Bệnh thần kinh tiểu đường
Ngày: 26/05/2021 lúc 00:47AM
Bệnh nhân đái tháo đường thường gặp các biến chứng về thần kinh do lượng đường trong máu cao gây tổn thương các tế bào. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu về biến chứng thần kinh do đái tháo đường và cách để bảo vệ thần kinh khỏe mạnh.
1. Tổng quan
Thông tin tóm tắt nhanh:
Bệnh nhân đái tháo đường thường gặp các biến chứng về thần kinh do lượng đường cao trong máu gây tổn thương các tế bào. Tình trạng này được gọi là bệnh thần kinh do tiểu đường với các triệu chứng như: mất cảm giác, nóng rát hoặc ngứa ran ở chân, đi lại khó khăn ...
Ăn uống lành mạnh và tập thể dục luôn rất quan trọng đối với các bệnh nhân bị tiểu đường. Bổ sung axit lipoic có thể đem lại nhiều lợi ích cho thần kinh.
Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu được đái tháo đường gây tổn thương đến thần kinh như thế nào và chúng ta nên làm gì để bảo vệ thần kinh khỏe mạnh.
Bệnh thần kinh tiểu đường xảy ra khi lượng đường trong máu tăng cao kéo dài, làm tổn thương các sợi thần kinh, gây ra các vấn đề về cảm giác và chức năng thần kinh. Bệnh xảy ra ở cả đái tháo đường typ 1 và typ 2, với tỷ lệ bệnh nhân phát triển bệnh là 40-70%.
May mắn thay, các nghiên cứu gần đây cho thấy, việc thay đổi lối sống cùng các biện pháp can thiệp tự nhiên, như axit lipoic và vitamin B, có thể làm chậm và hạn chế sự tiến triển của bệnh thần kinh tiểu đường.
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ
Bệnh thần kinh do tiểu đường gây ra bởi những tác động trực tiếp của lượng đường cao trong máu làm tổn thương các tế bào thần kinh cũng như các mạch máu nhỏ cung cấp máu cho dây thần kinh.
Các yếu tố nguy cơ gồm:
Kiểm soát đường huyết kém trong thời gian dài (yếu tố nguy cơ chính)
Bệnh tim mạch
Tuổi tác
Giới tính nam
Chất béo trung tính tăng cao
Chỉ số khối cơ thể cao
Hút thuốc và uống rượu, bia
Chẩn đoán và điều trị
Chẩn đoán
Xuất hiện các triệu chứng đặc trưng bao gồm: tê chi dưới, đau, nhạy cảm, khô, gầy, yếu cơ, đi lại khó khăn và mất cảm giác với nhiệt độ
Kiểm tra sức khỏe
Nồng độ đường huyết lúc đói, hemoglobin A1C, CBC/ công thức hóa học, ...
Dẫn truyền thần kinh hoặc điện cơ đồ bàn chân
Điều trị
Kiểm soát lượng đường trong máu chặt chẽ một cách hợp lý là điều tối quan trọng trong việc kiểm soát sự tiến triển của bệnh thần kinh do tiểu đường.
Đối với bệnh thần kinh ở ngoại biên gây đau, có thể sử dụng pregabalin và/ hoặc duloxetine.
Chăm sóc vết thương ở các chi do viêm dây thần kinh ngoại biên cũng rất quan trọng
Liệu pháp mới
Tế bào gốc: Nghiên cứu cho thấy, cấy ghép tế bào gốc có thể bảo vệ và phục hồi các tế bào tuyến tụy, cải thiện lưu lượng máu đến các dây thần kinh bị tổn thương, đồng thời có thể giảm viêm, do đó giảm đau do bệnh thần kinh tiểu đường.
Nabilone: Hai nghiên cứu đã tìm thấy nabilone - một loại cannabinoid tổng hợp, giúp giảm đau và cải thiện giấc ngủ ở bệnh nhân bị bệnh thần kinh do tiểu đường.
Độc tố botulinum . Các nghiên cứu cho thấy tiêm độc tố botulinum - một chất độc thần kinh được tiết ra bởi vi khuẩn Clostridium botulinum - vào các vị trí đau của bệnh nhân có thể làm giảm đáng kể cơn đau và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Cải thiện bệnh nhờ vào chế độ ăn uống và lối sống
Chế độ ăn: một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng, giàu thực phẩm thực vật dạng sợi và chất béo lành mạnh có thể giúp kiểm soát mức đường huyết, giảm nguy cơ mắc đái tháo đường cùng các biến chứng.
Tập thể dục . Một nghiên cứu cho thấy, tập thể dục nhịp điệu, dưới hình thức đi bộ (trên máy chạy bộ) trong 4 giờ mỗi tuần, làm chậm sự tiến triển của bệnh thần kinh do tiểu đường.
Sử dụng các liệu pháp tự nhiên:
Axit lipoic: Trong các thử nghiệm lâm sàng, liều 600 - 1.800 mg/ngày axit lipoic giúp cải thiện triệu chứng ở những người bị bệnh thần kinh do đái tháo đường.
Acetyl L-carnitine và L-carnitine: Một nghiên cứu cho thấy sử dụng 2g/ ngày L-carnitine trong 10 tháng đã cải thiện tốc độ dẫn truyền thần kinh, vốn bị suy giảm do bệnh. Các nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng, cetyl-L-carnitine giúp giảm đau, cải thiện cảm giác rung ở chân và tăng tái tạo dây thần kinh ở những bệnh nhân bị bệnh thần kinh do tiểu đường.
Axit béo omega-3: Hai nghiên cứu trên động vật cho thấy, việc bổ sung axit béo omega-3 đã cải thiện các dấu hiệu của bệnh.
Curcumin: Curcumin có thể điều chỉnh và làm giảm các cơn đau liên quan đến bệnh thần kinh do tiểu đường.
Vitamin D: Một nghiên cứu trên 51 bệnh nhân bị bệnh thần kinh do tiểu đường cho thấy, bổ sung vitamin D làm giảm mức độ đau xuống 50%. Trong một báo cáo về trường hợp bệnh nhân bị đau dữ dội, việc bổ sung vitamin D giúp giảm đáng kể cơn đau do bệnh thần kinh tiểu đường.
2. Giới thiệu
“Bệnh thần kinh tiểu đường” là sự suy giảm chức năng sợi thần kinh do tiếp xúc lâu dài với lượng đường cao trong máu (thường là trong nhiều năm ở bệnh nhân tiểu đường typ 1 và đôi khi chỉ sau một thời gian ngắn ở bệnh nhân tiểu đường typ 2). Đây có thể là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh tiểu đường, với các triệu chứng từ nhẹ đến nặng như ngứa ran hoặc bỏng rát ở tứ chi. Bệnh thần kinh do đái tháo đường là một thách thức đối với cả bệnh nhân và bác sĩ. Biến chứng này không chỉ có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân mà còn gây khó khăn cho các bác sĩ trong điều trị.
Mặc dù bệnh thần kinh đái tháo đường thường gây ra các vấn đề ở dây thần kinh ngoại vi (những dây thần kinh ở tứ chi), nhưng cũng có thể gây ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Bệnh nhân gặp nhiều vấn đề với các hoạt động sinh hoạt hàng ngày như đi bộ, mặc quần áo, ăn uống… và các vấn đề về tiêu hóa. Bệnh thần kinh do tiểu đường cũng gây mất cảm giác ở tay và chân, khiến bệnh nhân không nhận biết được khi họ dẫm phải vật sắc nhọn, nổi mụn nước, bị vết cắt hay chạm vào các vật quá nóng hoặc quá lạnh.
Bệnh thần kinh tiểu đường xảy ra ở cả những người mắc bệnh tiểu đường typ 1 và typ 2, nguy cơ tăng lên theo tuổi và thời gian mắc bệnh. Các ước tính cho thấy, khoảng 40% - 70% bệnh nhân tiểu đường sẽ phát triển biến chứng về thần kinh. Đây có thể là một tình trạng phức tạp, vì một số bệnh nhân có các dấu hiệu tổn thương thần kinh khi được kiểm tra sức khỏe nhưng không có vấn đề về sinh hoạt thưởng ngày; trong khi một vài trường hợp sẽ chỉ bị tổn thương nhẹ nhưng lại có các triệu chứng nghiêm trọng, đặc biệt vào ban đêm.
