Bệnh đái tháo đường tác động như thế nào đến hệ miễn dịch của bạn?
Ngày: 30/01/2021 lúc 23:47PM
Đái tháo đường týp 1 là một loại bệnh tự miễn. Có người đã thật sự nghĩ rằng hệ miễn dịch của họ sẽ bị ảnh hưởng nhiều khi mắc đái tháo đường týp 1. Nhưng bên cạnh đó, những người khác không mắc bệnh lại dễ bị cảm lạnh và lâu khỏi hơn họ. Vậy điều gì đã xảy ra?
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, đặc biệt khi những người có bệnh lý nền như tiểu đường vẫn luôn là nhóm nằm phía trên cùng của danh sách rủi ro liên quan đến loại virus mới này. Việc hiểu rõ về hệ thống miễn dịch của chúng ta và tác động của đái tháo đường trên hệ miễn dịch là điều rất cần thiết.
Hãy cùng Thái Nhiên tìm hiểu 9 khám phá quan trọng dưới đây về chủ đề này:
Hệ thống miễn dịch là một “hàng rào ba lớp”
Trước hết, bạn có biết rằng hệ thống miễn dịch của chúng ta gồm có “3 lớp” – hay 3 cơ chế? Nghiên cứu đã chỉ ra ba hàng rào của hệ thống miễn dịch bao gồm:
- Lớp đầu tiên được tạo bởi da và màng nhầy. Nó hoạt động như một hàng rào vật lý bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân gây hại.
- Lớp thứ hai là “hệ thống miễn dịch bẩm sinh”, một đáp ứng miễn dịch tác dụng rộng, ngắn hạn và không đặc hiệu với các vi trùng gây bệnh (còn gọi là các mầm bệnh) như vi khuẩn hay virus.
- Các vi khuẩn có thể trốn tránh qua hàng rào miễn dịch bẩm sinh sẽ gặp hàng rào bảo vệ thứ ba – một cơ chế miễn dịch mạnh mẽ, đó là “đáp ứng miễn dịch thu được”. Tại đây, các tế bào bạch cầu lympho B hay lympho T sẽ tấn công mạnh mẽ, có tính đặc hiệu cao với các tác nhân gây bệnh cụ thể.
Hệ thống miễn dịch có đáp ứng khác nhau giữa tác nhân gây bệnh là virus và vi khuẩn
Cơ thể phản ứng với vi khuẩn gây bệnh bằng cách tăng lưu lượng máu cục bộ (hình thành phản ứng viêm). Ngoài ra, hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể tóm bắt các vi khuẩn và giúp tiêu diệt chúng. Các kháng thể cũng có thể bất hoạt các độc tố do một số vi khuẩn gây bệnh đặc biệt tạo ra, như vi khuẩn uốn ván hoặc bạch hầu. Thuốc kháng sinh điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn bằng cách tiêu diệt các chủng vi khuẩn cụ thể hoặc ngăn chặn chúng sinh sôi.
Khi bạn bị nhiễm virus – như COVID-19, cơ thể sẽ bị xâm nhập bởi các vi sinh vật cực nhỏ, thậm chí còn nhỏ hơn vi khuẩn. Virus là loài ký sinh, có nghĩa là chúng cần các tế bào hoặc mô sống để phát triển và nhân lên. Một số loại virus thậm chí còn giết chết các tế bào vật chủ như một phần trong vòng đời của chúng.
Hệ thống miễn dịch có thể chống lại virus theo hai cách khác nhau:
- Đáp ứng miễn dịch bẩm sinh là tuyến phòng thủ đầu tiên, trong khi virus đang sao chép để nhân lên trong cơ thể.
- Đáp ứng miễn dịch thu được sẽ được khởi động khi các tế bào bị nhiễm virus.
Nếu không có sự can thiệp điều trị y tế, nhiễm virus sẽ trở nên rất phức tạp vì chúng có thể thay đổi và thích nghi. Đó là lý do vaccin cúm cần được tiêm phòng hàng năm.
Các chức năng cơ bản của hệ thống miễn dịch sẽ không bị ảnh hưởng nếu người đái tháo đường týp 1 kiểm soát tốt lượng đường trong máu
Theo chia sẻ của theo Tiến sĩ Richard Jackson, bác sĩ nội tiết và cựu giám đốc y tế tại Trung tâm Tiểu đường Joslin, Boston, Hoa Kỳ.
Phần tự miễn của bệnh đái tháo đường type 1 rất đặc biệt, vì chỉ các tế bào beta trong tiểu đảo tụy bị phá hủy – chứ không phải tất cả các tế bào khác trong tiểu đảo tụy và trong tuyến tụy. Do đó, theo tất cả những cách thông thường, hệ thống miễn dịch vẫn ổn.
Một số rối loạn nội tiết tự miễn khác có khả năng xảy ra cao hơn nếu bạn mắc bệnh tiểu đường týp 1. Phổ biến nhất là các bệnh tuyến giáp tự miễn, dẫn đến tuyến giáp bị suy giảm hoạt động hoặc hoạt động quá mức.
Điều này có nghĩa là nếu người bệnh đái tháo đường týp 1 kiểm soát tốt và duy trì lượng đường huyết ổn định, khả năng bị cảm lạnh hoặc cúm của họ sẽ không khác người bình thường.
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, vấn đề của những người mắc bệnh đái tháo đường trong việc nhiễm virus như COVID-19, là họ có nguy cơ biến chứng hoặc tử vong cao hơn khi nhiễm bệnh.
Để làm rõ, Jackson lưu ý rằng khi hầu hết các nhà chức trách nói những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao, là “họ đang nghĩ đến những người lớn tuổi mắc bệnh tiểu đường týp 2 có thể mắc nhiều bệnh đi kèm, không phải người mắc bệnh tiểu đường týp 1”.
Ông cho biết thêm: Những người tiểu đường kiểm soát kém đường huyết có nguy cơ bị nhiễm trùng và gặp nhiều bệnh phức tạp cao hơn – nhưng khi đó lượng đường của bạn phải khá cao trong một thời gian dài.
Hệ thống miễn dịch suy yếu KHÔNG phải là nguyên nhân gây ra cảm lạnh thông thường
Mắc một bệnh tự miễn như đái tháo đường týp 1 không khiến bạn dễ bị cảm lạnh thông thường. Vấn đề là khi bạn bị ốm, tình trạng có thể trở nên nghiêm trọng hơn và bạn có nguy cơ bị nhiễm toan ceton (DKA). Do đó, người bệnh đái tháo đường týp 1 cần có kế hoạch chăm sóc bản thân đặc biệt khi bị ốm, nhằm kiểm soát lượng đường trong máu ổn định.
Theo Tiến sĩ Martin Gleixner thuộc Viện Y học Tự nhiên Boucher, Canada: “Bị cảm lạnh một đến hai lần mỗi năm thực sự là dấu hiệu của một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Bạn có thể coi bệnh nhiễm trùng như một đợt điều chỉnh hàng năm của cơ thể… Không bao giờ bị ốm (hoặc khi cảm lạnh và cúm kéo dài nhiều tuần) là dấu hiệu của hệ thống miễn dịch suy yếu.”
Dị ứng cũng là một “lỗi” của hệ thống miễn dịch
Nếu bạn đã từng đến gặp bác sĩ chuyên khoa dị ứng, bạn có thể nhận thấy một tấm biển trên cửa: “Dị ứng và Miễn dịch học ”. Đúng vậy, dị ứng và miễn dịch đi đôi với nhau.
Vì lý do nào đó, ở những người bị dị ứng, hệ thống miễn dịch của họ phản ứng mạnh với chất gây dị ứng đáng lẽ nên bị bỏ qua. Chất gây dị ứng có thể là một loại thức ăn, một loại phấn hoa, hoặc một loại lông động vật nhất định. Ví dụ, một người bị dị ứng với một loại phấn hoa nào đó sẽ bị sổ mũi, chảy nước mắt, hắt hơi…
Những người đang mắc một bệnh tự miễn cũng có thể dễ mắc bệnh tự miễn thứ hai. Như trong trường hợp của đái thái đường týp 1, bệnh thứ hai đó thường là bệnh tuyến giáp tự miễn, hoặc như bạn đã đoán được – là tình trạng dị ứng một số tác nhân.
Bệnh tự miễn chủ yếu là vấn đề của phụ nữ
Không may rằng phụ nữ là nhóm đối tượng thường mắc bệnh tự miễn hơn nam giới, điều này đã gây khó khăn cho các nhà nghiên cứu trong nhiều thập kỷ. Bằng chứng mới cho thấy điều này có thể liên quan đến một yếu tố quan trọng được gọi là VGLL3 mà các nhà nghiên cứu tìm thấy nhiều hơn ở da phụ nữ so với nam giới.
Một lý thuyết khoa học khác cho rằng testosterone trong cơ thể nam giới giúp bảo vệ họ khỏi bệnh tự miễn.
Khi đã được chẩn đoán bệnh tự miễn, dường như không có bất kỳ sự khác biệt nào về mức độ nghiêm trọng hoặc tiến triển của bệnh giữa 2 giới. Nhưng về tổng thể, hệ thống miễn dịch của phụ nữ có xu hướng dễ gặp các vấn đề tự miễn hơn.
Giải pháp số 1 để tăng cường hệ miễn dịch của bạn là giải tỏa stress
Tiến sĩ sinh lý thần kinh Carl J. Charnetski của Đại học Wilkes ở Pennsylvania cho biết: “Nhiều bằng chứng cho thấy stress và các chất do cơ thể tiết ra khi stress có tác động tiêu cực đến khả năng duy trì sức khỏe của bạn. Có hàng chục, nếu không muốn nói là hàng trăm các nghiên cứu chứng minh rằng stress ảnh hưởng như thế nào đến khả năng phản ứng của cơ thể đối với nhiễm trùng.”
Điều này cũng đúng đối với những người mắc bệnh tiểu đường nói riêng và mọi người nói chung.
Hiện nay, những lo lắng về virus corona, thị trường chứng khoán và sự gián đoạn cuộc sống nói chung đã khiến chúng ta phải đối mặt với tình trạng stress ngày một nặng nề hơn, nhưng stress cũng có thể khiến bạn dễ mắc các bệnh hô hấp hơn.
Các gợi ý để giải tỏa stress bao gồm: tập thể dục, thiền, tập hít thở sâu và nói chuyện với nhà trị liệu tâm lý.
Những chú ý khác để tăng cường hệ thống miễn dịch bao gồm:
- không hút thuốc
- tránh uống quá nhiều rượu
- cải thiện thói quen ngủ
- thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, chủ yếu là thực phẩm chưa hoặc ít qua chế biến
- cung cấp đủ vitamin D
Vitamin C có thực sự giúp tăng cường hệ miễn dịch?
Đây vẫn là một câu hỏi còn gây nhiều tranh cãi.
Vitamin C có rất nhiều lợi ích sức khỏe đã được chứng minh. Nhưng theo nhiều chuyên gia y tế, chưa thể chắc chắn rắng vitamin C thực sự tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng bổ sung vitamin C có thể làm giảm thời gian bị cảm lạnh trong dân số nói chung trung bình khoảng một ngày. Nhưng các chất bổ sung không thể giúp bạn ngăn ngừa được bệnh cảm lạnh thông thường.
Ngoài ra, theo khẳng định được công bố trên New York Times Parenting của Tiến sĩ William Schaffner - giáo sư Y tế dự phòng và các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Vanderbilt: không có bằng chứng nào cho thấy bổ sung vitamin C có thể giúp ngăn ngừa các chủng cúm như COVID-19. Nếu vitamin C có thể đem lại lợi ích, thì lợi ích đó cũng rất khiêm tốn.
Nếu bạn chọn uống vitamin C với mong muốn nâng cao sức đề kháng của cơ thể, thì bạn không cần sử dụng một lượng lớn.
Tiến sĩ William Sears thuộc Bệnh viện Nhi của Trường Y Harvard, Boston cho biết: Thông thường, mỗi người có thể bổ sung khoảng 200 miligam vitamin C mỗi ngày. Bạn có thể nhận được lượng vitamin C này thông qua việc ăn ít nhất 6 phần trái cây hoặc rau xanh.
Nếu bạn có bổ sung vitamin C, tốt nhất là bạn nên dùng chúng suốt cả ngày thay vì uống một liều lượng lớn, vì hầu hết chúng có thể được bài tiết qua nước tiểu.
Hệ miễn dịch có thể được “huấn luyện”
Các nhà nghiên cứu đã làm việc về vấn đề này trong gần hai thập kỷ, nhất là trong nghiên cứu ung thư. Với hy vọng có thể chữa khỏi bệnh bằng cách thay đổi đáp ứng của hệ thống miễn dịch.
Sau một hội nghị thượng đỉnh toàn cầu tổ chức gần đây tại Hà Lan về "miễn dịch được huấn luyện”, các chuyên gia báo cáo rằng phương pháp này vẫn còn sơ khai, nhưng “các nghiên cứu tiếp theo… sẽ cung cấp các cơ hội điều trị mới có thể được cá nhân hóa trong tương lai.”
Nguồn: healthline
Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới:
https://www.healthline.com/diabetesmine/10-little-known
https://www.healthline.com/diabetesmine/coronavirus-and-diabetes
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK279396/
https://www.healthline.com/health/signs-of-infection
https://www.healthline.com/health/how-do-antibiotics-work
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK279396/
https://www.healthline.com/diabetesmine/coronavirus-and-diabetes
https://www.cdc.gov/flu/prevent/keyfacts.htm
https://bmcmedicine.biomedcentral.com/articles/10.1186/s12916-019-1373-y
https://www.diabetes.org/coronavirus-covid-19
https://www.uwhealth.org/healthfacts/diabetes/4505.pdf
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/20465355/
https://insight.jci.org/articles/view/127291
https://www.sciencedaily.com/releases/2018/06/180605103427.htm
https://www.nytimes.com/2020/03/10/well/live/can-i-boost-my-immune-system.html
https://www.livescience.com/coronavirus-vitamin-c-myth.html
https://www.cochranelibrary.com/cdsr/doi/10.1002/14651858.CD000980.pub4/full
https://www.labiotech.eu/medical/immune-system-training-cancer/
https://www.nytimes.com/article/coronavirus-myths.html