Cơ sở chẩn đoán bệnh đái tháo đường tuýp 2
Ngày: 07/01/2021 lúc 17:50PM
Đái tháo đường tuýp 2 không được kiểm soát sẽ gây nhiều biến chứng nghiêm trọng. Bước đầu tiên và quan trọng nhất trong điều trị bệnh chính là chẩn đoán sớm và hiểu rõ các kết quả xét nghiệm.
Chẩn đoán đái tháo đường tuýp 2
Đái tháo đường tuýp 2 là một bệnh có thể kiểm soát được. Sau khi được chẩn đoán, bạn nên đến gặp bác sĩ để lập kế hoạch điều trị nhằm duy trì sức khỏe.
Bệnh đái tháo đường được chia thành nhiều loại khác nhau, các bệnh thường được chẩn đoán là đái tháo đường thai kỳ, đái tháo đường tuýp 1 và đái tháo đường tuýp 2.
Đái tháo đường thai kỳ
Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng một người bị mắc bệnh đái tháo đường trong thời kỳ mang thai. Nó có thể phát triển trong tháng thứ hai hay tháng thứ ba của thai kỳ. Đái tháo đường thai kỳ thường khỏi sau khi sinh con.
Đái tháo đường tuýp 1
Đái tháo đường tuýp 2
Theo CDC, bệnh đái tháo đường tuýp 2 chiếm 90-95% tổng số ca bệnh được chẩn đoán là mắc bệnh đái tháo đường. Loại này còn được gọi là bệnh đái tháo đường khởi phát ở tuổi trưởng thành. Bệnh đái tháo đường tuýp 2 có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến hơn ở những người trên 45 tuổi.
Nếu bạn nghĩ mình có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, bạn hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra. Bệnh đái tháo đường không được kiểm soát sẽ gây ra các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như:
Cắt cụt chân và bàn chân
Mù lòa
Bệnh thận
Đột quỵ
Theo CDC, đái tháo đường là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 7 ở Hoa Kỳ. Khi điều trị có thể hạn chế được nhiều biến chứng nghiêm trọng của bệnh này, chính vì vậy việc chẩn đoán bệnh sớm là rất quan trọng.
Các triệu chứng của bệnh đái tháo đường tuýp 2
Khi có một số triệu chứng đáng chú ý, ta có thể chẩn đoán được bệnh đái tháo đường tuýp 2. Các triệu chứng ban đầu có thể bao gồm:
Tiểu nhiều
Khát nhiều
Mệt mỏi
Vết thương hay vết loét không lành
Mờ mắt
Thông thường, mọi người được chẩn đoán thông qua các xét nghiệm định kỳ. Tầm soát bệnh đái tháo đường định kỳ thường bắt đầu ở tuổi 45. Bạn có thể cần được tầm soát sớm hơn nếu bạn:
Thừa cân
Ít vận động
Có tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2
Có tiền sử bệnh đái tháo đường thai kỳ hoặc đã sinh em bé nặng hơn 9 kg
Là người gốc Phi, người Mỹ bản địa, người gốc Latinh, người châu Á hoặc người dân đảo Thái Bình Dương.
Có mức cholesterol có lợi (HDL) thấp hoặc mức chất béo trung tính cao.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh đái tháo đường tuýp 2 như thế nào?
Các triệu chứng của bệnh đái tháo đường tuýp 2 thường xuất hiện từ từ. Bạn có thể có hoặc không có triệu chứng, bác sĩ sẽ dựa vào kết quả xét nghiệm máu để chẩn đoán xác định bệnh của bạn. Các xét nghiệm đo lượng đường (glucose) trong máu của bạn bao gồm:
Xét nghiệm glycated hemoglobin (HbA1C).
Xét nghiệm đường huyết lúc đói
Kiểm tra đường huyết tương ngẫu nhiên
Kiểm tra dung nạp glucose
Bác sĩ sẽ thực hiện một hay nhiều xét nghiệm này nhiều lần để xác định chẩn đoán bệnh.
Xét nghiệm glycated hemoglobin (A1C/HbA1C)
Kiểm tra glycated hemoglobin (A1C) là một biện pháp lâu dài cho việc kiểm soát lượng đường trong máu. Điều này cho phép bác sĩ của bạn tìm ra mức đường huyết trung bình của bạn trong 2-3 tháng qua.
Xét nghiệm này đo phần trăm lượng đường trong máu gắn với hemoglobin. Hemoglobin là protein vận chuyển oxy trong các tế bào hồng cầu. A1C càng cao, lượng đường trong máu gần đây của bạn càng cao.
