Bổ sung Crom có đem lại lợi ích cho bệnh tiểu đường?

Ngày: 26/04/2021 lúc 09:51AM

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra bổ sung Crom có thể giúp cải thiện đường huyết và đáp ứng của cơ thể với insulin ở những người đái tháo đường. Nhưng việc bổ sung Crom có thật sự cần thiết và an toàn?

NgườiđáitháođườngcónênbổsungCrom?

Crom là gì?

Crom hay Chromium là một khoáng chất vi lượng có trong một số loại thực phẩm và trong môi trường sống của chúng ta.

Có hai dạng đã biết là Crom hóa trị III (Cr 3+) và Crom hóa trị VI (Cr 6+).

Crom hóa trị III là dạng Crom an toàn, được tìm thấy trong các loại thực phẩm. Cr 3+ là một chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa các chất của cơ thể, thông qua tác động của nó trên hormon insulin. Dạng Crom này có thể giúp tăng cường trao đổi chất, cân bằng lượng đường trong máu và giảm cảm giác thèm ăn.

Ngược lại, Crom hóa trị VI là một dạng Crom độc hại, được tìm thấy trong ô nhiễm công nghiệp.

Lợi ích của Crom

Mặc dù nhiều nhà nghiên cứu đã đặt câu hỏi liệu đây có phải yếu tố vi lượng thật sự cần thiết không, nhưng Crom vẫn tham gia vào nhiều chức năng quan trọng của cơ thể.

Chẳng hạn như cấu tạo nên phân tử Chromodulin, giúp hormon insulin thực hiện các hoạt động của nó trong cơ thể. Insulin là một loại hormone bài tiết bởi tuyến tụy, có vai trò quan trọng đối với sự hấp thụ và lưu trữ glucose máu.

Nhờ đó, những lợi ích phổ biến nhất của Crom bao gồm:

  • Giảm cảm giác thèm ăn
  • Đốt cháy nhiều năng lượng hơn
  • Giảm tình trạng đề kháng insulin
  • Cải thiện tâm trạng

Tuy nhiên, lượng Crom được hấp thu trong ruột rất thấp, chỉ dưới 2,5% tổng lượng nạp vào. Dạng muối Crom (III) Picolinat có khả năng được hấp thu tốt hơn ở đường tiêu hóa, do đó dạng này thường được sử dụng trong các thực phẩm bổ sung Crom.

Crom giúp giảm cảm giác thèm ăn?

Hầu hết những người đã cố gắng giảm cân hoặc theo chế độ ăn giữ cân đều gặp cảm giác đói và thèm ăn mạnh mẽ. Do đó, các loại thực phẩm hay chất bổ sung có thể làm giảm cảm giác thèm ăn được rất nhiều người quan tâm.

Trong một nghiên cứu trên những phụ nữ thừa cân khỏe mạnh, việc bổ sung 1000 μg Crom (ở dạng Crom picolinat) mỗi ngày, kéo dài 8 tuần giúp giảm lượng thức ăn nạp vào, cũng như giảm cảm giác đói và thèm ăn. Các nhà nghiên cứu cho rằng kết quả này có thể liên quan đến tác động của Crom lên não.

Một nghiên cứu khác đã theo dõi 113 người mắc bệnh trầm cảm được bổ sung 600 μg Crom mỗi ngày (dưới dạng Crom picolinat) kéo dài 8 tuần. Kết quả cho thấy nhóm được bổ sung Crom picolinat đã giảm cảm giác đói và thèm ăn so với nhóm giả dược (nhóm không bổ sung Crom).

Ngoài ra, một nghiên cứu quan sát nhỏ cho thấy việc bổ sung Crom cũng có thể đem lại lợi ích tương tự trên những người mắc chứng ăn uống không kiểm soát.

Cụ thể, liều lượng từ 600 đến 1.000 μg/ngày có thể làm giảm tần suất các đợt ăn uống không kiểm soát và các triệu chứng trầm cảm.

Mặc dù các dữ liệu có sẵn còn hạn chế, nhưng đã có nhiều bằng chứng cho thấy rằng việc bổ sung Crom picolinat từ 600 đến 1.000 μg/ngày có thể giúp giảm cảm giác đói và thèm ăn, cũng như tình trạng ăn uống không kiểm soát ở một số người.

Crom có giúp bạn giảm cân?

Dựa trên vai trò của Crom trong chuyển hóa các chất dinh dưỡng và tác động của nguyên tố vi lượng này đến hành vi ăn uống, một số nghiên cứu đã được thực hiện nhằm đánh giá việc bổ sung Crom có giúp giảm cân hiệu quả hay không.

Một phân tính tổng hợp đã dựa trên 9 nghiên cứu khác nhau, bao gồm 622 người thừa cân hoặc béo phì, để có được “bức tranh toàn cảnh” về lợi ích nếu có của Crom trong việc giảm cân. Với liều lượng Crom picolinat được bổ sung trong các nghiên cứu này là 1.000 μg/ngày.