Bệnh thần kinh do tiểu đường có thể gây suy nhược vì khó điều trị bằng các liệu pháp thông thường. Tuy nhiên, vì đường huyết tăng cao là một trong những động lực chính thúc đẩy sự tiến triển của bệnh, bệnh nhân có thể cải thiện bệnh này thông qua chế độ ăn uống và tập thể dục
Dưới đây, bài viết sẽ giải thích rõ hơn về tác động của nồng độ glucose cao gây tổn thương dây thần kinh và làm tiến triển bệnh thần kinh do tiểu đường như thế nào. Bạn cũng sẽ được tìm hiểu về chẩn đoán và điều trị bệnh trong y học hiện nay. Các sáng kiến nghiên cứu, các hướng phương pháp điều trị mới, hiệu quả hơn trong tương lai cũng sẽ được thảo luận. Ngoài ra, vai trò quan trọng của việc điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống cũng được và một số biện pháp can thiệp tự nhiên có lợi cho bệnh nhân thần kinh tiểu đường cũng được xem xét.
3. Các cơ chế liên quan đến sự tiến triển của bệnh thần kinh do tiểu đường
Sự tiến triển của bệnh thần kinh do đái tháo đường rất phức tạp. Có một số cơ chế trao đổi chất, mạch máu và nội tiết tố liên quan:
3.1. Glycation
Một trong những yếu tố quan trọng liên quan đến sự tiến triển của bệnh thần kinh đái tháo đường là tăng glycation - quá trình các loại đường gắn với protein hoặc lipid. Glycation làm rối loạn chức năng các protein trong cơ thể. Các phân tử bị rối loạn chức năng là sản phẩm cuối cùng (AGEs) của quá trình glycation hóa.
Bệnh nhân đái tháo đường có lượng đường trong máu cao, do đó họ cũng thường có mức AGEs cao hơn. Các sản phẩm cuối cùng của quá trình glycation có thể gây phá hủy tế bào hoặc phá vỡ chức năng của nhiều mô, bao gồm cả dây thần kinh. Tổn thương dây thần kinh do quá trình glycation xảy ra thông qua hai cơ chế khác nhau. Thứ nhất, quá trình glycation hóa các protein thần kinh sẽ ức chế chức năng của chúng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của dây thần kinh. Thứ hai, AGE có thể liên kết với bề mặt của các tế bào thần kinh và kích hoạt phản ứng viêm, làm tổn thương chúng. Mức độ gia tăng của các phản ứng oxy hóa cũng góp phần hình thành AGEs.
3.2. Viêm
Viêm cũng đóng một vai trò quan trọng trong bệnh thần kinh do tiểu đường, vì bệnh nhân tiểu đường cả typ 1 và typ 2 đều có mức protein phản ứng C và yếu tố hoại tử khối u - alpha (TNF-α) cao hơn (hai chất hóa học liên quan đến phản ứng viêm). Mức TNF-α cao hơn có liên quan đến bệnh thần kinh tiểu đường. Khi xuất hiện phản ứng viêm, số lượng các đại thực bào gia tăng, tập trung quanh dây thần kinh. Các đại thực bào này góp phần gây ra bệnh thần kinh theo một số cơ chế, bao gồm tăng các phản ứng oxy hóa và tăng các enzym phân hủy myelin - một loại protein bảo vệ xung quanh dây thần kinh.
3.3. Rối loạn chức năng mạch máu
Nồng độ glucose trong máu tăng cao cũng gây rối loạn chức năng mạch máu, dẫn đến các vấn đề về tuần hoàn. Mức đường huyết cao sẽ kích hoạt protein kinase C, kích hoạt sự co thắt của các mạch máu, những mạch máu co lại làm giảm lưu lượng máu đến các tế bào thần kinh. Các mạch máu cũng có thể bị tổn thương bởi AGEs. Sự suy giảm lưu lượng máu đến các tế bào thần kinh làm giảm lượng oxy cung cấp, còn được gọi là thiếu máu cục bộ. Sự thiếu hụt oxy có thể làm tổn thương và phá hủy các tế bào thần kinh.
3.4. Các loại bệnh thần kinh do tiểu đường
Có nhiều loại bệnh thần kinh do tiểu đường. Phổ biến nhất là biến chứng thần kinh ngoại biên, có xu hướng ảnh hưởng đến các dây thần kinh cảm giác, gây đau hoặc mất cảm giác. Dạng thứ hai là biến chứng thần kinh thực vật, trong đó các dây thần kinh chi phối nhiều chức năng cơ thể không tự chủ (như tiêu hóa, đổ mồ hôi, nhịp tim và kiểm soát huyết áp) bị tổn thương. Biến chứng thần kinh đùi (hay teo cơ do đái tháo đường) ảnh hưởng đến phần dưới cơ thể, có thể gây đau và yếu cơ, thường ở đùi, hông hoặc mông. Biến chứng thần kinh khu trú (hay bệnh dây thần kinh) thường xuất hiện đột ngột, liên quan tới một sợi thần kinh độc lập, ảnh hưởng đến phần cơ thể dây thần kinh đó chi phối, xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng đặc trưng.
Bệnh thần kinh ngoại biên là dạng bệnh thần kinh tiểu đường phổ biến nhất. Biến chứng thần kinh ngoại biên thường ảnh hưởng đến bàn tay và bàn chân trước tiên, vì đây là những vùng có dây thần kinh ngoại vi dài nhất, tiếp theo là chân và tay. Bệnh lý thần kinh có thể ảnh hưởng đến cả những dây thần kinh sợi lớn (truyền thông tin về cảm giác khi chạm, áp lực, rung động và tại các vị trí cơ thể) cũng như các sợi nhỏ (truyền thông tin liên quan đến cảm giác đau và nhiệt độ). Các sợi nhỏ thường bị ảnh hưởng nhiều hơn.
4. Nguyên nhân và các yếu tố rủi ro
Bệnh thần kinh do tiểu đường gây ra bởi những tác động trực tiếp của lượng đường trong máu cao lên các tế bào thần kinh cũng như làm tổn thương các mạch máu nhỏ cung cấp máu cho các dây thần kinh. Không có gì đáng ngạc nhiên khi yếu tố nguy cơ chính của bệnh thần kinh đái tháo đường là việc kiểm soát kém lượng đường trong máu. Lượng đường trong máu luôn ở mức cao gây hại cho cả dây thần kinh và mạch máu. Do đó, nhiều dấu hiệu kiểm soát đường huyết kém, như nồng độ đường huyết lúc đói và hemoglobin A1C (HbA1C) tăng cao. Các nhà khoa học tiến hành khai thác dữ liệu từ hai nghiên cứu khác nhau Thử nghiệm Kiểm soát và Biến chứng Đái tháo đường (DCCT) và Dịch tễ học về Can thiệp và Biến chứng Đái tháo đường (EDIC). DCCT phát hiện ra rằng, việc thay đổi các chế độ điều trị để đạt được sự kiểm soát đường huyết chặt chẽ hơn giúp giảm đáng kể 60% bệnh thần kinh do đái tháo đường sau 5 năm.
Ngay cả ở những người không bị tiểu đường, lượng đường huyết cao do tiền tiểu đường có thể góp phần làm tổn thương dây thần kinh. Tiền tiểu đường đôi khi được gọi là rối loạn dung nạp glucose hoặc kháng insulin. Những người bị tiền tiểu đường có lượng đường trong máu tăng cao, nhưng không đủ để được chẩn đoán là bệnh tiểu đường. Những người mắc bệnh thần kinh không rõ nguyên nhân có nhiều khả năng do tiền tiểu đường. Ngoài ra, với những bệnh nhân bị tiền tiểu đường, việc giảm lượng đường trong máu bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và lối sống có thể cải thiện các triệu chứng bệnh thần kinh của họ. Mức đường huyết lúc đói tối ưu được khuyến cáo là 70-85 mg/dL.
