Cơ chế hoạt động của Insulin và Glucagon
Ngày: 06/06/2021 lúc 19:10PM
Insulin và glucagon là những hormone giúp điều chỉnh lượng glucose trong máu. Vậy hai hormone này hoạt động như thế nào và nếu chúng hoạt động không tốt sẽ có chuyện gì xảy ra?
Insulin và glucagon là những hormone giúp điều chỉnh lượng glucose trong máu. Glucose được hấp thu từ thực phẩm bạn ăn sẽ di chuyển qua máu đến tế bào để cung cấp năng lượng cho cơ thể.
Insulin và glucagon cũng giống như âm và dương. Chúng kết hợp hài hòa với nhau giúp cân bằng lượng đường trong máu, giữ nó trong phạm vi mà cơ thể bạn yêu cầu.
Hãy đọc tiếp để tìm hiểu về cách hai hormone này hoạt động và điều gì có thể xảy ra khi chúng hoạt động không tốt nhé!
Cách insulin và glucagon cùng hoạt động
Insulin và glucagon hoạt động trong theo cơ chế “vòng phản hồi tiêu cực”. Trong quá trình này, một sự kiện kích hoạt một sự kiện khác, sự kiện này lại kích hoạt một sự kiện khác nữa,... cứ như vậy, các sự kiện diễn ra giúp giữ cho lượng đường trong máu của bạn được cân bằng.
Insulin hoạt động như thế nào?
Trong quá trình tiêu hóa, thức ăn có chứa carbohydrate được chuyển hóa thành glucose. Hầu hết lượng glucose này được đưa vào máu của bạn, gây ra sự gia tăng đường huyết. Sự gia tăng này báo hiệu tuyến tụy sản xuất insulin.
Lúc này, insulin kính thích các tế bào khắp cơ thể tiếp nhận glucose từ máu. Khi glucose di chuyển vào tế bào, lượng glucose trong máu của bạn sẽ giảm xuống.
Một số tế bào sử dụng glucose làm năng lượng. Một số khác, chẳng hạn như tế bào gan và cơ bắp thì lưu trữ lượng glucose dư thừa dưới dạng glycogen. Cơ thể bạn sẽ sử dụng glycogen để làm nhiên liệu giữa các bữa ăn.
Cách thức hoạt động của glucagon
Glucagon hoạt động đối trọng với insulin.
Khoảng 4-6 giờ sau khi ăn, lượng glucose trong máu của bạn sẽ giảm xuống, kích hoạt tuyến tụy sản xuất glucagon. Hormone này báo hiệu cho gan và các tế bào cơ của bạn biến đổii glycogen dự trữ trở lại thành glucose. Sau đó, những tế bào này giải phóng glucose vào máu của bạn để các tế bào khác có thể sử dụng nó làm năng lượng.
Toàn bộ vòng phản hồi này với insulin và glucagon liên tục hoạt động. Vì thế nó giữ cho lượng đường huyết không bị giảm xuống quá thấp, đảm bảo cơ thể của bạn có nguồn cung cấp năng lượng ổn định.
Một số khái niệm
Glucose: Loại đường di chuyển trong máu của bạn đến các tế bào để cung cấp năng lượng.
Insulin: Hormone thông báo cho các tế bào lấy glucose từ máu để làm năng lượng hoặc lưu trữ để sử dụng sau này.
Glycogen: Một chất được tạo ra từ glucose được lưu trữ trong gan và các tế bào cơ, sau này sẽ chuyển thành năng lượng để cung cấp cho cơ thể.
Glucagon: Hormone thông báo cho các tế bào gan và cơ chuyển đổi glycogen thành glucose và giải phóng nó vào máu để tế bào có thể sử dụng làm năng lượng.
Tuyến tụy: Cơ quan sản xuất và giải phóng insulin, glucagon.
Rối loạn cân bằng glucose
Quá trình điều chỉnh lượng đường trong máu là hoạt động trao đổi chất vô cùng phức tạp và tinh tế của cơ thể con người.
Tuy nhiên, đối với một số người, quá trình này hoạt động không được hài hòa như bình thường. Bệnh đái tháo đường là tình trạng được biết đến nhiều nhất gây ra các vấn đề về cân bằng lượng đường huyết. Từ “đái tháo đường” ở đây mang nghĩa chỉ một nhóm bệnh.
Bệnh đái tháo đường tuýp 1
Trong số hai loại bệnh đái tháo đường chính, đái tháo đường tuýp 1 là dạng ít phổ biến hơn. Nó là một rối loạn tự miễn dịch, trong đó hệ thống miễn dịch của bạn phá hủy các tế bào tạo ra insulin trong tuyến tụy. Do đó, tuyến tụy không sản xuất được insulin nữa. Hậu quả là những người bệnh đái tháo đường tuýp 1 phải dùng insulin để duy trì sự sống.
Bệnh đái tháo đường tuýp 2
Với bệnh đái tháo đường tuýp 2, cơ thể bạn tạo ra insulin nhưng các tế bào của bạn không phản ứng với nó như bình thường. Các tế bào không hấp thụ glucose từ máu như trước đây, dẫn đến lượng đường huyết cao hơn. Theo thời gian, cơ thể sản xuất ít insulin hơn, làm tăng lượng đường trong máu của bạn.
Bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể được kiểm soát bằng thuốc và thay đổi trong lối sống, ví dụ như có một chế độ dinh dưỡng và tập thể dục hợp lý.
Bệnh đái tháo đường thai kỳ
Một số phụ nữ dễ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ trong giai đoạn cuối khi mang thai. Lúc này, các hormone liên quan đến thai kỳ có thể cản trở hoạt động của insulin. Tình trạng này thường biến mất sau khi sinh. Tuy nhiên, những phụ nữ đã từng mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ sẽ có nhiều nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2 hơn trong tương lai.
Tiền đái tháo đường
Nếu bạn bị tiền đái tháo đường, cơ thể bạn tạo ra insulin nhưng lại không sử dụng đúng cách. Kết quả là, mức đường huyết của bạn tăng lên, nhưng chưa cao đến mức có thể kết luận mắc đái tháo đường tuýp 2. Nhiều người bị tiền đái tháo đường sẽ tiếp tục phát triển thành bệnh đái tháo đường tuýp 2.
Tuy nhiên, với những thay đổi trong lối sống, bao gồm cả kiểm soát cân nặng, tập thể dục và một chế độ ăn uống lành mạnh, thì những người bị tiền đái tháo đường hoàn toàn có thể ngăn chặn bệnh tiểu đường tuýp 2.
Tóm lại
Hiểu cách cơ thể hoạt động sẽ giúp bạn trở nên khỏe mạnh hơn.
Insulin và glucagon là hai hormone quan trọng mà cơ thể tạo ra để giữ cho lượng đường trong máu của bạn cân bằng. Khi hoạt động của 2 hormone này không bình thường sẽ tạo nên sự rối loạn cân bằng đường huyết mà đái tháo đường là bệnh được biết đến nhiều nhất.
Nếu bạn có điều gì muốn biết thêm về insulin, glucagon và đường huyết, hãy trao đổi với bác sĩ của bạn cũng như đọc thêm các bài viết trên website của Thái Nhiên nhé!
Nguồn: healthline.com
Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới:
https://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/what-is-diabetes?dkrd=hiscr0001
https://www.healthline.com/health/diabetes/insulin-and-glucagon#definitions