Nhìn chung, nghiên cứu này phát hiện ra sau 12 đến 16 tuần, Crom picolinate chỉ giúp những người béo phì giảm một con số cân nặng rất nhỏ (khoảng 1,1 kg). Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu kết luận rằng tác động của việc bổ sung Crom lên cân nặng vẫn còn nhiều nghi vấn, và hiệu quả vẫn chưa được chứng minh rõ ràng.

Một nghiên cứu phân tích khác cũng đưa ra kết luận tương tự. Sau khi phân tích 11 nghiên cứu khác nhau, các nhà nghiên cứu nhận thấy sau khi bổ sung Crom từ 8-26 tuần, các đối tượng nghiên cứu chỉ giảm khoảng 0,5 kg.

Nhiều nghiên cứu khác trên những người trưởng thành khỏe mạnh cũng chỉ ra rằng, việc bổ sung Crom không tác động đến khối lượng mỡ hay cơ của cơ thể, ngay cả khi kết hợp với tập thể dục.

Tóm lại, các bằng chứng khoa học hiện nay cho thấy bổ sung Crom không giúp bạn có thể giảm cân.

NgườiđáitháođườngcónênbổsungCrom?

Crom giúp cải thiện đường huyết?

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc bổ sung Crom có thể cải thiện đường huyết của những bệnh nhân tiểu đường.

Kết quả một nghiên cứu cho thấy, bổ sung 200 μg Crom mỗi ngày trong vòng 16 tuần có thể làm giảm lượng đường và insulin trong máu, nhờ cải thiện đáp ứng của cơ thể với insulin. Ngoài ra, trong một nghiên cứu lớn trên 62.000 người trưởng thành, những người sử dụng thực phẩm bổ sung chứa Crom có nguy cơ mắc đái tháo đường thấp hơn 27%.

Tuy nhiên, các nghiên cứu khác về việc bổ sung Crom từ 3 tháng trở lên không cho thấy sự cải thiện đường huyết ở những người mắc tiểu đường loại 2. Nghiên cứu trên những người béo phì không mắc đái tháo đường cũng chỉ ra rằng, việc bổ sung 1000 μg Crom picolinate mỗi ngày không cải thiện đáp ứng của cơ thể với insulin.

Trên thực tế, một cuộc kiểm tra lớn trên 425 người khỏe mạnh đã phát hiện ra rằng bổ sung Crom không làm thay đổi lượng đường hoặc insulin máu.

Do đó, việc bổ sung Crom nhìn chung có thể giúp cải thiện đường huyết và đáp ứng của cơ thể với insulin ở những người mắc bệnh đái tháo đường, nhưng không phải trong mọi trường hợp. Và việc bổ sung Crom không đem lại lợi ích tương tự trên những người không mắc đái tháo đường.

Bệnh nhân đái tháo đường có nên bổ sung Crom?

Dựa trên những vai trò của Crom đối với chuyển hóa glucose, nhiều bệnh nhân đái tháo đường đang băn khoăn có nên sử dụng các chế phẩm bổ sung Crom hay không.

Để cân nhắc việc bổ sung một chất dinh dưỡng cụ thể, bên cạnh lợi ích tiềm tàng, chúng ta cần chú ý đầu tiên đến độ an toàn của chúng. Các bằng chứng khoa học hiện nay còn hạn chế, nên giá trị tối đa nạp vào mỗi ngày để không gây độc tính (UL) của Crom vẫn chưa được thiết lập.

Mặc dù vậy, nhiều nhà nghiên cứu đang tỏ ra lo ngại về độ an toàn của việc bổ sung hàng ngày Crom picolinat. Quá trình chuyển hóa dạng Crom này trong cơ thể có thể tạo ra các gốc Hydroxyl có hại. Mặt khác, dạng Crom picolinat có thể làm tổn thương ADN của bạn, và gây nên nhiều vấn đề sức khỏe khác. Dù Crom picolinat là dạng phổ biến có mặt trong các chất bổ sung, nhưng những tác động tiêu cực kể trên thường chỉ xảy ra khi uống dạng này.

Một nghiên cứu cho rằng Crom picolinat có thể giúp một số người mắc bệnh tiểu đường cải thiện chỉ số A1C, dung nạp glucose và sản xuất insulin. Nhưng hiện tại không có đủ bằng chứng về tính an toàn và hiệu quả để khuyến nghị bổ sung Crom.

Điểm đáng lưu ý là, các nghiên cứu cho thấy tác dụng của việc bổ sung Crom trên người bệnh đái tháo đường cũng khuyến cáo rằng nó cần được sử dụng cùng các phương pháp quản lý bệnh tiểu đường truyền thống khác.

Điều này cũng nhận được đồng tình từ Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA). Theo ADA, không có bằng chứng rõ ràng nào ủng hộ việc sử dụng Crom thường xuyên để cải thiện việc kiểm soát đường huyết, cũng như không có lý do chính đáng để bổ sung vitamin và khoáng chất trừ khi bạn bị thiếu dinh dưỡng cơ bản.