Các yếu tố nguy cơ khác của bệnh thần kinh do tiểu đường cũng đã được đưa ra. Chiều cao là một yếu tố nguy cơ. Các nhà nghiên cứu thấy rằng, các dây thần kinh ngoại vi dài hơn dễ bị tổn thương hơn do đái tháo đường. Một yếu tố nguy cơ khác là tuổi tác, vì tỷ lệ mắc bệnh thần kinh đái tháo đường tăng lên theo tuổi. Tương tự, những bệnh nhân tiểu đường càng lâu năm càng có nhiều khả năng mắc bệnh thần kinh do tiểu đường hơn. Giới tính nam cũng là một yếu tố nguy cơ của bệnh. Nam giới có xu hướng phát triển bệnh thần kinh đái tháo đường sớm hơn nữ giới.
Nhiều yếu tố nguy cơ khác của bệnh thần kinh đái tháo đường có thể phòng ngừa được, đặc biệt vì chúng liên quan đến sức khỏe tim mạch. Vấn đề mạch máu đóng vai trò quan trọng trong bệnh thần kinh đái tháo đường, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi nhiều yếu tố nguy cơ gây ra biến chứng thần kinh của bệnh đái tháo đường là các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Nồng độ chất béo trung tính cao trong huyết tương, chỉ số khối cơ thể cao (BMI), huyết áp cao, bệnh võng mạc do tiểu đường, hút thuốc và sử dụng rượu quá mức đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh thần kinh do tiểu đường. Những người mắc bệnh tim mạch được chẩn đoán lâm sàng tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh thần kinh đái tháo đường.
5. Dấu hiệu và triệu chứng
Các triệu chứng của bệnh thần kinh tiểu đường phụ thuộc vào loại bệnh thần kinh và dây thần kinh bị ảnh hưởng. Triệu chứng nổi bật của biến chứng thần kinh ngoại biên là tê và ngứa ran, bắt đầu ở các ngón chân và bàn chân, tiến triển dần dần qua chân đến bàn tay và cánh tay. Bệnh thần kinh do tiểu đường cũng có thể làm giảm hoặc thay đổi cảm giác đau và độ nhạy với nhiệt độ ở các bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng. Một số bệnh nhân sẽ xuất hiện cơn đau được với cảm giác nóng rát, như điện giật hoặc đau như dao đâm. Các triệu chứng thường tồi tệ hơn vào ban đêm. Trường hợp bệnh nghiêm trọng và lâu dài cũng có thể gây yếu cơ nếu các tế bào thần kinh vận động bị ảnh hưởng.
Dạng bệnh thần kinh tiểu đường khác nhau có thể gây ra các triệu chứng khác khau. Bệnh nhân tiểu đường biến chứng thần kinh tự chủ có thể gặp các vấn đề về tiêu hóa như ợ chua, đau bụng, đầy bụng, buồn nôn, táo bón, tiêu chảy hoặc nôn mửa vài giờ sau khi ăn. Bệnh thần kinh do tiểu đường cũng có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở tim và các dây thần kinh điều hòa huyết áp, dẫn đến hoa mắt, chóng mặt, thậm chí là ngất sau khi thay đổi tư thế. Các triệu chứng về tim mạch khác bao gồm kiểm soát nhịp tim kém, nhịp tim nhanh hoặc chậm, nhịp tim không tăng do gắng sức. Các dây thần kinh bàng quang cũng bị ảnh hưởng, dẫn đến bí tiểu, tiểu không tự chủ, đi tiểu khi ngủ, đau khi đi tiểu, dòng chảy kém, đôi khi là nhiễm trùng đường tiết niệu. Rối loạn chức năng tình dục, có thể biểu hiện như rối loạn cương dương hoặc khô âm đạo. Bệnh thần kinh do tiểu đường cũng có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh tuyến mồ hôi, dẫn đến da khô bất thường.
Một trong những biến chứng đáng lo ngại nhất của bệnh thần kinh do đái tháo đường là loét bàn chân. Những người gặp biến chứng thần kinh ngoại biên thường bị giảm cảm giác ở bàn chân, họ thường không nhận thấy các vết thương ở chân. Kết hợp với vấn đề tuần hoàn kém do đái tháo đường, những vết loét ở chân này kém lành và dễ bị nhiễm trùng, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng thậm chí phải cắt bỏ bàn chân. Bệnh tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng cắt cụt chi dưới, chiếm khoảng 80 000 trường hợp mỗi năm chỉ riêng ở Hoa Kỳ. Khoảng 15% những người bị bệnh thần kinh do tiểu đường nặng sẽ bị loét chân trong thời gian mắc bệnh.
6. Chẩn đoán và điều trị
6.1. Chẩn đoán
Việc chẩn đoán bệnh thần kinh do đái tháo đường thường dựa trên các triệu chứng đặc trưng ở bệnh nhân cũng như kết quả khám sức khỏe của bác sĩ. Một trong những công cụ sàng lọc thường được sử dụng để xác định các triệu chứng của bệnh thần kinh do đái tháo đường là Bảng câu hỏi MNSI (Michigan Neuropathy Screening Instrument). MNSI đưa ra các câu hỏi với câu trả lời “có” hoặc “không” về các triệu chứng phổ biến của bệnh thần kinh do tiểu đường như tê ở chi dưới, đau, nhạy cảm, khô, yếu, đi lại khó khăn và mất cảm giác nhiệt độ ... Tuy nhiên, các triệu chứng lâm sàng không thực sự là dấu hiệu đáng tin cậy nhất của bệnh. Do đó, bác sĩ chẩn đoán kết hợp cùng với kết quả khám sức khỏe phát hiện các tổn thương thần kinh.
Các phát hiện trong khám sức khỏe thông thường cho thấy, bệnh thần kinh do đái tháo đường bao gồm các dấu hiệu: da khô, loét hoặc nhiễm trùng ở bàn chân, giảm/ không có cảm giác rung ở ngón chân cái, giảm/ không có phản xạ mắt cá chân. Các dấu hiệu khác có thể quan sát được là: giảm cảm giác ở bàn chân như bị kim châm, yếu/mỏi cơ và giảm độ nhạy cảm với nhiệt độ. Bệnh nhân cũng có thể thực hiện các kiểm tra về dẫn truyền thần kinh hay điện cơ đồ bàn chân - cả hai đều là kỹ thuật đo lường hoạt động của dây thần kinh. Kết quả bất thường trên các xét nghiệm này cho thấy sự hiện diện của bệnh lý thần kinh do đái tháo đường. Ngoài ra, tác động của bệnh thần kinh tiểu đường lên các dây thần kinh chi phối tuần hoàn có thể được đo bằng cách kiểm tra sự biến thiên của nhịp tim khi gắng sức và sự thay đổi huyết áp do thay đổi vị trí cơ thể, hay còn gọi là huyết áp tư thế đứng.
6.2. Điều trị
Cải thiện việc kiểm soát đường huyết là một trong những phương pháp điều trị chính và là chiến lược quan trọng nhất để ngăn ngừa bệnh thần kinh do đái tháo đường. Thuốc điều trị bệnh thần kinh do đái tháo đường có thể tập trung vào cơ chế cơ bản đó hoặc điều trị triệu chứng.
Bệnh thần kinh do tiểu đường gây đau thường được điều trị bằng nhiều loại thuốc khác nhau. Pregabalin - thuốc chống co giật, là thuốc điều trị đầu tiên được lựa chọn. Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm chóng mặt, hoa mắt, mờ mắt, gây buồn ngủ và các vấn đề về phối hợp thuốc. Một loại thuốc khác được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt để điều trị đau thần kinh do tiểu đường là duloxetine - một chất ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine. Cơ chế giảm đau của duloxetine đến nay chưa được làm rõ, tuy nhiên có thể liên quan đến việc phong tỏa kênh natri trong các tế bào thần kinh. Các tác dụng phụ thường gặp nhất của duloxetine là buồn nôn, chóng mặt, buồn ngủ, khô miệng, táo bón và giảm cảm giác thèm ăn. Các loại thuốc khác, mặc dù không được cấp phép đặc biệt để điều trị bệnh thần kinh tiểu đường, nhưng thường được sử dụng bao gồm bupropion, paroxetine , amitriptyline, doxepin, venlafaxine và citalopram. Mặc dù tất cả các loại thuốc này đều là thuốc chống trầm cảm, nhưng chúng có thể giúp giảm bớt triệu chứng đau của bệnh.