Xét nghiệm A1C không nhạy như xét nghiệm đường huyết lúc đói hoặc xét nghiệm dung nạp glucose. Bác sĩ sẽ gửi mẫu của bạn đến phòng thí nghiệm tiêu chuẩn để chẩn đoán. Kết quả nhận được có thể tốn thời gian hơn so với xét nghiệm được tiến hành tại phòng bác sĩ.
Một ưu điểm của phương pháp kiểm tra A1C chính là sự tiện lợi. Bạn có thể được lấy mẫu bất kỳ lúc nào trong ngày mà không cần phải nhịn ăn. Ngoài ra kết quả xét nghiệm này cũng không bị ảnh hưởng bởi tâm lý căng thẳng hay một bệnh tật nào khác.
Bác sĩ sẽ đọc kết quả và dưới đây là ý nghĩa của kết quả kiểm tra HbA1C:
A1C > 6.5 %: Bệnh đái tháo đường
A1C từ 5.7 - 6.4 %: Tiền đái tháo đường
A1C < 5.7 %: Bình thường
Có thể sử dụng xét nghiệm này để theo dõi việc kiểm soát lượng đường trong máu sau khi đã được chẩn đoán. Mức A1C nên được kiểm tra vài lần một năm ở những người mắc bệnh đái tháo đường.
Kiểm tra đường huyết lúc đói
Trong một số trường hợp, test A1C không được sử dụng. Chẳng hạn như không làm test A1C cho phụ nữ có thai hay những người có biến thể hemoglobin. Lúc đó, xét nghiệm đường huyết lúc đói có thể được tiến hành thay thế. Để tiến hành xét nghiệm này, mẫu máu của bạn sẽ được lấy sau khi nhịn ăn qua đêm.
Khác với xét nghiệm A1C, xét nghiệm đường huyết lúc đói cho phép đo lượng đường trong máu của bạn tại một thời điểm duy nhất. Chỉ số đường huyết được biểu thị bằng miligam trên decilit (mg/dL) hoặc milimol trên lít (mmol/l). Chú ý rằng khi bạn căng thẳng hoặc bị ốm thì có thể ảnh hưởng đến kết quả.
Bác sĩ sẽ đọc kết quả, nó có ý nghĩa như sau:
Đường huyết lúc đói > 126mg/dL: Bệnh đái tháo đường
Đường huyết lúc đói từ 100 - 125mg/dL: Tiền đái tháo đường
Đường huyết lúc đói < 100mg/dL: Bình thường
Kiểm tra đường huyết ngẫu nhiên
Thử nghiệm đường huyết ngẫu nhiên được sử dụng ở những người có các triệu chứng của bệnh đái tháo đường. Thử nghiệm này có thể được thực hiện bất cứ thời điểm nào trong ngày. Xét nghiệm này giúp chúng ta xem xét được lượng đường trong máu mà không tính đến bữa ăn cuối cùng của bạn.
Bất kể bạn ăn lần cuối là khi nào, xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên từ 200 mg/dL trở lên cho thấy rằng bạn bị đái tháo đường. Điều này chắc chắn đúng nếu bạn đã có các triệu chứng của bệnh đái tháo đường.
Bác sĩ sẽ xem xét kết quả của bạn. Ý nghĩa của kết quả kiểm tra như sau:
Đường huyết ngẫu nhiên từ 200 mg/dL trở lên: Bệnh đái tháo đường
Đường huyết ngẫu nhiên từ 140 đến 199 mg/dL: Tiền đái tháo đường
Đường huyết ngẫu nhiên dưới 140 mg/dL: Bình thường
Test dung nạp glucose
Giống như xét nghiệm đường huyết lúc đói, test dung nạp đường cũng yêu cầu nhịn ăn qua đêm và bạn sẽ làm xét nghiệm đường huyết lúc đói. Sau đó, bạn sẽ được uống một chất lỏng có đường. Sau khi thực hiện xong, bác sĩ sẽ kiểm tra lượng đường trong máu của bạn định kỳ trong vài giờ.
Viện Quốc gia về Bệnh đái tháo đường, tiêu hóa và bệnh thận (NIDDK) khuyến cáo nên ăn ít nhất 150g carbohydrate mỗi ngày, trong 3 ngày trước khi tiến hành kiểm tra. Các loại thực phẩm như bánh mì, ngũ cốc, mỳ ống, khoai tây, trái cây (tươi và đóng hộp) và nước canh đều chứa carbohydrate.
Hãy chia sẻ với bác sĩ của bạn về bất kỳ căng thẳng hoặc bệnh tật nào bạn đang gặp phải. Đảm bảo rằng bác sĩ của bạn biết về tất cả các loại thuốc bạn đang sử dụng. Tình trạng căng thẳng, bệnh tật và các loại thuốc đều có thể ảnh hưởng đến kết quả của bài test dung nạp glucose.
