Đằng sau bệnh đái tháo đường type 2, các cơ quan khác đã thay đổi như thế nào?
Ngày: 30/01/2021 lúc 10:49AM
Tuyến tụy, gan và thận là những cơ quan quan trọng trong việc giữ ổn định nồng độ đường trong máu. Cơ thể bạn đã duy trì sự cân bằng mong manh này ra sao và các thuốc làm giảm HbA1C hoạt động như thế nào?
1. Những nguyên nhân làm tăng lượng đường trong máu
Trái với suy nghĩ của nhiều người, đái tháo đường type 2 đã ảnh hưởng đến hơn 29 triệu người Mỹ mà nguyên nhân không phải do sử dụng quá nhiều đường. Sự thật là có nhiều yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường, bao gồm di truyền, chủng tộc, thừa cân, sự phân bổ chất béo, ít vận động.
Tuy nhiên, tất cả những người mắc đái tháo đường, dù cho nguyên nhân là gì thì đều phải hạn chế lượng đường sử dụng. Bởi vì ở các bệnh nhân này đều có đặc điểm là cơ thể sử dụng không đúng cách insulin - một hormon vận chuyển glucose vào tế bào tạo thành năng lượng. Cuối cùng hậu quả là cơ thể không thể sản xuất đủ insulin để giữ lượng đường trong máu ổn định.
2. Đường và glucose
Có bao giờ bạn thắc mắc “đường” trong “đường huyết” và trong bánh kẹo có giống nhau hay không? Thực ra, đường có thể có nhiều tên gọi và cũng có nhiều nghĩa khác nhau.
Khi bác sĩ hay các nhà khoa học nói về đường trong máu, họ thường dùng từ “glucose”. Glucose là một loại carbohydrat đơn, còn gọi là “monosaccharid” (nghĩa là chỉ được tạo bởi một phân tử). Glucose cũng được gọi là đường máu.
Không giống như sucrose (đường ăn) hay fructose (chất tạo ngọt có trong mật ong và hoa quả), bạn sẽ không thể tìm thấy glucose trong các cửa hàng tạp hóa hay siêu thị.
3. Các biến chứng của bệnh đái tháo đường type 2
Theo thời gian, bệnh đái tháo đường có thể gây tổn hại đến hầu hết các cơ quan và hệ thống trong cơ thể. Lượng đường trong máu cao có thể gây tăng huyết áp và tăng lượng cholesterol; cũng có thể phá hủy dây thần kinh, cản trở khả năng gửi và chuyển tiếp thông tin tới các bộ phận khác của cơ thể.
Dưới đây là một số biến chứng phổ biến do lượng đường trong máu cao mạn tính và đái tháo đường type 2 không được kiểm soát.
3.1. Tuyến tụy - nhà máy insulin
Khi nhắc tới tình trạng nồng độ đường trong máu cao, nơi đầu tiên cần bắt đầu là tuyến tụy. Tuyến tụy có hình dạng gần giống như quả lê, nằm bên trong phần bên trái của ổ bụng, và là một phần của hệ tiêu hóa. Tụy có hai chức năng chính. Thứ nhất là chức năng ngoại tiết – sản xuất dịch tiêu hóa (enzym) chịu trách nhiệm chia nhỏ tất cả các chất dinh dưỡng, bao gồm chất béo, protein và carbonhydrat. Thứ hai là chức năng nội tiết – tạo ra insulin và các hormon khác.
Insulin được sản xuất như thế nào?
Khi thức ăn vào tới ruột, các tế bào ruột sản xuất ra một peptid gọi là GLP-1, chất này ngăn chặn sự giải phóng glucagon trong cơ thể và tăng tiết insulin. (Lý do là bạn không cần glucagon để chuyển glycogen dự trữ thành glucose, tạo ra năng lượng trong khi bạn đã tiêu hóa đường từ bữa ăn). Điều này cũng khởi động quá trình sản xuất insulin của các tế bào beta đảo tụy.
Kháng insulin - điều gì đã xảy ra với người mắc bệnh đái tháo đường type 2?
Ở bệnh nhân đái tháo đường type 2, cơ thể trở nên “kháng insulin”, nghĩa là insulin không còn khả năng vận chuyển đường từ máu vào tế bào một cách hiệu quả. Kết quả là tuyến tụy càng tăng cường sản xuất insulin, sản xuất quá mức có thể dẫn đến sự suy kiệt tế bào beta đảo tụy.
Khi tế bào beta đảo tụy suy kiệt, chúng có thể không còn tạo ra đủ insulin để vận chuyển glucose ra khỏi máu và hậu quả là tăng đường huyết.
Các thuốc điều trị bệnh đái tháo đường có cơ chế tác động đến tuyến tụy:
Hầu hết những người mắc đái tháo đường type 2 cần sử dụng thuốc kê đơn, một trong số đó là các thuốc tác động đặc biệt lên tuyến tụy để làm giảm HbA1C.
- Sulfonylureas và Meglitinides: Kích thích tuyến tụy sản xuất insulin nhiều hơn.
- Thuốc ức chế DPP-4: Ức chế enzym dipeptidyl peptidase 4, làm tăng lượng GLP-1 trong cơ thể.
- Thuốc chủ vận trên receptor GLP-1: Hoạt động như hormon GLP-1, kích thích tuyến tụy của bạn sản xuất nhiều hơn insulin sau khi ăn và giảm glucagon. Những thuốc này cũng giúp bạn cảm thấy no sau bữa ăn và giảm tốc độ làm rỗng dạ dày nên có thể giúp giảm cân.