Thuốc được sử dụng để điều trị co giật, chẳng hạn như gabapentin, một chất tương tự GABA, cũng có thể giúp giảm đau thần kinh do tiểu đường trong một số trường hợp. Cơ chế giảm đau của gabapentin vẫn chưa được xác định rõ ràng. Các opioid, như tramadol và oxycodone, cũng có thể giúp giảm đau hiệu quả.
Các phương pháp điều trị thông thường có thể được sử dụng để điều trị các biến chứng khác của bệnh thần kinh do tiểu đường. Ví dụ, những người bị chậm tháo rỗng dạ dày có thể dùng erythromycin và metoclopramide để tăng tốc độ tiêu hóa. Rối loạn cương dương có thể được điều trị bằng sildenafil, tadalfil và vardenafil.
7. Liệu pháp điều trị mới
7.1. Tế bào gốc
Tế bào gốc nổi lên như một phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh thần kinh tiểu đường trên nhiều phương diện. Một ứng dụng của tế bào gốc là có thể kiểm soát lượng glucose tăng cao trong máu. Các nghiên cứu cho thấy, cấy ghép tế bào gốc có thể bảo vệ và phục hồi các tế bào tiết insulin của tuyến tụy, làm giảm mức đường huyết, giảm biến chứng thần kinh do tiểu đường và các biến chứng khác. Tế bào gốc cũng có thể cải thiện lưu lượng máu đến các dây thần kinh bị tổn thương, giúp giảm đau và chữa lành các tế bào thần kinh bị tê liệt do bệnh thần kinh tiểu đường. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng một số tế bào gốc được gọi là tế bào gốc trung mô có thể giảm viêm và do đó làm giảm đau do bệnh thần kinh tiểu đường. Tế bào gốc tiếp tục được phát triển và có thể trở nên phổ biến hơn trong một tương lai không xa.
7.2. Nabilone
Nabilone là một cannabinoid tổng hợp, có một số đặc tính giống như cần sa, đôi khi được sử dụng để điều trị buồn nôn do hóa trị liệu, nhưng cũng có thể có hiệu quả trong điều trị đau do thần kinh tiểu đường. Hai nghiên cứu cho thấy, nabilone có hiệu quả trong việc giảm đau thần kinh do tiểu đường, cải thiện tâm trạng và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Những nghiên cứu này cũng chỉ ra nabilone giúp cải thiện giấc ngủ ở bệnh nhân. Điều này rất quan trọng vì đối với nhiều người, cơn đau của bệnh thần kinh tiểu đường thường diễn biến tồi tệ hơn vào ban đêm.
7.3. Chất độc Botulinum
Botulinum - một chất độc thần kinh do vi khuẩn Clostridium botulinum tiết ra, ngăn chặn tín hiệu từ chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine. Một lượng nhỏ độc tố botulinum được tiêm để vô hiệu hóa tạm thời các dây thần kinh và cơ. Botulium thường được sử dụng vì lý do thẩm mỹ hay điều trị chứng co cứng cơ. Các nghiên cứu ban đầu cho thấy, tiêm độc tố botulinum vào các vị trí đau của bệnh thần kinh tiểu đường có thể làm giảm đáng kể các cơn đau và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Cần có thêm nhiều nghiên cứu để xác định hiệu quả của phương pháp điều trị này.
7.4. Kích thích dây thần kinh dưới da bằng xung điện
Kích thích dây thần kinh dưới da bằng xung điện (TENS) được sử dụng để điều trị các cơn đau cấp tính và mãn tính. Bác sĩ sẽ sử dụng các thiết bị nhỏ cung cấp dòng điện có cường độ thấp qua các điện cực đặt gần khu vực bị đau. Một cơ chế hoạt động liên quan đến việc kích thích mạng lưới tế bào thần kinh dẫn đến giảm cảm giác đau. TENS đã được chấp nhận ở Pháp và được chi trả bởi hệ thống bảo hiểm y tế vào năm 2000.
Nhiều nghiên cứu đã kiểm tra TENS về đáp ứng trên các loại đau khác nhau bao gồm: đau cấp tính, đau thắt lưng, viêm xương khớp, đau đẻ, đau do ung thư và đau sau phẫu thuật. Trong một nghiên cứu ngẫu nhiên trên 31 bệnh nhân bị biến chứng thần kinh ngoại vi do tiểu đường được điều trị bằng TENS hoặc bằng giả dược trong vòng 4 tuần, 30 phút mỗi ngày, 83% nhóm TENS đã cải thiện triệu chứng so với 38% ở nhóm được điều trị bằng giả dược, điểm số đau trong nhóm TENS giảm từ 3,17 xuống 1,44 và các triệu chứng xuất hiện trở lại khoảng một tháng sau khi TENS chấm dứt. Trong một nghiên cứu ngẫu nhiên, mù đơn, có đối chứng với giả dược, TENS được kiểm tra kết hợp với amitriptyline để điều trị bệnh thần kinh ngoại biên gây đau mãn tính ở 26 bệnh nhân tiểu đường typ 2. Tất cả những người tham gia đều được kê đơn amitriptyline, nhưng sau 4 tuần, những người không có đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng một phần được phân ngẫu nhiên vào nhóm TENS hoặc nhóm giả dược. Cải thiện triệu chứng được báo cáo ở 85% người tham gia và 36% không có triệu chứng. Nghiên cứu cho thấy hiệu quả của việc kết hợp TENS và amitriptyline vượt trội hơn so với chỉ dùng TENS. Trong một nghiên cứu ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng, thu hút 19 bệnh nhân có biến chứng thần kinh do đái tháo đường từ nhẹ đến trung bình, sử dụng TENS đem lại những cải thiện đáng kể sau 6 tuần (-42%) và 12 tuần (-32%) điều trị. Trong một nghiên cứu khác trên 34 bệnh nhân gặp biến chứng thần kinh ngoại biên được điều trị bằng TENS, 76% người tham gia báo cáo về sự cải thiện các cơn đau thần kinh. Một phân tích tổng hợp của ba thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng thu nhận 78 bệnh nhân cho thấy, sau 4 và 6 tuần theo dõi, điểm số đau trung bình đã giảm đáng kể và ở tuần thứ 12 nhận được báo cáo về sự cải thiện các triệu chứng bệnh. Không có tác dụng phụ nào được ghi nhận. Trong một đánh giá hệ thống và phân tích tổng hợp 12 nghiên cứu khác, TENS được chứng minh cải thiện khả năng giảm đau ở những người bị bệnh thần kinh tiểu đường tốt hơn đáng kể so với nhóm dùng giả dược. Ngoài ra, kích thích điện từ không cho thấy tác dụng giảm đau.
Tiểu ban Đánh giá Công nghệ và Trị liệu của Học viện Thần kinh Hoa Kỳ đã khuyến nghị, dựa trên 4 nghiên cứu, rằng TENS “có thể có hiệu quả” và nên được xem xét để giảm đau trong điều trị bệnh thần kinh tiểu đường. Cần có nhiều nghiên cứu hơn về các cơ chế hoạt động và nghiêm ngặt hơn để kiểm tra tính hiệu quả của phương pháp này. Chống chỉ định và hạn chế đối với việc sử dụng TENS bao gồm: đang sử dụng máy trợ tim nếu TENS được sử dụng cho ngực, mất cảm giác tại khu vực dây thần kinh bị tổn thương, co giật không kiểm soát, một số loại tổn thương tủy sống, mang thai (trừ trường hợp được sử dụng để điều trị đau thắt lưng khi chuyển dạ) và khu vực các động mạch cổ.
