6 biến chứng của bệnh tiểu đường typ 2 bạn không thể coi thường

Ngày: 30/05/2021 lúc 16:34PM

Tiểu đường typ 2 là một tình trạng bệnh đòi hỏi sự theo dõi sát sao trong việc kiểm soát lượng đường trong máu. Thêm vào đó, bạn cũng phải đối mặt với nguy cơ gặp các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường typ 2 như: bệnh tim mạch, thần kinh, huyết áp cao, bệnh thận, các vấn đề về bàn chân, ...

Tự chăm sóc bản thân thật tốt là chìa khóa để quản lý hiệu quả và giảm nguy cơ biến chứng. Dưới đây là 6 biến chứng phổ biến của bệnh tiểu đường typ 2 và cách giúp bạn phòng ngừa chúng.

1. Biến chứng tim mạch

Bệnh nhân đái tháo đường typ 2 có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn bình thường (theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh - CDC). Bệnh tim mạch là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở Hoa Kỳ, và những người mắc bệnh tiểu đường typ 2 thậm chí còn có nguy cơ cao hơn. 

bien-chung-tieu-duong

Bạn nên chú ý đến các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tim mạch và kiểm soát sớm để giảm nguy cơ biến chứng. CDC báo cáo rằng các yếu tố nguy cơ chính bao gồm:

  • huyết áp cao

  • cholesterol cao

  • không hoạt động thể chất

  • chế độ ăn không lành mạnh

  • hút thuốc

  • thừa cân hoặc béo phì

  • uống quá nhiều rượu

Cách tốt nhất để giảm nguy cơ biến chứng là đặt các mục tiêu sức khỏe cá nhân và cố gắng đạt được chúng, chẳng hạn như: tập thể dục thường xuyên, có một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh.

Thuốc cũng có thể được sử dụng để điều trị các tình trạng như tăng huyết áp và tăng cholesterol. Tuy nhiên bạn cần trao đổi với bác sĩ về vấn đề này.

2. Đột quỵ

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), bệnh nhân đái tháo đường typ 2 có nguy cơ đột quỵ cao gấp 1,5 lần so với người bình thường. Nếu bạn đang phải sống chung với căn bệnh này, hãy ghi nhớ các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ dưới đây:

  • tê ở một bên cơ thể

  • chóng mặt

  • lú lẫn

  • đau đầu

  • khó nói

  • vấn đề về thị lực

Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hãy lập tức liên hệ với bác sĩ. Đột quỵ được phát hiện và điều trị càng sớm càng ít gây tổn thương cho não.

Trao đổi với bác sĩ về một kế hoạch điều trị cũng như kiểm soát hiệu quả bệnh tiểu đường typ 2 giúp bạn giảm nguy cơ bị đột quỵ. Thói quen lối sống như tập thể dục thường xuyên và ăn uống lành mạnh cũng có thể tạo ra sự khác biệt.

3. Bệnh thận tiểu đường

Bệnh thận là một biến chứng khác ảnh hưởng đến những người mắc bệnh tiểu đường typ 2. Nguyên nhân là do khi mức đường huyết quá cao, thận phải tăng cường lọc máu và các mạch máu trong thận dễ bị tổn thương hơn.

bien-chung-tieu-duong

Các triệu chứng của bệnh thận bao gồm phù, ốm yếu, buồn nôn, mất ngủ và khó tập trung.Khi xuất hiện những triệu chứng này thì chức năng thận đã bị suy giảm đáng kể, do đó bệnh thận thường khó phát hiện.

Kiểm soát lượng đường trong máu là một yếu tố quan trọng trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh thận. Huyết áp cao cũng làm tăng nguy cơ gặp các vấn đề về thận, do đó cần có kế hoạch để kiểm soát huyết áp hợp lý. Điều quan trọng là bạn cần thường xuyên gặp bác sĩ, khám sức khỏe định kì để được xét nghiệm và phát hiện sớm các dấu hiệu của biến chứng bệnh thận do tiểu đường.

4. Tăng huyết áp

Theo ADA, 2 trong số 3 người mắc bệnh tiểu đường typ 2 được báo cáo bị tăng huyết áp hoặc cần sử dụng thuốc hạ huyết áp. Nếu không được điều trị, huyết áp cao làm tăng nguy cơ bị đau tim, đột quỵ, các vấn đề về thị lực và bệnh thận.

