết sau ăn 2 giờ: < 180 mg/dL
Mức Hemoglobin hoặc A1C: khoảng 7%
Kiểm soát huyết áp và cholesterol máu. Huyết áp và cholesterol máu cao làm tăng nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe khác như bệnh tim mạch. Cố gắng giữ huyết áp của bạn <140/90 mmHg và tổng cholesterol trong máu ở mức hoặc dưới 200. Bạn cũng có thể cần phải sử dụng thuốc để kiểm soát.
Kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm máu, nước tiểu và kiểm tra một số chỉ số khác để phát hiện bất kỳ vấn đề sức khỏe nào bạn đang gặp phải. Những lần thăm khám này đặc biệt quan trọng, vì các biến chứng tiểu đường đa số không có dấu hiệu cảnh báo rõ ràng.
Không hút thuốc. Thuốc lá làm tăng huyết áp và giảm lưu thông máu. Nếu cảm thấy khó khăn trong việc bỏ thuốc lá, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để nhận được những lời khuyên và chiến lược đúng đắn.
Bảo vệ đôi mắt của bạn. Bạn nên kiểm tra mắt thường xuyên mỗi năm để phát hiện các vấn đề bệnh tật của mắt.
Kiểm tra bàn chân của bạn mỗi ngày. Kiểm tra bàn chân để phát hiện bất kỳ vết cắt, vết loét, vết trầy xước, mụn nước, đỏ hoặc sưng. Rửa và lau khô chân cẩn thận mỗi ngày. Sử dụng kem dưỡng da để tránh da khô hoặc nứt gót chân. Mang giày khi đi trên vỉa hè nóng hoặc trên bãi biển, mang vớ và giày trong thời tiết lạnh. Tạo thói quen kiểm tra nước tắm cẩn thận để tránh bỏng và luôn vệ sinh cắt tỉa móng chân sạch sẽ.
Chăm sóc làn da của bạn. Làn da nên luôn được sạch sẽ và khô ráo. Sử dụng phấn rôm ở những nơi da hay cọ xát với nhau, như vùng nách. Không nên tắm nước quá nóng, sử dụng xà phòng khô hoặc gel tắm khô. Giữ ẩm cho làn da của bạn với kem dưỡng da và chú ý giữ ấm trong mùa lạnh. Nên sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ của bạn nếu không khí quá khô.
Nguồn: WebMD
Tài liệu tham khảo đến từ:
American Diabetes Association.
Cleveland Clinic.
International Diabetes Federation.
Virginia Mason Hospital Benaroya Diabetes Center.
National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases.
American Heart Association.