7.5. Capsaicin
Capsaicin là thành phần trong ớt tạo nên vị cay. Khi bôi lên da, capsaicin sẽ kích thích một số dây thần kinh cảm giác liên quan đến tín hiệu đau, tạo ra mẩn đỏ và cảm giác nóng nhẹ tại vị trí bôi thuốc. Theo thời gian, các dây thần kinh này trở nên giảm nhạy cảm, không còn truyền tín hiệu đau mạnh dẫn đến giảm đau.
Vào tháng 7 năm 2020, FDA đã phê duyệt Qutenza, miếng dán có chứa 8% capsaicin tổng hợp để điều trị giảm đau tại chỗ cho bệnh nhân thần kinh do tiểu đường. Qutenza được khuyến nghị bôi một lần trong 30 phút với tối đa bốn miếng dán lên bàn chân. Da thường phải được làm tê hoặc làm mát trước khi sử dụng do capsaicin sẽ gây đau và bỏng rát.
Nhiều bằng chứng cho thấy điều trị tại chỗ bằng capsaicin 8% có hiệu quả với bệnh thần kinh ngoại vi, bao gồm cả bệnh thần kinh ngoại vi do tiểu đường. So với các chế phẩm có nồng độ thấp hơn, dạng 8% được chứng minh có tỷ lệ phần trăm các đối tượng sử dụng đạt hiệu quả giảm đau lớn hơn. Đối với bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường, một phân tích tổng hợp kết luận rằng, capsaicin 8% sử dụng tại chỗ có hiệu quả tương đương với thuốc uống như pregabalin, gabapentin và duloxetine nhưng không có tác dụng phụ toàn thân như buồn ngủ, chóng mặt và mệt mỏi. Trong một thử nghiệm lâm sàng mù đôi, 369 bệnh nhân gặp biến chứng thần kinh ngoại biên do tiểu đường được lựa chọn ngẫu nhiên để điều trị bằng một miếng dán capsaicin 8% duy nhất hoặc một miếng dán giả dược. Trong 12 tuần, nhóm điều trị đã đạt được những cải thiện giảm đau nhanh và rõ rệt so với giả dược. Cải thiện chất lượng giấc ngủ ở mức độ vừa phải trong nhóm capsaicin cũng được ghi nhận. Kết quả điều trị bằng capsaicin trong thử nghiệm này tương đương với các phương pháp điều trị đã biết khác, nhưng không có tác dụng phụ toàn thân. Trong một thử nghiệm ngẫu nhiên, 468 đối tượng bị bệnh thần kinh tiểu đường gây đau đã tham gia đánh giá độ an toàn của miếng dán capsaicin 8%. Các bệnh nhân được chia thành các nhóm sử dụng capsaicin trong 30 hoặc 60 phút. Sau 52 tuần điều trị đã nhận thấy cải thiện đáng kể ở các nhóm sử dụng capsaicin.
Ở Hoa Kỳ, capsaicin được bán không kê đơn ở nhiều dạng khác nhau, nhưng với nồng độ không quá 0,25%. Trong các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng, gel capsaicin 0,025% và kem dưỡng da 0,075% capsaicin đều không thể giúp giảm đau ở bệnh thần kinh do tiểu đường. Một số bằng chứng cho thấy miếng dán capsaicin với nồng độ 0,625% và 1,25% có thể giúp giảm đau thần kinh ngoại biên trong thời gian ngắn và có thể tạo ra cảm giác bỏng rát ít dữ dội hơn miếng dán capsaicin 8%.
8. Điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống
Thay đổi chế độ ăn uống và lối sống là điều cần thiết đối với những người bị bệnh thần kinh do tiểu đường để ngăn ngừa bệnh tiến triển thêm. Một trong những biện pháp quan trọng giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh thần kinh do tiểu đường là kiểm soát tốt hơn mức đường huyết. Chính vì mục tiêu này mà thay đổi chế độ ăn uống và lối sống có thể mang lại hiệu quả cao nhất.
8.1. Chế độ ăn
Chế độ ăn là một trong những cách giúp người bệnh tiểu đường có thể kiểm soát đường huyết mà không cần dùng thuốc. Các bữa ăn cân bằng với trái cây, rau, protein và chất béo giúp ổn định lượng đường trong máu. Ăn các bữa ăn theo lịch trình đều đặn và phối hợp các bữa ăn với thuốc điều trị bệnh tiểu đường cũng rất tốt. Ngoài ra, các mô hình ăn kiêng chẳng hạn như chế độ ăn giàu protein, ít carbohydrate hoặc chế độ ăn giàu thực phẩm ít đường đã được chứng minh là cải thiện việc kiểm soát đường huyết. Một chế độ ăn uống lành mạnh cũng sẽ giúp bệnh nhân tiểu đường giảm cân, và giúp giữ mức đường huyết thấp hơn. Đáng chú ý, một nghiên cứu cho thấy, thực hiện thay đổi chế độ ăn uống để giúp giữ mức đường huyết trong tầm kiểm soát, làm giảm các triệu chứng bệnh thần kinh do tiểu đường ở những bệnh nhân bị rối loạn dung nạp glucose, được coi là tình trạng tiền tiểu đường. Tốt nhất là, mọi người nên đặt mục tiêu mức đường huyết lúc đói là 70 -85 mg/dL, mặc dù điều này khó có thể đạt được đối với bệnh nhân tiểu đường.
8.2. Tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên rất quan trọng đối với bệnh nhân tiểu đường. Tập thể dục làm cho các mô cơ đốt cháy năng lượng, tiêu thụ lượng đường trong máu. Tập thể dục thể thao thường xuyên cũng giúp bệnh nhân tiểu đường giảm cân, đ giúp cải thiện mức đường huyết tổng thể. Ngoài ra, một nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân tiểu đường tăng mức độ hoạt động thể chất và giảm cân sẽ làm tăng số lượng ty thể trong sợi cơ xương của họ, điều này rất quan trọng vì ty thể giúp tạo ra năng lượng tế bào. Do đó, mật độ ty thể tăng lên sẽ đốt cháy năng lượng nhanh hơn, giúp giữ mức đường huyết thấp hơn. Một nghiên cứu cũng đã phát hiện ra rằng tập thể dục nhịp điệu, dưới hình thức đi bộ trên máy chạy bộ trong 4 giờ mỗi tuần, có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh thần kinh do tiểu đường.
8.3. Sức khỏe tim mạch
Một biện pháp khác giúp ngăn ngừa bệnh thần kinh do tiểu đường là cải thiện sức khỏe tim mạch. Tác động của sức khỏe tim mạch đối với bệnh thần kinh đái tháo đường đã được chứng minh bởi nhiều nghiên cứu. Bệnh nhân tiểu đường có huyết áp cao, mức cholesterol LDL và triglycerid cao có nhiều khả năng phát triển bệnh thần kinh do tiểu đường hơn. Các nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, nồng độ triglycerid cao có thể gây tổn thương thần kinh ngay cả ở những người không mắc bệnh tiểu đường. Hai nghiên cứu khác nhau cho thấy, những bệnh nhân tuân theo một kế hoạch tăng cường hoạt động thể chất (150-175 phút tập thể dục mỗi tuần), giảm cân (liên tục giảm 7% trọng lượng cơ thể) và chế độ ăn ít calo, ít chất béo đã giảm huyết áp và triglycerid, chứng minh thay đổi lối sống lành mạnh giúp ngăn ngừa bệnh thần kinh do tiểu đường.
9. Chất dinh dưỡng
Đường huyết tăng cao gây ra các biến chứng của bệnh tiểu đường, bao gồm cả bệnh thần kinh, thông qua một số cơ chế. Ví dụ, lượng glucose cao thúc đẩy quá trình viêm cũng như glycation hóa, làm giảm lưu lượng máu đến các tế bào thần kinh, góp phần gây ra bệnh thần kinh. Hầu hết các phương pháp điều trị bằng thuốc thông thường nhằm mục đích làm giảm triệu chứng mà không nhắm vào các cơ chế cơ bản này. Tuy nhiên, một số biện pháp can thiệp tự nhiên đã được chỉ ra trong các nghiên cứu để điều chỉnh các con đường sinh học là cơ sở cho sự phát triển và tiến triển của bệnh thần kinh tiểu đường. Do đó, bằng cách thực hiện các biện pháp để giữ mức đường huyết lúc đói trong phạm vi tối ưu 70 - 85 mg/dL và bổ sung các hợp chất tự nhiên giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của lượng đường dư thừa, tăng khả năng phòng vệ mạnh mẽ chống lại các biến chứng tiểu đường.