Gặp bác sĩ và kiểm tra sức khỏe thường xuyên giúp bạn quản lý bệnh tiểu đường typ 2 và theo dõi huyết áp tốt hơn. Huyết áp cần được kiểm tra trong mỗi lần khám sức khỏe. Bạn có thể thực hiện giảm huyết áp bằng cách duy trì cân nặng khỏe mạnh hoặc giảm cân nếu cần thiết.

Nói chung, thói quen và lối sống lành mạnh có thể giúp giảm huyết áp. Hãy cố gắng có một chế độ ăn cân bằng, tập thể dục thường xuyên và dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn. Thực đơn của bạn nên bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, ít natri, tránh thuốc lá và rượu.

5. Tổn thương mắt

Những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ phát triển các bệnh về mắt cao hơn như bệnh tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể. Một biến chứng nghiêm trọng khác ảnh hưởng đến mắt là bệnh võng mạc. Tình trạng này xảy ra khi lượng đường trong máu cao gây tổn thương các mạch máu của võng mạc. Nếu không được điều trị, bệnh võng mạc ở mức nghiêm trọng có thể gây mất thị lực hoàn toàn.

Các lựa chọn điều trị mới cho bệnh võng mạc có thể ngăn ngừa mù lòa trong hầu hết các trường hợp. Hãy thường xuyên trao đổi với bác sĩ để theo dõi, kiểm soát lượng đường trong máu và làm giảm nguy cơ gặp phải tình trạng này.

6. Vấn đề về bàn chân

bien-chung-tieu-duong

Bệnh tiểu đường typ 2 làm tăng nguy cơ mắc một số biến chứng ảnh hưởng đến bàn chân. Hầu hết các vấn đề về bàn chân liên quan đến bệnh tiểu đường là do tổn thương thần kinh (hay bệnh thần kinh tiểu đường).

Biến chứng thần kinh gây ra cảm giác khó chịu ở bàn chân như ngứa ran, nóng rát và châm chích, đồng thời cũng có thể làm giảm khả năng cảm giác như đau, nóng và lạnh. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng khi gặp chấn thương của người bệnh. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, bệnh thần kinh có thể làm thay đổi cả hình dạng của bàn chân và ngón chân.

Nếu bạn đang trải qua bất kỳ triệu chứng nào ở trên, hãy trao đổi với bác sĩ ngay lập tức. Giải quyết bệnh thần kinh sớm có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng tiếp theo sau này.

Giữ lượng đường trong máu của bạn ở ngưỡng an toàn ổn định có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh thần kinh. Tập thể dục thường xuyên và mang giày thoải mái cũng có lợi. Nếu bạn đang có thói quen hút thuốc, hãy cân nhắc bỏ thuốc càng sớm càng tốt, tìm kiếm sự tư vấn của bác sĩ về các liệu pháp cai thuốc lá cũng như các chương trình giúp ích cho sức khỏe của bạn.

Tóm lại

Sống chung với bệnh tiểu đường typ 2 đồng nghĩa bạn đang sống với nguy cơ cao hơn gặp các biến chứng liên quan. Để giảm nguy cơ biến chứng, hã trao đổi với bác sĩ để tìm ra kế hoạch điều trị tiểu đường typ 2 hiệu quả. Quản lý lượng đường trong máu và các khía cạnh khác của sức khỏe cũng giúp bạn tránh được các biến chứng trong tương lai. Cố gắng hết sức để thiết lập thói quen, lối sống khoa học như giảm cân, bỏ thuốc lá, chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục nhiều hơn. Nếu cảm thấy khó khăn trong việc này, bác sĩ có thể cung cấp hướng dẫn về những thay đổi quan trọng nhất và giới thiệu cho bạn các dịch vụ, chương trình hỗ trợ.

Nguồn: healthline

Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới:

aao.org/eye-health/diseases/what-is-diabetic-retinopathy
niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/preventing-problems/diabetic-kidney-disease
diabetes.org/living-with-diabetes/complications/foot-complications/

cdc.gov/dhdsp/data_statistics/fact_sheets/fs_heart_disease.htm
diabetes.org/living-with-diabetes/complications/heart-disease/stroke.html
https://care.diabetesjournals.org/content/25/suppl_1/s71

nhs.uk/conditions/type-2-diabetes/complications/

Hạnh Nguyễn
BÌNH LUẬN
Tin cùng chuyên mục

        Dược sĩ tư vấn