Ngoài những lo ngại về an toàn có thể xảy ra, chất bổ sung Crom có ​​thể tương tác với một số loại thuốc, bao gồm thuốc chẹn beta và thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS).

Do đó, người bệnh đái tháo đường không được khuyến cáo bổ sung Crom để cải thiện tình trạng bệnh, trừ khi có chỉ dẫn riêng của bác sĩ chuyên khoa.

Làm thế nào để biết cơ thể đang thiếu hụt Crom?

Tiêu thụ quá ít Crom có thể dẫn tới hàng loạt các triệu chứng bất thường, bao gồm các triệu chứng giống bệnh tiểu đường (như sút cân, rối loạn dung nạp glucose), các bệnh thần kinh, lo lắng, mệt mỏi và yếu cơ.

Tuy nhiên, bạn không cần quá lo lắng, vì việc thiếu hụt Crom là rất hiếm. Tình trạng này chỉ được ghi nhận hầu hết ở những người được cho ăn bằng ống xông và thường được xử lý bằng việc bổ sung Crom qua đường tĩnh mạch.

Tình trạng thiếu hụt Crom hiếm gặp, chủ yếu do nguyên tố vi lượng này được tìm thấy trong rất nhiều trái cây, rau, ngũ cốc và thịt, thậm chí là cả rượu vang. Do đó, chỉ cần thực hiện một chế độ ăn lành mạnh, cân bằng các loại thực phẩm khác nhau là bạn đã có thể đáp ứng nhu cầu Crom của cơ thể.

Trung bình, lượng Crom mỗi người trưởng thành cần tiêu thụ dao động từ khoảng 20-45 μg/ngày. Nhu cầu Crom có thể nhiều hơn ở phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, cũng như ở nam giới so với phụ nữ.

Như đã nêu trên, giới hạn tối đa tiêu thụ mỗi ngày dưới ngưỡng gây độc của Crom vẫn chưa được thiết lập. Nhưng việc tiêu thụ trên 40 μg Crom mỗi ngày được xem là không cần thiết, vì cơ thể bạn có thể không xử lý được nguyên tố này một cách có hiệu quả.

Những thực phẩm tự nhiên giàu Crom

Crom có trong các loại thực phẩm khác nhau, nhưng vẫn chưa có cơ sở tin cậy về hàm lượng Crom có trong mỗi loại thực phẩm. Hầu hết Crom có trong thực phẩm với hàm lượng rất nhỏ, chỉ 1–2 μg mỗi khẩu phần.

Lượng Crom cũng có thể bị ảnh hưởng bởi kỹ thuật nông nghiệp cũng như cách chế biến thực phẩm.

NgườiđáitháođườngcónênbổsungCrom?

Bạn có thể cân nhắc bổ sung những loại thực phẩm giàu Crom dưới đây vào chế độ ăn:

  • Bông cải xanh
  • Chuối
  • Đậu xanh
  • Táo
  • Khoai tây, khoai lang
  • Ngũ cốc nguyên hạt
  • Đậu hà lan
  • Ngô
  • Nho
  • Thịt bò
  • Thịt gia cầm

Bật mí thêm, các loại gia vị như tỏi, húng quế, quế cũng là nguồn cung cấp Crom tốt. Men bia có chứa hàm lượng Crom gần như cao nhất, với khoảng 60 μg/thìa canh.

Lưu ý rằng, chế độ ăn nhiều đường đơn (đường chiếm trên 35% tổng lượng calo nạp vào) có thể làm giảm sự hấp thu Crom. Bởi khả năng hấp thu Crom ở đường tiêu hóa là rất thấp, nên bạn có thể cải thiện sự hấp thu này bằng cách lựa chọn thực phẩm mà bạn ăn. Các loại trái cây và rau củ giàu vitamin C và B3 (niacin) có thể tăng cường sự hấp thu Crom.

Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới:

https://www.everydayhealth.com/diet-nutrition/all-about-chromium/

https://www.healthline.com/nutrition/chromium-picolinate#blood-sugar

https://www.humnutrition.com/blog/chromium-benefits/

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/21086001/

https://academic.oup.com/jn/article/130/4/715/4686593

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/22423897/

https://ods.od.nih.gov/factsheets/Chromium-HealthProfessional/

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1204764/

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/24635480/

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/16784965/

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26446484/

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/20022616/

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/20425574/

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/23683609/

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/19422140/

https://academic.oup.com/ajcn/article/76/1/148/4689472

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/18715218/

https://journals.lww.com/practicalpsychiatry/Fulltext/2005/09000/A_Double_Blind,_Placebo_Controlled,_Exploratory.4.aspx

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/23495911/

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/12656641/

https://diabetes.diabetesjournals.org/content/46/11/1786.short

Khải Hân
BÌNH LUẬN
Tin cùng chuyên mục

        Dược sĩ tư vấn