9.1. Honokiol
Honokiol là một hợp chất polyphenol từ vỏ cây thiết mộc lan (Magnolia grandifolia). Các chất chiết xuất từ vỏ cây mộc lan đã được sử dụng như thuốc an thần để cải thiện giấc ngủ và giảm lo lắng và Honorkiol đang được nghiên cứu về khả năng điều trị đau do viêm.
Giống như các polyphenol khác, Honorkiol làm giảm stress oxy hóa và chống viêm. Ngoài ra, nó có thể đi qua hàng rào máu não và tương tác với một số thụ thể dẫn truyền thần kinh. Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy Honorkiol và một số dẫn xuất của nó kích thích một số thụ thể GABA đồng thời tương tác với các thụ thể glutamate, dopamine và serotonin, ảnh hưởng đến chất dẫn truyền acetylcholine. Một dẫn xuất của Honorkiol thậm chí còn được chứng minh là có khả năng kích thích các thụ thể cannabinoid, liên quan đến việc giảm nhận thức về cơn đau.
Trong một nghiên cứu, điều trị bằng Honorkiol đã làm giảm các biểu hiện đau ở chuột trong các mô hình viêm thực nghiệm. Các phát hiện từ các nghiên cứu trên động vật khác cho thấy Honorkiol có thể làm giảm các cơn đau do viêm cấp tính mà không gây ra các phản ứng phụ về vận động hoặc nhận thức, đồng thời có thể ngăn ngừa và làm giảm một số phản ứng liên quan đến đau mãn tính trong não.
9.2. Palmitoylethanolamide
Palmitoylethanolamide (PEA) là một lipid tự nhiên có mặt trong các mô khắp cơ thể, bao gồm cả hệ thần kinh trung ương. Nó cũng có thể được tìm thấy trong các loại thực phẩm như lecithin đậu nành, lòng đỏ trứng và đậu phộng. Ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy việc bổ sung PEA có hiệu quả giảm đau do nhiều nguyên nhân mà không gây ra tác dụng phụ bất lợi. Hầu hết các nghiên cứu tiền lâm sàng hiện có chỉ ra rằng PEA hoạt động bằng cách thay đổi biểu hiện của một số gen nhất định và giảm tín hiệu viêm, một số cơ chế khác cho tác dụng giảm đau cũng đã được đề xuất, bao gồm khả năng kích thích tín hiệu thông qua các thụ thể cannabinoid trong hệ thần kinh.
Một số thử nghiệm lâm sàng đã chỉ ra rằng PEA có thể giảm đau do nhiều nguyên nhân, bao gồm bệnh thần kinh do tiểu đường, bệnh thần kinh ngoại biên do hóa trị, chèn ép dây thần kinh tọa, viêm xương khớp, đau thắt lưng, phẫu thuật thất bại, đau dây thần kinh liên quan đến đột quỵ, đa xơ cứng, đau răng, đau vùng chậu mãn tính, đau dây thần kinh sau nhiễm Herpes và đau âm đạo. Trong một nghiên cứu quan sát về những người bị đau mãn tính do nhiều tình trạng khác nhau, những người không thể kiểm soát cơn đau của họ bằng các liệu pháp thông thường, việc bổ sung 600 mg PEA 2 lần/ngày trong 3 tuần, sau đó 1 lần/ngày trong 4 tuần, làm giảm điểm đau trung bình ở tất cả những người hoàn thành nghiên cứu.
Trong một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng, 636 người tham gia bị đau do chèn ép dây thần kinh tọa chia làm 3 nhóm, sử dụng 300 mg PEA mỗi ngày, 600 mg PEA mỗi ngày hoặc giả dược kết hợp với các loại thuốc giảm đau thông thường của họ trong ba tuần. Cả hai liều PEA đều cho kết quả giảm đau nhiều hơn so với giả dược, và liều cao hơn có hiệu quả hơn liều thấp hơn. Trên thực tế, những người trong nhóm dùng 600 mg giảm hơn 50% điểm đau. Ở 118 bệnh nhân đau dây thần kinh, điều trị tiêu chuẩn kết hợp sử dụng 600 mg PEA mỗi ngày trong 30 ngày có hiệu quả hơn so với điều trị tiêu chuẩn đơn thuần. Một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên cho thấy sử dụng 900 mg/ngày PEA trong một tuần, sau đó là 600 mg/ngày trong một tuần có hiệu quả hơn ibuprofen, với liều 600 mg, ba lần mỗi ngày trong hai tuần để giảm đau khớp thái dương.
Các chế phẩm vi mô của PEA cũng đã được nghiên cứu. Quá trình vi mô hóa làm các hạt nhỏ hơn và được hấp thụ dễ dàng hơn. PEA vi mô với liều 600–1.200 mg/ngày, giảm đau ở bệnh nhân tiểu đường hoặc đau dây thần kinh do chấn thương, đau mãn tính sau phẫu thuật thất bại và đau cấp tính trong nhổ răng. Trong một báo cáo về 100 trường hợp đau dây thần kinh do rối loạn cột sống, việc bổ sung PEA siêu vi trong liệu pháp kiểm soát cơn đau đã cho thấy kết quả đầy hứa hẹn. Một phân tích tổng hợp cho thấy những phụ nữ bị đau vùng chậu mãn tính do lạc nội mạc tử cung thu được hiệu quả giảm đau khi kết hợp 800 mg PEA vi lượng với 80 mg polydatin mỗi ngày (polydatin là một chất khử gốc tự do tự nhiên có trong nho và rượu vang đỏ). Trong một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng, sự kết hợp của PEA và polydatin được chứng minh có hiệu quả hơn giả dược trong việc giảm đau bụng ở bệnh nhân hội chứng ruột kích thích.
9.3. Axit lipoic
Axit lipoic là một hợp chất tự nhiên trong cơ thể, có nhiều tác dụng có lợi, đặc biệt là trong chuyển hóa glucose. Trên thực tế, axit lipoic là một phương pháp điều trị bệnh thần kinh do tiểu đường đã được phê duyệt ở Đức. Ngoài ra, axit lipoic có thể ảnh hưởng tích cực đến quá trình chuyển hóa glucose ở bệnh nhân tiểu đường. Các cơ chế quan trọng mà axit lipoic giúp chống lại bệnh thần kinh do tiểu đường bao gồm ức chế quá trình glycation và viêm. Axit lipoic cũng có thể bảo vệ các tế bào thần kinh chống lại tổn thương do oxy hóa, cải thiện lưu lượng máu đến các dây thần kinh và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Trong các nghiên cứu trên động vật, axit lipoic được chứng minh có thể ngăn ngừa các rối loạn chức năng thần kinh do lượng đường trong máu cao.
Một thử nghiệm cho thấy sử dụng 3 liều hàng ngày 600 mg axit alpha-lipoic trong 3 tuần có thể cải thiện triệu chứng đáng kể ở 12 bệnh nhân bị bệnh thần kinh do tiểu đường. Trong một thử nghiệm khác, 181 bệnh nhân được chia thành các nhóm dùng giả dược, dùng 600, 1200 hoặc 1800 mg axit alpha-lipoic mỗi ngày. Cải thiện triệu chứng đáng kể đã được ghi nhận ở nhóm 1800 mg/ngày trong vòng ít nhất một tuần, với nhóm 600 và 1200 mg được cải thiện vào tuần thứ 2. Trong cả hai thử nghiệm này người ta nhận thấy cảm giác đau và bỏng rát đã được giảm bớt. Một nghiên cứu riêng biệt cho thấy, việc uống 600 mg axit lipoic mỗi ngày trong suốt 4 năm đã cải thiện các triệu chứng bệnh thần kinh và làm chậm sự tiến triển của bệnh thần kinh do tiểu đường từ nhẹ đến trung bình.