3.2. Gan – cơ quan dự trữ đường cho cơ thể bạn
Gan là một cơ quan lớn (trọng lượng khoảng 1,3kg) với những chức năng quan trọng: điều chỉnh nồng độ các chất hóa học trong máu. Mọi hệ thống trong cơ thể đều phụ thuộc vào gan, nhờ có gan cung cấp nhiên liệu để hoạt động, thực hiện chức năng. Ngoài chức năng điều hòa nồng độ các chất trong máu và giúp loại bỏ các chất cặn bã, gan còn là kho dự trữ đường của cơ thể bạn. Khi có quá nhiều đường trong máu, cơ thể sẽ tích trữ nguồn cung cấp trong gan, nơi nó được lưu trữ để sử dụng sau này.
Và những người đã kháng insulin, họ cũng có thể phát triển bệnh gan nhiễm mỡ cho dù không uống rượu . Điều này làm phức tạp thêm bệnh đái tháo đường type 2 vì sự tích tụ chất béo trong gan cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng kháng insulin, làm tồi tệ thêm bệnh đái tháo đường type 2 và dẫn đến lượng đường trong máu cao. Vòng xoay cứ thế tiếp tục.
Các điều trị đái tháo đường có cơ chế tác động đến gan:
Hầu hết những người mắc đái tháo đường type 2 cần sử dụng thuốc kê đơn, một trong số đó là các thuốc tác động đặc biệt đến gan để làm giảm HbA1C.
- Biguanides (Metformin): Ngăn chặn gan tạo glucose, tăng sự nhạy cảm của insulin, và hạn chế lượng đường hấp thu vào máu ở ruột; metformin thường là lựa chọn đầu tay để điều trị đái tháo đường type 2.
- Thiazolidinediones (TZDs): Giảm tình trạng kháng insulin bằng cách giảm lượng acid béo trong vòng tuần hoàn, khiến cơ thể sử dụng glucose nhiều hơn để tạo năng lượng. Tuy nhiên, thuốc này có thể có tác dụng không mong muốn là tăng cân.
3.3. Thận – cơ quan thải trừ
Đường trong máu được vận chuyển đến thận và được sử dụng để tạo năng lượng, sau đó giải phóng vào máu, nơi nó được sử dụng làm nhiên liệu.
Cơ thể chúng ta có 2 quả thận nằm ở 2 bên đối diện của cột sống. Thận có khả năng loại bỏ các chất thải, các chất dư thừa khỏi cơ thể qua nước tiểu. Nó đóng một vai trò đáng ngạc nhiên trong việc điều chỉnh lượng đường trong máu.
Cụ thể, thận loại bỏ đường khỏi máu và sử dụng nó để tạo nguồn năng lượng, cung cấp nhiên liệu để hoạt động,
Ngoài ra, thận và gan kết hợp thực hiện một quá trình gọi là gluconeogenesis, tạo ra đường và thải vào máu để cơ thể sử dụng làm nhiên liệu.
Chức năng lọc của thận (bộ lọc của thận gọi là cầu thận) bao gồm loại bỏ đường qua nước tiểu. Sau đó, kênh đồng vận chuyển natri-glucose, còn được gọi là SGLTs giúp đường đã qua quá trình lọc được tái hấp thu trở lại máu. (Quá trình này giải thích lý do vì sao một trong những dấu hiệu đầu tiên của bệnh đái tháo đường là đi tiểu nhiều lần)
Khi cầu thận phải làm việc quá mức, chúng có thể bị hư hỏng vĩnh viễn, dẫn đến bệnh thận do đái tháo đường, thậm chí có thể gây suy thận.
Các thuốc điều trị đái tháo đường tác động đến thận:
Hầu hết những người mắc đái tháo đường type 2 cần sử dụng thuốc kê đơn, một trong số đó là các thuốc tác động đặc biệt đến thận để làm giảm HbA1C.
- Thuốc ức chế SGLT2: Block SGLT2 (kênh đồng vận chuyển natri-glucose) nên ngăn chặn được glucose tái hấp thu trở lại máu và được thải trừ ra ngoài qua nước tiểu.
4. Xét nghiệm HbA1C nói lên điều gì?
- Thấp hơn 5.7%: Lượng đường trong máu của bạn ở mức bình thường
- Từ 5.7-6.4%: Bạn đang ở giai đoạn tiền đái tháo đường.
- Cao hơn 6.4%: Bạn đã mắc đái tháo đường
Xét nghiệm chích ngón tay có thể đo lượng đường của bạn cao như thế nào tại bất kỳ thời điểm cụ thể nào, nhưng xét nghiệm HbA1C sẽ giúp đánh giá lượng đường trong máu của bạn có thực sự được kiểm soát hay không.
Kết quả xét nghiệm HbA1C có thể đánh giá lượng đường trong máu của bạn trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 tháng. Chỉ số HbA1C từ 6.5% trở lên đủ tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường.
Bạn và bác sĩ hãy trao đổi với nhau để điều chỉnh kế hoạch điều trị - bao gồm chế độ ăn uống, tập thể dục và thuốc – để đạt được HbA1C mục tiêu.
Nếu chỉ số HbA1C của bạn cao mặc dù đang được điều trị bằng nhiều loại thuốc, bác sĩ có thể kê đơn insulin dạng tiêm cho bạn. Insulin được tiêm vào có vai trò như insulin cơ thể bạn sản xuất, giúp vận chuyển glucose từ máu vào tế bào và được sử dụng tạo năng lượng.
Nguồn: everydayhealth
Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới: