7 sự thay đổi của tình trạng tiểu đường typ 2 sau tuổi 50
Ngày: 14/12/2020 lúc 13:44PM
Bệnh tiểu đường có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên việc kiểm soát tiểu đường typ 2 trở nên phức tạp hơn khi chúng ta già đi. Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết tiểu đường loại 2 ở tuổi 50 và các cách kiểm soát bệnh này.
Các triệu chứng có thể thay đổi
Khi bạn già đi, các triệu chứng bệnh có thể thay đổi hoàn toàn, vì tuổi tác làm che giấu một số triệu chứng. Ví dụ, ở người bệnh đái tháo đường, họ thường thấy khát nếu lượng đường trong máu tăng quá cao, nhưng ở tuổi già bạn có thể bị mất cảm giác khát hoặc không thấy sự thay đổi khác biệt nào. Bạn cần phải chú ý đến các triệu chứng của bản thân để nhận ra sự thay đổi, hãy nhớ nói chuyện với bác sĩ khi có bất kỳ một triệu chứng mới nào đó.
1. Nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn
Người cao tuổi mắc bệnh tiểu đường typ 2 có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, các cơn đau tim, đột quỵ cao hơn người trẻ tuổi mắc bệnh. Bạn cần theo dõi huyết áp và mỡ máu một cách cẩn thận. Có nhiều cách để kiểm soát các chỉ số này, ví dụ như tập thể dục, thay đổi chế độ ăn, sử dụng thuốc. Hãy thảo luận với bác sĩ về vấn đề áp dụng các biện pháp kiểm soát khi các chỉ số này tăng cao.
2. Dễ bị hạ đường huyết quá mức
Hạ đường huyết hay lượng đường trong máu thấp là một trong số các tác dụng phụ của một số loại thuốc tiểu đường. Nguy cơ hạ đường huyết tăng theo độ tuổi bởi vì khi lớn tuổi chức năng thận suy giảm khiến việc đào thải thuốc ra khỏi cơ thể kém. Thuốc bị giữ lại trong cơ thể lâu hơn dẫn đến kéo dài tác dụng hạ đường huyết, làm giảm đường huyết quá mức. Sử dụng nhiều loại thuốc, bỏ bữa, mắc các bệnh về thận hoặc các vấn đề sức khỏe khác làm tăng nguy cơ hạ đường huyết. Các triệu chứng bao gồm: lú lẫn, chóng mặt, run sợ, mờ mắt, đổ mồ hôi, đói, ngứa ran vùng miệng môi. Nếu bị hạ đường huyết, bạn cần nói chuyện với bác sĩ về liều lượng dùng thuốc điều trị tiểu đường, xem xét đến việc sử dụng liều thấp hơn.
3. Khó khăn hơn trong việc giảm cân
Đối với những bệnh nhân tiểu đường loại 2, đặc biệt là người trên 50 tuổi, việc giảm cân trở nên khó khăn hơn nhiều. Tình trạng kháng insulin nghiêm trọng hơn dẫn đến tích mỡ quanh vùng dạ dày làm chậm lại quá trình trao đổi chất. Công cuộc giảm cân mất thêm nhiều công sức. Bạn nên cắt giảm đáng kể lượng tinh bột tinh chế và thay thế chúng bằng ngũ cốc, trái cây và rau củ trong khẩu phần ăn của mình. Ghi chú thực đơn giảm cân một cách nhất quán hay tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có một kế hoạch giảm cân an toàn, hiệu quả.
4. Những biến chứng ở đôi bàn chân
Theo thời gian, các tổn thương dây thần kinh và các vấn đề tuần hoàn máu do bệnh tiểu đường gây ra có thể dẫn đến tình trạng loét chân. Bệnh này ảnh hưởng đến khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể, khi vết loét hình thành nó có thể bị nhiễm trùng nghiêm trọng. Nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách, vận động bàn chân sẽ bị hạn chế, hoặc phải cắt cụt. Khi bạn già đi, việc chăm sóc chân rất qua trọng, bạn nên giữ chân sạch sẽ, khô ráo và tránh bị thương, đi giày vừa chân với tất thoải mái. Kiểm tra kĩ bàn chân và các ngón, liên hệ ngay với bác sĩ khi bạn nhận thấy bất kỳ mảng đỏ, vết loét hay mụn nước nào.
5. Đau dây thần kinh
Thời gian mắc bệnh tiểu đường càng lâu, nguy cơ tổn thương và đau dây thần kinh càng lớn được gọi là bệnh thần kinh do tiểu đường. Tổn thương có thể xảy ra ở bàn tay, bàn chân (thần kinh ngoại vi) hoặc ở dây thần kinh nội tạng (thần kinh tự chủ). Các triệu chứng bao gồm: nhạy với kích thích, tê ngứa bỏng rát ở bàn tay hoặc bàn chân, mất thăng bằng hoặc phối hợp động tác, yếu cơ, tăng hoặc giảm tiết mồ hôi, tiểu không kiểm soát, rối loạn cương dương, khó nuốt, vấn đề về thị lực như mù đôi…Trao đổi với bác sĩ khi bạn gặp một trong số các triệu chứng này.
6. Chăm sóc sức khỏe bởi một nhóm các chuyên gia
Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến sức khỏe toàn diện, bạn cần sự phối hợp của một nhóm các chuyên gia để đảm bảo sức khỏe cơ thể mình. Nói chuyện với bác sĩ điều trị chính và đề nghị họ giới thiệu bạn với những người có chuyên môn: bác sĩ nội tiết, dược sĩ, chuyên gia bệnh tiểu đường có chứng nhận, y tá chăm sóc người bệnh tiểu đường, bác sĩ nhãn khoa, bác sĩ vận động, chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ điều trị các bệnh về thận, bác sĩ ngoại thần kinh…Kiểm tra thường xuyên với các chuyên gia để hạn chế các biến chứng mắc kèm.
7. Một lối sống lành mạnh
Bệnh tiểu đường typ 2 không thể chữa trị khỏi hoàn toàn, nhưng có thể kiểm soát bằng thuốc và sống bằng lối sống lành mạnh. Sau đây là một số chỉ dẫn cần thiết để kiểm bệnh tiểu đường loại 2 nhất là với những người trên 50 tuổi:
Uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ: lý do khiến bệnh tiểu đường typ 2 không được kiểm soát tốt là do người bệnh không tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Có thể do chi phí, tác dụng phụ hoặc không nhớ dùng thuốc, bạn cần nói chuyện với bác sĩ về vấn đề của mình.
Tập thể dục thường xuyên: hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến nghị 30 phút tập aerobic cường độ trung bình hoặc lớn ít nhất 5/tuần và tập luyện sức mạnh ít nhất 2 lần/tuần.
Tránh dùng đường và thức ăn sẵn chứa nhiều tinh bột: cắt giảm lượng đường và các thực phẩm chế biến sẵn có hàm lượng tinh bột cao, bao gồm: kẹo, nước ngọt, đồ ăn vặt đóng gói, bánh mì trắng, cơm, mì ống…
Uống nhiều nước: bạn cần uống đủ nước trong ngày và uống thường xuyên.
Giảm căng thẳng: giảm căng thẳng và thư giãn đóng vai trò quan trọng khi bạn lớn tuổi. Hãy sắp xếp thời gian cho các hoạt động như thiền, thái cực quyền, yoga, mát xa giúp giảm căng thẳng một cách hiệu quả.
Duy trì cân nặng hợp lý: hỏi bác sĩ của bạn về phạm vi cân nặng phù hợp với chiều cao và lứa tuổi. Chuyên gia dinh dưỡng sẽ giúp bạn về chế độ ăn hợp lý và các lời khuyên hữu ích cho việc giảm cân.
Kiểm tra thường xuyên sức khỏe của mình từ nhóm các chuyên gia: kiểm tra sức khỏe thường xuyên sẽ giúp bác sĩ nắm bắt các vấn đề nhỏ trước khi chúng trở nên nghiêm trọng hơn.
Tóm lại
Bạn không thể quay ngược lại thời gian, nhưng với tiểu đường loại 2 bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được. Sau 50 tuổi, bạn cần theo dõi thường xuyên mức huyết áp và mỡ máu, nhận biết các triệu chứng mới xuất hiện. Bạn và bác sĩ của mình cần theo dõi chặt chẽ các tác dụng phụ của thuốc đang sử dụng. Bạn và nhóm chuyên gia cần cùng nhau xây dựng và phát triển phương pháp điều trị cá nhân phù hợp với bạn. Khi kiểm soát bệnh tốt bạn có thể sống lâu và tận hưởng cuộc sống.
Nguồn: Healthline
Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới:
https://www.gmjournal.co.uk/diabetes-in-the-over-50-years-age-group
http://www.diabetes.org/food-and-fitness/fitness/types-of-activity/what-we-recommend.html