Các thử nghiệm khác cho thấy axit lipoic tiêm tĩnh mạch cũng có lợi cho bệnh nhân thần kinh do tiểu đường. Một nghiên cứu tiết lộ rằng tiêm tĩnh mạch hàng ngày axit alpha-lipoic trong 2-4 tuần là một phương pháp điều trị hiệu quả đối với bệnh thần kinh do tiểu đường.
Axit lipoic có sẵn dưới dạng thực phẩm bổ sung ở 2 dạng: axit alpha-lipoic và axit R-lipoic. Các bằng chứng cho thấy muối natri của axit R-lipoic có sinh khả dụng cao hơn axit alpha-lipoic.
9.4. N-acetylcysteine
N-acetylcysteine (NAC) là một phân tử nhỏ có thể đi qua màng tế bào và đóng vai trò như một tiền chất cho axit amin cysteine, bản thân nó có chức năng như một chất chống oxy hóa và giúp tăng nồng độ của glutathione - một chất chống oxy hóa tự nhiên khá,. NAC đã được chứng minh là bảo vệ các tế bào thần kinh khỏi quá trình oxy hóa, ngăn chặn sự hình thành của AGEs. Nhiều nghiên cứu trên các mô hình động vật về bệnh thần kinh do đái tháo đường cho thấy NAC ngăn ngừa sự chết của noron thần kinh và các tổn thương khác.
9.5. Acetyl L-Carnitine (ALC) và L- Carnitine
Carnitine là một hợp chất giống axit amin, quan trọng trong việc sản xuất năng lượng của ty thể. Vai trò của carnitine đối với bệnh thần kinh tiểu đường được quan tâm bắt nguồn từ bằng chứng cho thấy bệnh nhân tiểu đường có biến chứng, bao gồm bệnh thần kinh do tiểu đường, có lượng carnitine tự do và toàn phần trong máu thấp hơn so với bệnh nhân tiểu đường không có biến chứng. Kết quả là, ALC và L- carnitine đã được nghiên cứu là phương pháp điều trị tiềm năng cho bệnh thần kinh do tiểu đường. Bổ sung carnitine có thể cải thiện tình trạng kháng insulin, cho phép các tế bào sử dụng glucose hiệu quả hơn, giúp tái tạo các sợi thần kinh bị tổn thương hoặc giúp các tế bào thần kinh bị tổn thương vận chuyển các thành phần nội bào hiệu quả hơn.
Nhiều thử nghiệm trên người đã được tiến hành về tác dụng của việc bổ sung carnitine đối với bệnh thần kinh do tiểu đường. Một nghiên cứu cho thấy L- carnitine (2 g mỗi ngày trong 10 tháng) cải thiện tốc độ dẫn truyền thần kinh, vốn bị suy giảm trong bệnh thần kinh do tiểu đường. Các nghiên cứu được thực hiện trên ALC cho thấy tác dụng giảm đau, cải thiện cảm giác rung ở chân và tăng khả năng tái tạo dây thần kinh ở những bệnh nhân bị bệnh thần kinh do tiểu đường. Các chất bổ sung carnitine cũng có thể hỗ trợ điều trị bệnh thần kinh thực vật do bệnh tiểu đường gây ra; một nghiên cứu được thực hiện trên mô hình động vật cho thấy ALC làm giảm các dấu hiệu tim mạch của bệnh thần kinh thực vật do tiểu đường.
9.6. Vitamin nhóm B
Vitamin nhóm B là một loại vitamin đóng nhiều vai trò trong cơ thể, đặc biệt là trong việc tạo ra năng lượng tế bào và chức năng của hệ thần kinh.
Thiamine (B1) và benfotiamine.
Thiếu thiamine có thể trực tiếp gây ra bệnh thần kinh. Nghiên cứu ban đầu cho thấy thiamine có thể được sử dụng để điều trị bệnh thần kinh do tiểu đường gây đau. Benfotiamine là một dẫn xuất hòa tan trong chất béo của thiamine, có thể hấp thụ dễ dàng hơn. Benfotiamine có thể điều chỉnh một số con đường gây ra bệnh thần kinh do tiểu đường như: hình thành AGEs, con đường protein kinase C và những thay đổi gây hại xảy ra trong tế bào do lượng glucose cao. Nhiều thử nghiệm lâm sàng đã kiểm tra tác dụng của benfotiamine đối với bệnh thần kinh do tiểu đường và phát hiện ra rằng, đặc biệt với liều từ 300 đến 600 mg mỗi ngày, nó có thể làm giảm các triệu chứng bệnh thần kinh do tiểu đường, đặc biệt là giảm đau.
Vitamin B12. Vitamin B12 rất quan trọng đối với chức năng của hệ thần kinh, thiếu vitamin này có thể gây ra bệnh thần kinh ngoại biên. Ngoài ra, những người bị bệnh thần kinh do tiểu đường thường có nồng độ cao homocysteine gây hại cho mạch máu. Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra những lợi ích tiềm năng của việc bổ sung vitamin B12 trong điều trị bệnh thần kinh do tiểu đường; dạng vitamin B12 được gọi là methylcobalamin có ái lực với mô thần kinh, đã được nghiên cứu rộng rãi về vấn đề này. Các nghiên cứu trên mô hình động vật về bệnh thần kinh do đái tháo đường đã phát hiện ra rằng methylcobalamin có thể giảm thiểu thiệt hại do bệnh thần kinh đái tháo đường gây ra, bằng cách điều chỉnh con đường tín hiệu protein kinase C hoặc kích hoạt các tín hiệu hóa học giúp bảo vệ và tái tạo tế bào thần kinh.
Các nghiên cứu lâm sàng cũng đem lại những kết quả đầy hứa hẹn. Sử dụng kết hợp 2 mg methylcobalamin, 3 mg L-methylfolate (một dạng axit folic) và 35 mg pyridoxal 5'-phosphate (một dạng vitamin B6) đã được chứng minh trong nhiều thử nghiệm lâm sàng có thể cải thiện các triệu chứng của bệnh thần kinh và giúp bảo vệ các dây thần kinh nhỏ ở chi dưới. Sự kết hợp của ba chất này được phát hiện đã giúp giảm chi phí nằm viện và chăm sóc y tế ở những người bị bệnh thần kinh do tiểu đường. Các nghiên cứu chỉ riêng về methylcobalamin cũng được khuyến khích. Cả methylcobalamin uống (1500 mcg mỗi ngày) và methylcobalamin tiêm (2000 mcg mỗi ngày) đều được phát hiện có thể cải thiện tình trạng tê, phản xạ nhạy cảm với rung động, kích thích kim châm, dáng đi và đau.
Folate và vitamin B6. Giống như methylcobalamin, vitamin B6 rất quan trọng đối với chức năng thần kinh, còn folate giúp cải thiện chức năng của các mạch máu cung cấp cho dây thần kinh. Như đã trình bày ở phần trước, các dẫn xuất của folate và vitamin B6 đã được thử nghiệm trong các thử nghiệm lâm sàng, cùng với methylcobalamin, và cho kết quả khả quan.
9.7. Vitamin C và E
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, bệnh nhân bị tiểu đường có hàm lượng vitamin C thấp trong cơ thể. Một bằng chứng khác chỉ ra những người bị bệnh thần kinh đái tháo đường thường bị giảm vitamin C có thể là do cơ thể sử dụng chúng. Điều này cho thấy, bệnh thần kinh do đái tháo đường gây thêm áp lực cho cơ thể trong việc dự trữ vitamin C. Mức độ giảm của vitamin E cũng được thấy ở những người bị bệnh thần kinh đái tháo đường và động vật bị đái tháo đường. Chỉ riêng việc bổ sung vitamin E đã được phát hiện để cải thiện các dấu hiệu của bệnh thần kinh ngoại biên và cũng có thể cải thiện sự dẫn truyền thần kinh ở những người mắc bệnh tiểu đường typ 2. Ngoài ra, điều trị bằng vitamin C và E đã được chứng minh là có lợi trên cả mô hình động vật bị bệnh thần kinh do tiểu đường và một thử nghiệm lâm sàng khác.