Bác sĩ của bạn sẽ xem xét kết quả của bạn. Ý nghĩa của kết quả test dung nạp glucose như sau:
Đường huyết từ 200 mg/dL trở lên sau 2h: Bệnh đái tháo đường
Lượng đường trong máu từ 140 đến 199 mg/dL sau 2h: Tiền đái tháo đường
Lượng đường trong máu dưới 140 mg/dL sau 2h: Bình thường
Test dung nạp glucose cũng được sử dụng để chẩn đoán bệnh đái tháo đường thai kỳ.
Yêu cầu chẩn đoán lại nếu cần thiết
Nếu bạn có bất kỳ mối quan tâm hoặc nghi ngờ nào về chẩn đoán của mình thì có thể yêu cầu bác sĩ thực hiện chẩn đoán lại.
Nếu bạn thay đổi bác sĩ, bạn nên yêu cầu thực hiện các xét nghiệm mới. Các văn phòng bác sĩ khác nhau sử dụng các phòng thí nghiệm khác nhau để xử lý mẫu. Viện Quốc gia về Bệnh đái tháo đường, tiêu hóa và bệnh thận (NIDDK) cho biết việc so sánh kết quả từ các phòng thí nghiệm khác nhau có thể gây hiểu nhầm. Hãy nhớ rằng bác sĩ sẽ cần lặp lại bất kỳ xét nghiệm nào để chẩn đoán lại cho bạn.
Kết quả kiểm tra có bao giờ sai không?
Ban đầu, kết quả kiểm tra của bạn có thể khác nhau. Ví dụ: xét nghiệm lượng đường trong máu có thể cho thấy bạn bị tiểu đường nhưng xét nghiệm A1C có thể cho thấy bạn không mắc bệnh. Điều ngược lại cũng có thể đúng.
Tại sao điều này lại xảy ra? Điều này có thể là do là bạn đang ở giai đoạn đầu của bệnh tiểu đường và lượng đường trong máu của bạn có thể không đủ cao để hiển thị trong mọi xét nghiệm.
Bài kiểm tra A1C có thể sai đối với một số người gốc Phi, Địa Trung Hải hoặc Đông Nam Á. Kết quả có thể quá thấp ở những người bị thiếu máu hoặc chảy máu nhiều, và quá cao ở những người bị thiếu máu do thiếu sắt. Nhưng bạn hãy yên tâm rằng bác sĩ sẽ lặp lại các xét nghiệm trước khi đưa ra chẩn đoán chính xác.
Lập kế hoạch điều trị
Sau khi biết mình mắc bệnh tiểu đường, bạn có thể làm việc với bác sĩ để lập kế hoạch điều trị phù hợp với mình. Điều quan trọng là phải tuân thủ tất cả các buổi theo dõi và khám bệnh của bạn. Đi xét nghiệm máu thường xuyên và theo dõi các triệu chứng là những bước cần thiết để đảm bảo sức khỏe lâu dài.
Bạn cần trao đổi với bác sĩ về mục tiêu lượng đường trong máu của bạn và nên kiểm tra lượng đường trong máu bao lâu một lần. Chương trình Giáo dục Bệnh Tiểu đường Quốc gia nói rằng mục tiêu của nhiều người là chỉ số A1C dưới 7.
Lập kế hoạch tự chăm sóc chính là phương pháp quan trọng để kiểm soát bệnh tiểu đường của bạn. Bao gồm thay đổi lối sống như ăn thức ăn lành mạnh, tập thể dục, ngừng hút thuốc và kiểm tra lượng đường trong máu.
Tại mỗi lần khám, hãy trao đổi với bác sĩ của bạn về việc liệu kế hoạch tự chăm sóc của bạn có đang hoạt động hiệu quả không.
Tổng kết
Hiện không có cách chữa khỏi bệnh tiểu đường tuýp 2. Tuy nhiên, tình trạng này có thể kiểm soát được với nhiều phương pháp điều trị hiệu quả.
Bước đầu tiên là chẩn đoán và hiểu kết quả xét nghiệm của bạn. Để chẩn đoán xác định cho bạn, bác sĩ sẽ cần lặp lại một hoặc nhiều xét nghiệm sau: A1C, đường huyết lúc đói, đường huyết ngẫu nhiên hoặc dung nạp glucose.
Nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, hãy lập kế hoạch tự chăm sóc bản thân, đặt mục tiêu về lượng đường trong máu và thường xuyên kiểm tra với bác sĩ.
Nguồn: healthline
Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới:
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetes/symptoms-causes/syc-20371444
https://www.cdc.gov/diabetes/basics/quick-facts.html
https://www.diabetes.org/diabetes/type-2
https://www.healthline.com/health/type-2-diabetes/diagnosis#outlook