9.8. Khoáng chất
Một nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân đái tháo đường có lượng kẽm, crom và mangan trong tóc và máu thấp hơn, sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng này có thể liên quan đến bệnh thần kinh do tiểu đường. Hơn nữa, bệnh tiểu đường là bệnh phổ biến nhất gây ra tình trạng thiếu magie thứ phát, với 25-30% bệnh nhân tiểu đường typ 1 và 13,5 - 47,7% bệnh nhân tiểu đường typ 2. Trên một mô hình động vật chuột mắc bệnh tiểu đường, sử dụng magie đường uống hoặc hợp chất giải phóng magie giúp bảo vệ thần kinh khỏi bệnh thần kinh do tiểu đường. Một thử nghiệm lâm sàng cũng cho thấy 500 mg magie bổ sung đường uống hàng ngày trong 5 năm làm chậm sự tiến triển của bệnh thần kinh đái tháo đường ở người. Kẽm cũng đã được chứng minh là một phương pháp điều trị bệnh thần kinh tiểu đường. Các nghiên cứu lâm sàng đã phát hiện ra rằng, bổ sung kẽm giúp cải thiện kiểm soát đường huyết và làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh. Cuối cùng, một nghiên cứu lâm sàng cho thấy, việc bổ sung các vi chất dinh dưỡng, bao gồm kẽm và magiê, cùng với vitamin C và E, có hoặc không có vitamin nhóm B, trong 4 tháng đã cải thiện các dấu hiệu của bệnh thần kinh do tiểu đường.
9.9. Axit béo omega-3
Axit béo omega-3 trong lịch sử đã được nghiên cứu về tác dụng với các bệnh mạch máu, vì chế độ ăn giàu axit béo omega-3 có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Một số mô hình động vật đã gợi ý vai trò tiềm năng của chất béo omega-3. Một giả thuyết cho rằng, bệnh thần kinh do tiểu đường có liên quan việc giảm axit béo omega-3 trong màng của các dây thần kin. Hai nghiên cứu khác trên mô hình động vật cho thấy rằng việc bổ sung axit béo omega-3 đã cải thiện các dấu hiệu của bệnh thần kinh đái tháo đường.
9.10. Curcumin
Curcumin là một hoạt chất màu vàng, thành phần chính của cây Nghệ (Curcuma longa). Curcumin có đặc tính chống viêm. Bằng chứng cho thấy curcumin có tác dụng thông qua việc giảm mức độ hoạt động của gốc tự do NO và ngăn chặn chất trung gian gây viêm TNF-α. Do đó, nó có thể cản trở tín hiệu đau từ các dây thần kinh bị tổn thương do bệnh thần kinh tiểu đường cũng như ngăn chặn quá trình oxy hóa gây tổn thương dây thần kinh.
Bằng chứng chính cho việc sử dụng curcumin trong bệnh thần kinh tiểu đường bắt nguồn từ các nghiên cứu tiền lâm sàng. Trong một mô hình động vật, curcumin đã được sử dụng để giảm tổn thương do oxy hóa ở các dây thần kinh từ hệ thống thần kinh trung ương và ngoại vi. Các nghiên cứu bổ sung đã phát hiện ra rằng curcumin có tác dụng chống viêm và giảm nhạy cảm với cơn đau ở các mô hình động vật mắc bệnh này.
9.11. Vitamin D
Sự thiếu hụt vitamin D được báo cáo là một yếu tố nguy cơ độc lập đối với sự phát triển của bệnh thần kinh tiểu đường, và việc bổ sung có thể hữu ích cho một số bệnh nhân tiểu đường bị bệnh thần kinh ngoại vi. Sự thiếu hụt vitamin D có ở những người mắc cả bệnh tiểu đường typ 1 và typ 2, phổ biến hơn ở những bệnh nhân tiểu đường có biến chứng thần kinh. Một nghiên cứu đối với những người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường đã báo cáo rằng, sự thiếu hụt vitamin D (mức dưới 30 ng/mL) có liên quan đến các triệu chứng bệnh thần kinh do tiểu đường. Hai bài báo khác đã được công bố về tác dụng của việc bổ sung vitamin D ở những người bị bệnh thần kinh do tiểu đường và thiếu hụt vitamin D. Một nghiên cứu trên 51 bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường typ 2 cho thấy bổ sung vitamin D làm giảm mức độ đau gần 50% và cho rằng vitamin D có thể được sử dụng như một “thuốc giảm đau” ở những bệnh nhân bị đau do bệnh thần kinh tiểu đường. Thứ hai là một báo cáo trường hợp của một bệnh nhân bị thiếu vitamin D và bị thần kinh do tiểu đường đến mức phải sử dụng thuốc giảm đau có chất gây mê để kiểm soát các triệu chứng. Cá nhân này đã giảm đau đáng kể nhờ bổ sung vitamin D, cho thấy rằng uống vitamin D có thể giúp giảm đáng kể các triệu chứng bệnh thần kinh do tiểu đường.
9.12. Resveratrol và chiết xuất hạt nho
Resveratrol là một chất phytochemical tự nhiên được tìm thấy trong nho, rượu vang đỏ và hà thủ ô Nhật Bản. Trong một mô hình động vật mắc bệnh tiểu đường, resveratrol đã được chứng minh là có khả năng bảo vệ chống lại bệnh thần kinh do khả năng ức chế viêm cũng như giảm stress oxy hóa và tổn thương DNA. Trong một nghiên cứu tiền lâm sàng khác, resveratrol được phát hiện làm giảm độ nhạy cảm với cơn đau khi kết hợp với insulin.
Các hợp chất có nguồn gốc từ hạt nho được gọi là proanthocyanidins, trên một mô hình động vật bị bệnh tiểu đường, đã được chứng minh là cải thiện tốc độ dẫn truyền trong dây thần kinh vận động và điều chỉnh cảm giác đau; chúng cũng làm giảm tổn thương vỏ bảo vệ myelin bao quanh dây thần kinh. Ngoài ra, chúng làm giảm sản xuất AGEs, điều này cho thấy chúng làm giảm tổn thương các dây thần kinh do bệnh thần kinh do tiểu đường.
Nguồn: Lifeextension
Tài liệu tham khảo đến từ các nghiên cứu trên thế giới:
https://www.lifeextension.com/protocols/neurological/neuropathy
http://www.diabetes.org/living-with-diabetes/complications/neuropathy/
http://www.diabetes.org/living-with-diabetes/complications/neuropathy/additional-types-of-neuropathy.html
Randomized split-mouth study on postoperative effects of palmitoylethanolamide for impacted lower third molar surgery - PubMed (nih.gov)
Protective effects of combined therapy of gliclazide with curcumin in experimental diabetic neuropathy in rats - PubMed (nih.gov)
Topical capsaicin for pain management: therapeutic potential and mechanisms of action of the new high-concentration capsaicin 8% patch - ScienceDirect
Efficacy of Palmitoylethanolamide for Pain: A Meta-Analysis | Request PDF (researchgate.net)
The natural products magnolol and honokiol are positive allosteric modulators of both synaptic and extra-synaptic GABA(A) receptors - PubMed (nih.gov)
Advanced glycation endproducts--role in pathology of diabetic complications - PubMed (nih.gov)
Advanced glycation endproducts: what is their relevance to diabetic complications? - Ahmed - 2007 - Diabetes, Obesity and Metabolism - Wiley Online Library
Critical review of oral drug treatments for diabetic neuropathic pain-clinical outcomes based on efficacy and safety data from placebo-controlled and direct comparative studies - PubMed (nih.gov)
Oxidative damage is ameliorated by curcumin treatment in brain and sciatic nerve of diabetic rats - PubMed (nih.gov)
Gender differences in the onset of diabetic neuropathy - PubMed (nih.gov)